Trở lại nước Nga (kỳ 2)

10:10, 30/10/2017

Đó là câu chuyện của một cuốn phim thời Liên Xô nói về một cô gái Nga tên Katerina từ tỉnh lẻ lên Maxcova làm công nhân nhà máy cơ khí. Trong dịp đến trông nhà giúp cho người cậu là giáo sư, Katerina đã gặp chàng trai tên là Rudolph làm nghề quay phim ở Đài Truyền hình Maxcova...

MAXCOVA KHÔNG TIN VÀO NƯỚC MẮT
 
[links(right)](LĐ online) -  Đó là câu chuyện của một cuốn phim thời Liên Xô nói về một cô gái Nga tên Katerina từ tỉnh lẻ lên Maxcova làm công nhân nhà máy cơ khí. Trong dịp đến trông nhà giúp cho người cậu là giáo sư, Katerina đã gặp chàng trai tên là Rudolph làm nghề quay phim ở Đài Truyền hình Maxcova. Họ đã yêu nhau say đắm, những cảnh lãng mạn trong phim rất mới và khá hấp dẫn đối với tuổi trẻ thời bấy giờ. Đến khi cô gái biết mình đã có thai và chàng trai thì biết rõ cô gái không phải là con của vị giáo sư nên mặc dù Katerina đã khóc rất nhiều, nước mắt của cô đã làm lay động trái tim những người xem phim. Nhưng vẫn không giữ được tình yêu, Rudolph kiên quyết từ chối hôn nhân, dứt áo ra đi, bỏ lại người mẹ trẻ với một sinh linh bé bỏng đang dần lớn lên bơ vơ giữa dòng đời. Hai mươi năm sau Rudolph vẫn làm nghề như xưa nhưng cuộc sống gia đình không hạnh phúc, hôn nhân đã tan vỡ và anh đang sống một mình. Trong một chương trình phóng sự của Đài Truyền hình, anh ta được phân công trực tiếp quay phim cuộc phỏng vấn nữ tổng giám đốc một Liên hiệp các xí nghiệp lớn ở Maxcova, một đại biểu Hội đồng nhân dân của thủ đô Liên bang Xô Viết, một người phụ nữ nổi tiếng có chí tiến thủ. Thật bất ngờ, trước ống kính của Rudoph chính là người tình năm xưa mà anh đã phụ bạc. Rồi anh cũng được biết đứa con gái của anh và Katerina nay cũng đang làm việc tại một đơn vị thuộc Liên hiệp các xí nghiệp này. Rudolph tỏ ra ân hận và cố thuyết phục Katerina quay lại với anh vì con, nhưng cô đã từ chối và giới thiệu cho anh biết người đàn ông có bờ vai vững vàng để cô tựa đầu, có trái tim nhân hậu và một vòng tay ấm áp để cô gửi gắm trái tim mình. Đó là một người thợ cả giỏi nghề, khỏe mạnh, tâm hồn chân chất rất Nga.
 
Trường Đại học tổng hợp Lomonoxov
Trường Đại học tổng hợp Lomonoxov
Câu chuyện có tính đạo lý, đơn giản, không phải tư duy nhiều, nhưng tình tiết thì khá hấp dẫn đối với tuổi trẻ thời kì những năm tám mươi của thế kỷ trước. Nó mang tính giáo dục lớp trẻ hãy bằng “nghị lực để vượt lên số phận” hoặc “Đã vấp ngã thì phải biết đứng dậy”. Hình như nó cũng phù hợp với những thăng trầm của nước Nga trong suốt quá trình lịch sử của mình. Thời gian đó tôi có may mắn được học một lớp đào tạo cán bộ tại trường Đoàn ở Maxcova, một trường của Trung ương Đoàn thanh niên Komsomol Liên Xô, được nhà trường cho xem cuốn phim này, ai cũng thích! Vào những năm 80 của thế kỷ trước, trường Đoàn Komsomol là nơi học tập của cán bộ thanh niên của  hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức cách mạng đang hoạt động bí mật... Tất cả đều được Liên Xô bao cấp từ ăn, ở, học hành, cho đến mọi chi phí sinh hoạt, mà theo chúng tôi biết thì những năm tháng đó không chỉ có đoàn thanh niên mà hầu như rất nhiều, không chỉ có lĩnh vực văn hóa, chính trị, đào tạo nhân lực, mà còn  cả viện trợ kinh tế, vũ khí... có thể nói Liên Xô bao cấp hầu như cho cả thế giới. Riêng đối với Việt Nam thì được Liên Xô ưu ái đặc biệt và được người dân ở Maxcova thuở ấy rất quí mến vì Việt Nam vừa thắng Mỹ cho mình và cho cả Liên Xô theo cách nói của thời bấy giờ. Thắng một quân đội mà đến Liên Xô cũng phải gườm! Đó là những năm tháng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với những người Việt được học ở Liên Xô. Ấn tượng đầu tiên của những học viên Việt Nam đến Maxcova là đi lại dưới lòng đất bằng tàu điện ngầm, thích tới mức  ngày nào cũng đi, để ngắm những ga tàu được trang trí đẹp lộng lẫy như những bảo tàng nghệ thuật hay như những cung điện ngầm trong lòng đất. Hồi đó chúng tôi chưa đi được nhiều nước nhất là những nước phương Tây nên chưa có điều kiện so sánh. Còn bây giờ thì tôi đã đi tàu điện ngầm của nhiều nước từ châu Á cho tới châu Âu. Phần lớn các tàu điện ngầm đều hiện đại và vô cùng tiện ích, nhưng có lẽ các ga tàu điện ngầm của Nga vẫn là đẹp nhất thế giới. Hiện nay Maxcova có gần 400km đường tàu và hơn 200 ga tàu điện ngầm, ga sâu nhất cách mặt đất 84m, là phương tiện đi lại của hơn 9 triệu người mỗi ngày, mỗi ga đều có hệ thống điều hòa không khí và sóng wifi. Những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi người, nhất là thanh niên Nga bước vào tàu điện ngầm đều cầm trên tay một cuốn sách và chăm chú đọc, còn bây giờ có khác trước là phần lớn thanh niên bước vào tàu với chiếc điện thoại cầm tay và say sưa bấm, quẹt. Tôi xuống tàu điện ngầm Maxcova sau hàng chục năm xa cách để chiêm ngưỡng lại những sân ga đẹp nhiều cảm xúc, nhớ  cảm giác con tàu lao đi vun vút trong đường hầm, nhớ cả tiếng bánh sắt lăn trên đường ray với tốc độ cao dội vào vách hầm nghe ào ào như gió bão... Ra đời từ năm 1935 đến nay đã 82 năm, tàu điện ngầm của Maxcova vẫn giữ một phong cách riêng có như xưa, và ngày càng phát triển chiều dài đường tàu, nhiều ga hơn và hiện đại hơn. 
 
Ga tàu điện ngầm ở Maxcova lộng lẫy như một cung điện dưới lòng đất
Ga tàu điện ngầm ở Maxcova lộng lẫy như một cung điện dưới lòng đất
Những sinh viên, học viên của các nước đến Liên Xô những năm đó ngoài việc học thì còn được cho đi tham quan để giới thiệu những hình ảnh vĩ đại của một đất nước là thành trì của phe xã hội chủ nghĩa, để ngưỡng mộ, để củng cố lòng tin. Trường Đại học Lomonoxov như một biểu tượng của đỉnh cao trí tuệ mà lớp trẻ chúng tôi thuở ấy thực sự khâm phục và tự hào lây. Hôm nay đến thăm lại ngôi trường, vẫn khối nhà chính, kiến trúc theo lối Gothique cao 36 tầng với đỉnh tháp nhọn sừng sững vươn thẳng lên trời cao. Tọa lạc trên một ngọn đồi có tên là đồi Chim Sẻ, với diện tích trên một triệu mét vuông, nhìn xuống thành phố. Là nơi đào tạo rất nhiều ngành, trong đó có các ngành khoa học hiện đại như vật lý nguyên tử, laser, hóa phân tử, hạ nguyên tử... Nơi đây đã đào tạo nhiều người sau này là những nhà khoa học nổi tiếng, đạt nhiều giải Nobel, giải Fields, nhiều chính trị gia, nhà văn, nhà báo nổi tiếng cũng xuất thân từ trường này. Hiện nay trường có trên 40.000 sinh viên, gần 10.000 nghiên cứu sinh và khoảng 2000 sinh viên quốc tế. Thời kỳ liên Xô có người nói rằng ngôi trường lớn tới mức là nếu một người tóc xanh bước vào thăm mỗi phòng 5 phút thôi cho đến khi bước ra khỏi trường thì tóc đã bạc trắng! Bây giờ tôi hỏi lại thì các bạn Nga không xác định, nhưng các bạn cho rằng không thể đi thăm hết được các cơ sở của trường! 
 
Trụ sở của Hội đồng tương trợ kinh tế - SEV nằm trên một đại lộ ở Maxcova, cũng là một nơi được giới thiệu với sinh viên thế giới. Nơi đây tập họp những cái đầu kinh tế của phe Xã hội chủ nghĩa, là nơi chăm lo việc phát triển kinh tế chung, là biểu tượng cho sức mạnh về kinh tế của toàn khối. Ở đó người ta bàn việc phân công sản xuất chuyên ngành, hợp tác về khoa học kỹ thuật, thương mại, đẩy mạnh phát triển kinh tế... Nhìn những tòa nhà hiện đại, đồ sộ, sắp xếp liền kề nhau, mở rộng ra ở mặt trước một cách hoành tráng cho ta cảm giác về một  niềm tin ở sức mạnh tương lai... Hôm nay nước Nga thay đổi, nhiều thứ cũng thay đổi theo. Tháng 6/1991 các nước thành viên đã họp và tuyên bố giải thể Hội đồng tương trợ kinh tế, hiện nay hội đồng thành phố Maxcova đang quản lý và sử dụng tòa nhà này. Trường Đại học Lomonoxov ngày nay có tên đầy đủ là trường Đại học tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonoxov, gọi tắt là trường Đại học tổng hợp Lomonoxov. Sinh viên được tuyển vào đây đa dạng hơn, không hoàn toàn được bao cấp như xưa mà đã bắt đầu thực hiện theo cơ chế thị trường, nghĩa là có những lĩnh vực hoặc đối tượng thi tuyển vào nhưng phải đóng học phí. Trường Đoàn thanh niên Komsomol ngày xưa, nay thuộc nhà nước quản lý và đã biến thành trường Đại học Nhân văn. Người Việt Nam ở Maxcova hiện nay đông hơn thời kỳ Xô Viết gấp nhiều lần. Có tới hàng chục nghìn người Việt đang ở Maxcova, nhưng những người đi học, hoặc định cư chính thức thì không nhiều, mà đông nhất là những người cư trú không phép và đi buôn chuyến xuyên quốc gia. Chúng ta có thể gặp họ ở mọi nơi, trên đường phố, trong các siêu thị và trên máy bay với những valy, ba-lô nặng trĩu hàng hóa, tôi hỏi một vài người về công việc, họ trả lời “Chúng em đi đánh hàng anh ạ”. 
 
Ngọn lửa bất diệt trên Quảng Trường Đỏ - Maxcova
Ngọn lửa bất diệt trên Quảng Trường Đỏ - Maxcova
Sau sự kiện Krưm, bị các nước phương Tây cấm vận, nước Nga gặp phải những khó khăn, giá cả tăng vọt, đồng Rúp mất giá, năm 2013 một USD đổi lấy 30 Rup, năm nay 2017 phải mất 57,40 Rup mới đổi được một USD. Kéo theo là một số mặt hàng tăng giá gấp đôi, nhưng ngoài đường phố vẫn nườm nượp xe ô tô, Chính quyền thành phố phải xây thêm đường, thêm cầu vượt để tránh tắc nghẽn giao thông, bởi Nga là một trong những nước sản xuất dầu lớn của thế giới, xăng dầu không xuất đi thì quay trở về phục vụ nội địa với giá rẻ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước. Đất nước Nga mênh mông, lao động một số ngành bị giãn ra thì lao động nông nghiệp tăng lên, sản phẩm nông nghiệp dồi dào hơn, thiếu những món ăn ngon của phương Tây nhưng thức ăn của Nga thì nhiều hơn lên. Các bạn Nga nói đùa “Nước Nga giàu tài nguyên tới mức sản xuất ra một cái nồi áp suất luôn dày và nặng gấp đôi nồi áp suất của các nước khác trên thế giới, nên thế giới vẫn rất cần Nga!”. Là một nước có sức mạnh về quân sự, về khoa học vũ trụ và vũ khí thuộc tầm hàng đầu của thế giới nên Nga luôn đóng một vai trò không thể thiếu trên phạm vi toàn cầu...
 
Trở lại chuyện phim ngày xưa “Maxcova không tin vào nước mắt” Các bạn Nga cho rằng câu chuyện vẫn có ý nghĩa với ngày nay: “Không ai có thể làm thay đổi được nước Nga, chỉ có người Nga mới làm thay đổi nước Nga mà thôi”. / .
 
Ký sự: Hoàng Nguyên