Nhớ hàng thông trên phố Pleiku

10:07, 13/07/2017

Tôi cũng chẳng hiểu sao mà mình lại mừng rơn khi nhìn thấy những cây thông non trên vỉa hè ở Pleiku, dù nơi mình sống bạt ngàn thông, Đà Lạt.

Tôi cũng chẳng hiểu sao mà mình lại mừng rơn khi nhìn thấy những cây thông non trên vỉa hè ở Pleiku, dù nơi mình sống bạt ngàn thông, Đà Lạt.
 
Hàng thông non trên đường Thống Nhất thành phố Pleiku tám năm trước. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình
Hàng thông non trên đường Thống Nhất thành phố Pleiku tám năm trước. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình
Buổi đó, những cây thông trên đường Thống Nhất lưa thưa, người ta trồng như trồng cây cảnh quan, nghĩa là có tổ chức đô thị, chăm chút. Ở đỉnh nó những hàng nến trồi lên trắng phau mà ta gọi là đọt, và long lanh trong thứ nắng chiều cố lèn qua bê tông để dọi xuống. Chỗ con dốc cong cong kia cũng mềm ra, duyên dáng, thấy thương, khác hẳn bao con phố khác. Tôi bỏ bàn nhậu và lững thững theo hàng thông. Tôi sờ nhẹ vào nó như chạm vào mỹ nhân. Chợt tôi mơ về những hàng thông cao vút trên đường phố Pleiku. Tôi tưởng tượng về thứ cảm giác bóng mát tinh khiết thường hằng của loài cây lá kim sẽ đổ xuống hàng ngày nơi vỉa hè này. Trong thứ lạnh mềm êm ái đó, cho tôi mường tượng vào cái buổi ban sơ của chốn này khi đô thị chưa “rơi” xuống, bê tông chưa tuôn trào, cả xứ sở không phải hàng cây mà là muôn trùng xanh nguyên bản tự nhiên, không chia cắt, muôn loài đoàn tụ. Rằng Pleiku có lai lịch, căn cước, chân đế, quá khứ, hiện tại, tương lai. Rằng nó không phải thành phố chớp nhoáng, “fast food” đô thị, nhân bản vô tính, mà vật vã để leo trên thời gian, hóa kiếp, biến đổi, viên thành, trong hơn một trăm năm ấy. Tôi lên dây tình yêu xứ người. Tôi tập đánh vần để thấy Pleiku. Tôi tập phiên dịch để thấy mọi thành phố đều không là chốn xa lạ, gần với cái bên trong của con người là cõi lòng, tâm hồn thiên lương, chạm vào trời đất, chứ không phải chuồng trại bê tông.
 
Giữa một đô thị phồn hoa bước ra từ rừng như Pleiku nhưng không còn ký ức của rừng, không một chỉ dấu nào của đại ngàn, thì tôi làm sao không thao thức về những cây xanh mang hơi thở của rừng, vượt ra khỏi cây xanh đô thị thông thường chứ. Giữa một Pleiku thật ít đồi núi chập chùng nhưng theo tôi nhờ bài hát quá tuyệt của Phạm Duy - dù phổ thơ thi sĩ Vũ Hữu Định - mà “PR” hoàn hảo tự nhiên cho một xứ sở, định danh “Phố núi” sang cả thì làm sao tôi không ước những mảnh “rừng thật” cho nó, mà dĩ nhiên không nhất thiết chỉ mỗi loài thông cho đô thị. Giữa một Pleiku ồn ã, sôi động thì làm sao không cần những khoảng lắng. Dù giàu có Pleiku vẫn phải tự tình. Cho dù là thành phố nhưng thành phố nào cũng có cuộc đời sau trước của nó. Xứ lạnh núi cao Đà Lạt dĩ nhiên hội tụ rừng lá kim, đặc trưng nhưng nghèo về thành phần loài, thì buổi mờ xa kia ban đầu Pleiku càng ý vị hơn thế, khi nó là rừng mưa nhiệt đới thường xanh, với thảo mộc đa dạng, có cả cây N’go (ngo/thông - tiếng người Banah, J’rai bản địa), con vật muôn loài. Ký ức mù xa quá, Pleiku ạ, nên giờ người ta tái kiến tạo chút cây rừng gì cho mi, ta cũng trân thương cả, dù loài thông bình thường này. Những hàng cây xanh lấy hoa, bóng râm thuần túy, son phấn, mỹ miều, dù cần thiết, nhưng hình như cũng chỉ là một thành tố lý trí của sinh thái đô thị hiện đại, nhưng thú thật không gợi được cho nhau về nguồn cội. Tôi không biết đất đai cùng người Pleiku giàu có, tân tiến ngày nay có “nhớ rừng” trên phố xứ mình không.
 
Là lữ khách lang thang làm sao tôi hiểu cái bên trong, tâm hồn người phố lạ. Tôi chỉ biết rằng trên thân thể Pleiku, đó đây nhiều địa danh ngày nay vẫn còn gắn với chất “rừng” cùng những tổ người sơn nguyên mộc mạc lơ thơ buổi mờ tít qua tên gọi nọ kia, như cái tên plei (làng) ku hóa thành tên phố tỉnh lỵ này. 
 
Bây giờ hàng thông ấy đã lớn đến đâu rồi nhỉ, sau nhiều năm tôi chưa ghé lại. Tám năm, thời gian đủ để một đứa trẻ ra đời và tung bay vào lớp nhì bên hàng phố thì tôi giật mình nhớ về một hàng thông non chơi vơi trên phố người xa lạ. 
 
Tản văn: Nguyễn Hàng Tình