Hiện đại và nhân văn

09:07, 06/07/2017

Thành công của cuốn tiểu thuyết không hư cấu, nói theo lời tác giả, "un roman sans fiction", lại mang cái tên xui xẻo Dịch hạch và Thổ tả (Peste et Choléra) của Patrick Deville đã gần như tạo nên một sự kiện nho nhỏ thu hút giới truyền thông Pháp cuối năm 2012...

Thành công của cuốn tiểu thuyết không hư cấu, nói theo lời tác giả, “un roman sans fiction”, lại mang cái tên xui xẻo Dịch hạch và Thổ tả (Peste et Choléra) của Patrick Deville đã gần như tạo nên một sự kiện nho nhỏ thu hút giới truyền thông Pháp cuối năm 2012. Cuốn sách được nhà xuất bản Seuil cho ra mắt tháng 8, nhận Giải Femina tháng 11, đồng thời ôm luôn giải của các Giải văn học, Giải tiểu thuyết của Tập đoàn văn hóa Fnac năm 2012; và tại vòng chung kết Giải Goncourt cùng năm, Dịch hạch và Thổ tả chỉ kém tác phẩm được trao vòng nguyệt quế có mỗi một phiếu (4/5). Kết quả được Hội đồng Giải Femina công bố sáng 5/11/2012 thì ngay chiều hôm ấy các báo ngày, báo mạng, bản tin thông tấn đã đưa tin, bình luận. Chỉ trong tuần, từ những tờ báo vẫn được cho là có xu hướng thiên hữu như La Croix, qua những măng sét tên tuổi Le Monde, Le Figaro, Le Nouvel Observateur, L’Express, Le Point, Paris Match…, đến L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp đều có bài, phần lớn ngợi khen. 
 
Dịch hạch và thổ tả giúp người đọc thưởng thức một cuốn tiểu thuyết đặc sắc về cuộc đời và cống hiến, tâm hồn và trí tuệ của bác sĩ Alexandre Yersin - người đã dành 50 năm cuối cuộc đời lừng lẫy cho nước Việt Nam mà ông vô cùng gắn bó, nước vẫn theo lời tác giả Patrick Deville, có nhiều công trình và đường phố nhất mang tên hai nhà bác học Pháp Pasteur và Yersin. Việt Nam là nước, nói theo lời Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier, tên tuổi Yersin được biết đến còn nhiều hơn cả ở Pháp. Sau 250 trang sách dắt dẫn độc giả theo dấu chân nhân vật đến nhiều nơi trên thế giới từ châu Âu sang châu Á, châu Phi mà Yersin từng thực hiện bằng đường biển, máy bay, xe thô sơ, cưỡi trên lưng ngựa hoặc lưng voi tới những chốn mịt mù đang xảy ra thổ tả, dịch hạch hay một bệnh truyền nhiễm chưa ai tìm được cách phòng ngừa chữa trị, Patrick Deville quay lại chỉ cho mọi người thấy, ngày nay bên bờ biển Nha Trang, “Ở Suối Giao nay gọi Suối Dầu có ngôi mộ màu xanh da trời nằm trên ngọn đồi nhỏ. Phía trái, một ngôi miếu màu cam và vàng cắm đầy chân hương. Hai mét vuông màu xanh da trời lãnh thổ Việt Nam”. Đó là nơi nhà thám hiểm, người lữ hành không mệt mỏi tìm thấy chốn an nghỉ cuối cùng. Và tiếp ngay sau, tác giả dành mấy dòng khái quát nội dung tác phẩm lấp lánh của mình bằng vài nét ký họa: “Cuộc đời Yersin như cuộc đời vị thánh. Một ẩn sĩ rút vào sống trong một căn nhà gỗ nơi khu rừng rậm giá lạnh, thoát khỏi mọi ràng buộc xã hội, đời ẩn sĩ, một con gấu, một con người man dã, một thiên tài độc đáo, một người rất kỳ quặc”. 
 
Dịch hạch và Thổ tả là tiểu thuyết tư liệu. Tác giả Patrick Deville cho biết ông đã viết cuốn sách rất nhanh, gần như một mạch. Được như vậy là nhờ khi đặt bút ông đã có sự chuẩn bị hết sức đầy đủ, đã hình dung trong đầu cấu trúc, niên biểu cho đến đầu đề các chương trong sách (những 44 chương). Tác giả phanh phui nhiều tư liệu yên ngủ cả trăm năm nay trong các kho lưu trữ, đọc các sách báo viết về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của người thành lập Trường Y khoa Hà Nội, xây dựng Viện Pasteur Đông Dương, đặc biệt đống thư riêng Yersin gửi những người thân. Bác sĩ Yersin không biết mặt cha đã mất trước khi ông chào đời. Nhà khoa học sống độc thân không ngừng viết thư cho mẹ kể về cuộc sống, những chuyến đi và những việc đang làm, trước sau cả ngàn bức, bà cụ qua đời thì ông tiếp tục viết gửi người chị gái. Patrick Deville đã dựa vào những bức thư ấy mà tìm hiểu và tái hiện cuộc đời nhân vật. Rồi lần theo dấu chân Yersin đến nhiều nơi tìm cảm hứng, nhiều hơn cả là Việt Nam mà ông đi lại thường xuyên: Nha Trang, Đà Lạt, Phan Rang, Tây Nguyên, Sài Gòn, Hải Phòng, Hà Nội… Ông hiểu rõ tình hình nước ta cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cũng như hiện nay. Ông băn khoăn, và qua những lời dí dỏm xa xôi bóng bẩy, nhiều lần gợi lên câu chuyện nhạy cảm về “bóng ma của tương lai”. Bóng ma ấy là nhân vật bản sao của chính tác giả Patrick Deville như nhiều nhà phê bình đã chỉ ra, bóng ma của tương lai còn là một thực thể nữa: Việc xây dựng Khách sạn Nha Trang Palace nơi đường Pasteur và đường Yersin giao nhau, mà tháng 2 năm 2012 công nhân làm việc ngày đêm đang bức bách, dồn ép, đẩy lùi nhiều di tích lịch sử về bác sĩ Yersin có một không hai phải co cụm lại, khi ngôi nhà lớn có nhiều vòm tường ở Xóm Cồn bị phá cách đây vài năm, tất cả những gì bên trong đã chuyển về ngôi nhà phụ của Viện Pasteur, khi những người dân chài vốn thân thiết với Yersin nay được dời đến một ngôi làng mới bên kia sông nhường chỗ xây các khách sạn, và bóng ma hiện đang tiến về Viện Pasteur gần đó. Nha Trang vẫn đẹp lắm, nhưng Nha Trang ngày nay so với Nha Trang thời Yersin “chỉ còn có cảnh tượng nhìn về phía chân trời là nguyên vẹn”. 
 
Dịch hạch và Thổ tả là tiểu thuyết phi hư cấu. Phi hư cấu không đồng nghĩa phi tưởng tượng. Lênin nói: “Sẽ nhầm lẫn nếu cho rằng trí tưởng tượng chỉ cần thiết cho nhà thơ. Đó là một thiên kiến ngốc nghếch. Ngay trong toán học, trí tưởng tượng cũng cần thiết; ngay cả việc phát minh ra tính vi phân và tính tích phân cũng không thể có được nếu thiếu trí tưởng tượng”. Trước và sau Lênin, nhiều nhà toán học lỗi lạc thế giới vẫn nói họ làm toán học như thi sĩ làm thơ. 
 
Trong Dịch hạch và Thổ tả, trừ “bóng ma của tương lai”, còn lại tất cả các nhân vật khác đều là người từng có cuộc sống thực trên đời. Thiếu tài năng, kiến thức và trí tưởng tượng của tác giả, làm sao người đọc có thể chia sẻ sự tương lân giữa bác sĩ Yersin với các nhà thơ, nhà văn như Rimbaud và Cendrars, các tướng lĩnh như Lyautey và Pétain khi ông này chưa phản quốc, các chính khách như Doumer, người xây cầu Long Biên và De Lesseps, người đào kênh Suez, hay gần gũi với Yersin hơn, các bác sĩ Roux và Calmette, Bordet và Lwoff - những học trò của nhà bác học Pasteur sẽ nối tiếp nhau nhận Giải Nobel Y học (Khi bác sĩ Yersin tìm ra vi khuẩn dịch hạch năm 1894 chưa có Giải Nobel về Y học). Tác giả nghèo tưởng tượng, làm sao độc giả có thể tận hưởng bầu trời và sóng biển Nha Trang, xanh cây lá và ảo mờ sương Hà Nội, tâm trạng của chàng trai Yersin hai mươi bảy tuổi lúc tản bộ trên cảng Marseille chờ xuống tàu sang Viễn Đông, nghĩ tới nhà thơ Rimbaud đã từ nơi này lên đường sang Ả Rập và châu Phi mười năm trước, nhà văn Conrad khởi đầu sự nghiệp thủy thủ của mình mười lăm năm trước cũng từ đây.
 
Đương nhiên Patrick Deville cũng như bất kỳ ai khác được chứng kiến chuyến lên đường lần cuối của bác sĩ Yersin về phía trời xanh biển xanh Nha Trang trừ cộng sự viên thân cận, bác sĩ thú y Jacotot, người đã vuốt mắt cho ông. “Khi ấy là một giờ đêm. Áng sáng đã tắt”. Vậy mà chương cuối dài chưa tới năm trang sách của cuốn tiểu thuyết mang tiêu đề “Biển” gợi cảm biết chừng nào. Không ít người Việt ta từng biết đến di chúc bác sĩ Yersin để lại, vậy mà vẫn khó nén rưng rưng khi đọc đến ý nguyện cuối cùng của nhà bác học lừng danh, một người Pháp gốc Do Thái theo đạo Tin Lành sinh ra ở Thụy Sĩ qua ngòi bút Patrick Deville: “Yersin đòi được chôn cất theo nghi lễ Việt Nam, có khói hương và lễ cúng bốn mươi chín ngày, có treo phướn trắng. Người ta sẽ đốt vàng mã, đặt tên bàn thờ người vừa khuất một bát cơm, một quả trứng luộc, một con gà luộc, một nải chuối. Ông muốn được chôn ở Suối Giao, nửa đường từ Nha Trang đi Hòn Bà, ngay giữa trung tâm của thế giới và của khu đồi. Ông đã chọn biến vương quốc của mình từ hàng chục nghìn hecta thành còn lại hai mét vuông”. 
 
Bác sĩ Yersin để lại tất cả tài sản ông sở hữu cho Viện Pasteur Đông Dương, rồi Viện sẽ làm gì cảm thấy thích hợp; các thiết bị thiên văn học Viện không có khả năng sử dụng thì chuyển cho Đài thiên văn Phù Liễn ngoài Bắc... Ông mong muốn những người Việt từng phục vụ ông mỗi người sẽ nhận một món trợ cấp suốt đời trích từ tiền lãi số cổ phiếu mà ông đã mua sẵn nhằm mục đích ấy tại Ngân hàng SHB chi nhánh Sài Gòn... 
 
Cái thực và chất thơ trong cuốn tiểu thuyết đan xen, nối tiếp nhau qua những tiết tấu bất ngờ. 
 
Dịch hạch và Thổ tả là cuốn sách hơi khó đọc đối với những ai chưa quen lắm lịch sử, xã hội, văn hóa Pháp và phần nào của châu Âu cận đại và đương đại. Nhiều người trong chúng ta hẳn từng yêu thơ Rimbaud, ít ra cũng nghe tên chàng thi sĩ qua câu thơ Xuân Diệu: Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine/ Hai chàng thi sĩ choáng hơi men…, chúng ta biết bác sĩ Yersin là người tìm ra vi khuẩn bệnh dịch hạch Yersina Pestis và chế tạo huyết thanh phòng ngừa, ông là người phát hiện và đề xuất việc xây dựng thành phố mộng mơ trên cao nguyên Đà Lạt song mấy ai rõ ông còn là một nhà thám hiểm, một nhà kinh doanh, một nhà cơ khí, người di thực cây cao su vào Nam Trung Bộ và ông vua Canhkina, người mở trại nuôi bò và trồng rau, đồng thời là nhà thiên văn học và thủy văn học đêm đêm quan sát bầu trời và ngày ngày ghi chép mức thủy triều lên xuống biển Nha Trang - trừ mỗi năm một lần phải bay sang Paris đeo ống nghe vào tai chủ trì với tư cách Chủ tịch danh dự phiên họp thường niên của các Viện Pasteur trên thế giới quy tụ về đây. Làm sao biết những chuyến đi ông lênh đênh cả ba tháng trời trên đại dương thời chưa có kênh đào Suez mới từ Pháp đến được Việt Nam, để rồi trở thành người đầu tiên lái chiếc xe hơi cực xịn đặt mua tại Pháp lướt qua phố phường Hà Nội trước con mắt ngỡ ngàng của người dân; ông còn có ý định sắm một chiếc máy bay riêng và tự mình lái lấy. Làm sao biết được “điều bí ẩn cuối cùng của cuộc đời Yersin: Ông đã dính mũi vào văn chương và cả ở đây ông cũng mắc nghiện” - tác giả viết. Đến tuổi gần tám mươi, nhà bác học ôn tập tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh và cặm cụi dịch Phèdre và Virgile, Horace và Platon, Cicéron và Demosthène… từ nguyên tác. “Hẳn Yersin đọc thấy ở đó những giá trị cổ đại cũng chính là các giá trị của con người ông, giản dị và ngay thẳng, bình thản và chừng mực… Vào thời của Yersin, Nha Trang thật xa xôi. Bởi nó xa châu Âu. Ngày nay nó trở thành trung tâm thế giới. Chính châu Âu mới trở nên quá xa xôi” - tác giả viết. Đối với Yersin, Nha Trang là thiên đường. Ông đã đi hầu như khắp thế giới, song đi biền biệt rốt cuộc cũng không hẳn là sống. Và một khi đã biết tới thiên đường, Nha Trang, ông không rời nó nữa, ông làm cho nó đẹp thêm, ông lập ra ở đó một Viện Pasteur. “Yersin tự nhốt mình ở Nha Trang, tìm cách biến đời mình thành một tổng thể đẹp hài hòa. Và ông đã làm được việc đó”.
 
Một trăm năm trước, Yersin tìm ra Đà Lạt. Ngày nay, “Đà Lạt thời gian như dừng hẳn lại trên mặt nước êm đềm của hồ Xuân Hương, trong các phòng khách của Lang Biang Palace, còn thành phố thì tuyệt đối hiện đại”... Qua khứ, hiện tại đan xen. Mừng thích chen trăn trở. Yêu thương và nuối tiếc. Nhiều di sản văn hóa đang có nguy cơ bị xóa khỏi trần gian. Biết làm sao, cuộc sống không ngừng đi tới phía trước. Thời Yersin, dịch hạch, thổ tả là nỗi kinh hoàng đe dọa tồn vong nhân loại; bệnh lao, bệnh phong, bệnh sốt ác tính… những chứng nan y. Ngày nay, chúng ta vượt qua những cái đó nhờ những thiên tài như Yersin, nhưng lại phải đối mặt biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm, rừng xanh bị cạo trọc - hệ quả toàn cầu hóa. 
 
Cuốn tiểu thuyết phi hư cấu đầy chất thơ viết về một con người có thực mà không bám trình tự thời gian, từ không gian này đột ngột nhảy sang không gian khác, tôn vinh cái đẹp đã qua mà không hoài cổ; câu chuyện về một nhân vật ngoại lệ, có một không hai trên đời, gần như vị thánh song lại rất người, rất gần gũi đời thường. Tác giả Patrick Deville qua một chút hài hước, một thoáng mỉa mai, ý và lời như thơ như nhạc cảnh báo “bóng ma của tương lai”, đặt ra một vấn đề sừng sững tựa ngọn Lang Biang trước người Việt Nam chúng ta cũng như trước mọi người sống trên hành tinh thời hiện đại.
 
PHAN QUANG