Anh tôi - Phạm Văn Cừ sinh năm 1948 tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nông dân nổi tiếng hiếu học.
Anh tôi - Phạm Văn Cừ sinh năm 1948 tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nông dân nổi tiếng hiếu học.
Đang học lớp 6 anh đã được Trường Phổ thông cấp II xã nhà cử làm Đội trưởng Đội tập làm, tập ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp… Do có thành tích học tập và công tác Đoàn, anh được xét đặc cách vào học Trường Phổ thông cấp III Diễn Châu không phải thi chuyển cấp. Nhưng anh đã không được hưởng vinh dự này. Vì cha mất sau ba năm bệnh nặng, anh đã thôi học giúp mẹ làm đồng, nuôi hai em nhỏ đến lớp. Công việc nặng nhọc sớm dồn vào vai anh. Anh được hợp tác xã cử làm Đội trưởng Thanh niên xung kích, tham gia lao động trên các công trường thủy lợi, làm nhà cho bà con đi khai hoang ở miền núi, lấp hố bom, giúp bộ đội phòng không xây dựng trận địa, bốc vác hàng quân sự ở ga Sy, ở bến trung chuyển sông Bùng... Là Bí thư Chi đoàn, ngoài thời gian lao động trên đồng ruộng anh dành hết cho công việc xã hội và hoạt động của đội văn nghệ địa phương. Anh đẹp trai, đôi mắt ngời sáng, giàu sức sống, hát và thổi sáo trúc hay, từng đóng vai Trung úy Phương trong vở kịch “Nổi gió” của Đào Hồng Cẩm.
Năm 1967, anh đã trúng tuyển phi công chiến đấu nhưng rồi được gọi nhập ngũ vào bộ binh, huấn luyện quân sự ở Thanh Hóa. Tháng Mười năm ấy, trên đường hành quân vào Nam anh ghé qua nhà được hai mươi phút. Có lẽ do linh cảm từ tính cách xông xáo, gương mẫu của một Bí thư Đoàn, đối mặt với mịt mù bom đạn, anh sẽ khó có ngày trở về nên mẹ tôi cứ ôm chặt anh, gục đầu vào vai anh khóc nức nở. Anh gần như phải gỡ tay mẹ để ra đi.
Tháng 4/1970 đến lượt tôi nhập ngũ rồi vào chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ. Anh trước, em sau, tôi hình dung dấu chân anh em tôi có thể đã trùng lên nhau trên những nẻo đường hành quân hay trong những hậu cứ chiến khu Đ.
Tôi nào biết anh đã hy sinh ngày 1/4/1969, trước khi tôi nhập ngũ đúng một năm. Trong một trận chống càn của giặc Mỹ, anh đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh để bảo vệ thương binh, được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Nơi anh hy sinh là Trảng Tranh, nay thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Thật tiếc những thông tin này gần đây tôi mới biết và được Phòng Chính sách Quân khu 7 xác nhận. Để yên hậu phương, mãi đến tháng 8/1975 chính quyền xã mới báo tử anh tôi. Ngày ấy tôi đang đóng quân ở Phú Lợi (Bình Dương). Nghe kể mẹ tôi đã chết ngất, phải cấp cứu mới sống lại.
Nguyện vọng tìm hài cốt của anh đưa về quê cho đến khi mẹ tôi nhắm mắt vẫn không thực hiện được. Câu nói cuối cùng của mẹ lúc lâm chung là: “Cừ ơi! Con ở đâu? Chờ mẹ với, mẹ cũng đi đây!”...
Có một người phụ nữ nữa cũng đau buồn đứt ruột là chị Trương Thị Tần, người yêu của anh tôi. Anh chị đã hứa hẹn với nhau bằng một lễ nhỏ thăm nhà gái. Theo tục lệ địa phương, mỗi dịp Tết đến, mẹ lại sai tôi thay anh đang ở chiến trường, đem một chai rượu, mấy quả cau, mấy lá trầu đến biếu mẹ chị. Tết năm 1969 cũng vậy. Anh đã hy sinh từ ngày 1/4 năm đó nhưng địa phương không báo tử nên nào ai biết! Sau khi báo tử anh tôi ít lâu, chị lấy chồng ở xã trên.
Với mấy dòng chữ khuôn mẫu trên giấy báo tử: “Liệt sĩ Phạm Văn Cừ, đơn vị C22 KBM, hy sinh tại mặt trận phía Nam”, tôi đã đi tìm anh tận Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng... Cho đến ba năm trước, một người bạn học là Ngô Phi Thanh, cùng nhập ngũ với anh kể cho tôi nghe rằng anh chiến đấu và hy sinh tại Trảng Tranh để bảo vệ một trạm phẫu dã chiến gần căn cứ Trung ương Cục ở Tây Ninh. Lúc trận đánh này diễn ra, anh Thanh đang đi phối thuộc với một đơn vị khác nên không có mặt.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Quý ở Hội VHNT Tây Ninh đã nhiệt tình giúp đỡ vợ chồng tôi trong những ngày đi tìm mộ anh, tận tình đưa tôi đến Trảng Tranh - nơi anh chiến đấu và hy sinh - nhưng mọi thứ đã thay đổi. Gần nửa thế kỷ kể từ trận chiến đấu ấy, thép cũng rỉ, đá cũng mòn, nói chi đến xương thịt con người. Tôi đành thắp hương và lấy một nắm đất về thờ.
Thân thể anh đã hòa vào đất nước. Linh hồn anh đã thành mây trắng bay, thành cơn gió hiu hiu ngày giỗ như hàng vạn thanh niên cùng thế hệ. Tôi viết những dòng này về anh với chút hy vọng mong manh có ai cùng đơn vị với anh tôi cho biết thêm thông tin nào nữa chăng...
Nỗi đau mất anh vẫn còn nguyên trong tôi, không cách gì quên được. Một trong những bài thơ tôi thầm lặng viết vào sổ tay là viết về anh - ngọn đuốc sáng một thời trai trẻ. Không biết có linh hồn anh phù trợ hay không, một ngày nọ, được bạn thơ Vương Thừa Bình mách bảo có cuộc thi sáng tác và động viên, tôi đã gửi dự thi. Bài thơ “Viết trong ngày giỗ anh” của tôi đã được trao giải Nhất Cuộc thi sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ do Hội Nhà văn và Sở Lao động, thương binh & Xã hội TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức năm 1983. Bài thơ cũng đã có mặt trong tuyển tập thơ “Giá từng tấc đất” do Hội Nhà văn Việt Nam tuyển chọn, xuất bản. Tôi tự an ủi là mình đã dựng được cho anh một tấm bia tưởng niệm bằng thơ.
Viết trong ngày giỗ anh
Anh ngã xuống cánh rừng nào lặng lẽ
Thư báo tin đau không sơ đồ mộ chí
Rừng Tây Ninh đâu chỗ anh nằm?
Chân trời xa đau đáu mắt em.
Chiều ấy quân đi xanh bến phà tháng giêng
Em đâu nghĩ lần cuối cùng đưa tiễn!
Khói bom đen phương trời anh đến
Pháo biển rú gào chen lời mẹ dặn anh
Làng ta ở trong tầm bom giặc
Thương anh ngã xuống chẳng yên lòng!
Em đã lớn lên trên tấm lưng anh
Ngày cha mất anh nhường em đến lớp
Một góc làng sáo trúc đêm trăng
“Chưa thấy người đã nghe tiếng hát…”
Nhắc về anh làng xóm mãi thương.
Em đã tìm anh suốt những cánh rừng
Chi chít dòng tên khắc vào thớ gỗ
Anh nằm lại nơi đâu?
Bốn phương trời khói lửa
Tiếng bom nào như cũng dội nơi anh.
Cùng ra đi em bé gầy hơn
Mẹ cứ sợ không trèo qua hết dốc
Sau cơn bão, cây đa bật gốc
Em là cây xoan còn đứng trong vườn.
Em từng mơ ngày về quê hương
Anh ngồi lợp lại nhà cho mẹ
Anh kể chuyện chiến trường
Anh hát cười vui vẻ
Mẹ mắng đùa: “Mày chẳng khác ngày đi!”
Giờ có đêm mẹ mơ thấy anh
Rồi choàng dậy bàng hoàng bật khóc.
Em cứ đợi điều không còn có được
Một đêm kia tiếng gõ cửa
Anh về…
1987
PHẠM QUỐC CA