Ở xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, những nét văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số Chu ru đang dần bị mất đi. Tiếng cồng chiêng, tiếng kèn bầu quen thuộc một thời, bây giờ ngày càng trở nên hiếm hoi, khó tìm.
Ở xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, những nét văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số Chu ru đang dần bị mất đi. Tiếng cồng chiêng, tiếng kèn bầu quen thuộc một thời, bây giờ ngày càng trở nên hiếm hoi, khó tìm.
|
Ông Ya Thung là một trong những người ít ỏi ở thôn Ma Am còn giữ chiếc kèn bầu. Ảnh: V.Q |
Đền Pô Dăm - trung tâm lễ hội một thời
Đền Pô Dăm thuộc thôn Ma Am, xã Đà Loan là ngôi đền lớn nhất trong các xã vùng Loan. Đây là ngôi đền dành cho những người không theo đạo. Có từ cách đây 700 - 800 năm, ngôi đền thờ tất cả các vị thần. Trước đây, đền tổ chức lễ hội Bok Chu Bur mỗi năm một lần cho người dân 4 xã vùng Loan và cả các huyện Đơn Dương, Lâm Hà về tham dự, lễ hội kéo dài 2 ngày 1 đêm. Người Cơ ho, người Chu ru không có tết nên xem đây là ngày tết của mình. Lễ hội thường diễn ra vào cuối tháng 12 âm lịch, trước tết cổ truyền của người Kinh. Cả dân làng cùng góp gạo, góp heo chung sức tổ chức.
Ông Chru Yang Ya Thung (58 tuổi) - hơn 18 năm trông coi đền và chủ trì lễ hội Bok Chu Bur, kể lại truyền thuyết về vị thần Pô Dăm như sau: Cách đây hơn 800 năm, thần Pô Dăm đến vùng đất này để phát rẫy trồng cây, trồng lúa, chăn nuôi, hướng dẫn người dân Chu ru làm mương, đắp đập để làm nông nghiệp. Thần có khả năng nấu lá lúa thành cơm, luộc đá suối thành khoai, nuôi dân làng qua cơn nghèo đói. Vậy nên khi ông biến mất trong ống tiêu cắm trên đống lúa, dân làng quyết định lập đền thờ như một cách để tưởng nhớ công ơn của thần. Trong đền có 3 tượng, gồm tượng thần, vợ thần và người tướng sĩ trung thành của thần.
Từ đó đến nay, mỗi năm một lần, người dân không theo đạo lại cùng về đây, tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của thần, tổ chức thổi kèn, đánh trống, nhảy múa vào tháng 12 âm lịch... Trong dịp này, người chủ trì lễ hội thường kết hợp để nói về nguồn cội, về những phong tục văn hóa của dân tộc mình, đồng thời khuyên dạy những điều hay lẽ phải cho dân làng.
Ngôi đền linh thiêng nên người dân rất tôn trọng. Những ai phạm pháp thì không được vào đền. Người dân vẫn giữ phong tục đánh đồng la, cúng lúa, cúng đồng trong lễ hội. Năm 2007, đền được Sở Văn hóa, thể thao & Du lịch hỗ trợ kinh phí khôi phục lễ hội.
Chị Ma Nguyệt, 30 tuổi, người thôn Ma Am nên theo cha tham gia lễ hội từ nhỏ, bồi hồi nhớ lại những ngày lễ hội đông vui trước đây mà không khỏi xót xa cho hiện tại. Chị vẫn nhớ nhiều năm về trước, cứ vào trước tết cổ truyền của người Kinh là ngôi làng của ông lại tưng bừng, rộn ràng, bởi lễ hội Bok Chu Bur thu hút hàng trăm người tham gia. Người dân đến cầu phúc, cũng là để tham gia lễ hội, kéo dài từ ngày này sang ngày khác.
Bây giờ, chị không khỏi buồn lòng khi chỉ còn hơn 50 hộ tham gia lễ hội này, kể cả những người ở xã Tà Hine, lễ hội chỉ còn kéo dài một ngày một đêm.
Nguy cơ mai một
Không chỉ lễ hội Bok Chu Bur ở đền Pô Dăm ngày càng ít người tham dự, mà ngay cả những nét truyền thống của người Chu ru, người K’Ho ở Đà Loan bây giờ cũng dần mất đi. Điều này khiến người già và cả chính quyền địa phương không khỏi trăn trở. Người già không đủ sức truyền dạy, người trẻ không mặn mà học theo, công tác tuyên truyền của chính quyền cũng không đủ sức giữ lại những nét đẹp truyền thống nơi đây.
Đà Loan hiện có 22,3% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số gồm Cơ ho, Chu ru, Tày, Nùng, Thái, sinh sống tập trung tại 4 thôn Đà Thuận, Ma Am, Sóp và Đà Rgiềng. Toàn xã có 7 cơ sở tôn giáo gồm 1 nhà chùa, 1 nhà thờ và 5 điểm nhóm Tin lành. Người có đạo chiếm hơn 50% dân số, còn lại là lương giáo (không có đạo). Trong số hơn 250 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây có hơn 80% theo đạo Thiên chúa và Tin lành.
Ông Nguyễn Công Hiệp, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Đà Loan cho biết, hiện nay, ý thức bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của người dân đang bị phân hóa. 30 năm gắn bó với công tác tại địa phương nên ông Hiệp phần nào hiểu rõ những phong tục tập quán của người đồng bào nơi đây, cũng như nghiên cứu kỹ thêm để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Ông cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhà nước chưa có chính sách hữu hiệu, công tác tuyên truyền chưa phát huy được hiệu quả. Nhiều người dân lẫn lộn giữa phong tục truyền thống, tín ngưỡng với mê tín dị đoan, bỏ những cái không nên bỏ”.
Ông Chru Yang Ya Thung đau đáu khi thấy nhiều truyền thống văn hóa đã dần bị mất đi. Bây giờ, gia đình ông chỉ là một trong những ngôi nhà hiếm hoi còn giữ lại chiếc kèn bầu. Ông bảo: “Để thổi được kèn thì người ta phải thật sự đam mê mới học thổi được, mới truyền được cái hồn vào trong tiếng kèn. Đánh đồng la là hoạt động giao lưu văn hóa, trước đây được đánh hàng ngày, khách vào nhà hoặc anh em đến chơi thì mang ra đánh. Bây giờ người trẻ cũng không đánh được.Thổi kèn bầu cũng vậy. Ai học giỏi 3 tháng mới thổi được, không giỏi thì cũng 6 tháng. Trước đây ai cũng biết làm kèn, nhà nào cũng có, bây giờ thì không mấy nhà có nữa. Cồng chiêng, đồng la bị bán hết, không còn mấy ai giữ trong nhà”.
Buồn là vậy, nhưng chiều xuống, ngồi nơi hiên nhà ngắm chiếc kèn bầu vốn quen thuộc, Ya Thung vẫn bảo sẽ cố giữ đến khi nào còn giữ được. Ông nói, nhưng cố nén tiếng thở dài.
VIỆT QUỲNH