Sóng điện thoại, internet trên biển "lúc có lúc không" nhưng chẳng ngăn trở các nhà… xuất khẩu thành thơ! Rà lại cả chuyến đi Trường Sa mới năm nào, tôi nghiệm ra: ai đến Trường Sa cũng thành thi sĩ, giá chót cũng sáng tác một đôi bài!
Sóng điện thoại, internet trên biển “lúc có lúc không” nhưng chẳng ngăn trở các nhà… xuất khẩu thành thơ! Rà lại cả chuyến đi Trường Sa mới năm nào, tôi nghiệm ra: ai đến Trường Sa cũng thành thi sĩ, giá chót cũng sáng tác một đôi bài!
|
Ông Nguyễn Văn Mỹ đang chép thơ trên lá bàng ở đảo Trường Sa Đông |
Ông Lửa Việt
Một trong những người “máu” thơ nhất là ông Nguyễn Văn Mỹ - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch dã ngoại Lửa Việt. Ngồi đâu, tôi cũng thấy ông thảo thơ, đề thơ, nhất là trên những chiếc lá bàng xanh - vàng - đỏ của các đảo ở Trường Sa. Ông cứ tha thẩn một mình nhặt lá bàng trên các đảo mà đoàn ghé đến: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh, An Bang, Tốc Tan,… và say sưa viết, nâng niu lưu giữ từng chiếc - lá - bàng - thơ.
Vì nghề nghiệp kinh doanh du lịch, ông Mỹ đã đi khắp năm châu bốn bể, thế nhưng chuyến đi Trường Sa này đối với ông lại đậm chất “dã ngoại” nhất. Bởi lúc này “không có việc” rất khó đi Trường Sa, bởi có bao trải nghiệm cũng không dễ hình dung ra Trường sa như đối với người đất liền. Trong bài “Ngẫu hứng Trường Sa Đông”, ông Mỹ tự sự:
“Biển xanh như chưa bao giờ xanh thế / Nước trong như không thể trong hơn / Gió Trường Sa trốn biệt dỗi hờn / Trách ai vô tình đến chậm”.
Đầu tiên là một vài kiểu sinh hoạt như lính biển, rồi cảm giác chòng chành dài ngày trên tàu lớn giữa khơi Đông, tận mắt thấy những tàu cá của ngư dân Việt lênh đênh khơi xa, những chếc tàu “hải ngư, hải giám” của Trung Quốc lảng vảng dọc hải trình, những nét cười của cư dân, lính đảo, màu cây, hoa màu, vật nuôi thân thiện trên các đảo,… đều khác lạ với đất liền. Ông quan sát, cảm nghiệm từng li từng tí những khác biệt của biển đảo:
“Ở đảo chìm, nước hiếm phải chắt chiu / Đất quý gom từng nắm / Những nắm đất trĩu nặng phù sa và nghĩa tình sâu đậm / Hạt giống từ đất liền / Cùng lính đảo kiên cường giữ biển” (Gia bảo ở đảo đá chìm).
Đến thăm hệ thống nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam, ông Mỹ cảm nhận:
“Nhà giàn ở Ba Kè / Như những chàng Đam San khổng lồ trên biển / Lính nhà giàn đẹp trai thiện chiến / Sống lơ lửng giữa trời / Đôi khi mây lạc xuống chơi / Quanh năm bạn cùng sóng gió” (Lính nhà giàn).
Mơ ước cùng Trường Sa
Hơn 70 xuân rồi, ông Mỹ vẫn vẫn hăng hái trong tất cả các hoạt động suốt hải trình thăm Trường Sa. Với ông, miền Đông, miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc,… của nước Việt đều có một khí chất văn hóa riêng mang. Thế nhưng cảm giác “vô cùng khác lạ” khi đặt chân đến các đảo chìm, đảo nổi của Trường Sa.
Ở bài “Đảo chìm”, ông cảm hứng:
“Những ngôi nhà như mọc lên từ nước / Tựa các chàng dũng sĩ giữa biển Đông / Bao đời nay con cháu giống Lạc Hồng / Thề quyết tử cho vẹn toàn biển đảo”.
Ngày ra đến đảo chìm Đá Đông, ông Mỹ hồ hởi:
“Đến đảo Đá Đông ta bỗng nhớ Đống Đa / Nơi Quang Trung đánh quân Thanh tan tác / Gò Đống Đa - mồ chôn quân xâm lược / Có giặc vào - Đá Đông là Đống Đa”! (Đá Đông - Đống Đa).
Thành phần đoàn đi thăm Trường Sa năm đó, có rất nhiều nhân sĩ, trí thức; nhiều người đã tuổi cao sức yếu. Thế nhưng phong thái linh hoạt, hồn nhiên “máu lửa” của ông Mỹ đã kéo theo nhiều bậc cao niên, hòa khúc ca trong các tiết mục văn nghệ bừng bừng khí thế. Kể cả lúc hết sức khó khăn khi đoàn tiếp cận đảo “bão tố” An Bang. Ông Mỹ mô tả bằng thơ viết trên lá bàng:
“An Bang là đảo chìm / Nhờ sức lính nay trở thành đảo nổi / Cát trắng pha lê nõn nà chờ đợi / Nước trong đến bất ngờ / Các chiến sĩ phải cõng người già vào bờ / Vì đảo chưa có cầu cảng / Sóng từng đợt cứ đùa vui nghịch ngợm / Mừng khách quý ghé thăm / Có cả lính đặc công / Bơi gần chục cây số đến xem ca nhạc / Mấy lão thành quá “cổ lai hy” vẫn xung phong hát / Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng…” (Hoàng Sa - Trường Sa bất diệt).
Một ước ao của ông Mỹ là một ngày nào đó sẽ tổ chức được tuor du lịch Trường Sa: “Biết là chuyện không dễ những tôi vẫn mơ ước. Chính sự khác biệt từ khí hậu, đất đai, cỏ cây, vật nuôi đến từng nét cười, dáng đi của người Trường Sa… là một sức hút không gì so sánh được. Tất cả đều toát lên sự thiêng liêng của Tổ quốc nơi biên cương trùng khơi. Tôi đã nghe, đã xem nhiều thông tin, hình ảnh về Trường Sa nhưng đến tận nơi “tận thấy, tận sờ” mới cảm nghiệm được sống động nhất. Ở đất liền, tôi không thể cảm nghiệm tròn đầy về Tổ quốc như những ngày được đặt chân đến Trường Sa”.
ĐÀO ĐỨC TUẤN