Điệu Then bên dòng Đồng Nai

09:05, 25/05/2017

Sống trên quê mới (thôn Cát An II, xã Phước Cát I, huyện Cát Tiên), nhưng những người con xa quê vẫn không nguôi nhớ lời Then luyến láy hòa trong tiếng đàn Tính dìu dặt nơi quê nhà. Tổ hát Then đàn Tính ra đời từ đó với mục đích truyền dạy, biểu diễn và bảo lưu nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tạo thêm sắc thái mới cho đời sống văn nghệ địa phương bên dòng Đồng Nai. 

Sống trên quê mới (thôn Cát An II, xã Phước Cát I, huyện Cát Tiên), nhưng những người con xa quê vẫn không nguôi nhớ lời Then luyến láy hòa trong tiếng đàn Tính dìu dặt nơi quê nhà. Tổ hát Then đàn Tính ra đời từ đó với mục đích truyền dạy, biểu diễn và bảo lưu nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tạo thêm sắc thái mới cho đời sống văn nghệ địa phương bên dòng Đồng Nai. 
 
Tổ hát Then đàn Tính trong một lần hội diễn văn nghệ. Ảnh: T.Chu
Tổ hát Then đàn Tính trong một lần hội diễn văn nghệ. Ảnh: T.Chu
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa và văn nghệ dân gian, Then có nguồn gốc từ tín ngưỡng của người Tày, người Nùng về một thế giới thần bí. Nó là loại hình diễn xướng dân gian gồm nhiều yếu tố văn hóa - nghệ thuật, như: hát, múa, đàn... và cả yếu tố tâm linh. Người Tày, người Nùng cho rằng, Mường Trời là nơi ngự trị của những nhân vật có sức mạnh siêu nhiên, chi phối mọi hoạt động của con người. Người trần mắt thịt không một ai đến được Mường Trời. Chỉ có ông Then, bà Then mới đủ khả năng đến được thế giới đó. Trong khi “đi” lên Mường Trời để dâng những lễ vật của con người, ông Then, bà Then bắt đầu hát: tay đệm đàn, miệng hát, chân xóc nhịp. Chính lời hát Then, hòa trong nhịp đàn Tính dìu dặt, cùng tiếng xóc nhịp khoan thai sẽ đưa ông Then, bà Then đến với Mường Trời. Then được người Tày, người Nùng coi là điệu hát thần tiên và họ sử dụng Then trong các nghi lễ: cầu mùa, cầu mưa, cấp sắc..., với mong ước các nhân vật có sức mạnh siêu nhiên ngự ở Mường Trời sẽ ban cho con người mùa màng tốt tươi, cho đời sống ấm no, hạnh phúc... 
 
Với mong muốn được hát Then để qua đó gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tháng 2 năm 2013, bà Bế Thị Yên - một người Tày yêu Then - cùng một số người có chung niềm đam mê Then ở xã Phước Cát I đứng ra thành lập Tổ hát Then đàn Tính tại thôn Cát An II do bà làm Tổ trưởng. Mới đầu, Tổ hát Then đàn Tính chỉ có 6 người nhưng đến nay số thành viên tham gia sinh hoạt trong tổ đã là 12 người. Nhà Văn hóa thôn Cát An II là nơi gặp gỡ thường xuyên của các thành viên trong Tổ hát Then đàn Tính. “Tại các buổi sinh hoạt, ngoài việc truyền dạy các điệu Then cổ, chúng tôi còn tìm tòi, đặt lời mới cho Then để Then gần và phù hợp hơn với đời sống đương đại. Trong số các điệu Then được đặt lời mới, có những bài ngợi ca Đảng, ngợi ca Bác Hồ và có cả những bài ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những bài Then nói về các phong trào tại địa phương, về thiếu niên nhi đồng, về hoạt động hội...”, bà Yên chia sẻ. 
 
Theo bà Yên và các thành viên Tổ hát Then đàn Tính, để tăng thêm tính trình diễn, những điệu múa có nội dung phù hợp với các điệu Then được các thành viên Tổ hát Then đàn Tính ra sức tập luyện. Nhờ đó, trong những lần hội diễn văn nghệ cấp xã, cấp huyện, các tiết mục của Tổ hát Then đàn Tính luôn thu hút được nhiều người quan tâm. 
 
Như để chứng minh cho những điều vừa nói, bà Yên cùng các thành viên Tổ hát Then đàn Tính tay ôm đàn, miệng nhẩm điệu, chân xóc nhịp, rồi thả hồn vào thế giới đẹp đẽ được nuôi dưỡng tận sâu trong tâm thức. Tiếng Then được cất lên, chỉ chờ giây phút được sẻ chia và lan tỏa. Ở thời khắc ấy, người nghe có cảm tưởng những người dân quê mộc mạc, chất phác như đang hòa vào cung đàn điệu nhạc thanh tao thoát tục, không mảy may vướng bận chốn hồng trần. Qua tiếng hát Then, người nghe dường như còn thấy trong đó có cả niềm tin và hy vọng về mùa màng tốt tươi, về cuộc sống ấm êm. Cứ thế, những người dân quê bình dị ấy đã mang cái đắm say đó, cái tâm hồn giàu xúc cảm tươi đẹp đó, rót vào tai người nghe. 
 
Tiếng đàn Tính trầm trầm cùng tiếng hát Then khoan thai chợt dứt, như một khoảng lặng sau những giây phút mê ngủ, để chuyển sang điệu hát tiễn đưa. Câu hát lúc này được thốt lên từ đáy lòng mỗi người sau một cuộc chuyện trò dài chứa chan tình cảm. Thế nên, lời ca ứng tác cũng đầy cảm xúc, đầy sáng tạo, vừa bay bổng, vừa thắm đượm tình người. 
 
Nói về Tổ hát Then đàn Tính này, một cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cát Tiên cho biết: “Tổ hát Then đàn Tính ở thôn Cát An II (xã Phước Cát I) vừa mang tính thiết thực, gần gũi, vừa tạo được sức hút đối với chị em phụ nữ. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Tổ hát Then đàn Tính đã góp phần tích cực vào việc khơi dậy, cổ vũ phong trào văn hóa - văn nghệ ở địa phương”. 
 
Then và đàn Tính bước đầu đã xác lập được sức sống của riêng mình trên quê mới ven dòng Đồng Nai. Điều đó thể hiện nỗ lực của những người con yêu quê, mong muốn những giá trị quý báu của dân tộc được giữ lại. Trong không gian yên bình của ruộng đồng, những người dân quê bình dị ấy vẫn ngày ngày cất lên những điệu Then mượt mà, đằm thắm.
 
TRỊNH CHU