Cơn mưa rào tầm tã như trút nước, tiếng sấm, tiếng chớp đùng đùng vang dậy cả bầu trời u ám. Tôi nắm chặt lấy dây xích con chó Mực "tội nghiệp nó, trời mưa rét thế này mà không được về nhà". Đi một quãng, bỗng nhiên có tiếng "xuỵt" - dường như tôi vừa va vào ai thì phải? Tôi ngã xuống đất, lắp bắp trên môi… - Tôi… xin lỗi, tôi không cố ý đâu.
Cơn mưa rào tầm tã như trút nước, tiếng sấm, tiếng chớp đùng đùng vang dậy cả bầu trời u ám. Tôi nắm chặt lấy dây xích con chó Mực “tội nghiệp nó, trời mưa rét thế này mà không được về nhà”. Đi một quãng, bỗng nhiên có tiếng “xuỵt” - dường như tôi vừa va vào ai thì phải? Tôi ngã xuống đất, lắp bắp trên môi… - Tôi… xin lỗi, tôi không cố ý đâu.
|
Minh họa: Thanh Toàn |
Mồm xin lỗi tay tôi lần sờ tìm cặp kính… Nhưng ngạc nhiên thay dường như có ai đó đỡ tôi dậy, đặt vào tay tôi chiếc kính mắt.
- Kính của cậu đây.
- Cám ơn… Cám ơn cậu! - Tôi gật đầu cám ơn rối rít, đầy ngại ngùng. Con Mực nó cũng chạy vào lòng tôi, tôi vuốt ve nó, người nó ướt sũng.
- Trời đang mưa to, mình đưa cậu ra lán xe kia trú mưa nhé.
- Ừm!
- Tôi gật đầu, rồi cậu ấy dắt tôi đi. Tiếng mưa vẫn rơi như trút đổ xuống mái tôn, hai bàn tay tôi đan vào nhau, hàm răng đập từng nhịp vì mưa rét.
- Trời mưa gì mà to vậy? Không biết bao giờ mới tạnh? Tôi than trách...
- Tí nữa tạnh ngay ấy mà.
- Ừ - Tôi gật đầu - À bạn là ai?
- Mình là Dũng, nhà ở bên kia cái hồ này. Tay Dũng bá lên vai tôi: - Thế còn cậu?
- Mình là Toàn, nhà mình ở đằng kia - Tôi chỉ tay bừa về phía trước.
Tay tôi lau những giọt nước mưa trong mắt kính. Bỗng Dũng hỏi:
- Hình như mắt cậu làm sao thì phải?
- Ừ… sinh ra mình đã không nhìn thấy ánh sáng mặt trời rồi. Vì thế mình vẫn không thể đi học.
- Sao không đi chữa đi?
- Ba mẹ mình đi khắp các viện lớn bé rồi, mình bị hỏng đôi giác mạc và sẽ mãi mãi không nhìn thấy ánh sáng…
- Mưa ngớt rồi ta về thôi.
Dũng vỗ vai tôi rồi đưa tôi về tận nhà theo hướng mà con Mực chạy.
Kể từ đó trở đi chúng tôi là hai người bạn thân của nhau, Dũng dạy tôi học chữ nổi, những chữ cái a, b, c đầu tiên mà tôi được biết, tôi bắt đầu biết đọc, biết viết, biết làm tính. Dũng chơi ghita rất hay, cậu còn dạy chuyền tay cho tôi cách gẩy những thanh âm bập bùng, tình tang. Nghe có vẻ rất thô và dở, nhưng đó là những nốt nhạc, những phím đàn đầu tiên của tôi. Tình bạn giữa hai chúng tôi ngày càng gắn bó tâm giao tựa như Bá Nha và Từ Kỳ vậy. Từ ngày làm bạn với Dũng, tôi thấy cuộc sống này thêm thi vị hơn, có nhiều tiếng cười và niềm vui. Sự tự ti và mặc cảm về bản thân cũng được vơi bớt đi, nhưng đôi lúc tôi cũng than trách về thân phận của mình. Giá như ông trời sinh ra cho tôi đôi mắt thì có lẽ cuộc sống này đẹp biết bao… Những lúc bi quan buồn chán như vậy Dũng luôn ở bên tôi, vỗ về an ủi và kể đủ thứ chuyện trên đời.
Mấy lần đến nhà Dũng chơi, mấy người hàng xóm cho biết Dũng có hoàn cảnh rất đặc biệt. Bố cậu ấy mất do tai nạn lao động khi cậu lên 8, mẹ bán cháo đầu phố, hai đứa em gái phải bỏ học cho Dũng đi học… Ngoài những giờ học trên lớp, Dũng còn đi đánh giầy, bán vé số để kiếm tiền trang trải cuộc sống, giúp mẹ kiếm tiền nuôi gia đình.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cũng được bốn năm rồi, tình bạn giữa tôi và Dũng vẫn gắn bó sâu sắc như vậy… Gia đình Dũng thì càng ngày càng khó khăn, tốn kém trăm đường, chỉ dựa vào những đồng tiền kiếm được từ quán cháo, tiền từ Dũng kiếm cũng chẳng đủ cho bốn miệng ăn qua ngày. Rồi những tối Dũng không sang nhà dạy tôi học nữa, hỏi thì Dũng bảo đi học thêm còn thi chuyển cấp. Tôi thấy Dũng có biểu hiện rất lạ, ho nhiều lắm và hay khạc nhổ.
- Mày làm sao vậy?
- Có sao đâu… Chỉ là dị ứng với thay đổi thời tiết thôi mà.
Cứ mỗi khi ăn cơm tôi lại nghe thấy Dũng lạch cạch cái gì đó dưới bếp.
- Mẹ ơi! Dũng làm gì đấy mẹ?
- Thấy nó vác cái bao tải định đi đâu đấy.
Rồi nửa đêm cậu ấy về, vì quá khuya tôi chẳng buồn hỏi thêm gì nữa… Đến sáng lại nghe nó ho như ông cụ, ho đến rít cả cổ họng, tôi vô cùng bất an, quá lo lắng tôi gắt:
- Này! Mày dạo này làm sao đấy hả? Cứ thế này thì…
- Không sao… Dị ứng thời tiết thôi mà - Dũng cộc lốc đầy bình thản.
- Thế cứ để mãi như thế này à? Đi khám xem sao?
- Đi khám làm gì cho tốn kém!
- Thế cứ để bệnh tình kéo dài mãi à? Mày không lo cho mày thì ai lo?
Dũng im lặng chẳng nói gì nữa, tôi tiếp:
- Còn mẹ còn em mày nữa, mày có ra sao thì ai lo chuyện nhà… Mai cứ đi khám xem sao?
- Ừ đi thì đi…
Khuyên mãi nói mãi rồi Dũng mới đi khám. Lúc về, tôi mới gặng hỏi:
- Bác sĩ họ nói gì, có sao không?
Tôi chẳng nhìn thấy tờ bệnh án, đơn thuốc…
- Có sao đâu… uống vài viên thuốc là xong.
Nghe cậu ấy nói vậy tôi cũng yên lòng, nghĩ sẽ chẳng có sự gì xảy ra… nhưng bệnh tình của Dũng chẳng thuyên giảm mà còn nặng hơn. Những cơn co giật, mẹ kể với tôi đã có lúc nhìn Dũng ho ra máu. Dũng biếng ăn hẳn đi và cứ tối đến lại đi đâu đó.
- Bác có biết Dũng đi đâu không? - Tôi hỏi mẹ cậu ấy
- Bác không biết, thấy nó bảo đi sang nhà bạn.
- Mà dạo này cậu ấy làm sao vậy bác?
- Bác cũng lo lắm chẳng biết nó làm sao? Cả đêm nó ho bác cũng mất ngủ với nó, xót hết cả gan cả ruột…
Rồi cái gì đến cũng đến, Dũng ho ra máu nhiều, cậu ấy phải nhập viện, trong tình trạng cấp bách nguy kịch. Suốt cả tuần, mẹ Dũng ở viện chăm lo cho cậu ấy, tôi cũng đến thăm vài lần, Dũng vẫn hôn mê bất tỉnh. Tôi thấy mình vô dụng chẳng giúp ích gì cho cậu ấy, ruột gan tôi như lửa đốt vậy. Ngày thứ bảy mẹ tôi nhận được cuộc điện thoại, bà vô cùng hốt hoảng.
- Làm sao vậy mẹ?
- Mày ở nhà, mẹ ra viện với thằng Dũng.
- Mẹ cho con đi với.
- Mày đi làm sao được?
Mẹ tôi gắt, tôi như van xin cầu khẩn:
- Mẹ cho con đi, nào mẹ!
- Thế thì nhanh lên.
Hai mẹ con tôi tới viện… mẹ tôi hỏi mẹ Dũng:
- Đâu rồi có sao không?
- Cháu vào trong phòng mổ rồi.
Mẹ Dũng nói trong tiếng nấc nghẹn ngào, một bác sĩ ra bảo:
- Bây giờ gia đình phải bình tĩnh… Cậu ấy bị một chất độc hóa học ám vào phổi, làm hư hỏng các tế bào, cơ hội sống còn rất thấp.
- Còn cách nào không bác sĩ?
- Hiện giờ chúng tôi đang tiến hành phẫu thuật…
- Vâng… trăm sự nhờ bác sĩ.
- Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức.
Ông bác sĩ đi vào trong, tôi dựa đầu vào thành tường, hai bàn tay đan vào nhau, mẹ Dũng vẫn nức nở gục xuống đất.
- Sẽ không sao đâu.
Mẹ tôi an ủi, những giờ phút ngồi ở phòng chờ, như đang ngồi trên đống lửa vậy, mong sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra… Hai giờ đồng hồ sau, một bác sĩ đi ra.
- Chúng tôi thật lòng xin lỗi chị và gia đình.
- Bác sĩ nói gì vậy?
- Chúng tôi đã cố gắng hết sức… nhưng thật lòng xin lỗi chị và gia đình.
Sự buồn bã ấy như sét đánh ngang tai, đôi chân tôi gục xuống đầy đau khổ, tôi không dám tin vào tai mình nữa. Phòng mổ mở ra, một chiếc xe cáng được đẩy ra.
- Chị… chị làm sao vậy?
Mẹ tôi hoảng hốt kêu lên, hình như mẹ Dũng ngất thì phải. Tôi khua tay lần sờ đến chiếc cáng Dũng nằm. Bàn tay cậu ấy lạnh ngắt.
- Dũng ơi… Dũng tỉnh lại đi.
Những tiếng nói vô vọng, những tiếng khóc thút thít của mọi người xung quanh. Một cô y tá đến chỗ mẹ Dũng:
- Trước khi vào phòng mổ Dũng có đưa cho em mảnh giấy này và gửi cho chị. Có lẽ là tâm nguyện cuối cùng của Dũng. Tôi chẳng thể biết được nội dung trong mảnh giấy đó là gì?
Sự bàng hoàng đang bao trùm lên khắp người tôi.
- Chiều nay… con… sẽ được ghép giác mạc! - Mẹ tôi ngẹn ngào mãi mới thốt nên lời.
- Ai hiến cho con hả mẹ?
- Dũng… con ạ.
Nghe vậy, trong tôi đan xen sự mủi lòng thương bạn và vô cùng cảm kích trước tâm nguyện cao đẹp của bạn. Dũng đã cho tôi điều ao ước lớn lao, đó là ánh sáng, là mặt trời của đời tôi.
Ngay chiều đó ca ghép giác mạc thành công, Dũng được đưa xuống nhà tang lễ bệnh viện. Tôi chẳng thể đến đám tang được vì ca phẫu thuật không cho phép… Một tuần sau tôi đã có thể nhìn thấy ánh sáng, nhưng điều đó chẳng có gì là vui vẻ cả. Tôi còn nợ Dũng nhiều lắm, nợ đôi mắt, nợ cả tấm lòng, nợ cả một cuộc đời… Tôi tìm đến nhà Dũng, quán cháo mẹ Dũng nấu ở đầu phố, thấy tôi bà ngừng công việc dẫn tôi vào nhà. Ngôi nhà cấp 4 chật hẹp, giữa phố thị, trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá. Tôi thắp nén nhang trên bàn thờ Dũng ở. Hai hàng nước mắt lặng lẽ lăn trên má, tôi thấy đôi môi mặn chát. Trên bàn thờ, di ảnh Dũng cười thật tươi như truyền cho mọi người niềm tin và hi vọng. Tôi bước vào căn phòng Dũng ở, căn phòng vắng lặng, giá sách cũ ngăn nắp, cây ghita dựng góc nhà… Tôi tiến đến chiếc giường con, thì thấy tờ bệnh án thò ra dưới gối, tôi giở ra xem: “tình trạng phổi đang rất nguy kịch, ống thở bị nghẽn…”. Đọc những dòng chữ ngoằn ngoèo của bác sĩ, tôi cố nén tiếng khóc chỉ chực bật ra. Có lẽ Dũng đã giấu, ca phẫu thuật quá tốn kém. Mẹ Dũng bước vào căn phòng, đôi mắt bác sưng lên và không thể khóc thêm được nữa, bác ngồi xuống giường, tức tưởi:
- Tại bác không có tiền chu cấp ăn học cho nó, để nó phải đi nhặt các mảnh nhựa vỏ chai ở nhà máy xí nghiệp, chất thải độc hại đã cướp mất nó rồi!
Hôm sau tôi mang trên vai cây ghita, tay cầm một bó hoa trắng và nắm hương… Đến mộ Dũng, tôi đặt bó hoa và cây đàn lên mộ, thắp nhang cho bạn… Qùy xuống, tôi thầm thì: Dũng ơi, bạn cho tôi tình bạn cao cả và đẹp đẽ biết bao! Mình hứa sẽ cố gắng luyện tập để tiếng đàn thánh thót, ngân nga của Dũng còn vang mãi.
Truyện ngắn: NGUYỄN CÔNG ĐỨC