Suốt 35 năm gắn bó cuộc đời với hoạt động văn hóa - nghệ thuật nói chung và trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ dân gian nói riêng, "Nhà điền dã"- nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng, nguyên là Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lâm Hà đã "đánh thức" những thanh âm, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển vốn quý ấy để nó phát sáng trong không gian đa chiều của văn hóa Nam Tây Nguyên.
Suốt 35 năm gắn bó cuộc đời với hoạt động văn hóa - nghệ thuật nói chung và trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ dân gian nói riêng, “Nhà điền dã”- nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng, nguyên là Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lâm Hà đã “đánh thức” những thanh âm, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển vốn quý ấy để nó phát sáng trong không gian đa chiều của văn hóa Nam Tây Nguyên.
|
“Nhà điền dã” Nguyễn Tấn Hùng say sưa tìm hiểu thanh âm một loại nhạc cụ dân tộc. Ảnh: L.Trọng |
Những bước chân điền dã
Theo chân “Nhà điền dã” Nguyễn Tấn Hùng (sinh năm 1957, cầm tinh con Gà - Đinh Dậu), quê Hải Dương, sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi, sau đó vào định cư lập nghiệp tại Lâm Đồng, nguyên là Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lâm Hà, chúng tôi có dịp trở lại làng Bồ Liêng, nay là Tổ dân phố Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà khi trăng đã nhô lên khỏi ngọn tre. Dù nằm ngay trong lòng thị trấn Đinh Văn khá sầm uất, thế nhưng Tổ dân phố Bồ Liêng lại là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số gốc K’Ho cùng sinh sống, mang bản sắc văn hóa rất riêng không lẫn vào đâu được! Điều mà chúng tôi cảm nhận trong lần về thăm này đó là đi đến đâu anh cũng nhận được sự đón chào nồng nhiệt, chân tình của bà con dân làng như thể đứa con xa lâu ngày trở lại. Trong một đêm sinh hoạt cồng chiêng cùng với đám trai gái trong làng, bên bếp lửa bập bùng hình ảnh “Nhà điền dã” Nguyễn Tấn Hùng càng trở nên gần gũi, thân thiết. Tại đây, qua câu chuyện kể, chính những tháng năm đi xung kích “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) và dạy chữ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn làng người Mạ, người K’Ho đã thôi thúc anh tìm đến với mảng văn hóa - văn nghệ dân gian và bắt tay vào nghiên cứu nó - như là cách tìm về với cội nguồn, tìm về với những giá trị đích thực giàu bản sắc văn hóa của vùng đất và con người nơi đây. Từ đó, anh đam mê và “bén duyên” với ngành văn hóa địa phương như một lẽ tự nhiên không thể nào dứt bỏ ra được.
Lặn lội, bám sát cơ sở, gần gũi gắn bó với buôn làng để tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa, để sưu tầm, nghiên cứu vốn văn hóa - văn nghệ dân gian giàu bản sắc của bà con đồng bào các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên, cũng như của bà con đồng bào các dân tộc phía Bắc đang sinh sống ở mảnh đất này, “Nhà điền dã” Nguyễn Tấn Hùng chẳng những đã được bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, đặc biệt là bà con đồng bào K’Ho tin yêu, quý mến mà anh còn được gọi bằng một cái tên thật thân mật: K’Hùng.
Gia tài để lại
Sau hơn nửa đời người gắn bó với ngành văn hóa địa phương, với đồng bào các dân tộc bản địa, đến nay trong “gia tài” của mình “Nhà điền dã” Nguyễn Tấn Hùng đã sưu tầm, hiệu chỉnh được 9 bài chiêng cổ, 8 bài đồng dao của người K’Ho, 5 bài dân ca được in chung trong tuyển tập “Dân ca Mạ - K’Ho - Churu” do Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Lâm Đồng (nay là Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Lâm Đồng) làm chủ biên. Không những thế, anh còn phục dựng thành công một số lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc tại địa phương như: Lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng Thần lửa, lễ cưới của người K’Ho… và còn là người chủ biên 2 đề tài cấp huyện về nghiên cứu văn hóa bản địa K’Ho, được chính quyền địa phương và các nhà chuyên môn ghi nhận, đánh giá cao. Theo anh Nguyễn Tấn Hùng, trong quá trình làm việc từ khâu sưu tầm cho đến khâu phục dựng các bài chiêng cổ hay những bài đồng dao-dân ca thì khó nhất vẫn là khâu ký âm, chỉnh lý bằng phương pháp thủ công để phục dựng lại những giá trị văn hóa ấy. Là người đồng hành, gắn bó với anh Hùng trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, nghệ nhân K’Bes - cán bộ phụ trách mảng Văn hóa - văn nghệ dân gian thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lâm Hà cũng có những cảm nhận của riêng mình về người đồng nghiệp lớn tuổi đáng kính này: “Tôi gặp và gắn bó thân thiết với anh Hùng đã hai mươi mấy mùa rẫy rồi, từ lúc chúng tôi cùng nhau tham gia chương trình “Sơn ca 91” tại Đăk Lăk. Đóng góp lớn nhất của anh Hùng đó là nghiên cứu, khôi phục lại những nét văn hóa độc đáo nhất của người K’Ho…”.
Giờ đây, những bước chân điền dã của nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng tuy không tiếp tục cuộc hành trình trên mọi nẻo đường, thế nhưng niềm tin trong anh về một thế hệ kế cận sẽ tiếp tục thể tất những gì mà anh đã dày công vun đắp nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát triển vốn quý ấy trong không gian đa chiều của văn hóa Nam Tây Nguyên.
LÊ TRỌNG