Từ phố núi đến biên cương

08:06, 29/06/2017

Anh là người con dân tộc Tày vùng đất biên thùy phía Bắc, tỉnh Lạng Sơn. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1971, họa sĩ (HS) Vi Quốc Hiệp lên vùng biên giới Hà Giang phục vụ 5 năm, sau đó "kết duyên" với vùng Nam Tây Nguyên, thành phố Đà Lạt suốt 40 năm nay. Những trải nghiệm hiện thực đó đã kết tinh và tỏa sáng một tâm hồn hội họa tài ba Vi Quốc Hiệp. 

Anh là người con dân tộc Tày vùng đất biên thùy phía Bắc, tỉnh Lạng Sơn. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1971, họa sĩ (HS) Vi Quốc Hiệp lên vùng biên giới Hà Giang phục vụ 5 năm, sau đó “kết duyên” với vùng Nam Tây Nguyên, thành phố Đà Lạt suốt 40 năm nay. Những trải nghiệm hiện thực đó đã kết tinh và tỏa sáng một tâm hồn hội họa tài ba Vi Quốc Hiệp. 
 
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp với những tác phẩm phố và biên cương
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp với những tác phẩm phố và biên cương
Nâng niu hồn núi 
 
Đà Lạt - phố núi, với muôn hồng ngàn tía của các loài hoa và ngút ngàn thông xanh. Phố ấy là dốc nắng, là sóng hồ... và đặc biệt là bảo tàng biệt thự cổ. Phố ấy, cổ kính, yêu kiều và lãng mạn bởi nhà dưới tán rừng xanh, rừng trong phố thị bồng bềnh. Đấy chính là ma lực hút HS Vi Quốc Hiệp để được “duyên” mĩ cảm mà đắm mê, như anh nói: “Đà Lạt đẹp từng... centimet nên nguồn cảm hứng ấy khiến tôi cứ muốn vẽ mãi. Không cần sắp đặt hay tưởng tượng, cảnh vật nơi đây đã là một tác phẩm hoàn chỉnh, người nghệ sĩ chỉ cần thể hiện lại”. Luôn âu lo những “tác phẩm hoàn chỉnh” sẽ mất đi, Vi Quốc Hiệp hấp hả ngược xuôi muôn nẻo phố Đà Lạt để ký họa phố. Dĩ nhiên, không là “phố Phái” của Bùi Xuân Phái vẽ về Hà Nội (“Nằm kề bên nhau/Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”), “phố Hiệp” là Đà Lạt bốn mùa trong ngày của vùng tiểu khí hậu trên cao nguyên. Anh trung thành và thủy chung khắc họa cách cảm của mình bằng nét cọ tài hoa, từ “Biệt thự cổ Đà Lạt trong sương”, “Biệt thự cổ Đà Lạt mùa thu” đến “Biệt thự cổ Đà Lạt mùa thạch thảo”, “Biệt thự cổ Đà Lạt đồi hoa dại”... Với các chất liệu sơn dầu, phấn màu, bột màu... Vi Quốc Hiệp sáng tạo hàng trăm tác phẩm phố Đà Lạt có sức truyền cảm mạnh đến người thưởng lãm. Cũng là hướng nhìn không tả thực, nhưng mỗi tác phẩm là một lần về ý niệm, rồi trải lòng, hồn hậu mà trắc ẩn với đất trời - con người phố núi. Đắm say mà tinh tế, anh neo hồn mình vào hồn phố để mỗi tác phẩm trở thành độc bản... 
 
Chất chứa cảm xúc dâng trào như vậy, Vi Quốc Hiệp thường xuyên trưng bày tác phẩm trong nhiều triển lãm (năm 2003 với 100 bức; năm 2008 với 115 bức; năm 2010 mang ra Hà Nội; năm 2015 với 120 bức). Anh chia sẻ: Năm 2018 tới đây, nhân có ba sự kiện lớn đối với anh: 125 năm hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt, 40 năm anh vào Đà Lạt và anh tròn 70 tuổi, Vi Quốc Hiệp tiếp tục tổ chức triển lãm 125 tác phẩm Đà Lạt phố. “Lần này tôi sẽ mượn một ngôi biệt thự cổ của địa phương làm điểm triển lãm vào tháng 12/2018”, anh nói. Tác giả cũng cho biết, triển lãm có nhiều bức cỡ lớn, từ 2 m2 đến 6 m2. Tôi hình dung, sẽ có một không gian thật sự ám ảnh người xem giữa “nhân sinh” và “nghệ thuật”. Với kích thước lớn, tác phẩm sẽ nhấn rõ hơn những mảng, khối và đường nét về những ngôi biệt thự cổ, những con đường mộng mơ... Nó giúp anh giữ hồn phố núi trong sự khoáng đạt và yên bình của thiên nhiên; mê hoặc người thưởng lãm bằng không gian của thư thái và thân thiện... HS họ Vi muốn đưa mô hình thực tế khu biệt thự nghỉ dưỡng Lê Lai vào hội họa để hơn một lần mong muốn thu hút du khách đến với Đà Lạt; để càng yêu mến, càng trân quý di sản phố núi này...HS Vi Quốc Hiệp cùng nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩ xứng đáng là hai công dân nghệ sĩ được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen dịp Đà Lạt 120 năm hình thành và phát triển. 
 
Khắc khoải biên cương 
 
Lớn lên vùng đất Văn Quang, tỉnh Lạng Sơn, cách biên giới Việt - Trung trên dưới 10 km. Những năm phục vụ tỉnh biên giới Hà Giang, Vi Quốc Hiệp đặt chân nhiều vùng đất phên dậu nơi đây: Quản Bạ, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên... Đó là những ngày tháng anh gắn bó với đời sống đồng bào và bộ đội biên phòng Việt Nam với nhiều kỷ niệm. Khi đã thành công dân Đà Lạt, Vi Quốc Hiệp vẫn có nhiều tác phẩm hội họa về đất và người Hà Giang. Năm 1998, anh là một trong hai gương mặt ngoài tỉnh (cùng nhạc sĩ Thanh Phúc) được UBND tỉnh Hà Giang tặng Bằng khen vì những thành tích đóng góp nghệ thuật. 
 
Tháng 6/2017, tại thành phố Đà Lạt, HS Vi Quốc Hiệp là người duy nhất ở Lâm Đồng được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mời tham dự Trại sáng tác Mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng”. Anh gác lại mọi công việc, hào hứng nắm bắt lấy cái “duyên” này để sáng tạo. Trong số 35 tác phẩm của 15 HS ba miền, tác giả Vi Quốc Hiệp đóng góp hai tác phẩm bằng chất liệu Acrylic: “Biên cương yêu dấu” và “Biển của ta”; mỗi tác phẩm có diện tích 1,5 m x 1,5 m. 
 
Tác phẩm “Biển của ta” với gam màu chủ đạo sáng, phong cách hiện đại, đạt tính biểu trưng cao. Giữa trùng dương sóng cả là những con thuyền gần và xa, những ngư dân đánh bắt hải sản, những chiến sĩ Hải quân tuần tra...Bức tranh vừa đạt được tính hào hùng của sử thi, vừa chân chất nét đẹp truyền thống của làng chài. Với đề tài biển và hải đảo, Vi Quốc Hiệp luôn đau đáu thể hiện không chỉ hội họa mà còn cả thơ và nhạc. Chưa một lần đến quần đảo Trường Sa nhưng anh đã có cảm nhận về loài bàng vuông bằng biện pháp liên tưởng khá thú vị và ai đọc thơ Nguyễn Duy cũng thích bài:/Mái tăng “Bầu trời vuông” thời chống Mỹ/Giờ ta lại yêu thêm những cây bàng “vuông” trồng ở đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Anh có 4 ca khúc về biển đảo đã công diễn, trong đó “Tổ quốc rồng thiêng nổi sóng” phổ thơ Tường Huy được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh chọn phát sóng trên kênh truyền hình Lâm Đồng. 
 
Với tác phẩm “Biên cương yêu dấu”, Vi Quốc Hiệp tái hiện khung cảnh nơi anh đã từng sống, đó là biên giới phía Bắc. Tác phẩm được mô tả chập chùng hùng vĩ của những dãy núi đá uy nghiêm, bảng lảng mây và sương khói. Điểm xuyết trong hai gam màu chủ đạo là lục và xám của rừng đại ngàn và vách đá sừng sững là màu xanh dịu của mây trời và gam nồng ấm của đất sáng mềm mại bởi những đường ruộng bậc thang. Đặc biệt, tác giả rất dụng ý về chi tiết, thấp thoáng dưới những tán cây rừng cổ thụ được vẽ bằng bí quyết kỹ thuật riêng là những mái nhà sàn còn đỏ bếp lửa hồng của người dân bản địa. Đây là ẩn dụ một hậu phương lớn của quân đội nơi biên cương. Phía xa, góc bên phải tranh, dòng sông Nho Quế ngoài đời được HS đưa vào bằng một phác họa sáng xanh nổi bật và lung linh... Trong không gian tự hào và thiêng liêng về giang sơn Tổ quốc ấy, không thể thiếu nhân vật chính là những chiến sĩ biên phòng đang làm nhiệm vụ tuần tra cảnh giới, khi trên lưng ngựa qua suối, lúc ẩn hiện nơi những khúc đường quanh co... Đây là tác phẩm duy nhất về chủ đề biên cương tại trại sáng tác. Đặc biệt, “Biên cương yêu dấu” được đánh giá là một trong 8 tác phẩm xuất sắc nhất của trại và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã lựa chọn tham dự triển lãm nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 22/12/2019.
 
TĨNH XUYÊN