Trở lại nước Nga (kỳ 3)

09:10, 31/10/2017

(LĐ online) - Mùa thu nước Nga lạnh. Cả bầu trời một màu mây xám bàng bạc, rừng Bạch Dương chạy dài hai bên đường tàu đang chuyển màu, lác đác những khóm lá vàng tươi trong sắc thu. Có những đoạn tàu chạy hàng trăm cây số vẫn chưa qua hết một thảo nguyên với những đàn gia súc ung dung gặm cỏ xa xa, một bức tranh thanh bình của vùng nông thôn xứ ôn đới.

(LĐ online) - Mùa thu nước Nga lạnh. Cả bầu trời một màu mây xám bàng bạc, rừng Bạch Dương chạy dài hai bên đường tàu đang chuyển màu, lác đác những khóm lá vàng tươi trong sắc thu. Có những đoạn tàu chạy hàng trăm cây số vẫn chưa qua hết một thảo nguyên với những đàn gia súc ung dung gặm cỏ xa xa, một bức tranh thanh bình của vùng nông thôn xứ ôn đới.

SAINT PETERBURG - THÀNH PHỐ NHỮNG CUNG ĐIỆN TRÁNG LỆ
 
[links(right)] (LĐ online) - Mùa thu nước Nga lạnh. Cả bầu trời một màu mây xám bàng bạc, rừng Bạch Dương chạy dài hai bên đường tàu đang chuyển màu, lác đác những khóm lá vàng tươi trong sắc thu. Có những đoạn tàu chạy hàng trăm cây số vẫn chưa qua hết một thảo nguyên với những đàn gia súc ung dung gặm cỏ xa xa, một bức tranh thanh bình của vùng nông thôn xứ ôn đới. Mất 4 tiếng đồng hồ tàu nhanh từ Maxcova đến Saint Peterburg, một cung đường gần 800km. Cuối cùng chúng tôi cũng đã đến bên bờ vịnh Phần Lan thuộc biển Baltic. Một cái vịnh nhỏ nhưng phải mất hàng trăm năm các Sa Hoàng ước mơ để mở đường đi ra với thế giới phương Tây văn minh, phồn thịnh hơn mà vẫn không có được! Cho đến cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ thứ XVIII Pierre đại đế mới làm được điều này. Ông được xem là một trong những nhà cải cách kiệt xuất trong lịch sử nước Nga, vị Sa Hoàng đầu tiên được gọi là Đại Đế.
 
Một góc cung điện Mùa Đông. Trụ đứng giữa sân là nguyên một khối đá cao 60m đặt lên mặt sân mà không có kết nối với bất cứ vật liệu nào khác mà vẫn đứng qua 3 thế kỷ
Một góc cung điện Mùa Đông. Trụ đứng giữa sân là nguyên một khối đá cao 60m đặt lên mặt sân mà không có kết nối với bất cứ vật liệu nào khác mà vẫn đứng qua 3 thế kỷ
Nước Nga lúc bấy giờ bị bao vây bởi nhiều đế quốc hùng mạnh xung quanh, không có đường đi ra biển. Pierre I (phiên âm từ tiếng Nga đọc là Pyotr) đã tập trung xây dựng lực lượng quân đội, trong đó ra sức xây dựng Hải quân với hàng ngàn chiến thuyền tiến đánh Krym để mở đường đi ra từ biển Đen ở phía nam, ông thắng quân Krym nhưng không thắng nổi được quân Thổ Ottoman. Nhận thấy không thể vượt qua đế quốc lớn này, ông tạm gác mục tiêu tiến ra biển Đen, chuyển lên phía bắc đánh nhau với đế quốc Thụy Điển. Thụy Điển cũng là một đế quốc hùng mạnh hàng thế kỷ từ phía Bắc Âu xuống đang chiếm giữ toàn bộ vịnh Phần Lan và cả phía nam sông Neva (Vùng Saint Peterburg ngày nay).Với mục đích chiếm lĩnh vịnh Phần Lan mở đường ra biển Baltic tiếp cận với các nước phương Tây, ông đã thành công và nước Nga trở thành một đế quốc hùng mạnh từ đó. Ông cho xây dựng thành phố Saint Peterburg và chuyển thủ đô từ Maxcova về Peterburg. Thành phố ngày càng phát triển, các cung điện, đền đài đều được xây dựng ở đây. Hiện nay Saint-Peterburg là trung tâm thương mại, tài chính và công nghiệp của Nga, đặc biệt là giao thông, thương mại với 3 cảng hàng hóa lớn ở vùng biển Balticvà một hạm đội mạnh mang tên hạm đội Baltic. Các ngành dầu khí, đóng tàu, công nghệ vũ trụ, radio và điện tử, phần mềm và máy tính rất phát triển; chế tạo máy móc hạng nặng bao gồm sản xuất xe tăng và khí tài quân sự. Nhà máy xe tăng đã ra đời rất sớm và đóng góp quan trọng cho chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ II. Lúc đó thành phố mang tên Leningrad đang bị phát xít Đức bao vây, nhà máy vừa sản xuất vừa chiến đấu, có những chiếc xe tăng vừa xuất xưởng là chạy luôn ra chiến trường nổ súng tác chiến ngay, hiện nay vũ khí của Nga được xếp hàng nhất nhì thế giới mà nhiều quốc gia thèm muốn. Các ngành khai thác mỏ, chế tạo thiết bị, luyện kim, hóa chất, chế tạo ô tô... kể cả rượu Vodka nổi tiếng của Nga bán đi đến trên 70 quốc gia cũng được sản xuất ở Peterburg.
 
Tàu Rạng Đông đã bắn đại bác vào Cung điện Mùa Đông mở đầu cho Cách mạng tháng 10 Nga thành công
Tàu Rạng Đông đã bắn đại bác vào Cung điện Mùa Đông mở đầu cho Cách mạng tháng 10 Nga thành công
Gần như một cố đô, Saint Peterburg phồn thịnh từ thế kỷ XVIII đã được các triều đại Sa Hoàng cho xây dựng nhiều tượng đài để tôn vinh các vị vua có công lớn trong cải tổ làm cho đất nước cường thịnh như Pierre Đại Đế; hay Alessandre đệ nhất, người đã cùng tướng Kutuzov đánh thắng Hoàng đế Napoleon của nước Pháp. Và những nhà thơ, nhà văn hóa tên tuổi nổi tiếng như đại thi hào Puskin... Dòng sông Neva chảy qua thành phố dưới chân những tượng đài làm cho thành phố trở nên sang trọng. Nhưng đẹp hơn, lộng lẫy hơn vẫn là những cung điện được xây dựng từ thời Pierre đại đế cho đến thời Elizabeth, Ekatherine... Người ta nói Saint Peterburg là thành phố của những cung điện.  Du khách lặng người khi bước đến cung điện Mùa Hè bên giòng sông Neva xinh đẹp. Tương truyền rằng sau khi viếng thăm cung điện Versailles của nước Pháp, Pierre đại đế bỗng nảy ra ý định xây dựng một cung điện nguy nga với vườn Ngự Uyển rộng lớn và ông đã tập hợp nhiều kiến trúc sư bậc thầy của các nước châu Âu thời bấy giờ về Nga xây nên cung điện Mùa Hè này, cung điện còn được mệnh danh là cung điện Versailles của nước Nga. Từ mặt chính của cung điện nhìn ra bờ vịnh Phần lan  khoảng non một cây số, với 2 bên là rừng lá phong và rừng sồi ở giữa là những tượng đồng hình nhân mạ vàng sáng bóng được lấy ra từ trong huyền thoại Hy Lạp với hàng trăm tháp phun nước làm cho những tượng người như ẩn hiện trong khói sương đi về hướng biển Baltic. Đến nay người ta vẫn khâm phục trình độ của kiến trúc sư thời xưa đã dùng nguồn nước thiên nhiên từ khá xa đổ về để tạo nên một quần thể thác nước và cho trên 100 đài phun nước hoạt động liên tục mà không phải dùng máy bơm. Vào giữa trưa du khách đến đây sẽ được xem sự lộng lẫy của ánh nắng trên sương khói do sự chuyển động của hàng trăm vòi nước và được nghe bản thánh ca được tạo nên không phải bởi các  nhạc sĩ  mà bằng sự phối âm của trên 100 đài phun nước.
 
Buổi chiều trời se lạnh, chúng tôi đến một thành phố trong một thành phố đó là thành phố Puskin nằm trong Saint Peterburg, pho tượng của đại thi hào Puskin ngồi một mình trên băng ghế nơi có rừng cây sồi đang chuyển màu sang thu. Bức tượng bằng đồng đen nhưng ta vẫn có thể đoán được ông có màu da ngăm đen bởi nhìn mái tóc xoăn, đôi môi hơi dày và bộ râu quai nón có dáng vẻ châu Phi. Hỏi ra mới biết bố ông thuộc dòng dõi quí tộc Nga giàu có, mẹ ông là một nô lệ da đen nhưng rất thông minh tài giỏi, có công lớn giúp Nga xây dựng quân đội, nhất là hàng hải nên được Pierre đại đế yêu mến  nhận làm con nuôi. Ông mang 2 dòng máu Âu và Phi, một số nét của họ ngoại làm cho ông rắn rỏi, mạnh mẽ, lãng tử và càng đẹp trai hơn. Đằng sau tượng Puskin một đoạn là cung điện Mùa Thu, đó là niềm tự hào của kiến trúc Nga, được xếp vào một trong những cung điện lộng lẫy nguy nga nhất thế giới. Mặt tiền trắng và xanh nổi bật bên nhau, các tác phẩm điêu khắc công phu, tương truyền rằng người ta đã dát hơn 100kg vàng để trang trí các tòa nhà. Quả là tòa lâu đài cổ kính, sang trọng và tráng lệ biểu hiện cho sự phồn thịnh một thời của các triều đại Sa Hoàng.
 
Từ cung điện Mùa Hè nhìn ra vịnh Baltic
Từ cung điện Mùa Hè nhìn ra vịnh Baltic
Ở một đoạn khác của dòng sông Neva Nữ Hoàng Elizabeth  đã cho xây dựng cung điện Mùa Đông nhìn xuống dòng sông rộng như một tấm gương phản chiếu một mặt suốt chiều dài của cung điện, cũng là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc độc đáo của nước Nga nhưng do một kiến trúc sư người Ý thể hiện. Ở cung điện Mùa Đông không có vườn Ngự Uyển mà chỉ có một quảng trường rộng lớn với một cột đá nguyên khối cao 60 mét, nặng 500 tấn được đặt tự nhiên trên nền quảng trường, không phải kết nối với các hệ thống giữ thăng bằng, mà vẫn đứng vững gần 3 thế kỷ đến nay, dù trải qua những khắc nghiệt của thiên nhiên và bao biến động của thời cuộc. Là nơi ở của các Nga Hoàng, nên cung điện Mùa Đông đã chứng kiến nhiều thăng trầm của các triều đại thời phong kiến. Sự sụp đổ của chế độ Nga Hoàng diễn ra ở đây, chính phủ lâm thời theo khuynh hướng tư sản họp ở đây và Trosky đã khai hỏa khẩu đại bác từ tàu Rạng Đông trên sông Neva, như một pháo lệnh để quân xích vệ tràn vào cướp chính quyền làm nên cách mạng tháng Mười Nga cũng ở đây. Không thể tham quan hết hơn 700 căn phòng được trang trí lộng lẫy của cung điện, không thể đi dạo hết một vòng của quảng trường, không thể xem được hết trên 3 triệu món đồ quí giá và những tác phẩm nghệ thuật của thế giới có trong cung điện Mùa Đông mà ngày nay đã là bảo tàng nghệ thuật quốc gia. Chỉ lướt qua để cảm nhận những tráng lệ, lung linh và ngẩn ngơ bấm máy ghi lại một vài hình ảnh thôi thì chúng ta cũng đã mất cả ngày với cung điện Mùa Đông!
 
Chiếc A330-300 của hãng hàng không Aeroflot cất cánh rời Sân bay Seremechevo lao vút vào bầu trời hoàng hôn, bên dưới cánh bay thành phố đã lên đèn. Tạm biệt nước Nga nhiều kỷ niệm thân thương, tạm biệt chú gấu Nga mãi trăn trở và còn nhiều trăn trở trên con đường đi tới tương lai.
                                                 
Maxcova tháng 10/2017
 
Ký sự: Hoàng Nguyên