Bảo tàng Lâm Đồng: Làm gì để thu hút người tham quan nhiều hơn?

09:05, 03/05/2017

Là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh, Bảo tàng Lâm Đồng trong thời gian qua đã không ngừng nỗ lực để thu hút khách đến tham quan. 

Là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh, Bảo tàng Lâm Đồng trong thời gian qua đã không ngừng nỗ lực để thu hút khách đến tham quan. 
 
Học sinh phổ thông đang tham quan tại Bảo tàng Lâm Đồng. Ảnh: T.Khiêm
Học sinh phổ thông đang tham quan tại Bảo tàng Lâm Đồng. Ảnh: T.Khiêm
Thưa vắng người đến 
 
Nằm trên đường Hùng Vương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt không xa, Bảo tàng Lâm Đồng là một tòa nhà uy nghi với khuôn viên rộng nhiều cây xanh.
 
Tại đây, hiện có khoảng 16 ngàn hiện vật văn hóa, lịch sử được trưng bày theo bề dày lịch sử của vùng đất này và cả Nam Tây Nguyên, từ thiên nhiên, con người Lâm Đồng cho đến các hiện vật phát hiện về khảo cổ học ở Lâm Đồng, những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa của người Mạ, người K’Ho người Churu…; lịch sử thành phố Đà Lạt, Đà Lạt qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước.
 
Là một địa chỉ văn hóa độc đáo nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, lượng khách đến đây nhiều ngày rất thưa thớt nên không muốn nói là cực kỳ vắng vẻ. 
 
Trong năm 2016, Bảo tàng Lâm Đồng cho biết, đã đón tiếp hơn 36 ngàn lượt khách đến tham quan, tuy nhiên đa phần trong đó là các đoàn học sinh, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh; các trường phổ thông đóng trên địa bàn. Sinh viên, học sinh đến đây để tham quan, học tập và nghiên cứu, còn lượng khách du lịch tìm đến đây rất ít, thỉnh thoảng mới có một vài du khách nước ngoài. 
 
Khi được hỏi, một số người dân sống xung quanh khu vực đã thẳng thắn chia sẻ rằng, họ chưa bao giờ  đặt chân đến đó.
 
Những nỗ lực
 
Không thể phủ nhận trong thời gian qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng - đơn vị chủ quản, cùng Bảo tàng Lâm Đồng đã và đang có những nỗ lực nhất định trong việc đưa người dân và khách du lịch đến đây thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, đa dạng hóa nguồn hiện vật trưng bày. 
 
Tuy nhiên, như bà Đoàn Thị Ngọ, Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng nhận xét rất nhiều người dân vẫn chưa có thói quen đến với những nơi có tính cộng đồng như bảo tàng hay thư viện. “Nhiều người còn mơ hồ về hai chữ “bảo tàng”, cho rằng đó là nơi chỉ dành cho những người có nhu cầu nghiên cứu khoa học” - bà nói. 
 
Để tăng sức hấp dẫn cho bảo tàng, bên cạnh tăng cường cơ sở vật chất và đa dạng hóa nguồn hiện vật trưng bày, theo bà Ngọ, thời gian qua, hằng năm, Bảo tàng Lâm Đồng thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề với tranh ảnh, hiện vật có giá trị văn hóa lịch sử vào mỗi dịp có sự kiện quan trọng của tỉnh cũng như của đất nước như các dịp kỷ niệm 30/4, Quốc khánh 2/9…
 
Ngoài ra, cán bộ và nhân viên Bảo tàng tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các đợt trưng bày triển lãm lưu động đến các địa phương trong tỉnh nhằm giới thiệu các hoạt động của mình, tạo sự gần gũi cho người xem.
 
Bảo tàng Lâm Đồng cũng thường xuyên trong năm tổ chức các buổi giao lưu văn hóa đặc thù vùng miền, liên kết với các đơn vị tổ chức các “tour” du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh để đưa du khách đến tham quan, tìm hiểu.
 
“Phải nhìn nhận khách quan rằng, so với rất nhiều bảo tàng khác trong cả nước thì Bảo tàng Lâm Đồng vẫn đang hoạt động khá hiệu quả, còn có thể bán vé được trong những năm qua” - bà Ngọ khẳng định. 
 
Dù đa phần khách đến là sinh viên, học sinh nhưng theo bà Ngọ, lượng khách này cũng có ý nghĩa rất quan trọng: “Bảo tàng đã trực tiếp góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao tri thức văn hóa, khoa học cho công chúng nói chung, tuổi trẻ học đường nói riêng thông qua các hoạt động nghiên cứu. Đó chính là đóng góp quan trọng của bảo tàng đối với quá trình đào tạo, bồi dưỡng để phát triển tri thức, nguồn lực con người” - bà nói.
 
Theo bà Ngọ, thời gian đến, Bảo tàng Lâm Đồng sẽ nỗ lực hơn nữa trong mọi hoạt động để thu hút người xem đến đây, trong đó có việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ người làm bảo tàng, thường xuyên tổ chức giao lưu, học hỏi những cách làm bảo tàng hay ở các địa phương trong nước lẫn nước ngoài cho mục tiêu đưa hoạt động bảo tàng đến với nhiều người hơn.
 
THÀNH KHIÊM