Minh Huệ - dòng xuân chảy mãi

08:09, 21/09/2017

Anh Đặng Minh Huệ năm nay đã ngoài 60 tuổi, người quê Gia Lâm - Hà Nội hiện đã có 33 năm gắn bó với "quê hương thứ hai" - huyện Lâm Hà. Anh là một trong những điển hình tiêu biểu cho lớp người vào xây dựng quê hương mới trên cao nguyên. 

Anh Đặng Minh Huệ năm nay đã ngoài 60 tuổi, người quê Gia Lâm - Hà Nội hiện đã có 33 năm gắn bó với “quê hương thứ hai” - huyện Lâm Hà. Anh là một trong những điển hình tiêu biểu cho lớp người vào xây dựng quê hương mới trên cao nguyên. 
 
Thác Voi (Lâm Hà). Ảnh: Internet
Thác Voi (Lâm Hà). Ảnh: Internet

Nhập ngũ trước giải phóng 1975 vài tháng; tháng 10/1978, sau khi hội diễn quân chủng tại Bạch Mai - Hà Nội, anh Đặng Minh Huệ được giữ lại để thành lập Đoàn Tuyên văn Không quân, sau này là Đoàn nghệ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân. Đoàn tham gia hội diễn toàn quân khu vực III tại Đà Nẵng, đoạt giải nhì toàn đoàn. Tập thể và cá nhân anh được về biểu diễn và báo cáo thành tích ngay tại hội trường Ba Đình cùng Đoàn nghệ thuật Quân khu II, Quân khu V. Sau đó, đoàn nhận lệnh của Quân chủng chỉ đạo đi biểu diễn phục vụ các đơn vị, các sân bay, quân chủng, Hải quân Nha Trang, xưởng đóng tàu Ba Son ở Sài Gòn, sân bay dầu khí Vũng Tàu… Đoàn liên tiếp nhận được từ phía khán giả, lãnh đạo địa phương, quý khách sự hưởng ứng và mến mộ… Do hoàn cảnh điều kiện gia đình lúc bấy giờ không cho phép Minh Huệ tiếp bước trên con đường nghệ thuật quân đội, tháng 6/1980 anh vui lòng cầm tờ quyết định phục viên về địa phương. Rời quân ngũ, Minh Huệ đã đưa phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương phát triển sôi nổi rầm rộ, suốt 4 năm 4 tháng tại quê nhà. Anh luôn hòa nhập vào các phong trào văn thể mỹ, ở đâu có Minh Huệ là ở đó có lời ca tiếng hát…
 
Tháng 10/1984, anh cùng gia đình đi theo diện nhà nước vào xây dựng Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Đức Trọng - Lâm Đồng. Một vợ ba con nhỏ, đứa lớn nhất mới 6 tuổi, khó khăn chồng chất khó khăn nên anh đi làm thuê làm mướn, thợ mộc, thợ nề, miễn sao bảo đảm cuộc sống cho gia đình qua thời điểm giáp hạt đồng đất chưa có gì thu hái. 
 
Phòng Văn xã Vùng kinh tế mới Hà Nội biết đến anh và mời tham gia các kỳ hội diễn của tỉnh Lâm Đồng, Quân khu V, kết quả đoạt nhiều giải A, huy chương vàng, huy chương bạc, bằng khen, giấy khen. Minh Huệ được mời làm cộng tác viên của Phòng Văn nghệ Đài PTTH Lâm Đồng. Anh đã có nhiều ca khúc, bài thơ được phát trên sóng phục vụ bạn xem đài và là cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa huyện Lâm Hà. Nhắc tới hoạt động của Trung tâm Văn hóa huyện không thể không nhắc tới những ngày khởi đầu bao gian nan vất vả. Những buổi đi lưu động phục vụ, giàn máy móc âm thanh còn nghèo nàn, thậm chí phương tiện đi lại quá thô sơ trong khi đường sá gập ghềnh lầy lội với mùa mưa, bụi đỏ đầu tóc áo quần xe cộ với mùa khô... nhưng không ngăn nổi lòng nhiệt tình, máu văn nghệ sỹ, yêu nghệ thuật của các anh Tấn Hùng, K’Thế, Minh Huệ, Hoàng Xuân Sơn và một số anh chị em khác... - Đó là những kỉ niệm theo họ đi suốt cùng năm tháng...
 
Hòa mình trong phong trào, những đêm tối trời mưa hay không, trăng tròn hay khuyết Minh Huệ vẫn cùng cây đàn dong duổi khắp nẻo đường thôn, xã vực cho những “ca sỹ địa phương” có triển vọng. Anh yêu nghệ thuật và gắn bó như máu thịt của mình. Tôi còn nhớ 20 năm về trước, chúng tôi tập đi tập lại, hát đứng hát ngồi rồi vẫn bị Minh Huệ nắn cho kỳ được: “Phải cao, hát cao giọng nữa lên, chưa, chưa được”! Anh cho chúng tôi kinh nghiệm không được uống nước lạnh, chỉ có uống nước trà nóng mới tốt cho giọng. Bấy giờ tôi là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Gia Lâm nên các phong trào văn nghệ đều phải cận kề với Minh Huệ, anh vừa là ca sỹ vừa là nhạc sỹ, một tay đàn ghi ta cừ khôi. Có những đêm chúng tôi lặn lội tới nhà Minh Huệ để tập văn nghệ, cũng có lúc thay đổi địa điểm anh phải đi nhưng Minh Huệ không quản ngại. Công việc gia đình xong thường thì muộn và phần phụ nữ nhiều việc vặt, nhưng anh vẫn chờ chúng tôi tới tập. Vẫn tiếng hát và tiếng đàn ấy đã đưa phong trào văn hóa văn nghệ địa phương nhiều lần đoạt giải, có lần Minh Huệ chợt cười thỏa mái, khen: “Hôm nay lên sân khấu thể hiện tốt thế, cứ như bữa tập thì buồn quá”! 
 
Với quá trình gắn bó với hoạt động văn hóa văn nghệ, ngày 1/1/2004 Minh Huệ được kết nạp vào Hội VHNT Lâm Đồng, sinh hoạt tại Chi hội Âm nhạc, sau này chuyển về sinh hoạt tại Chi hội VHNT huyện Lâm Hà. Rất đặc biệt như món quà gửi tặng người nghệ sỹ đó là những kỷ niệm thật sâu sắc đánh giá bước đường trải nghiệm trong hoạt động nghệ thuật của Minh Huệ sau những thăng trầm. Chương trình kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Thủ đô (1954 - 1994) anh được Đài Tiếng nói Việt Nam (cơ quan thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh), Đài PTTH Lâm Đồng phát sóng một video tiếng hát Minh Huệ. Anh đã được Bộ Văn hóa tặng Kỷ niệm chương năm 2005, Hội VHNT Lâm Đồng tặng 2 giấy khen. Chưa hết, năm 2016, Minh Huệ được Đài PTTH Lâm Đồng giới thiệu chương trình Tác giả - tác phẩm “Minh Huệ - khúc tình ca xứ sở, dòng xuân chảy mãi”. Thời gian qua, nhiều tác phẩm nhạc của anh được Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng, Trung tâm Văn hóa tỉnh dàn dựng và biểu diễn như: Tổ quốc; Gửi nhớ Trường Sa; Tình yêu cho em, cho Đà Lạt.
 
Đúng là “dòng xuân chảy mãi” - Lúc này ở vào độ tuổi ngoại lục tuần nhưng trong Minh Huệ máu văn nghệ sỹ không ngừng nghỉ, anh vẫn ca hát thật sự đầy truyền cảm, giọng hát tốt và vang có sức thu hút nhiều khán giả. Anh vẫn sáng tác nhạc thường xuyên với nhiều đề tài phong phú, tình yêu quê hương - đất nước - con người...
 
Hơn “30 năm ấy biết bao nhiêu tình”, với vốn sống, chất nghệ sỹ trong con người nhạc sỹ Minh Huệ tôi cảm nhận rằng xã hội lúc nào cũng cần những người thổi hồn cho cuộc sống thêm tươi đẹp, cho những làn điệu dân ca trữ tình bay bổng, cho những nốt nhạc được bay xa hơn, tô đẹp non sông đất nước.
 
Ghi chép: PHƯƠNG LIÊN