Công chúng yêu âm nhạc từng biết đến nhạc sĩ Trần Hoàn qua những bài hát nổi tiếng, như Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Mùa xuân nho nhỏ, Lời ru trên nương, Tiếng hát người Hà Nội… và trong một thời gian dài, nhạc sĩ Trần Hoàn đã mang đến cho âm nhạc Việt Nam một niềm vui mới, khi ông trải lòng mình qua những ca khúc viết về Bác Hồ.
Công chúng yêu âm nhạc từng biết đến nhạc sĩ Trần Hoàn qua những bài hát nổi tiếng, như Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Mùa xuân nho nhỏ, Lời ru trên nương, Tiếng hát người Hà Nội… và trong một thời gian dài, nhạc sĩ Trần Hoàn đã mang đến cho âm nhạc Việt Nam một niềm vui mới, khi ông trải lòng mình qua những ca khúc viết về Bác Hồ.
“Thăm bến Nhà Rồng”, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” (Thơ Lê Quý Doãn), “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, “Nhớ ngày Bác đến”… là những bài hát có ca từ đẹp, giai điệu trong sáng, dạt dào tình cảm yêu thương của Bác dành cho các thế hệ người Việt Nam yêu độc lập tự do cho nước nhà mà ông đã vận dụng rất sáng tạo.
Trong một lần đến thăm nhà lưu niệm Bác Hồ trên bến Nhà Rồng, nhạc sĩ Trần Hoàn đã viết thành công ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng”. Ông đã đưa chất liệu hò Đồng Tháp với không gian buồn man mác vào ca khúc, như một cách dẫn dắt người nghe về một vùng sông nước mênh mông của Nam Bộ
“Tôi đến bến Nhà Rồng, chiều xuân nắng tỏa. Qua hàng dừa tóc xõa, nhìn sông nước xôn xao. Tiếng còi tầm, ôi da diết làm sao, tưởng con tàu rời xa bến năm nào?; hay
“Chiều về khói tỏa trên sông, lặng nghe câu hát chạnh lòng nước non…”, để rồi, ông đặt ra nhiều câu hỏi và tự mình lý giải:
“Bến Nhà Rồng xa xưa vẫn còn đây với chiếc cầu tàu, nhưng nay Bác ở đâu?”, hay
“Bùi ngùi xót xa, về những ngày qua, lúc cập thuyền ai đưa tiễn Người đi? Nay chỉ một mình Bác khăn gói biệt ly?” đã chạm đến sự bồi hồi, xúc động, ngậm ngùi, luyến tiếc, nhớ thương Bác của người nghe.
Hình ảnh Bác Hồ càng được khắc họa đậm nét trong ca khúc
“Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” (Thơ Quý Doãn): “…
Tiếng hát em vút cao, mây lẳng lặng cúi đầu. Điệu hò sông nước, lưu luyến tình đất nước. Gợi nên hình của Bác lúc tìm về Lê Nin”. Thoáng nghe tưởng ông thể hiện tình cảm nhớ quê hương, nhưng ở đây nhạc sĩ Trần Hoàn đã gợi lên trong lòng công chúng yêu âm nhạc về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Một ca khúc khác viết về Bác nhưng có giai điệu vui tươi hơn khi Bác về thăm Nhà máy dệt 8-3. Đó là bài hát
“Nhớ ngày Bác đến”. Nhưng một trong những ca khúc viết về Bác Hồ của nhạc sĩ Trần Hoàn đã làm rung động hàng triệu trái tim khi nghĩ về Người, có lẽ là bài hát
“Lời Bác dặn trước lúc đi xa”. Với giai điệu và ca từ theo lối kể chuyện, thủ thỉ, chậm rãi, gần gũi đã khắc họa nên hình tượng Bác Hồ đang nằm trên giường bệnh, trí tuệ vẫn minh mẫn và mong ước được một lần được nghe các làn điệu dân ca nước Việt.
Để hình thành nên ca khúc
“Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, nhạc sĩ Trần Hoàn đã được nghe ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác kể lại. Nhạc sĩ Trần Hoàn tâm sự: “Lần đó, anh Vũ Kỳ kể cho tôi nghe: Năm 1969, trước lúc qua đời, một hôm Bác gọi mọi người xung quanh và yêu cầu được nghe một câu hò Huế. Thật quá đột ngột, vì ở đây không người nào biết hò Huế. Nghe thưa lại, Bác bứt rứt hồi lâu, rồi hỏi tiếp: “Thế có ai biết hát ví dặm không?”.
Thương Bác và không nỡ để Bác thất vọng, anh Vũ Kỳ định im lặng cho qua, nhưng Bác vẫn chờ. Anh Vũ Kỳ buộc phải nói thật rằng: “Thưa Bác, ở đây chúng cháu không ai biết hát ví dặm. Không giấu được nỗi buồn, qua giọng nói trầm trầm, Bác lại hỏi: “Thế có ai biết hát quan họ không?”.
May thay có một cô phục vụ trẻ, nhỏ nhắn, được đưa đến kịp thời, thấy Bác gầy và đang nằm chờ nghe hát, cô gái bỗng òa lên khóc. Với cảm xúc của lòng mình, cô bé đã hát một bài quan họ. Cả căn phòng im lặng, tiếng hát ngân xa, da diết… Bác lắng nghe rơm rớm hàng mi, có những tiếng khóc thút thít nhè nhẹ. Khi bài hát lắng xuống, Bác thong thả và nhẹ nhàng nói: “Bác cảm ơn cháu! Cháu hát rất hay, Bác dặn cháu nhé: Đã là người Việt Nam, đừng có bao giờ quên những khúc hát dân ca, và phải biết hát dân ca ba miền!...”.
Được nghe câu chuyện này, bản thân tôi cũng nghẹn ngào xúc động vì sự thành kính đối với vị lãnh tụ kính yêu. Thật là cảm động biết bao, Bác có một tấm lòng yêu nước, yêu quê hương vô bờ, không gì so sánh được. Xúc cảm về bài hát
“Lời Bác dặn trước lúc đi xa” bắt nguồn từ đó.
Công chúng yêu âm nhạc thấy được hình ảnh của Bác những ngày trước lúc lâm chung qua câu chuyện kể sâu lắng, như đang hiện hữu, nhạc sĩ Trần Hoàn đã nhiều đêm thao thức, trăn trở, quặn thắt trong lòng và nước mắt bao lần trào ra trên từng khuông nhạc, trên từng nốt nhạc khi viết bài hát này. Và ông bắt đầu bằng một lối kể chuyện như ngày nào người mẹ yêu quý của ông từng ru ông ngủ:
“Chuyện kể rằng trước lúc Người đi xa…Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế… Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví, nhớ Làng Sen từ thuở ấu thơ… Bác muốn nghe một đôi làn quan họ. Bởi bài ca đất nước sao quên. Lúc chia ly, lời Di chúc đơn sơ. Bác muốn non sông đinh ninh lời dặn dò: Rằng đã yêu Tổ quốc mình, càng yêu thắm thiết những khúc hát dân ca…”.
Dẫu nay nhạc sĩ Trần Hoàn không còn nữa trên cõi đời này, nhưng những gì nhạc sĩ Trần Hoàn gửi gắm qua các ca khúc viết về Bác Hồ vẫn sống mãi cùng năm tháng.
TRỌNG NGHĨA