Cũng bẵng đi hơn 15 năm, anh mới lại cho ra tập thơ mới, một khoảng dài rộng thời gian đủ lớn để nuôi nén những sâu lắng ngôn từ, dạt dào cảm xúc dành cho thơ. Đằng đẵng đắng đót thời gian "sinh nở mùa màng*" là vậy, nhưng anh - nhà thơ Uông Thái Biểu vẫn thầm thĩ da diết, khiên cung, tự trào "Thơ nhặt nhạnh suốt một thời lam lũ/ Chưa thành câu trọn ý để bây giờ"… Và rồi anh Nhớ núi.
Cũng bẵng đi hơn 15 năm, anh mới lại cho ra tập thơ mới, một khoảng dài rộng thời gian đủ lớn để nuôi nén những sâu lắng ngôn từ, dạt dào cảm xúc dành cho thơ. Đằng đẵng đắng đót thời gian “sinh nở mùa màng*” là vậy, nhưng anh - nhà thơ Uông Thái Biểu vẫn thầm thĩ da diết, khiên cung, tự trào “Thơ nhặt nhạnh suốt một thời lam lũ/ Chưa thành câu trọn ý để bây giờ”… Và rồi anh Nhớ núi.
|
Nhà thơ Uông Thái Biểu |
Phải, sau tập thơ đầu tay Gió đồng, Nhà Xuất bản Trẻ phát hành năm 2001, chen giữa khoảng thời gian này thơ anh in chung trong nhiều tuyển tập thơ, để mãi nay mới “ra riêng” tập thơ thứ hai cho mình: Nhớ núi, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý 2/2017. Tập thơ nhớ Núi dày 126 trang, khổ 20x25 cm chứa đựng trong ấy 54 bài thơ được chia làm hai phần: Hoa lỡ mùa và Câu hát rêu phong là ngần ấy khúc ca miên, thâu cảm về cuộc đời, thân phận con người bằng trải nghiệm của chính anh
“trên mặt đất hàng triệu người cày cấy/ hàng triệu người ngồi nhặt trắng chia đen”, dẫu cho dù anh vẫn biết rằng đó là nguyên lý sống nơi trần thế
“yêu ghét vẫn xưa như thuở ông bà”.
Biết anh gần một phần tư thế kỷ, từ cái ngày tôi tập tò gieo những vần thơ đầu đời khi còn ở ký túc xá sinh viên mà anh thi thoảng đến truyền cảm hứng bằng những bữa rượu thơ thanh bần nhưng không kém phần hào sảng. Những lúc ấy nghe anh đọc lên các sáng tác mới tựa như một cuộc
“triển lãm chính mình/ trong ga - lơ - ry trôi” thơ. Đấy là “tôi sinh ra trong ngôi nhà lợp ngói nam/ ba chái hai hồi…” nơi có “lời ru bước cao bước thấp” của những bà mẹ, còn
“những người đàn ông đều đi đánh giặc” nên
“sông Lam dừng trước mặt/ ngọn gió nồm thổi vát ngọn tre” theo anh suốt những năm dài tuổi thơ quê xứ. Từ đó anh lớn lên, vào đời, va đập, nhận cảm cái nơi chốn phải đến bằng dự cảm của tâm hồn thi sĩ bởi ngọn
“gió/ cất lên từ dòng sông/ giọng cười trinh nữ vỡ òa lấp lánh sóng/ ủ ấp phù sa sinh nở mùa màng”… để rồi khiến anh thảng thốt cất lên
“kia là cao tầng cao tốc và khói/ bạc trắng thị thành/ những hoan lạc ẩm ướt/ những hạnh phúc mật xanh mật vàng”… mở ra trong anh
“khúc tự tình của người trai chân đất” làm thơ. Nhà thơ Trúc Thông cho rằng: “Uông Thái Biểu, thi sĩ này tâm hồn khá tốt lành. Không phản đối thị thành nhưng hơn một lần anh ghê sợ những dối trá không sạch sẽ mang lốt hình văn minh thành phố. Anh ôm chầm lấy ngọn gió đồng yêu một tình yêu thổn thức, có gì như sám hối, như đắng đót tận đáy lòng…”. Quả là lời nhận xét thâm sâu, phác họa lên đường nét chân dung nhà thơ Uông Thái Biểu với căn tính lành của tâm hồn thi sĩ, yêu ghét, say mê và biết phân biệt phải trái đúng sai giữa bầu sinh quyển hiện tồn có
“hàng triệu người ngồi nhặt trắng chia đen” cùng với những
“bữa tiệc tính toán đã tàn/ trút phần thừa vào bóng tối lương thiện” không bao giờ ngớt trong nhân tình thế thái.
Ôm
“ngọn gió đồng” thổi hoang hoải suốt buốn mùa, thổi quanh năm qua sông suối, ruộng vườn, qua câu ví, câu dặm, qua sợi tóc em xanh trinh nữ đến bợt màu thiếu phụ… vào hành trình của “chàng di gan” làm thơ đến phố núi Đà Lạt như mối duyên trời định để tháng ngày ta thấy
“có gã cúi đầu nhặt chiếc lá thông rơi” và rồi thả hồn vào
“miên man lục bát hai dòng/thơ làm gối dưới rừng thông một mình”. Nhưng dẫu phố núi Đà Lạt
“đồi dốc mấp mô lượn sóng nhạc đất trời/ em lượn sóng trong anh khúc du ca tình ái” cũng không thể nguôi quên một thời mà ở đó anh đã có
“tuổi thơ tôi/ cơn gió đi hoang không kịp đợi mùa” nơi
“mái chèo khoan thai đẩy câu ca trúc tra trúc trắc”. Sự trúc trắc thân phận người quê theo anh vào đời, mãi gặm nhấm nỗi nhớ thương đến se thắt
“cố nhân ơi giữa chiều hiu hiu gió/ những quả phụ lưng chống trời mặt níu đất già nua”.
|
Tập thơ Nhớ núi |
Nhớ núi - tên tập thơ, có lẽ được “định vị” bởi tình cảm trong khoảng thời gian anh công tác xa núi đồi, ngàn thông, sương mờ giăng giăng lối… mà anh từng “
thảo khế ước xin thế chấp mùa xuân để vay mùa hạ/ thế chấp cả ban mai vay sợi nắng cuối chiều”. Và từ ấy rất có thể, dù anh vẫn thường xuyên đi về chốn ấy nhưng sao
“núi mờ nơi phương ấy/ em giờ về phương nao/ cơn gió chiều lạnh buốt/ thổi thấu hồn hanh hao”. Thơ anh ngôn ngữ giàu hình ảnh, không theo lề lối trật tự nào nhưng câu chữ cứ xoắn xuýt lấy nhau, phơi lộ cảm xúc sống, yêu, thương, hờn, trách… đến tận cùng trên căn phần thân phận làm người du ca thơ
“anh khóc thay tiếng bầy chim di chú/ khóc đớn đau niềm sám hối sau cùng” mà nên tính cách một hồn thơ độc đáo, ám ảnh người đọc, không lẫn lộn và rất riêng Uông Thái Biểu.
Anh đến với thơ hay nói cách khác thơ tìm tới anh rất sớm nhưng phát lộ là khi anh đến lập nghiệp ở xứ sở ngàn thông Đà Lạt này và trở thành một cây viết hiếm hoi trên đất Lâm Đồng được công chúng yêu thơ trong nước biết đến. Trong cuộc “Trò chuyện văn chương thời @” với nhà thơ Phong Diệp, anh tỏ bày: “Theo tôi, trong thơ ca, văn chương, nghệ thuật không có một chuẩn mực nào mang tính vĩnh cửu cả, và vì vậy, đừng bắt nó phải “truyền thống” hay nó phải “hiện đại” mà điều quan trọng nhất là nó nói lên điều gì và tiếng nói ấy có đến tận tâm can của công chúng và lay động những ngõ ngách tâm hồn họ hay không”. Và anh nhìn nhận rằng: “Đừng bắt mọi người cứ phải giống nhau khi tâm hồn, cá tính, phong cách, vốn văn hóa, vốn sống không có những nét tương đồng”. Với Uông Thái Biểu, “chỉ khi có nhu cầu bức thiết của nội tại, khi có sự thăng hoa của cảm xúc mới có những tứ thơ xuất thần, những câu thơ hàm súc đi vào lòng bạn đọc, vượt qua không gian, thời gian”. Xin tạm dừng bài viết ngắn này về tập thơ Nhớ núi bằng mấy câu trong bài Hoa lỡ mùa của anh:
“rất có thể mai này bên cỏ biếc/ có một nụ hoa chống chếnh nở sai mùa/ gieo câu chữ giữa mênh mang trời đất/ thơ một nhành nhắc chuyện ngụ ngôn xưa”…
Cứ đến mùa thì hoa lại nở là lẽ đương nhiên, nhưng hoa nở sai mùa sẽ cho ra loài hoa độc, lạ trong rừng hoa thi ca, và nhà thơ Uông Thái Biểu là nhành hoa ấy - ít nhất theo tôi.
(*) là những vần thơ, tựa bài thơ của nhà thơ Uông Thái Biểu.
Xuân Trung