Ngay từ thuở còn ngồi trên lưng trâu, nghệ nhân K'Bôn (tên thường gọi là K'Bọt, K'Bon) ở thôn Ka La Tô Krềng, xã Bảo Thuận (Di Linh) luôn đắm say với những giai điệu cồng chiêng ngân nga giữa đại ngàn. Có lẽ, cồng chiêng ngấm vào máu thịt, nên đã giúp nghệ nhân có những kỹ năng trong việc chỉnh, giữ hồn chiêng.
Ngay từ thuở còn ngồi trên lưng trâu, nghệ nhân K’Bôn (tên thường gọi là K’Bọt, K’Bon) ở thôn Ka La Tô Krềng, xã Bảo Thuận (Di Linh) luôn đắm say với những giai điệu cồng chiêng ngân nga giữa đại ngàn. Có lẽ, cồng chiêng ngấm vào máu thịt, nên đã giúp nghệ nhân có những kỹ năng trong việc chỉnh, giữ hồn chiêng.
|
Nghệ nhân K’Bôn và ông K’Nhồng trong một lần chỉnh chiêng. Ảnh: L.P |
Người K’Ho Sre sống chủ yếu bằng nghề lúa nước, và “thần lúa” là một trong những vị thần cao cả ngự trị trong đời sống của cộng đồng. Vì vậy, trong mùa vụ nông nghiệp, người K’Ho thường tổ chức nhiều nghi lễ nông nghiệp khác nhau, như: gieo sạ, cúng dưỡng lúa, mừng lúa mới (Tết của người K’Ho)...
Trong các lễ hội truyền thống, có lẽ mừng lúa mới là lễ hội được cộng đồng tổ chức quy mô nhất. Bởi lẽ, sau một năm vất vả với công việc đồng áng thì đây là thời điểm nhàn hạ, thích hợp nhất để các gia đình, dòng tộc thờ cúng, tạ ơn Yàng. Lễ hội thường được tổ chức trong phạm vi gia đình, nhưng những hộ có điều kiện kinh tế khá giả thì tổ chức linh đình hơn, như “Nhô sa rơpu” (Uống ăn trâu), nhô dơng kéo dài nhiều tháng trong năm...
Nghệ nhân K’Bôn chia sẻ: “Tôi biết đánh cồng chiêng là nhờ xưa kia ông bà ta luôn duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống. Trong thời gian tổ chức lễ hội, gia chủ thường thuê tôi và các thanh niên khác về giúp việc cho gia đình họ. Thông qua các lễ hội này, cứ vào buổi chiều tối, nhiều thanh niên nam, nữ tụ tập đông vui để tập đánh cồng chiêng, nghe những câu hát ‘tam pla’, ‘đơs long’... Cứ như thế, sau nhiều năm tôi và bạn bè cùng trang lứa đã thuộc và đánh nhuần nhuyễn nhiều bài chiêng khác nhau từ chiêng 2, 3, 4 cho đến chiêng 6 và càng đánh càng đam mê”.
Cồng chiêng không những được xem là vật linh thiêng, là di sản quý báu, mà nó còn là những hiện vật có giá trị của mỗi gia đình, dòng tộc, là bản sắc văn hóa truyền thống luôn gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng từ bao đời nay, nên bà con rất quý chiêng. Việc mượn cồng chiêng để tổ chức sinh hoạt cộng đồng hay đi giao lưu đã khó, huống hồ mượn để tập đánh. Bởi lẽ, một trong những nguyên nhân làm tiếng chiêng bị lạc âm, bị câm hoặc tiếng không thanh thoát là do đánh không đúng kỹ thuật, nhất là những người mới lần đầu tiếp xúc với chiêng.
Trong một ngày chứng kiến nghệ nhân K’Bôn và ông K’Nhồng chỉnh bộ chiêng 6 do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp cho đội nghệ nhân để phục vụ cho việc truyền dạy, giao lưu, biểu diễn, chúng tôi mới cảm nhận được ở hai già, đó là ngoài việc am hiểu về chiêng, có đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ thì hai già còn có khả năng thẩm âm rất tốt.
“Tôi đến với việc chỉnh chiêng không qua trường lớp nào cả. Hồi trước giải phóng, mỗi khi ông K’Brét (đã mất 40 năm nay) chỉnh chiêng, tôi và ông K’Nhồng thường tò mò đến xem cách ông thực hiện các thao tác và trong khi ông K’Brét chỉnh sửa có nhờ chúng tôi đánh thử để kiểm chứng đã đúng tông, hợp âm chưa. Do được tiếp cận và phụ giúp ông K’Brét, nên chúng tôi đã học được những kỹ năng cơ bản trong việc chỉnh chiêng và cũng từ đó mà biết cách chỉnh chiêng” - nghệ nhân K’Bôn kể lại.
Theo một số già làng trên địa bàn huyện Di Linh: Tuy chỉnh chiêng là việc làm khá đơn giản, nhưng không phải tất cả những ai đánh cồng chiêng rất giỏi đều biết đến việc chỉnh chiêng. Các vật dụng dùng cho việc chỉnh chiêng cũng rất đơn giản, chủ yếu là chiếc búa nhỏ được làm bằng sắt, một đầu có độ nhún và một số vật dụng khác dùng để cạo... Nếu am hiểu hết về cồng chiêng thì việc chỉnh chiêng cũng trở nên dễ dàng hơn.
Những năm qua, nghệ nhân K’Bôn và ông K’Nhồng đã chỉnh sửa khá nhiều chiếc chiêng bị lạc âm..., cho bà con trên địa bàn xã Bảo Thuận cũng như bà con trong vùng. Với nghệ nhân K’Bôn, mỗi khi chỉnh được chiếc chiêng, níu giữ lại hồn chiêng thanh thoát, ngân vang là một niềm vui vì đã thỏa lòng đam mê với cồng chiêng.
Hiện tại, nghệ nhân K’Bôn và ông K’Nhồng là người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, đặc biệt là nghệ nhân K’Brét trong việc chỉnh sửa cồng chiêng, góp phần bảo tồn văn hóa cồng chiêng ngân vang mãi với thời gian.
LAM PHƯƠNG