Nhạc sĩ Krajan Dick: Gọi gió về với đại ngàn

08:05, 11/05/2017

Đại ngàn ít khi thiếu gió, nhưng bỗng một ngày cơn gió bỏ đi lang thang vắng xa đại ngàn, quên đem mây về gieo mưa, để dòng sông con, suối cạn khô, để cái nắng, cái nóng hanh hao bao trùm khắp nơi, để một Tây Nguyên khát...

Đại ngàn ít khi thiếu gió, nhưng bỗng một ngày cơn gió bỏ đi lang thang vắng xa đại ngàn, quên đem mây về gieo mưa, để dòng sông con, suối cạn khô, để cái nắng, cái nóng hanh hao bao trùm khắp nơi, để một Tây Nguyên khát. Tác phẩm Gọi gió, là lời nhắn gửi thiết tha, là sự trăn trở, suy tư, là trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng, vừa mang về cho nhạc sĩ Krajan Dick giải A danh giá của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam dành cho ca khúc xuất sắc nhất trong năm qua.
 
Nhạc sĩ Krajan Dick trình bày ngẫu hứng tác phẩm “Gọi gió” của anh. Ảnh: Q.Uyển
Nhạc sĩ Krajan Dick trình bày ngẫu hứng tác phẩm “Gọi gió” của anh. Ảnh: Q.Uyển

Nhạc sĩ Krajan Dick là người con của đồng bào dân tộc K’Ho nhóm Lạch sinh ra ở cao nguyên Lâm Viên lớn lên dưới chân núi mẹ LangBian (Lạc Dương), nhưng vượt ra khỏi không gian của miền đất Nam Tây Nguyên, anh là nhạc sĩ của núi rừng Tây Nguyên và “tự” gắn cho mình trách nhiệm với tất cả các dân tộc anh em trên vùng đất Tây Nguyên. Hơn 300 ca khúc và gần 700 bài thánh nhạc đã được anh sáng tác, nhưng với bất cứ một ca khúc nào cũng thấm đẫm hồn núi tình đời, hồn đất tình người và chuyển tải những thông điệp rõ ràng. Tác phẩm Gọi gió cũng nằm trong mạch cảm hứng đó, là không gian khoáng đạt của núi rừng, dựa trên âm hưởng dân ca truyền thống các dân tộc Bắc Tây Nguyên. 
 
Nhạc sĩ Krajan Dick là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Ủy viên BCH Hội VHNT Lâm Đồng, nguyên là Phó Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng, anh từng đoạt nhiều giải thưởng cao của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Hội VHNT các DTTS Việt Nam với các tác phẩm: Men tình xuân, Nồng nàn cao nguyên, Cánh sóng và chuyện tình, Lời suối gọi, Sim Kring, Chào Mimosa, Chư Yang Sing... Gọi gió là tác phẩm đoạt giải A danh giá đã làm cho bộ “sưu tập” giải thưởng của anh dày lên, chứng tỏ sức sáng tạo của anh vẫn rất dồi dào.

Nhạc sĩ Krajan Dick kể rằng: Tháng 3/2015, anh tham dự trại sáng tác do Hội VHNT các DTTS Việt Nam tổ chức tại Nha Trang, thay vì đi thẳng xuống Nha Trang, anh em nhạc sĩ hẹn nhau ở Đắk Lắk rồi cùng một chuyến xe đi dọc Tây Nguyên rồi mới qua đèo Mang Yang đi xuống Bình Định và vòng về Nha Trang. Trên xe có 4 nhạc sĩ của Tây Nguyên, đoàn dừng chân ở Gia Lai, tham dự một đám cưới họ hàng của một nhạc sĩ cùng đoàn. Trong cái nóng hanh khô của mùa “con voi xuống sông uống nước”, đi qua huyện Krông Pa - nơi được mệnh danh là “chảo lửa” vào giữa cao điểm mùa khô, dòng sông cạn kiệt nước, trơ đá sỏi, cây cỏ xác xơ trong cái nắng nóng, cả một vùng cao nguyên như khát khô, nhưng tình đồng bào đối với những nhạc sĩ, với những lời ca về Tây Nguyên thì chứa chan không thay đổi. 4 nhạc sĩ đã cùng nhau hát những ca khúc của mình làm nên một show diễn phục vụ đám cưới trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của đồng bào, tạo nên sức hút kéo cả làng đến dự đám cưới. Đi thăm từng gia đình, nhạc sĩ càng thấy rõ: dù điều kiện kinh tế, xã hội chưa phát triển ở buôn làng heo hút này, nhưng bà con ai cũng rất tự hào mình là những người con của Tây Nguyên. Cái tình lưu luyến, trong cảnh vật khô cháy - cuộc sống khó khăn của đồng bào và tình người Tây Nguyên nồng ấm đã gợi lên trong lòng người nhạc sĩ một nỗi buồn, niềm day dứt. Để khi cảnh vật bên đường, những nếp nhà trong cái nắng khô cháy lùi dần lại phía sau, niềm thương, những trăn trở bỗng trào dâng thành tác phẩm Gọi gió... 

 
Mở đầu bằng cảnh mùa khô nắng nóng “Hỡi gió, chiều nay cuộn về đâu/ Để vách đá chỏng chơ trầnw lưng rêu trụi xác xơ. Lời ru dòng sông theo gió khàn lời. Để Krông Pa, để Yaly lặng lẽ khát nguồn trông mưa. Đàn nai đi hoang tìm bóng cây Jri ngày xưa bên đồi/Đàn chim bay ngang đỏ mắt đăm đăm soi tìm bóng núi”. Vắng cơn gió, mây không bay về tạo mưa, để cả một vùng núi rừng khô khát, mong từng giọt mưa đến. Đó là kết quả của chặt phá rừng, tàn phá thiên nhiên, tàn phá môi trường, để vạn vật sống trong niềm mong đợi những giọt mưa mát lạnh, tưới tắm, gọi mưa đến, gọi mùa “quẫy tình” để vạn vật sinh sôi.
 
Đoạn tiếp theo cuộn trào với hình ảnh những con người Tây Nguyên mong gió, mong mưa: “Bếp lửa chiều nay Bok Kra nhìn về nơi xa xăm, tẩu thuốc khói xoay trong gió chiều, đêm về chiêng trống buồn câm, nay nghe thổn thức lòng tôi. Ơ, này gió hãy gọi cơn mưa, để nai tìm liếm lá chồi non, cá quẫy tình suối đầu nguồn. Mong sao A mí Ba Na mót thổ cẩm, A ma Jarai tuốt hồn chiêng. Hồn núi hồn rừng trở về”. Đó còn là những khát khao tìm lại cái hồn của buôn làng, tìm lại những nét đẹp văn hóa giữa phồn sinh đại ngàn. 
 
Đoạn tiếp cuộn lên trong thực tại “Mây chặn gió nên mưa chẳng tới/ Núi chặn bóng cây chim không về. Bao đời suối hát câu ân tình. Nay bóng rừng về đâu”. Câu hỏi lớn vang lên lặp đi lặp lại thành điệp khúc như xoáy vào tim những con người, đánh thức trách nhiệm và lương tri, bảo vệ rừng giữ gìn môi trường sống, bảo tồn không gian văn hóa, không gian sống cho đồng bào Tây Nguyên. Cách đặt vấn đề xen lẫn giữa hiện trạng, quá khứ, sự tiếc nuối, những mong muốn, đã làm cho người nghe day dứt, để lại nỗi ám ảnh “Bao đời suối hát câu ân tình, nay bóng rừng về đâu”. 
 
Mỗi người con dưới chân dãy LangBian hùng vĩ sinh ra vốn đã là một nghệ sĩ, hơn thế nữa nhạc sĩ Krajan Dick được đào tạo sáng tác âm nhạc bài bản, anh đã sử dụng lối viết ca khúc chuẩn có tính khúc thức mang tính nghệ thuật cao. Gọi gió là một giai phẩm có 4 đoạn rõ ràng, giai điệu phát triển theo nội dung tư duy. Âm giai kết hợp hài hòa dựa trên âm hưởng dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên có sử dụng và phát triển thủ pháp hòa âm, chuyển hòa âm, chuyển điệu thức một cách có chủ đích. Các đoạn được liên kết với nhau một cách hài hòa hợp lý. Mỗi đoạn đều sử dụng theo một cung bậc riêng. Đây là cách mà ít nhạc sĩ dám sử dụng, phải chắc học thuật, nhạc lý mới dám dùng cú pháp này trong việc sáng tác. Nếu một ca khúc bình thường, cách chuyển này sẽ khó với thanh nhạc, nhưng anh đã mạnh “tay” dùng nó làm cho bài hát không đơn điệu, đi vào chiều sâu suy tưởng của người nghe, người cảm. Đoạn đầu xuất hiện tông Sol trưởng, khi đến đoạn hai nói về những con người Tây Nguyên lại dùng Mi trưởng. Đoạn 3 tác giả lại chuyển cung Rê trưởng. Để rồi phần kết thúc (đoạn 4) với một câu hỏi lớn “Nay bóng rừng về đâu” trở về Sol trưởng. Dùng thủ pháp với bố cục sắp đặt chặt chẽ, đã tạo ra hiệu ứng sáng tạo lớn làm nên một ca khúc hoàn thiện đẹp đẽ cả ca từ hòa quện với giai âm. Gọi gió vừa là âm điệu hơi thở của Tây Nguyên trên nền âm nhạc dân gian vừa sử dụng khúc thức hòa thanh của phương Tây. Hòa thanh phá cách cổ điển tạo ra những tác phẩm mang phong cách riêng biệt, phối hợp hài hòa giữa âm nhạc đại chúng dân dã với âm nhạc bác học. Qua đó, tác giả không chỉ phản ánh Tây Nguyên “khát” mà còn chính là khát khao của tác giả được cống hiến, khát khao mong những điều tốt đẹp hơn đến với vùng đất Tây Nguyên. Nhạc sĩ Krajan Dick tâm sự: Qua ca khúc, tôi chỉ mong muốn góp một tiếng nói để chúng ta cùng hành động gìn giữ, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống khi còn chưa muộn. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc tác phẩm Gọi gió của nhạc sĩ Krajan Dick.
 
QUỲNH UYỂN