Ða chiều nhưng không mất đi bản sắc, riêng lẫn mà không hề tách biệt, đời sống văn hóa ở vùng đất đỏ bazan Lâm Hà như khúc hòa tấu nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, miên man và bất tận. Chỉ khi ta chạm vào, lắng nghe hơi thở của đất, của nước, của gió… mới thấy được những điều kỳ diệu từ sự phồn sinh của mảnh đất này mang tới.
Ða chiều nhưng không mất đi bản sắc, riêng lẫn mà không hề tách biệt, đời sống văn hóa ở vùng đất đỏ bazan Lâm Hà như khúc hòa tấu nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, miên man và bất tận. Chỉ khi ta chạm vào, lắng nghe hơi thở của đất, của nước, của gió… mới thấy được những điều kỳ diệu từ sự phồn sinh của mảnh đất này mang tới.
|
CLB hát Then đàn Tính xã Phi Tô (Lâm Hà). Ảnh: Lê Trọng |
Nền văn hóa đa sắc thái của Lâm Hà được kết tinh từ đời sống của nhiều thế hệ cư dân khác nhau đến đây gắn bó. Dòng chảy văn hóa ấy được khơi nguồn và tích tụ từ rất lâu, khi người Cill, Cơ ho bản địa xuôi theo đôi bờ của hai dòng Đa Nhim và Đa Dâng khai hoang lập buôn, hưởng mặn ngọt phù sa mà sông ban tặng. Trầm tích ấy còn được dày lên theo thời gian với mồ hôi và công sức gầy dựng của những người dân Hà Thành đi mở đất, biến núi đồi hoang vu thành phố sá đông vui. Ở nơi đó, còn là bước chân tìm đến của nhiều dân tộc các anh em trên dải đất hình chữ S, họ đến và mang theo nhiều niềm tin và hy vọng để có một Lâm Hà đầy sức sống như hôm nay.
Lâm Hà, ngay từ khi phôi thai cho đến ngày ra đời đã là sự phối ngẫu đầy duyên nợ. Ít có vùng đất nào ở Nam Tây Nguyên mà sự kết hợp ấy lại trở thành bản sắc riêng và trở thành cái phông văn hóa đầy nội lực để Lâm Hà tạo tiền đề vững chắc cho những cuộc chuyển mình ở hiện tại và cả phía ngày mai. Ngay giữa những phố thị như Đinh Văn, Nam Ban hay Tân Hà vẫn hiện diện đời sống lao động và nét đẹp sinh hoạt thường nhật của các buôn làng người bản địa. Họ như những nét điểm xuyến hài hòa, cân bằng và làm chậm lại trước tốc độ của cuộc sống hiện đại. Đâu đó, phía sau sự thay đổi đến chóng mặt của “cơn bão” đô thị hóa, ta vẫn nhẹ lòng khi nghe nhịp chiêng, điệu xoang vào hội từ những buôn làng bình yên nằm rải rác bên dòng Đạ Dâng, sau những triền đồi bạt ngàn cà phê.
Nếu văn hóa của người bản địa vẫn được ví như nhựa sống đầy khát khao dưới lòng đất đỏ bazan, đam mê cháy bỏng nhưng đầy thuần khiết thì những người người Hà Nội (trong hành trình mở đất) với bản sắc riêng của đất ngàn năm văn hiến tự thân nó đã tạo thành một sức hút kỳ lạ.
Ở Lâm Hà có một “Hà Nội” rất riêng, một Hà Nội không có hồ Gươm, hồ Tây, không có năm cửa ô dẫn vào những con đường nồng nàn hoa sữa, những góc phố thoảng nhẹ hương cốm đầu thu, bởi Hà Nội ấy đã “nhiễm” hồn cốt của Tây Nguyên, phóng khoáng và căng tràn nắng gió.
Không khó để chạm vào Lâm Hà, để tìm hiểu sự đa dạng trong đời sống nơi đây khi ta tìm về với khu phố Xoan, Bồ Liêng ngay giữa trung tâm của huyện là thị trấn Đinh Văn. Hay rong ruổi hành trình theo dọc dòng chảy Cam Ly, xuôi Tà Năng chạm tới Nam Ban, rẽ ngang Phi Tô, vắt ngược sang mạn Lán Tranh của những ngày xưa cũ… để thấy sự bình yên trong mỗi nếp nhà, sự trù phú trong màu xanh mướt mát của rẫy vườn.
Sự thuần phác của những cư dân bản địa, sự tinh tế và cầu tiến của những người đi mở đất đến từ Hà Giang, Cao Bằng, từ miền Thanh Nghệ đến Quảng Nam, Quảng ngãi cho đến tận miệt Bến Tre... đã tạo lập cho những thế hệ con dân trên mảnh đất có đầy đủ nội lực sẵn sàng đón nhận, tiếp biến, duy trì, bảo tồn trước những thách thức và tự tạo cơ hội cho văn hóa của mỗi miền được thăng hoa, nảy nở.
Đời sống văn hóa của mỗi một vùng đất được tạo nên bởi nhiều yếu tố khác nhau và chúng được dày lên, hay được định hình qua rất nhiều thời gian tích lũy. Từng được mệnh danh là “vùng đất dữ” với rất nhiều biến cố bởi giai đoạn tất yếu của lịch sử hình thành, nhưng Lâm Hà hôm nay là một miền đất rất khác, hiền hòa và năng động, linh hoạt nhưng cũng đầy tỉnh táo để tạo lập cho mình một nền móng vững chắc để thực sự có thể trở thành một vùng đất giàu bản sắc văn hóa…
LINH ĐAN