Trước năm 1945, nhà thằng Phan cách nhà tôi cái hàng rào duối rậm ri. Nhà nó nằm phía trên, nhà tôi phía dưới. Mùa duối chín, nó và tôi thường ra đấy hái duối chín và trò chuyện chuyện trẻ con. Năm ấy Phan cũng trạc tuổi tôi: năm, bảy tuổi gì đấy, mẹ tôi bảo thế.
Trước năm 1945, nhà thằng Phan cách nhà tôi cái hàng rào duối rậm ri. Nhà nó nằm phía trên, nhà tôi phía dưới. Mùa duối chín, nó và tôi thường ra đấy hái duối chín và trò chuyện chuyện trẻ con. Năm ấy Phan cũng trạc tuổi tôi: năm, bảy tuổi gì đấy, mẹ tôi bảo thế.
Nhà nó lọt thỏm trong đám mía rộng mênh mông của lão lý trưởng họ Phạm. Khi mía lên cao khuất đầu người lớn, đứng ngoài không còn nhìn thấy ngôi nhà nó nữa. Nói là nhà chứ thật ra chỉ có một gian, hai chái bằng tranh tre, mái rạ, lụp xụp, cũ kỹ, ọp ẹp như nó sắp đổ sập xuống. Vì nhà nó từ lâu chẳng được sửa sang gì. Mùa mưa nhà dột tứ phía, trông càng thảm. Không biết ngôi nhà chị Dậu trong “Tắt đèn” của cụ Ngô Tất Tố nó thế nào, chứ nhà thằng Phan phải xếp tận cùng dưới đáy xã hội thời bấy giờ.
|
Minh họa: Hồ Toàn |
Một đầu chái là nơi bếp núc, ăn uống. Chái bên kia ba mẹ con nó ngủ. Nó có thằng em tên Chấn thường lẽo đẽo theo chân nó trong những lần anh nó đi hái trái duối hay chơi đánh đáo, đánh vụ, đánh bi… Gian giữa là nơi đặt bàn thờ. Bàn thờ làm bằng tre mối mọt cũng đã leo, bò lên các chân bàn ấy. Trên bàn thờ chỉ bày có bát nhang bằng đất nung và hai giá nến cũng bằng đất nung nốt.
Thỉnh thoảng chị Phan (mẹ thằng Phan) mới thắp nén nhang. Cảnh nhà thật vắng vẻ, lạnh lẽo. Những hôm trời đổ mưa lớn, gió rít, ngôi nhà nó như chìm trong đại dương mía mênh mông.
Anh em thằng Phan cứ sống lay lắt trong ngôi nhà ấy. Cha nó, nghe mẹ tôi nói phải đi làm ở xa, một năm thỉnh thoảng cha nó mới về một đôi lần. Mẹ nó cũng ra khỏi nhà từ tinh mơ đi làm thuê, cuốc mướn ở xã dưới. Trước khi đi làm, chỉ nấu cho anh em nó nồi khoai luộc. Hai anh em nó sống bằng khoai lang là chính. Chúng nó cứ thế lớn lên theo quy luật sinh tồn của tạo hóa ban cho. Thân hình chúng gầy guộc, mảnh mai nhưng được cái thằng Phan và em nó chẳng đau ốm vặt bao giờ.
Những trưa hè đi hái duối nó thường vặt những quả duối to, chín mọng cho vào túi áo để dành cho em. Nó thương em nó lắm. Mẹ tôi thường nhắc các con nhớ là trong hàng rào duối chín ấy thường có rắn lục ẩn núp, chúng mà cắn thì chỉ có chết. Nghe thế thằng Phan và tôi không dám đi hái duối nữa.
Một hôm vào lúc gần trưa, Phan rủ tôi ra cánh đồng làng bắt cua. Nó bảo bọn thằng Tèo con ông Ích bắt được nhiều cua lắm. Tôi và nó mỗi đứa một cái bòng bòng đan bằng tre, thứ dụng cụ rẻ tiền dễ làm ở chốn thôn quê để đựng cá, cua đồng. Tôi và nó hì hục đến quá trưa mỗi đứa mới bắt được nửa giỏ.
Trời đứng bóng, nắng nóng như đổ lửa, mồ hôi tháo ra đầy trán và lưng, lại đói và khát nước. Nó bảo thôi về đi anh. Nó xách giỏ cua đến mảnh đất có bóng râm của cây ngô đồng, ngồi phệch xuống đất, dạng chân, trút giỏ cua ra đếm xem được bao nhiêu và tìm con cua kình (con cua đực to nhất) đem về cho em nó chơi.
Ôi trời ơi! Cái thằng Phan ngốc nghếch, nó đổ cua ra đất, lũ cua bò lổn nhổn, tìm hang hốc mà chui. Nó hoảng hốt:
- Chết rồi, nó bò đi gần hết. Anh giúp em bắt chúng nó với.
Tôi, hai tay chụp lia lịa bỏ vào giỏ cho nó, nhưng chắc lũ cua cũng biến mất chừng chục con.
- Cua còn ít quá, chắc về mẹ em la.
- Thì đây, anh cho thêm nè. Được chưa?
Nó cười toe toét phô cái răng khểnh dính đầy nhựa răng vàng ố.
- Nhưng mà em cũng túm được con cua kình về cho em. Anh xem nè. Chắc thằng Chấn thích lắm.
- Ừ! Con cua kình to và đẹp thật.
Trước khi về nhà, nó rủ tôi xuống sông tắm cho mát và kỳ cọ bùn đất dính trên người. Chúng tôi đậy điệm giỏ cua thật kỹ, để trên bờ, cởi bỏ cái quần cụt rồi nhảy tùm xuống sông bơi lội tắm táp. Lúc này ở bến tắm có mấy chị, mấy dì đang giặt giũ.
Hai đứa đang nô đùa với dòng nước trong, xanh biếc của con sông Trà giàu chất thơ và hào phóng ban phát cho cư dân sống hai bên bờ dòng nước ngọt, đột nhiên có giàn rái cá xuất hiện, chúng cứ tiến lại gần chẳng chút sợ sệt. Hai đứa bắt đầu sợ nên vội bơi nhanh vào bờ, không ngờ chúng cũng bơi đuổi theo. May, chúng tôi bơi kịp lên bờ. Chúng tiến gần bờ, há mồm chìa những chiếc răng nanh trắng hếu ra như dọa nạt, quay lại tôi thấy các dì cúi đầu, chắp tay, vái:
- Xin các “ông rái” tha cho chúng nó. Hai đứa nó là con nít, chưa biết gì. Lạy các ông!
Không biết lũ rái cá ấy có nghe được tiếng người không nhưng thấy chúng quẫy đuôi bơi ra xa giữa dòng sông.
Các dì dặn: các cháu có tắm táp thì tắm gần bờ thôi, đừng bơi ra xa, nước chảy xiết lại gặp “các ông rái cá” nữa, nguy hiểm đấy, nghe chưa?
- Dạ!
Chúng tôi mặc cái quần cụt, xách giỏ cua đi về. Thằng Phấn bảo: Em sẽ vót cho anh và em mỗi người một cây lao nhọn, lần sau đi tắm mà gặp chúng thì sợ gì, đâm cho chúng thủng bụng, lòi ruột ra ấy chứ. Nói dứt lời, nó đã nhanh chân chui tọt qua lỗ hàng rào duối, tay huơ huơ cái bòng bong cua, gọi rối rít thằng Chấn, em nó:
- Anh bắt cho em con cua kình này. Em có thích không?
- Ôi! Em thích lắm.
Chỉ một lát sau, tôi đã thấy thằng Chấn chui qua lỗ rào duối, dắt theo con cua kình anh nó vừa buộc sợi dây ở cái càng lớn, giống như ngày nay các con cái đại gia dắt chó đi dạo chơi vậy.
Anh Phan (cha thằng Phan ở miền Nam thường gọi tên cha theo tên con) là một người đàn ông khỏe mạnh, tháo vác, chăm bẵm làm ăn, biết thương vợ con, nhưng chỉ phải cái tội nghèo. Một ngày nọ, anh đưa một người bạn sang nhà tôi thăm chơi, lúc ấy cha tôi cũng có mặt ở nhà. Cha tôi tiếp hai chú ở chiếc chõng tre ngoài hiên.
- Chứ chú quê gốc ở đâu vậy?
- Tôi ấy à? Tôi sống ở miệt dzường (vườn), phải đi quá Sài Goòng hàng trăm cây số mới đến nơi.
- Xa thế kia à? Chú làm nghề gì? Làm ăn ra sao?
- Mần ăn quê tôi, dễ ợt à… Muốn ăn cá tôm, tôi chỉ cần vác cái nơm đi ra mương ruộng, một chặp là có cá, tôm liền hà. Đi ra, đi dzô gì cũng có cá tôm. Đi xa, dzìa nhà thấy cá tôm nhiều mà ham.
Tôi đứng chờ cha sai bảo điều gì, nghe lỏm những tiếng: Sài Goòng, đi dzô, dzìa nhà, nghe lạ hoắc như tiếng Tây, Tàu gì ở đâu đâu ấy. Anh bạn này chính là người dẫn dắt anh Phan sau này tham gia “quốc sự”. Anh Phan chỉ ở nhà vài ngày rồi anh cũng ra đi “mần ăn”. Chị Phan cũng sáng sáng chiều chiều làm thuê hái mướn, kiếm gạo nuôi con.
Bỗng, một hôm vào khoảng nhập nhoạng tối thằng Phan dắt theo thằng Chấn chui tọt qua hàng rào duối với dáng vẻ đầy sợ hãi. Gương mặt nó tái xanh, nó đang run lập cập:
- Anh ơi! Ma, ma! Nhà em có ma. Em sợ lắm.
Thằng Chấn sợ dúm người cứ ôm chặt lấy anh nó.
- Nhưng mà làm sao? Em thấy nó thế nào?
- Nó to lắm, người nó đen thui, nó mặc cái áo đen lùng thùng chẳng thấy mặt mũi, tay nó cầm cây roi, huơ huơ. Em sợ lắm.
- Nhưng mẹ em đi làm về chưa?
- Mẹ em chưa về.
Hôm ấy, hai anh em thằng Phan ở lại nhà tôi, mãi cho đến lúc chị Phan về. Nghe tiếng mẹ gọi ý ới, chúng nó mới dám về nhà. Sau đó, cứ vài ba ngày lúc chiều tối, anh em nó lại chạy trốn “con ma” một lần. Tần suất xuất hiện của con ma ngày càng nhiều. Anh em thằng Phan ngày càng khiếp đảm. Hễ mẹ nó mang rổ rá đi làm, chúng nó lại chui hàng rào sang nhà tôi chơi và, đến bữa gặp gì ăn nấy chờ mẹ nó về…
Hóa ra chẳng có ma quái gì cả. Đó chỉ là trò dọa dẫm bịp bợm của lão lý trưởng họ Phạm. Chẳng là lão muốn dẹp bỏ cái ngôi nhà tranh lụp xụp nằm giữa đám ruộng mía của lão cho tiện việc cày cuốc, nên lão bày ra chuyện ma quỷ ấy. Chính lão đạo diễn kiêm diễn viên cái trò ma quái đó.
Hơn nửa năm sau, dân làng tôi bỗng bàn tán xôn xao về cái chuyện anh Phan làm “quốc sự” do chính miệng lão lý trưởng phun ra. Làm quốc sự thời ấy được hiểu là làm cách mạng chống lại ách áp bức của vua quan và thực dân Pháp.
Việc đó thực hư thế nào chẳng rõ nhưng dân làng nghi hoặc: việc này có thể lão lý lại bày ra cái cớ mới để xua đuổi vợ chồng anh Phan chóng dọn nhà đi khỏi cái đám mía của lão chăng? Hoặc phải chăng anh Phan làm quốc sự thật!
Anh em thằng Phan luôn sống trong nỗi sợ hãi ma quỷ và, mong ngóng cha nó về. Rồi anh Phan về thật. Đấy là “thông tin” thằng Phan rỉ tai cho tôi biết và dặn tôi đừng nói với ai. Khoảng gần tối hôm sau, tôi đang ngồi một mình ở đầu hè thì thấy thằng Phan chui rào đến bên, tay nó cầm trái vụ, mặt buồn rười rượi.
- Em cho anh trái vụ này để anh chơi. Nó thầm thì, tối nay cả nhà em đi… Anh nhớ giữ trái vụ nha, lúc nào em về anh với em cùng chơi. Trái vụ này cha em đẽo cho bằng gỗ ổi đấy. Nó chắc lắm.
Nói xong, nó định quay về. Tôi cầm tay nó:
- Chờ anh chút xíu.
Tôi chạy vào nhà lấy gói kẹo bột bà tôi vừa đi chợ buổi sáng bán được mấy trái bưởi, mua cho:
- Mày cầm lấy để hai anh em cùng ăn.
Tay nó cầm gói kẹo, mắt nó chớp chớp như chực chảy nước mắt.
- Em đi, em nhớ anh lắm. Hu! Hu!- Nó vừa chui qua hàng rào vừa khóc.
Tôi nhìn theo nó cho đến khi nó khuất sau hàng rào duối.
Hôm sau, khi tôi thức dậy, trời đã sáng bảnh. Nhớ đến thằng Phan, tôi vội chui rào qua nhà nó. Cửa nhà nó chỉ khép hờ. Tôi bước vào nhà, một cảm giác ớn lạnh chạy khắp cơ thể, tôi thấy sợ sợ thế nào ấy. Nhìn vào bếp lửa, lửa vẫn còn ngún ở cây củi gộc, một làn khói nhỏ, mỏng tan vẫn bay quanh quẩn ở cái bếp ấy. Tôi bước vào chái nơi anh em nó và tôi thường ngồi trên chiếc chõng tre, ăn trái duối chín, thấy có tờ giấy xé từ vở học sinh, tôi cầm lên xem.
- Anh Chiếu! Anh nhớ giữ trái vụ nha, đừng để mất, lúc nào em về, anh em mình cùng chơi. Anh đừng đi tắm sông một mình, lũ rái cá ấy hung lắm…
Chữ nó viết vội, nghuệch ngoạc bằng mực tím của lớp học trò nghèo thời đó. Tôi có cảm giác, thằng Phan viết những dòng chữ ấy bằng thứ nước mắt đỏ chắt ra từ trái tim nó.
Từ đó, gia đình thằng Phan đi luôn không quay về làng lần nào nữa.
Thằng Phan sống mãi trong ký ức tuổi thơ và trong tim tôi cho mãi đến tận bây giờ.
Truyện ngắn: NGUYỄN TÙNG CHÂU