Phạm Kim Anh trải lòng qua từng trang viết

09:04, 27/04/2017

Sau hơn 6 tháng sưu tầm tư liệu, tập hợp các bài báo, truyện ngắn, truyện ký, tiểu thuyết được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và đã xuất bản của nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch Phạm Kim Anh từng là hội viên của các hội: Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng, Hội Luật gia Việt Nam… để làm Tuyển tập thơ văn cho anh, chúng tôi thật sự bất ngờ

Sau hơn 6 tháng sưu tầm tư liệu, tập hợp các bài báo, truyện ngắn, truyện ký, tiểu thuyết được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và đã xuất bản của nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch Phạm Kim Anh từng là hội viên của các hội: Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng, Hội Luật gia Việt Nam… để làm Tuyển tập thơ văn cho anh, chúng tôi thật sự bất ngờ. Một gia tài văn học với hơn 12 cuốn tiểu thuyết, tập truyện ký, truyện ngắn; hàng chục bài báo, nhiều kịch bản sân khấu… đủ thấy sức đi, sức làm việc và niềm đam mê vô tận của anh đối với những sự kiện, những vấn đề thời sự trên mảnh đất Lâm Đồng và Tây Nguyên thật đáng trân trọng. Anh từng đoạt Huy chương Vàng kịch bản sân khấu “Mối tình qua tết Lirboong”; là tác giả của nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, như: Giọt nước mắt mối tình đầu, Nỗi đau trong suốt cuộc đời, Ám ảnh một tình yêu, Hoa mimosa, Sau hai lần tân hôn, Lãng đãng mây ngàn, Đừng xa nhau nữa, Người trở về, Lời cảnh báo, Hoa và gái bán hoa, Đứa con rơi, Chuyện tình của Ha Ly…
 
Bìa tập thơ văn của tác giả Phạm Kim Anh
Bìa tập thơ văn của tác giả
Phạm Kim Anh
Khi nói về nghề, Phạm Kim Anh có thể nói hằng giờ mà không biết mệt. Khi nói về đời, anh lặng lẽ như trái tim anh từng im lặng. Anh nghĩ nhiều về tính nhân văn trong văn học, nhưng cũng lưu ý đến tính nhân văn trong mọi điều ân nghĩa với cuộc đời. Trên lĩnh vực báo chí, anh như một “thư ký của thời đại” để ghi chép những sự việc, những con người cụ thể xảy ra ở cao nguyên Lâm Viên từ sau năm 1975 đến khi anh qua đời. Nhiều câu chuyện anh kể, với những dữ liệu, ngày tháng được ghi chép chính xác giúp cho người đọc hiểu hơn một giai đoạn nhiều sự việc xảy ra làm chấn động một vùng đất. Người đọc có thể hình dung ra chuyên án “F 101” bóc dỡ lực lượng Fulro trong rừng; những con người cụ thể ở các buôn làng đi theo Fulro, rồi quy hàng về với đồng bào, góp phần làm cho buôn làng bình an. Qua những bài báo, người đọc hiểu hơn một giai đoạn biết bao khó khăn, vất vả của thời bao cấp cũng như sự lạc quan yêu đời của lực lượng bảo vệ pháp luật; những hy sinh mất mát trong mỗi chiến dịch ra quân. Người đọc vẫn bắt gặp những tình yêu thương vô bờ bến của người thân, đồng chí, đồng đội sát cánh bên nhau, “chia sẻ ngọt bùi” để hoàn thành nhiệm vụ. Những con người cụ thể từng “vào sinh ra tử” trong kháng chiến, cũng như trong hòa bình, gắn bó, quyết liệt nhưng cũng nhân hậu, thương người.
 
Bên cạnh những truyện ngắn, tiểu thuyết, anh còn có nhiều bài báo đăng trên các báo, tạp chí ở địa phương và trung ương. Anh còn làm thơ và cũng có nhiều câu thơ gợi mở. Bài thơ “Đã lâu” của anh là một ví dụ: “Đã lâu không viết thơ tình,/ Bởi vì tóc chẳng còn xanh nữa rồi./ Bởi vì đơn giản em tôi,/Bây giờ cũng đã có rồi ba con./ Qua rồi cái thuở môi son,/ Quần loe, váy ngắn, guốc tròn mươi phân./ Qua rồi cái lúc tần ngần,/ Cầm hai chiếc vé đợi gần hết đêm./ Qua rồi cái lúc say mềm,/ Vì ghen nên uống cho quên nỗi sầu./ Qua rồi những lúc không đâu,/ Nửa đêm tỉnh dậy viết câu thơ buồn../ Đã lâu không viết thơ tình,/ Tự dưng cầm bút thấy mình lại yêu./ Dù cho tóc đã muối tiêu,/ Dù cho mắt vợ có nhiều chân chim./ Bài thơ nhỏ máu tự tim,/ Anh xin dành để tặng em làm quà”.   
 
Trong lá thư đề ngày 10/2/1990, Giáo sư Hồ Tấn Trai, Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Trường Đại học Đà Lạt gửi nhà văn Phạm Kim Anh, có đoạn “… Tôi vui mừng nhận thấy rằng một số nhà văn trẻ của chúng ta đã có thể làm cho ngòi bút của họ sắc sảo hơn, tinh tế hơn trước, có sức hấp dẫn mạnh hơn khi mà họ biết cách nắm bắt và vận dụng một số lý thuyết mới về một số ngành học mới liên quan đến khoa học về con người, chẳng hạn, ngoài lý thuyết về Duy vật lịch sử mà nhà văn ta quen vận dụng và vận dụng giỏi, người ta còn chú ý khai thác những cái hay của nhiều lý thuyết khác như Triết học Hiện sinh, Phân tâm học, Ký hiệu học… Tôi nghĩ rằng anh ở trong số nhà văn lớp trẻ có nhiều trăn trở, tìm tòi…”. 
 
Nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch Phạm Kim Anh đã dành nhiều thời gian cho những chuyến đi thực tế, tìm hiểu nhân vật, khai thác sự kiện và chuyển tải ý tưởng trong từng câu chuyện. Sức làm việc như thế thật quý hiếm. Giá như anh không bạo bệnh qua đời, người đọc sẽ có cơ hội đọc thêm nhiều tác phẩm của anh.
 
Với rất nhiều cố gắng, bước đầu chúng tôi đã hoàn thành 2 “Tuyển tập thơ văn Phạm Kim Anh”. Mỗi tập có độ dày từ 518 đến 700 trang. Về Tập 1 được chia thành 4 phần. Phần 1: Giới thiệu 7 truyện ngắn, truyện ký, như: Chuyện tình Ha Ly, Lửa tình yêu, Hoa quỳnh, Người trong chuyên án, Chung dòng máu đỏ, Đôi vành trăng khuyết, Chọn đường. Phần 2: Giới thiệu 20 bài báo của Phạm Kim Anh. Phần 3: Giới thiệu 30 bài thơ anh viết. Phần 4: Giới thiệu những dòng thơ, cảm nghĩ, tâm sự của người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp văn nghệ sĩ tưởng nhớ nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch Phạm Kim Anh khi nghe tin anh qua đời vào ngày 9/11/1999 tại Đà Lạt. Riêng “Tuyển tập thơ Phạm Kim Anh tập 2”, giới thiệu đến bạn đọc hai cuốn tiểu thuyết tình báo “Hoa Mimosa” và “Ám ảnh một tình yêu”.
 
TRẦN NGỌC TRÁC