Với mỗi đứa trẻ, mùa thu luôn đến bằng những háo hức và sự ngọt ngào. Sự ngọt ngào ấy nhẹ nhàng tỏa lan tới các bà mẹ. Những bà mẹ từng là con nít dù đã xa kí ức Trung thu của mình vẫn luôn mong đem đến những điều ngọt nhất cho con mình.
Với mỗi đứa trẻ, mùa thu luôn đến bằng những háo hức và sự ngọt ngào. Sự ngọt ngào ấy nhẹ nhàng tỏa lan tới các bà mẹ. Những bà mẹ từng là con nít dù đã xa kí ức Trung thu của mình vẫn luôn mong đem đến những điều ngọt nhất cho con mình.
|
Ảnh minh họa: Internet |
Không ít lần tôi tự hỏi vì sao mùa thu lại đem đến những dư vị ngọt ngào cho cả mẹ và con. Nói tới Trung thu nhất định cứ phải là có trăng thu và quả thị. Cặp đôi vàng ươm ấy dường như đến từ một vùng cổ tích, đọng lại trong cả vầng hào quang lung linh trong thế giới trẻ thơ. Những quả thị vàng thơm gọi những cô bé cậu bé mơ mộng trở lại tuổi thơ.
Ngày bé, khi chợ Bến Thủy vẫn còn họp đều đặn mỗi chiều, vẫn có vài hàng thị chín vàng ngay đầu chợ, bên cạnh những rổ mận quân chín tím đỏ. Tôi vẫn thường theo mẹ ra chợ, cùng mẹ chen chân các chị, các mẹ chỉ để mua mấy trái thị về đan rọ cùng chơi. Rọ thị được đan bằng cuộn len mẹ cho. Mẹ tỉ mỉ dạy cách thắt dây, gút buộc xen kẽ để tạo thành chiếc rọ nhỏ đựng thị. Bỏ quả thị vào cái rọ do chính mình đan ngắm nghía và tin rằng có cô Tấm trong đó, không hiểu sao lại có chút tự hào xen lẫn niềm vui. Vài ngày sau, thị chín nục chín nẫu, cô Tấm vẫn bặt vô âm tín, chẳng thấy bước ra, ngồi bóc vỏ, cùng đám bạn ăn ngon lành từng thớ thịt quả vàng thơm, nhai hạt thị đến nát tan thành thứ bột dai dai, soạt soạt nơi đầu lưỡi. Nhai tới lúc một chút nhẩn chát nơi hạt thị cũng đã chẳng còn mà vẫn còn tiếc nuối. Chỉ việc đan rọ và ngắm nghía quả thị mà cũng nhẩn nha tới khi trăng lên tròn vành vạnh, nghe tiếng mẹ gọi về đi ngủ.
Đám trẻ bây giờ lớn lên ở phố chẳng mấy đứa biết tới cây thị. Đến cả câu chuyện cô Tấm ngày xưa cũng bị người ta ngại ngần không muốn kể cho trẻ con nghe vì những tranh cãi xung quanh cái kết. Và những trái thị trở nên ngơ ngác giữa phố, hương thơm lửng lơ bên những tiếng xe nổ giòn. Bỗng thương những chiều nào đó, đã xa, những buổi chợ chiều nhiều chị, nhiều mẹ ngang qua hàng thị, sà xuống nhặt mấy quả về như mang cả mùa thu vào nhà. Mẹ và con, chị và em cặm cụi đan rọ, bỏ thị vào chơi, treo trước cửa sổ, chỗ bàn học của con. Quả thị vàng và vầng trăng thu vàng bên cửa sổ cùng rì rầm thay nhau kể những câu chuyện cổ tích mùa thu. Kể hoài, kể mãi, có khi theo cả vào giấc mơ thơ bé, theo cả vào những tháng ngày dài dằng dặc trên đường đời như một người bạn tri kỉ chẳng bao giờ có thể pha phôi.
* * * * *
Buổi sáng chủ nhật, tôi tình cờ gặp bạn cũ ngồi cà phê ở một góc công viên Tao Đàn. Bạn chờ hai đứa con sinh hoạt nhóm trong công viên. “Hôm nay tụi nó được hướng dẫn làm đèn Trung thu”. Theo hướng tay bạn chỉ, tôi thấy những cô cậu tầm 6 đến 14, đang rất chăm chú thắt thắt, buộc buộc những thanh nan, giấy bóng kiếng. Những chiếc đèn Trung thu 5 cánh gọi về cả một vầng tuổi thơ trong veo.
Tôi nhớ chiếc đèn Trung thu đầu tiên của tôi. Nó là chiếc lồng đèn giấy kiếng hình con bướm, được “cô giáo tặng” năm lớp lá. Trung thu năm đó, cô tặng cho mỗi đứa học trò một chiếc lồng đèn để về nhà đón trăng với gia đình. Tôi cứ thắc mắc mãi sao cô tặng cho những bạn khác lồng đèn to thế, hình chiếc thuyền, con rồng sặc sỡ, có bạn còn có lồng đèn biết kêu leng keng vui tai mà cô lại tặng cho mình lồng đèn bé xíu. Hay là cô giáo không thương mình, hay là mình chưa ngoan? Đâu biết sự lớn nhỏ của những cái lồng đèn đầu tiên ấy chẳng dính dáng gì đến tình thương của cô đối với học trò. Sự thực là cô bảo các phụ huynh mua lồng đèn, mang đến cho cô. Cô phát cho các bạn chơi rước đèn trong lớp cho có không khí, rồi lồng đèn của bạn nào thì bạn đó mang về. Cô giáo chỉ nghĩ, niềm vui chung sẽ lớn hơn, ý nghĩa hơn khi mỗi đứa nhỏ khư khư chơi riêng một cái lồng đèn của riêng mình.
Chiếc lồng đèn con bướm của tôi nhỏ bé, khiêm tốn và kém sặc sỡ, nhưng cũng đáng giá mấy trăm đồng, bằng nửa ngày công lượm ve chai của mẹ lận. Mang bạn lồng đèn bướm về nhà thì gặp mưa. Tôi chạy không kịp nên bạn ấy rúm ró, nhăn nheo. Trong lúc tôi buồn xo, muốn khóc thì mẹ hơ hơ bạn ấy trên lửa, bạn ấy lại khô, căng trở lại, có thể làm bạn với tôi suốt một mùa trăng. Mẹ tôi nói rằng: “Con thấy không, mọi việc sẽ xong xuôi khi ta có cách giải quyết”. Và dạo bé, đứng trước bất cứ khó khăn gì tôi cũng không nản vì luôn nghĩ… mẹ sẽ có cách giải quyết. Đứa trẻ nào cũng coi mẹ mình là thần tượng, là siêu nhân. Lớn lên, rất hiếm khi tôi nản lòng vì tôi vẫn luôn nghĩ “mình sẽ có cách giải quyết”.
Mùa Trung thu, xóm tôi ở xôn xao với việc làm thêm: đan lồng đèn. Những dải phim chụp hình được nhuộm màu xanh đỏ hồng trắng, được kết nối với nhau bằng những sợi dây phim màu đen, người làm phải đếm lỗ, xỏ qua rồi lợi mối đúng qui cách. Làm còng lưng được cái lồng đèn được tiền công 300 đồng. Tôi hí hứng xin mẹ đi làm vì muốn phụ mẹ. Một ngày làm công, tôi xâu được ba cái đèn, nghĩa là chưa được 1.000 đồng, chỉ bằng giá trị một ổ bánh mì thịt lúc đó. Số tiền nhỏ đến mức tôi chẳng nhớ đã dùng vào việc gì nhưng đồng tiền ấy đã dạy tôi bài học lớn: Kiếm tiền không dễ. Và điều ấy giúp tôi biết trân quý đồng tiền trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là những đồng tiền cắc, bạc lẻ.
Cách đây vài năm, tôi có dịp tham gia một hội nghị dành cho những người viết văn trẻ ở một huyện miền núi phía Bắc. Hàng trăm đại biểu viết văn lúc ấy bất ngờ khi tình cờ được tham gia một đêm hội rước đèn nơi đây. Ở nơi nghèo nàn ấy, đêm hội rước đèn xôm tụ, huy hoàng hơn bất cứ nơi nào khác chúng tôi từng được thấy. Có những lồng đèn con cá, con rồng chạy bon bon, có cả chục người ngồi lên được.
Có người thắc mắc: “Dân ở đây chịu chơi ghê”. Một người mẹ ẵm con nhỏ ngang hông cười cười giải thích: “Không phải chịu chơi đâu mà là chúng tôi coi đây là đêm hội thực sự cho con nít và những người yêu con nít. Chẳng tiền nào mua được nhưng năm nào cũng làm”. Mà đúng vậy, nhìn những chiếc xe con cá, con rồng kia, có xe là công nông, ba gác, xe máy… vốn là những thứ xung quanh người nông dân khi mùa vụ nông nhàn. Rồi những khung đèn cũng chỉ là tre nứa được chặt từ góc vườn, góc rừng về cả thôi. Nếu có tốn kém chút đỉnh thì ấy là giấy màu, chẳng đáng là bao. Nếu không có lễ hội đêm nay, có khi những thứ ấy nằm im trong một xó xỉnh nào đó. Nhưng những người dân tỉnh lẻ ấy, họ buộc chúng biến thành đèn con rồng, con cá sinh động dưới trăng thu. Và trên lưng những con cá, con rồng sinh động ấy, lũ trẻ đứng hãnh diện với nụ cười thật tươi. Hình ảnh ấy khiến những người đến từ thành thị như chúng tôi tròn mắt vì nể và có chút “ganh tị” nhẹ với đời sống tinh thần của những đứa trẻ nơi đây.
Lâu lắm rồi không chơi lồng đèn Trung thu. Hôm nay tình cờ gặp hàng trăm bạn nhỏ cùng hì hụi làm đèn Trung thu trong công viên lộng gió, lòng tôi lại ước ao được quay về những ngày thơ bé. Ngày mà mỗi chiếc đèn Trung thu cũng chứa những ước ao, mong đợi, những hãnh diện trong thế giới tuổi thơ.
KHÔI NGUYÊN THẢO