Tôi vừa có trong tay tập thơ "Hầu chuyện người xưa" của nhà thơ Phạm Vũ do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành năm 2016. Sách ngót 100 trang với gần một trăm bài thơ, có những bài mang hơi hướng Đường Luật. Sách in giấy đẹp, bìa cứng, trình bày đơn giản nhưng sang trọng, bắt mắt.
Tôi vừa có trong tay tập thơ “Hầu chuyện người xưa” của nhà thơ Phạm Vũ do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành năm 2016. Sách ngót 100 trang với gần một trăm bài thơ, có những bài mang hơi hướng Đường Luật. Sách in giấy đẹp, bìa cứng, trình bày đơn giản nhưng sang trọng, bắt mắt.
Nói đến Phạm Vũ, giới văn nghệ sĩ và công chúng Lâm Đồng cùng nhiều bạn văn, bạn thơ cả nước biết đến bởi ông là người lính, vừa làm báo lại làm thơ ngay từ thời chống Mỹ cứu nước. Báo ông, thơ ông đã có không ít bài đi vào lòng công chúng. Đất nước thống nhất, Phạm Vũ rời bỏ áo lính rồi cùng gia đình cư ngụ tại Đà Lạt. Ở Lâm Đồng, Phạm Vũ lại làm báo, làm thơ. Thế mạnh của Phạm Vũ là thơ. Thơ ông là người, là đời, là bạn bè đồng nghiệp, là xã hội, là cuộc sống. Thơ ông có bài mang tính triết lý, đọc rồi thấy thấm.
Phạm Vũ đã xuất bản mấy tập thơ và thơ ông cũng đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tập thơ “Hầu chuyện người xưa” ông viết dưới hai hình thức: Một là, Phạm Vũ mượn thơ của các bậc nho sĩ tiền liệt để họa lại theo ý tứ thời cuộc, so sánh được thua, vui buồn, lấy trước soi sau, lấy trên soi dưới rồi tự mình rút ra cái còn, cái mất, cái thiện cái ác, cái hay cái dở…
Mở sách ra ta chạm ngay khổ thơ như lời khẳng định của tác giả “Dựng một đài thơ viếng thi nhân”. Dựng đài thơ - Nghe ghê gớm quá! Song câu tiếp theo ta lại thấy Phạm Vũ thành kính, thành tâm muốn dựng đài thơ thật “Một lời hầu chuyện để tri âm” và tiếp “Nhà thơ còn mãi trong trời đất/ Liệt sĩ lưu truyền với nước non/ Người mất thơ nhiều đời chưa hết/ Kẻ còn bạc lắm chết là tan/ Mới biết trời cho thơ là quý/ Thơ in giấy đỏ để đời ngâm”. Ý Phạm Vũ nói các bậc tiền nhân làm thơ và thơ thời nào cũng đẹp. Người hiền tài chết mà chưa chết. Còn kẻ bạc, kẻ ác chết là tan!
Phạm Vũ là người lính nên ông biết giá trị của độc lập, tự do. Ông biết cái giá phải trả để giành độc lập, ông yêu Tổ quốc và chế độ mình, nên ông mới viết “Nam quốc sơn hà của chúng con/ Sách trời còn đó đỏ dấu son/ Trăm trận kẻ thù lăm le chiếm/ Mấy phen lũ giặc lủi thủi chuồn/ Tổ quốc Việt Nam ngời sử đỏ/ Con cháu Lạc Hồng rạng tổ tiên/ Súng chắc trong tay luôn cảnh giác/ Nêu cao chí khí Việt anh hùng” (Nam quốc sơn hà).
Bài “Ông ơi” Phạm Vũ lấy uy của Trần Bình Trọng đời Trần để viết “Ông ơi xin ông đừng “làm quỷ”/ Hãy làm thần che trở trời Nam/ “Vương đất Bắc” chả thèm làm/ Xá chi cái thói quan tham hại người/ Đầu ông chúng trả lại rồi/ Thơ ông con đọc từng hồi vẫn đau”. Phạm Vũ kính người và yêu quý thơ của các bậc tiền liệt, nên ông họa lại những tứ thơ nổi tiếng của các bậc tiền nhân như Thiền sư Vạn Hạnh, Lý Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Trần Quang Khải, Lương Thế Vinh, Ngô Thì Nhậm… Muốn họa thơ người thì phải hiểu gốc gác, ý tứ của bài thơ, hiểu được người viết ra nó rồi mang ý tứ của mình đối lại, vận vào để họa mới có hồn cốt, có nghĩa “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Họa lại thơ người là khó, nhưng Phạm Vũ làm được điều này, tuy đây đó vẫn còn những hạt sạn, song được như vậy đã là quá giỏi!
Cách thứ hai trong tập thơ này, Phạm Vũ không dùng thủ thuật họa mà lại dùng thủ thuật mượn ý tứ hoặc câu chữ của các nhà thơ rồi lấy cớ đó để nói ý mình. Thú thật, tôi thích cách thứ hai của ông. Phạm Vũ rất khéo vận ý tứ thơ xưa, vừa để nói về thời cuộc, vừa lồng những suy tư, trăn trở của mình. Trong bài “Kính thưa cụ Tố” Phạm Vũ viết: “… Chuyện ngày xưa tưởng bây giờ đã hết/ Nhưng Tú bà còn la liệt khắp nơi/ Lũ Sở Khanh còn nhan nhản ở đời/ Bọn Khuyển Ưng đang chọc trời khuấy nước…” hay bài “Bà Chúa ơi” Phạm Vũ mượn thơ của bà chúa thơ Nôm “Lịch sử thơ Việt Nam có lắm người tài/ Bà độc địa không ai sánh được/ Bà chúa ơi các con xin tiếp bước/ Để làm thơ tả cái…sự đời”. Phạm Vũ không thiếu tính “tinh quái”, hài hước trong thơ. Những người hài hước thường là có khiếu, có tài, hài hước trong văn học lại càng tài. Họ khen đấy nhưng chê đấy, chửi đấy, vậy mà thiên hạ cứ phải cười, đôi khi tiếng cười lại là tiếng khóc (cười ra nước mắt). Ví như trong bài “Tom chát” có đoạn “Lạy này con bái linh ông/ Lạy này xin bái gốc thông giữa trời/ Tom tom, chát chát người ơi!”. Còn bài “Tam nguyên”, tác giả mượn ý của cụ Nguyễn Khuyến để vận vào khung cảnh nhà quê hiện nay “…Ngõ trúc quanh co giờ vắng khách/ Ao sâu khúc khuỷu mấy ai câu/ Cá có còn không mà thả lưới/ Mấy con cá diếc rỉa chân lông”. Bài “Nước non” lại viết “Nước đi nước chẳng nhớ non/ Nước buồn nước chảy đá mòn chân đê/ Non ngồi đợi nước trở về/ Mưa rơi tí tách đầu hè non vui/ Nực cười cho cái thằng tôi/ Đốt rơm lên hỏi ông trời có thơm”. Non ở đây là ai, nước ở đây là ai? Phải chăng Phạm Vũ tự tếu cái “thằng tôi” là tự tếu mình nhiều lúc như anh chàng Bờm để hỏi trời sao hạ giới còn nhiều chuyện ngược đời mà ông trời vẫn cứ làm ngơ?
Cuộc đời thật của Phạm Vũ, ông đã trải nghiệm nhiều cung bậc, nhiều va đập nên thơ ông có ý có tứ, gai góc, cung bậc “lên thác xuống ghềnh”. Thơ ông cũng nhiều lúc hiền từ như ngồi thiền, song cũng có lúc vụt lóe lên đắt giá “Nhà thơ gieo hạt xuống đồng/ Nở ra ngọn gió trời không bắt đền”, hay trong bài “Thuyền trăng” mượn ý thơ của Cụ Hồ để viết “…Trăng còn sáng mãi trên trời/ Việc quân đã tạm yên rồi Bác ơi”. Chữ “tạm” ở đây khá đắt. Tạm có nghĩa là chưa yên nên ta phải luôn cảnh giác với kẻ thù, mà kẻ thù ở đây không chỉ có giặc xâm lăng…
Phạm Vũ viết thơ tình cũng mướt mát không kém, ví như bài “Thơ tình đò mộng”: “Thơ trăng một nửa vành khuya/ Nửa ai “cắn vỡ” chẳng chia cho mình/ Anh nằm đỉnh dốc lặng thinh/ Một mình ôm cả biển tình dở dang/ Đò đầy khách đã sang ngang/ Con đò mộng chở đầy trang thơ tình”. Trong bài “Người làm thơ tình” thì tác giả nói “Cả đời anh chỉ làm thơ/ Tả tình người khác đến giờ vẫn hay/ Tình yêu như một áng mây/ Tà tà bay tới vòng tay ai rồi/ Mấy ai hiểu được người ơi/ Yêu là chết trong lòng tôi ít nhiều”. Phạm Vũ sâu sắc trong tả tình người khác song lại vận ngay vào mình “Yêu là chết trong lòng tôi ít nhiều”. Thật là thú vị khi ta ngẫm câu thơ này để vận vào mình của một thời “hoa đỏ”…
Đọc thơ Phạm Vũ để hiểu ý tác giả nói gì cũng không dễ bởi ông mượn thơ, mượn ý của các thi nhân đã quá cố để cảm hứng tạo ra thơ mình buộc người đọc cũng phải biết, phải hiểu được thơ người xưa, từ các bậc chí sĩ đại thần ngày trước cho đến những thi sĩ cận kề như cụ Tương Phố, Thế Lữ, Văn Cao, Chế Lan Viên, Thâm Tâm Tài Nhân, Trần Hữu Thung, Nguyễn Đình Thi, Minh Huệ, Quang Dũng, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn, Thanh Hải, Xuân Quỳnh… thì mới hiểu ông muốn nói gì trong thơ mình…
Gấp tập thơ lại, người đọc vừa như được nhà thơ Phạm Vũ dắt đi tìm gặp các thi nhân để “hầu chuyện”. Thơ đã trở thành Quốc thơ của một dân tộc đã trải qua ngàn năm lịch sử, lúc thịnh lúc suy. Song thời nào cũng vậy, thơ luôn làm đẹp cho tâm hồn, làm đẹp cho xã hội, làm dịu nỗi đau trần thế để vươn tới, hướng tới tương lai!
TRẦN THĂNG