Mưa đầu mùa chỉ làm cho cà phê thêm nặng hạt, mưa làm cho chương trình Carnaval cồng chiêng, diễu hành xe tuyên truyền trên đường phố Lộc Thắng phải ngưng lại, nhưng không thể ngăn được bước chân của dòng người đổ về sân vận động Bảo Lâm để làm nên một không gian văn hóa cồng chiêng rộng lớn.
Thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm) đón gần 400 nghệ nhân cồng chiêng đến từ các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh bằng cơn mưa chiều như trút. Mưa đầu mùa chỉ làm cho cà phê thêm nặng hạt, mưa làm cho chương trình Carnaval cồng chiêng, diễu hành xe tuyên truyền trên đường phố Lộc Thắng phải ngưng lại, nhưng không thể ngăn được bước chân của dòng người đổ về sân vận động Bảo Lâm để làm nên một không gian văn hóa cồng chiêng rộng lớn.
|
Các thế hệ nghệ nhân tham gia ngày hội. Ảnh: Q.U |
Ngày hội văn hóa thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần đầu tiên được tổ chức là hoạt động có ý nghĩa như một ngày hội ngộ của những người con các dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu mừng 42 năm đất nước thống nhất. Đêm khai hội, nước mưa ướt nhẹp dưới chân, các nghệ nhân đã cháy hết mình bằng những giai âm đẹp của 12 dàn chiêng 6 người Mạ, K’Ho, Churu đến từ 12 huyện, thành trong tỉnh. Tiếng cồng chiêng lúc ầm ào, trầm hùng, khi sâu lắng hòa vào thanh âm của tù và (sừng trâu), khèn bầu M’puốt, trống, tiếng lách cách của nhạc cụ tre nứa thô sơ vọng vào núi rừng tắm gội hồn đất, hồn người. Lửa bập bùng cháy, rượu cần được mở ra, những đôi chân trần bước đi trong ánh lửa, tiếng leng ceng của tua rua cây nêu phất phơ dài thượt mỗi khi gió lùa qua. Không gian huyền hoặc có sức hút mãnh liệt. Nghi lễ mừng lúa mới của người Mạ do đoàn nghệ nhân chủ nhà Bảo Lâm trình diễn, với những nghi thức hiến tế truyền thống, tạ ơn Yàng đã cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, giờ đây thóc đã về kho, xin Yàng cho cái chiêng được đánh lên, vang tiếng để con trai con gái, người già người trẻ cùng hòa vui.
Hai hoạt động chính của ngày hội là thi không gian văn hóa cồng chiêng và hội thi đội cồng chiêng trẻ. Từ vòng tròn lớn quanh cây nêu cao ngất là biểu tượng của tình đoàn kết; 12 đoàn nghệ nhân đã tạo nên những không gian riêng cho đơn vị mình quanh những gốc cây nêu nhỏ. Không gian văn hóa cồng chiêng của 12 đội là 12 cây nêu được tác tạo công phu, được trang trí bằng những họa tiết hoa văn có tính hình tượng trời đất, vạn vật. Bên cạnh mỗi cây nêu là mô hình nhà sàn, những linh vật được sắp đặt, những vật dụng sinh hoạt quen thuộc như gùi, trái bầu khô, nhạc cụ, đầu trâu, và bếp lửa thì tỏa ra mùi thơm của các món ẩm thực truyền thống như cơm lam, thịt nướng, gà, cá nướng trui và cả rượu cần... Trên cái nền truyền thống đẹp đẽ đó, các đơn vị đều phô diễn khả năng diễn tấu cồng chiêng của mình. Tiếng cồng chiêng dài ra không dứt, hàng ngàn đồng bào nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lâm đã đến với ngày hội cùng nắm tay nhau quây quần, cùng hòa vào điệu múa xoang trong tình thân ái.
Không có ánh lửa bập bùng, không có rượu cần, cũng chẳng có cây nêu, tiếng cồng chiêng một lần nữa vang lên ở sân khấu giữa ban ngày trong Hội thi Đội cồng chiêng trẻ, nhưng cũng đủ làm lòng người náo nức. Là hoạt động chủ đạo của ngày hội văn hóa thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hội thi nhằm khẳng định một lực lượng hùng hậu đủ sức để kế cận di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ban giám khảo là những nghệ nhân giàu kinh nghiệm, hiểu phong tục, hiểu âm luật cồng chiêng như nghệ nhân K’Mák (Đạ Huoai), K’Điệp (Di Linh), K’Brẻo (Bảo Lâm), nghệ sĩ Krajan Dick (Lạc Dương)... 12 đội cồng chiêng trẻ tham gia hội thi đại diện cho các đoàn nghệ nhân, mỗi đội 12 đến 20 người (6 người đánh chiêng cho bộ chiêng 6) và đội múa xoang. Yêu cầu đặt ra: tất cả các nghệ nhân dưới 28 tuổi, đến cùng một xã làm nên một đội cồng chiêng trẻ để tranh tài. Bên cạnh đó là những yêu cầu về bài chiêng biểu diễn (xuất xứ, ý nghĩa, được đánh trong hoàn cảnh nào), kỹ thuật diễn tấu, múa xoang, trang phục truyền thống, đạo cụ đi kèm... Đội cồng chiêng Mạ của đội “chủ nhà” Bảo Lâm đã gây ấn tượng mạnh bởi những nghệ nhân trẻ là những chàng trai rắn rỏi, diễn tấu có hồn với những bước chân “máu lửa” đam mê nhún nhảy theo từng nhịp điệu, bước đi rắn rỏi mà không kém phần uyển chuyển. Bên cạnh đó là nhạc cụ trống đi kèm làm cho cồng chiêng thêm rộn rã. Đội chiêng trẻ đến từ huyện Cát Tiên xa xôi đã mang đến bài chiêng “Xin rau rừng” với ý nghĩa sâu xa: Rừng gắn bó với con người trong suốt một vòng đời và trong từng bữa ăn hàng ngày. Người Mạ (Buôn Go - Cát Tiên) xưa kia đói no nhờ rừng, nương tựa vào rừng, mỗi bữa đi rừng về trong gùi mang theo biết bao thức ăn rau củ từ rừng, trong đó đọt mây, lá bép là những loại rau không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày. Bài chiêng Xin rau rừng không chỉ xin phép cho hái rau mang về mà còn bày tỏ lòng biết ơn của đồng bào đối với thần rừng. Các thiếu nữ múa xoang lưng đeo gùi với điệu múa mô phỏng động tác hái rau làm cho bài thi sống động.
Đội cồng chiêng trẻ Lâm Hà trình tấu bài chiêng “Đuổi chim ăn lúa”, với tất cả 15 thành viên đều là nữ. Không diễn tấu “máu lửa” như các chàng trai, các cô gái đánh chiêng bằng điệu thức uyển chuyển nhẹ nhàng tạo nên nét riêng biệt, nhưng cũng có phần đơn điệu. Bên cạnh những nghệ nhân tuổi đời 20 - 28 đã xuất hiện nhiều nghệ nhân còn rất trẻ 15 - 17 tuổi ở Lộc Châu (Bảo Lộc), N’Thol Hạ (Đức Trọng) cho thấy thế hệ trẻ cũng đang trân trọng gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Những bài chiêng Chào mừng quý khách, Được mùa, Mừng mùa màng bội thu đi kèm theo những điệu Arya của đồng bào Churu, điệu xoang của đồng bào Mạ, K’Ho mô phỏng các động tác lao động sản xuất đã làm “nóng” hội thi.
Sau mỗi đội trình diễn, nghệ sĩ Krajan Dick- chủ khảo đều góp ý nhận xét về nhịp điệu, tiết tấu của từng bài chiêng, sửa lỗi sai nhịp của từng vị trí chiêng trong thang bậc âm thanh để các nghệ nhân trẻ tiếp nối một cách chân thực nhất với tiếng chiêng của cha ông, để văn hóa cồng chiêng không bị mai một, không biến tấu, luôn giữ một ngôn ngữ chung, đặc biệt là những bài chiêng cổ truyền thì không thể bị lạc điệu.
Già làng K’Thế (Lâm Hà) nói: “Thi cồng chiêng trẻ cũng là một cách để những người già chúng tôi nhìn lại thành quả chuyển giao những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của lớp trẻ. Nhưng về lâu dài, chúng tôi mong muốn nên đưa cồng chiêng vào trường học, giảng dạy cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những trường dân tộc nội trú. Bên cạnh đó, việc giảng dạy tiếng bản địa cũng rất cần, để con em đồng bào có thể viết được ngôn ngữ tiếng nói của mình. Đó là cách tốt nhất để chúng tôi trao truyền tất cả những phong tục tập quán qua ca dao tục ngữ, lời ăn tiếng nói, những bài chiêng, điệu thức cồng chiêng từ quá khứ cho thế hệ hiện tại và nối tiếp đến tương lai”.
Bên cạnh cồng chiêng, trò chơi dân “Đem thóc về kho” đã diễn ra sôi nổi giữa các đơn vị, Chạy vì sức khỏe cộng đồng cũng thu hút hàng ngàn học sinh, cán bộ và nhân dân huyện Bảo Lâm tham gia cũng góp phần làm cho ngày hội thêm vui tươi. Ngày hội đã khép lại vào đêm 28/4/2017 bằng những giải thưởng lớn nhỏ và đêm giã bạn chia tay lưu luyến, tình đoàn kết các dân tộc anh em càng thêm bền chặt. Từ ngày hội người ta có quyền tin rằng văn hóa cồng chiêng sẽ như một dòng chảy trường tồn trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ở các buôn làng dân tộc thiểu số trên miền đất Nam Tây Nguyên.
QUỲNH UYỂN