Đầu tôi muốn bốc hỏa khi đi làm về, vừa đưa mắt nhìn vào nhà đã thấy căn phòng bỗng chốc hóa thành phường chèo. Chắc chắn chỉ là sản phẩm từ đôi tay có đến chín cái hoa tay của ông cụ. Đập vào mắt là một cái quạt giấy to uỳnh màu nâu thâm sì với vài chữ nho đen nhức mắt treo ngay ngắn trên tường nhà, ở vị trí chính diện.
Đầu tôi muốn bốc hỏa khi đi làm về, vừa đưa mắt nhìn vào nhà đã thấy căn phòng bỗng chốc hóa thành phường chèo. Chắc chắn chỉ là sản phẩm từ đôi tay có đến chín cái hoa tay của ông cụ. Đập vào mắt là một cái quạt giấy to uỳnh màu nâu thâm sì với vài chữ nho đen nhức mắt treo ngay ngắn trên tường nhà, ở vị trí chính diện. Hai cây trúc Nhật hai bên được ông cụ mắc thêm từng chùm đèn xanh đỏ và những chú hạc giấy màu trắng, màu vàng bay bay. Thằng cu Tít cười toét miệng, tay vỗ lộp bộp, hoan hỉ kéo mẹ vào khoe thành quả của ông. Nó chưa biết nói, mặt tươi hơn hớn.
Tôi chẳng nói chẳng rằng, xách túi đồ ăn xuống thẳng bếp, tự nhủ thôi thì sự đã rồi, nhà cửa có giống phường chèo cũng đúng. Mình cũng chẳng khác anh hề trong các vở tuồng là mấy khi nhiều lúc cục tức đã ứ lên tận cổ vẫn phải nhếch miệng cười mà rằng “bố à, bố ơi…”.
|
Minh họa: Thanh Toàn |
Tôi không phải về nhà anh làm dâu ngày nào nhưng cũng bằng chán vạn lần làm dâu khi bố chồng một năm thì chín mười tháng ở với hai vợ chồng, chỉ trừ giỗ, tết. “Nhà con trai cả cũng là nhà bố” - giọng bố đầy tự hào. Riêng tôi, ngoài tươi trong héo khi ngày càng thấy mệt hơn cả những ngày con mọn trong nôi, hết hẳn những tháng ngày bay nhảy. Đi làm về mệt mỏi, cũng ráng nai lưng ra mà chu toàn bữa cơm gia đình. Tuy không thuộc hàng đuểnh đoảng, nhưng cũng chẳng vào loại khéo léo, hiền thục nên tôi thường xuyên mất điểm trong mắt ông cụ. Ông kỹ tính, cầu toàn. Ông khó chịu đến mức không chấp nhận tôi mặc áo cổ trần, để tay trần sát cánh khi đi làm. Tô một chút son môi đỏ đỏ, hồng hồng cũng không được. Thậm chí, vợ chồng có khi gần nhau, sung sướng quá mà hổn hển thì ông cũng húng hắng khó chịu ở phòng bên. Nhiều lần, tôi xoay lưng lại với Long hờn mát: Vợ chồng mình quấn quýt nhau y như tập trận thời chiến, quán triệt ba không, đặc biệt là không tiếng!
Hầu hết xích mích nhỏ to ấy, tôi đều nhẫn nhịn. Tất cả là muốn Long không buồn lòng. Long bảo, ở quê anh, gánh nặng con trưởng rất quan trọng. Bố luôn coi nhà con trai cũng như nhà mình nên con cháu ráng nhịn cho ông cụ sống thoải mái. Bố cũng coi “dâu con, rể khách” nên rất khắt khe uốn nắn con dâu và có phần dễ dãi, giữ kẽ với con rể. Có lúc không nhịn được, tôi hoặc Long cãi lại thì ông cụ thủng thẳng: “Thôi, tôi già rồi, không nói lại các anh chị. Tôi cũng chẳng sống được bao năm nữa, nói nhiều cũng vì muốn anh chị tốt thêm, anh chị không nghe thì thôi”. Bài học này hiệu nghiệm hơn cả thần chú “vừng ơi khép lại” vì ngay sau đó cả tôi lần Long đều im thin thít như những kẻ tội đồ dù không có một chút lỗi.
Điều duy nhất níu tôi gần với bố là những câu chuyện thời chiến của ông. Tôi thích những câu chuyện, bài hát, phim ảnh thời chiến mà ông lại là một nhân chứng sống đi qua mấy chục năm gian truân ấy. Không thước phim, bài học nào sống động hơn kỉ niệm ông kể. Là những lần nhận thư vợ, mà thấy sợ sệt cả khoảng thinh không chỉ có tiếng là rừng và côn trùng rả rích. Bởi chính khoảng không ấy chứ không phải tiếng bom rền nhắc sự chia ly, xa cách. Là lần ông nhào ra giữa làn đạn kéo lê đồng đội vào bìa rừng. Người bạn sau khi mất nhiều máu, lả đi, tỉnh dậy thét khản giọng khi mất đi cánh chân nát bấy. Còn ông phải cưa một cánh tay khi trúng mảnh đạn. Hòa bình, cả hai đều sống, trở về chung một làng quê. Người mất tay, người mất chân, chung một nỗi đau khi chỉ còn mấy đứa con thơ đứng chờ. Hai người vợ, người chết vì bom đạn, người chết vì bệnh tật. Bố nói, ở đời người ta xoay xung quanh một chữ Nợ. Thời chiến, không có bố thì người đồng chí ấy đã nằm lại vĩnh viễn nơi cánh rừng đất phương Nam. Về lại thời bình, không có người bạn mạnh mẽ ấy chung một nỗi đau thì bố không thể nào vực dậy khi vợ chết, con dại.
* * * * *
“Mi liệu hồn nhé, tao thấy bố chồng mi hay qua lại nhà con mẹ Hoa kéo rác. Xã hội bây chừ, trẻ thì hay hư thân, già hay mất nết lắm đấy” - bà hàng xóm trọ trẹ giọng gốc Huế, nhiều chuyện xì xào. Tôi trợn mắt: “Cô nói gì thế, bố cháu là người nghiêm túc”.
Ông cụ gom hết đống đồ chơi hỏng của cu Tít vào một thùng cạc tông, hỏi dò: “Đồ cũ, thằng Tít không chơi nữa, bố cho thằng cu nhà cô Hoa chơi khỏi lãng phí nhé?”. “Vâng, bố cứ cho nhà ấy đi”. Ông cụ ngồi săm soi, bôi lại từng chút sơn tróc, sửa những con ốc hư, miệng tủm tỉm cười. Ông lại cất dành từng mẩu dây điện, dây thép cũ, một tay vất vả cắt cắt, uốn uốn thành hình bông hoa, xe đạp, con ngựa… cho thằng bé. Ông kể, ngày bé, khi Long đòi mẹ, ông chỉ biết rút ruột, lấy cây kèn ắc mô ni ca ra mà thổi “Anh vẫn hành quân”, “Em vẫn đợi anh về”… hoặc làm những món đồ chơi giản dị này để dỗ con. Ngày bé, bố đẻ vẫn thường làm những món đồ như thế cho tôi nên câu chuyện bố kể khiến tôi ngậm ngùi, gần gũi. Những thứ đồ chơi không biết chạy bằng pin, không có đèn nhấp nháy và còi hú hụ như thế, thằng Tít không chơi bao giờ.
Đầu năm học mới, ông cụ nhận lương hưu tong tả đi mua cho thằng Tít cái ba lô con thỏ và áo quần. Ông cũng không quên mua cho thằng bé nhà kéo rác một bộ. Ông phân bua: “Mấy lần thấy thằng bé theo mẹ đi kéo rác, chẳng lần nào có bộ đồ tinh tươm để mặc. Cũng là con trẻ cả mà nó thiệt thòi”. Tôi tủm tỉm cười. Bất chợt, tôi chột dạ, có lúc nào đúng như thiên hạ đồn không khi ông cũng thương thằng con chị Hoa như con cháu ruột thịt?
Chị Hoa là người đàn bà quá lứa lỡ thì. Nhà mang tiếng ở phố nhưng chỉ rộng chừng sáu mét vuông, tối như hũ nút, ở từ đời này qua đời khác. Tới đời cô thì không chồng, không con. Ngoài bốn mươi, không ai biết cô xin đâu được một đứa, bụng càng ngày càng phình ra. Tổ trưởng khu phố thấy ngứa mắt, nhắc nhở, dù sao cũng là khu phố văn hóa, ưu tú… lại có nhiều thanh niên. Lỡ chúng đua nhau học đòi không chồng mà chửa thì phát nguy. Các bà vợ đi họp tổ dân phố thì về ngấm nguýt, thăm dò chồng. Ông nào ít giao tiếp thì thôi, ông nào lỡ đôi ba lần cười nói với cô kéo rác có duyên ngầm thì cứ bị vợ nhắc khéo, nhắc xa nhắc gần. Các ông chồng đi họp về thì thắc thỏm thèm thuồng, không biết ông nào trong xóm hay ở đâu đó… vớ bở. Gừng ấy già đấy, cay phải biết.
Lời ong tiếng ve nhiều, Hoa đem thẳng hồ sơ bệnh án đến nhà tổ trưởng khu phố. Hơn ba chục triệu, một tài sản kếch xù với phận đời rác như chị để đổi lại có một đứa con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Chồng thì có thể không có, cũng nhịn được. Nhưng con thì cô thèm, thèm lắm thiên chức làm mẹ, được gột rửa bàn tay chai sần vì rác, để ôm đứa con như ngọc như ngà, cho nó bú mớm… Có được nó, chị cảm ơn hơn nửa đời quét rác đã đưa phúc phận lại cho chị.
Khi nghe tôi kể chuyện tin đồn về bố và chị Hoa, Long cười khục khục, cốc khẽ lên trán bướng: “Em ơi, em khùng quá! Mấy chục năm nay bố sống thế nào mà em lại đi tin cái bà hàng xóm nhiều chuyện ấy?”. Tôi cong môi cãi: “Em kể anh nghe thôi chứ em nào có tin. Với lại, bố vất vả nhiều rồi, bố có đi bước nữa em vẫn rất hoan nghênh. Con chăm cha đâu bằng bà chăm ông”. Thực tình khi nói câu đó, nghĩ tới hạnh phúc cho bố phần ít nhưng tôi lại nghĩ phần nhiều đến một tương lai tươi sáng là nhà mình sẽ thực sự là của mình. Nơi mà hàng tháng mình phải kéo cày như trâu để trả nợ phải là nơi thoải mái, đúng như ý mình muốn chứ không phải như bố muốn, chẳng khác phường chèo là mấy. Long nheo nheo mắt nhìn tôi cười. Cái điệu bộ ấy, ngụ ý rằng: “Thôi em, anh biết tỏng ý đồ của em rồi”. Tôi chống chế: “Em nói thật lòng mình đấy”.
* * * * *
Đi làm nửa buổi, tôi bỏ về vì không chịu nổi thói đỏng đảnh sớm nắng, trưa mưa, chiều giông bão của bà sếp lắm tiền ít chữ. Giận sếp tới mức về nhà phải đóng cửa thật mạnh cho đỡ bực bội. Bố chồng thò mặt ra ngó qua cửa sổ: “Nhẹ nhẹ chứ con, con gái cần có ý tứ”. Ối giời ơi, chỉ một câu của ông cụ lại làm máu nóng bốc lên đầu. Tôi quay ngoắt xe lại, uể oải mở cổng và rồ ga đi thẳng. Sau lưng, chắc ông cụ lại ngán ngẩm lắc đầu với những ý nghĩ xoay quanh công dung ngôn hạnh và bực dọc đóng cổng.
Một mình bên li cà phê đắng nghét và nghe giọng ca Khánh Hà đong đưa quả là hiệu nghiệm trong những buổi giải stress như thế này. Ở góc quán quen thuộc này, thi thoảng, tôi còn cao hứng làm được vài câu thơ con cóc từ thời sinh viên đến nay, đã hơn mười năm hiếm khi mơ mộng tới. Điện thoại chồng gọi. Giọng anh hoảng hốt: “Em về ngay, bố vào viện rồi”. Tôi rùng mình, linh cảm điều không lành khi trời vừa sập tối, hơi lạnh thấm vào cánh tay trần: “Sao thế anh?”. “Ông đón thằng Tít đi học về, thằng Tít đòi ra đường đi đón mẹ, xe đâm nó, ông nhào ra, tai nạn rồi”. Giọng chồng chắp vá. Tôi gào lên: “Trời ơi, thằng Tít làm sao không?”. “Không”. “Vâng, bố đang ở đâu, em chạy vào luôn”. “Bệnh viện 175 nhé!”. Tôi lao ra khỏi quán, lòng đầy oán trách mình. Giá mà tôi không bỏ đi cà phê một mình với những stress cỏn con. Giá mà tôi về nhà, đi đón con, nấu một bữa cơm ấm áp thì bố đã không gặp tai nạn.
Bố nằm trong phòng hồi sức. Không xa ô cửa kính, bố nằm thiêm thiếp, đầu và một bên chân quấn băng trắng toát. Cánh tay duy nhất còn lại gác chênh vênh trên ngực, phía trái tim. Tôi xót lòng khóc nấc: “Bố ơi”. Thấy đau quặn mà nước mắt không trào ra nổi. Bất chợt, tôi nhớ có lần bị bố mắng, tôi đã suy nghĩ rất độc địa: “Mai mốt bố chết, mình có khóc nổi không?”. Cảm xúc vỡ òa, những nghẹn ngào, những hối lỗi, day dứt thi nhau ùa ngược vào mắt. Tôi ngồi sụp, gục đầu lên bức tường trắng lạnh toát của bệnh viện. Nức nở như một đứa trẻ mà lòng đắng đót. Giá tôi có thể khóc để lòng nhẹ bớt, để bớt cảm giác sợ sệt nếu quả thực tôi phải mất bố.
“Khổ thân ông cụ, khi tôi đi thu gom rác, tôi trông thấy trước mắt mình thằng cu Tít bỗng dưng nhào ra đường chạy theo cái cô đi xe tay ga, chắc nó tưởng mẹ. Cái taxi trờ tới, tưởng thằng bé tiêu rồi, ai dè thấy ông cụ lao ra, kéo nó vào. Cái xe cán chân ông cụ…”. Tôi rùng mình nghe chị Hoa kể lại, ôm Long sụt sùi: “Tại em, tại em…”. Tôi càng đau lòng hơn khi nghĩ, mấy chục năm trước một cánh tay của ông cụ đã phải cưa đi, chôn lại giữa rừng khi kéo anh bạn về nơi trú ẩn. Thế mà, bây giờ, chẳng còn mảnh bom, mảnh đạn, đầu và chân ông vẫn trắng toát khi kéo cu Tít khỏi miệng tử thần. Tất cả chỉ vì thói đỏng đảnh, nóng giận của tôi. Long vỗ về: “Bác sĩ bảo ngày mai chuyển bố qua phòng hồi sức. Ông cụ chỉ bị chấn thương phần mềm, xây xát nặng nhưng không có gì đáng ngại. Năm nay anh gặp sao Thái bạch, người thân cũng vạ lây.”. Đôi khi Long cũng như tôi, đổ lỗi bớt cho số má để bớt nặng lòng, nhưng sao lần này tôi vẫn day dứt quá thể.
“Tôi nấu cho ông cụ bát súp cua, lúc nào cụ tỉnh, cô hâm nóng cho cụ ăn mau hồi sức, nhé!”. Chị Hoa trao cho tôi. Tôi nhìn chị, bắt gặp ánh mắt trìu mến, sẻ chia. Tới lúc chị đã khuất sau hàng cây bò cạp nở những chùm hoa vàng cuối mùa, tôi vẫn thấy lòng mình dịu nhẹ bớt âu lo khi gặp ánh mắt ấy.
Truyện ngắn: VÕ THU HƯƠNG