Dân tộc ta vẫn thường quan niệm rằng: Con cái chính là "của để dành" quý nhất của cha mẹ. Đó là món quà mà khi về già họ chẳng cần gì hết, ngoài những tình cảm của chính những đứa con đối với họ.
Dân tộc ta vẫn thường quan niệm rằng: Con cái chính là “của để dành” quý nhất của cha mẹ. Đó là món quà mà khi về già họ chẳng cần gì hết, ngoài những tình cảm của chính những đứa con đối với họ.
Đạo lý sống của người Việt Nam đã lưu truyền từ ngàn đời nay, đó là: cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con cái và khi về già thì con cái lại phải có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Đó là một vòng tuần hoàn, một quy tắc bất biến của dân tộc Việt Nam.
Cách đây không lâu trên báo có đăng một hình ảnh gây xúc động hàng triệu con tim. Ảnh ghi lại cảnh một người cha đang trông cho đứa con gái nhỏ của mình tranh thủ nghỉ lấy chút sức. Nét mặt khắc khổ của người cha hiện rõ trong khuôn hình. Và rồi, giữa trưa hè nóng nực của mùa thi, người cha vừa phe phẩy quạt mát cho con bằng tờ báo gập, vừa lo lắng về sự mệt mỏi của con mình sau giờ thi căng thẳng. Cô bé nằm nghiêng, quay mặt vào góc khuất khiến ta không thể đoán biết được cảm xúc của cô. Và cô cũng không thể nào biết được ánh mắt chứa chan tình cảm yêu thương mà người cha dành cho mình. Cô gối đầu lên đùi cha, bình yên dưỡng sức chuẩn bị cho giờ thi tiếp theo vào buổi chiều. Nhìn tấm hình này, ta đều biết được chắc chắn rằng, người cha đó đâu cần đứa con gái nhỏ của mình biết đến tình cảm và sự quan tâm của ông dành cho nó. Ông lo lắng về sức khỏe, lo lắng về kết quả làm bài của con. Đó hoàn toàn không phải là sự trao đổi sòng phẳng giữa con người với con người mà thể hiện sự chăm lo mà hầu như các bậc sinh thành đều sẵn sàng làm vì con cái. Rõ ràng cuộc sống ngày nay đã có nhiều đổi thay đáng kinh ngạc so với cái thời chúng tôi đi học. Xe hơi, nhà lầu, cuộc sống ấm no, đủ đầy… điều mà chỉ cách đây không lâu dù có nằm mơ cũng không dám nghĩ. Thế nhưng cuộc sống gia đình thì lại đã và đang xuất hiện nhiều tiêu cực.
Ngày nay, cuộc sống trong thời @ quả thật là có nhiều thay đổi khủng khiếp. Bên cạnh nhiều gia đình có những đứa con ngoan, học hành tử tế, thì vẫn còn không ít những con cái hư hỏng, thậm chí còn vi phạm pháp luật. Đó cũng là những mặt trái của cái thời @ này. Có lẽ những đứa trẻ hư hỏng đó, chúng chẳng bao giờ biết nghĩ về những tháng ngày được cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, nhất là mỗi khi chúng ốm đau, bệnh tật. Chúng có biết đâu rằng, để được lớn lên rồi trở thành một thứ “quái dị” của xã hội như thế, cũng cần phải được nuôi nấng của đấng sinh thành? Có đứa con nào mà chưa được cha mẹ đút cơm, chưa từng được ngủ ngon trong tiếng ru dịu dàng của cha mẹ. Và sau này, khi con lớn lên, có người cha, người mẹ nào, dù có ở cách xa con, nhưng trái tim họ vẫn luôn hướng về những đứa con yêu quý của mình. Họ vẫn luôn nghĩ rằng, dù chúng có thành đạt đến mấy, có làm đến chức tước gì đi chăng nữa thì đối với họ đó vẫn chỉ là những đứa con bé bỏng của mình ngày nào.
Đúng như, nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết:
Con dẫu lớn, vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con
Vâng, dù sống ở bất cứ đâu trong cái thời @ hiện đại này, những đứa con cũng cần phải luôn ghi sâu trong kí ức của mình công cha, nghĩa mẹ để không bao giờ trở thành những đứa con bất hiếu.