Ðiều dị thường

08:09, 21/09/2017

Cây bút cự phách người Ðức Siegfried Lenz (1926-2014) là một nhà văn đa tài, nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực: tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, sách thiếu nhi, kịch bản sân khấu và phát thanh - truyền hình.

Cây bút cự phách người Ðức Siegfried Lenz (1926-2014) là một nhà văn đa tài, nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực: tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, sách thiếu nhi, kịch bản sân khấu và phát thanh - truyền hình. Ông đã được trao tặng các phần thưởng văn học cao quý như giải Hòa bình của các nhà xuất bản sách Ðức (1988), giải thưởng Goethe (2000) nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Ðức Johann Wolfgang Von Goethe và giải thưởng văn chương International Nonino của Ý (2010). Truyện Ðiều dị thường của S. Lenz (Ngự Bình dịch) được chọn đưa vào Tuyển tập 100 truyện ngắn Ðức hay nhất thế kỷ XX.
 
Nhà văn Siegfried Lenz
Nhà văn Siegfried Lenz

Nhân viên lễ tân vừa chấm nước bọt vào đầu ngón tay trỏ, vừa lật giở xấp phiếu đăng ký phòng, rồi nhún vai vẻ nuối tiếc.
 
- Chỉ còn một khả năng duy nhất - Ông ta cho biết - Vào cái giờ khuya khoắt này ngài không thể tìm đâu ra phòng trống một giường. Dĩ nhiên, nếu muốn, ngài có thể đi tìm ở các nhà trọ khác. Nhưng tôi cam đoan rằng nếu có trở lại, chưa chắc chúng tôi có thể đáp ứng được nữa. Chiếc giường ấm cúng trong căn phòng đôi, không hiểu do đâu mà ngài từ chối, hiển nhiên sẽ có vị khách mệt mỏi đến muộn nào đó chiếm mất rồi.
 
- Thôi được - Svam nói - Tôi sẽ lấy chiếc giường còn trống ấy. Có điều tôi muốn biết sẽ cùng trọ với ai. Không phải do quá thận trọng đâu, hoàn toàn không, bởi tôi chẳng có gì phải giữ kẽ cả. Người đồng phòng của tôi, nhân vật cùng tôi ngủ qua một đêm đã ở đấy hay chưa?
 
- Vâng, ông ta nhận chỗ từ chập tối và hẳn giờ này đã yên vị.
 
- Nghĩa là thu xếp ấm chỗ - Svam tái khẳng định, nhận thẻ đăng ký, điền vào rồi đưa cho ông già tiếp tân, trước khi tiến đến khoảng cầu thang ọp ẹp dẫn lên lầu trên.
 
Đi dọc hành lang tranh tối tranh sáng lặng như tờ, Svam dừng bước cạnh cánh cửa gắn số phòng đóng im ỉm. Người đồng phòng đã ngủ hẳn chưa, hay đang âm thầm cảnh giác đặt mắt dõi theo lỗ khóa trước tiếng động lạ… Mặc kệ, Svam quyết định vặn tay nắm cửa bước vào. Trong phòng tối thui. Svam dùng tay trái dò tìm công tắc điện, còn tay phải đóng nhẹ cửa lại. Chợt có tiếng nói gay gắt phát ra từ khoảng không đối diện:
 
- Không dám, đề nghị xin đừng đường đột bật đèn. Ngài sẽ là người biết điều, giá như để tôi yên với màn đêm cố hữu.
 
- Ngài đang chờ sự xuất hiện của tôi à? - Svam thảng thốt hỏi.
 
Thay vì câu trả lời, kẻ lạ mặt lại đề nghị tiếp:
 
- Xin chớ làm gãy cặp nạng của tôi, cũng như lưu ý đừng vấp vào hành lý vương vãi giữa sàn. Tôi sẽ chỉ cho ngài cách đi đến chỗ của mình - dấn 3 bước dọc tường, sau đó quay sang trái đi tiếp chừng 3 bước nữa là tới thành giường.
 
Svam âm thầm thực hiện theo mệnh lệnh phát ra từ bóng tối. Ngồi lên giường, cởi quần áo ngoài và chui vào chăn. Lắng nghe nhịp thở khó khăn vẳng tới và vỡ lẽ rằng ai cũng khó ngủ ở chốn lạ…
 
- Xin tự giới thiệu - Svam do dự mở đầu khi đã quấn chăn kín người - Tên tôi là Svam.
 
- Thế à? - Người phía giường bên hỏi lại vẻ quan tâm.
 
- Vâng, đúng.
 
- Chắc ngài đến đây vì một cuộc họp quan trọng nào đó?
 
- Không. Thế còn ngài?
 
- Cũng không.
 
- Vậy thì do công chuyện?
 
- Không, thật khó có thể nói chính xác được.
 
- Tôi đến ngụ ở đây bởi một nguyên nhân khác thường - Svam bắt đầu thổ lộ.
 
- Thật khó mà tin nổi tự dưng lại đùng đùng bỏ dở công việc đồng áng, lẻn ra thị trấn nằm không… - Người kia nói.
 
Chuyến tàu đêm từ từ khởi hành khỏi nhà ga cách đó vài căn phố. Mặt đất lay động khiến căn phòng đôi cứ rung lên bần bật.
 
- Hay ngài muốn đi tự vẫn tại cái chốn nghèo kiết này? - Người đồng phòng lên tiếng sau khi tiếng bánh tàu nghiến trên đường ray đã lặng hẳn.
 
- Không - Svam thốt ra - Trông tôi giống một kẻ chán đời lắm hay sao?
 
- Tôi chẳng biết ngài giống ai - Người kia đáp - Trong cái căn phòng tối om thế này.
 
Svam lấy lại vẻ bình tĩnh:
 
- Có Chúa chứng giám, tôi chưa bao giờ bi quan hết. Ngài biết không, tôi có đứa con, thưa ngài… (người kia vẫn chưa nêu quý danh). Một cậu nhóc hiếu động, chính vì nó mà mình phải ra đây ở.
 
- Chắc cháu đang nằm viện?
 
- Chưa tới nông nỗi ấy. Hoàn toàn khỏe mạnh, tuy hơi ốm nhưng rất khỏe. Tôi muốn giải thích rằng sao lại ở đây, bên cạnh ngài, trong căn phòng này. Như tôi đã nói, chính bởi thằng con. Nó đa cảm quá mức, rất thật thà và vô cùng nhạy cảm với từng hành vi một…
 
- Nghĩa là con trai ngài cần được điều trị trong nhà thương?
 
- Không - Svam lớn giọng - Tôi đã nói rồi, nó vẫn bình thường. Có điều rất dễ nhuốm bệnh, một chứng bệnh tinh thần. Tâm hồn nó trong suốt, không vẩn đục giống như đồ thủy tinh dễ vỡ. Điều đáng ngại là ở đó.
 
- Sao nó không tự tử quách đi? - Người kia lạnh lùng hỏi.
 
- Nhưng xin ngài hiểu cho, làm sao một đứa trẻ vắt mũi chưa sạch có thể cư xử theo lối ấy được? Sao ngài nói năng hàm hồ thế? Vả lại cháu mới chỉ bắt đầu vào lớp 1. Không, con trai tôi bị chấn động tâm lý bởi lẽ hàng ngày, hầu như sáng nào cháu cũng tự mình đến trường không cần đưa rước. Cứ tới chỗ barie chắn ngang đầu làng là cháu phải dừng lại, chờ chuyến tàu sớm chậm rãi đi qua. Một mình đứng đó với bản tính thật thà hiếu động, giơ tay vẫy, cố vẫy hết sức… Hân hoan và chán chường…
 
- Rồi sao nữa? - Người đồng phòng sốt sắng như thể bù lại sự lỡ lời ban nãy.
 
- Sau đó - Svam tiếp tục - Đương nhiên là cháu rảo bước đến trường. Nhưng lúc trở về nhà luôn mang nét ủ dột ê chề. Không có hứng làm bài tập, chẳng thiết chơi bời với ai, chỉ câm lặng thui thủi một mình. Trọn mấy tháng liền kể từ bữa khai giảng, ngày nào cũng vậy. Chắc nó sẽ chết vì sầu muộn mất thôi.
 
- Nhưng điều gì đã khiến cháu trở nên như vậy?
 
- Ngài có thấy không? - Svam hăm hở kể tiếp - Điều dị thường là ở chỗ này. Cháu rạng rỡ cố sức vẫy mọi người trên tàu theo bản năng giao tiếp đồng loại. Nhưng chợt buồn bã vì chẳng có ai thèm thổ lộ sự đáp từ. Trái tim non nớt của nó vô tình bị tổn thương. Cả tôi lẫn bà xã đều rất lo. Không ai đáp ứng cử chỉ thân thiện của con mình, cho dù hành khách đâu có nghĩa vụ phải vẫy lại người dưới đường - ngoại trừ thân bằng quyến thuộc trên sân ga. Nhưng không dễ gì lý giải để cháu hiểu một điều quá đỗi bình thường, cái điều dường như chẳng khiến người lớn chúng ta mấy bận tâm… Thật vô cảm hết sức! Có thể còn nực cười nữa, nếu ai đó nghĩ tới một biện pháp hành chính buộc mọi người ngoài đường cần tỏ tình đồng loại với nhau…
 
- Vậy thưa ngài Svam, có lẽ ngài định làm vơi nỗi đau tinh thần của con trai mình bằng cách trốn nhà qua đêm tại đây hòng kịp bắt chuyến tàu rạng sáng mai, đáp ứng nhu cầu tình cảm của cậu nhóc?
 
- Vâng - Svam ấp úng thừa nhận - Quả đúng vậy…
 
- Với tôi - Người giường bên thẽ thọt - Riêng bản thân tôi thì nhu cầu con nít chẳng làm tôi mấy bận tâm. Thậm chí tôi còn oán ghét chúng theo đúng nghĩa đen của từ này. Chính bởi vì trẻ nít mà tôi đành mất vợ. Bà ấy lìa đời ngay sau lần sinh nở đầu tiên.
 
- Xin thành thật chia buồn cùng ngài - Svam nói sau khi cuộn thêm một lớp chăn nữa.
 
Hơi ấm bắt đầu lan tỏa khắp người, Svam cảm nhận rằng giấc ngủ sắp đến với mình… Người ở giường kế bên đột ngột phá tan sự yên lặng:
 
- Ngài định bắt chuyến tàu nào sớm mai?
 
- Chuyến thường lệ từ đây tới thị trấn Kursbachen, chỉ có tuyến ấy mới băng qua làng tôi.
 
- Và ngài không mảy may nghi ngờ về quyết định của mình; hay nói thẳng ra là ngài không chút hổ thẹn khi đang tâm lừa dối “cậu ấm” duy nhất? Một sự dối trá trơ trẽn.
 
Svam ớn lạnh:
 
- Ngài đừng tuôn ra những lời quá nặng nề. Xin lỗi, cớ sao những ý nghĩ thô bạo ấy lại bỗng dưng nảy ra với ngài?
 
Nói xong câu này Svam thấy nhẹ cả người, bởi đã tìm ra ngôn từ đối đáp thích hợp thanh minh cho dự định nung nấu. Thò tay kéo chăn quá đầu, nằm suy nghĩ mông lung rồi thiếp đi lúc nào không hay.
 
*
 
Khi mở mắt vào sáng hôm sau, Svam thấy mình đơn độc còn lại trong phòng. Liếc nhìn đồng hồ treo tường cùng nỗi ân hận bao trùm, vì chỉ còn dăm phút nữa là giờ tàu đi Kursbachen chuyển bánh. Trễ quá rồi! Do vô ý ham ngủ nướng nên để lỡ chuyến tàu “sinh mệnh”.
 
Tiền đâu mà nán lại nhà trọ thêm một tối nữa. Svam thất thểu lê bước và xuất hiện trước cổng nhà vào quãng xế trưa. Kỳ chưa kìa! Không phải bà xã, mà là cậu con trai hớn hở chạy ra mở cửa. Vẻ mặt ủ dột vốn có biến đâu mất. Chú nhóc vừa thụi nắm đấm bé xíu vào mạn sườn người cha, vừa hét váng cả lên:
 
- Một hành khách đã trả lời con, vẫy tay với con hồi lâu…
 
- Thế ông ta có mang nạng không? - Svam giật mình hỏi.
 
- Dạ có, một cây gậy ngắn cũn. Vị khách buộc khăn tay lên đầu chiếc nạng, thò ra ngoài cửa sổ và cứ huơ mãi, tới tận lúc tàu chạy khuất tầm nhìn mới thôi!

Truyện ngắn: SIEGFRIED LENZ
(Theo Tuần Báo Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh số 466)