Sâu thẳm nước Nga

09:11, 02/11/2017

Trên hành trình từ Matxcơva đến St.Peterburg, ở đâu tôi cũng gặp tượng ảnh Lênin, Quốc Huy búa liềm và biểu trưng Xô Viết. Những công viên, quảng trường, nhà máy hay nhà hát vẫn mang hình ảnh di sản Liên Xô hơn 70 năm. 

Trên hành trình từ Matxcơva đến St.Peterburg, ở đâu tôi cũng gặp tượng ảnh Lênin, Quốc Huy búa liềm và biểu trưng Xô Viết. Những công viên, quảng trường, nhà máy hay nhà hát vẫn mang hình ảnh di sản Liên Xô hơn 70 năm. Trong đời sống tinh thần của người dân Nga, vẫn ấm nóng niềm tin và đức hy sinh cao cả. Ðó là bản chất của nhân dân đã từng làm nên cuộc cách mạng vô sản long trời lở đất, tạo nguồn cảm hứng vô tận cho thế giới cần lao. Có một nước Nga đang sôi động trong cơ chế thị trường, thì vẫn còn đó một nước Nga bất khuất trước mọi bão giông, một nước Nga mênh mông của lòng nhân hậu và thẳm sâu những nấc tầng văn hóa...
 
Du khách khắp thế giới đến thăm Quảng trường Đỏ. Ảnh: U.T.B
Du khách khắp thế giới đến thăm Quảng trường Đỏ. Ảnh: U.T.B

Nước Nga, tôi đến hôm nay và đặt dấu chân trên mảnh đất nơi từng mơ ước, nhưng ấn tượng về xứ sở của những cánh rừng bạch dương xa xôi in dấu sâu đậm trong ký ức thơ ngây. Tôi từng mê mẩn với hình ảnh chiếc bàn gỗ dưới gốc sồi già trong điền trang nhà Nikolayevich, nơi L.Tolstoy viết Chiến tranh và Hòa bình và Anna Karenhina bất hủ. Tôi từng tưởng tượng ngược dòng Volga để tìm phả hệ dòng họ Melekhov có chàng kỵ binh Gregori mang mối tình điên dại với nàng Aksinia trong Sông Đông êm đềm của M.Sholokhov. Tiếng súng oan nghiệt của kỵ binh D’anthès thổi tắt “mặt trời thi ca Nga” Pushkin từng ám vọng tâm hồn và cả những câu thơ của Sergei Yesenin lay thức trái tim… 
 
Chiều nay, một buổi chiều như thời V.Solovyov viết bản tình ca Chiều Matxcơva nổi tiếng. Tôi đứng bên thành cầu ngắm dòng sông Mátxcơva đang lững lờ trôi mà nhẩm theo giai điệu: Hỡi em thấu chăng tình, trong lòng bao trìu mến. Matxcơva bên chiều vắng thanh bình. Nước Nga chưa đến đã yêu, đến rồi cảm nhận thêm rằng, vẻ đẹp mà các danh họa, văn hào dành cả đời ngợi ca chưa thể nào tả hết. Phong cảnh Nga như những đoạn phim quay chậm hiện lên trong tôi. Mùa thu vàng thắm đất trời tráng lệ. Phong non trùm khăn đỏ. Sồi già đơm chi chít trời sao. Những cung điện nguy nga thấp thoáng trong những cánh rừng. Ở đâu đó trong những ngôi làng, tiếng đàn balalaika khuấy động chiều thảo nguyên bởi bản serenade và chiếc ấm samova thơm mùi trà ướp tử đinh hương những đêm buốt giá. Một nước Nga khí phách mà đằm thắm. Như con lật đật Nevalyahka, dù bị ghì sát đất vẫn mạnh mẽ trỗi dậy, như con búp bê Matryoska mang hình ảnh người phụ nữ Nga, biểu tượng của sự thân thuộc và nảy nở sinh sôi. Nước Nga ấy đang dần thấm trong cảm xúc tôi.
 
Cơn mưa bất ngờ đổ xuống. Những cánh rừng trong phố sũng nước. Đại lộ mênh mông dẫn tôi đến “trái tim nước Nga”. Dòng người như bất tận trôi trên Quảng trường Đỏ, chờ viếng lãnh tụ V.Lênin, khám phá những di sản vĩ đại trong quần thể Điện Kremlin và lắng chuông giáo đường Basil. Matxcơva thanh bình, dù trong Bảo tàng Chiến tranh Vệ quốc, dòng người nghẹn lòng trước những đớn đau và vinh quang quá khứ. Tôi cúi đầu trước biểu tượng nguyệt quế, nhưng cảm giác thật thanh thản khi dạo gót dưới cái nắng dịu huyền trên Quảng trường Chiến thắng. Những đàn chim ríu ran dưới tán lá phong trong khuôn viên Đại học Lomonoxop. Phố cổ Arbat vẫn giữ trọn không gian nghệ thuật hơn 500 trước, như còn đó bóng dáng những đại văn hào Pushkin, Gogol, Tonstoy, Chekhov lững thững dạo gót mỗi chiều. Những nhà ga tàu điện ngầm Matxcơva như những cung điện mọc trong lòng đất, những bảo tàng mỹ thuật cộng đồng có một không hai… 
 
* * *
 
Trên đường phố trung tâm Matxcơva, bác Thế Phượng dịch cho chúng tôi nghe bản tin của Tiếng vọng Hành tinh qua radio. Đài này đang loan kết quả cuộc khảo sát của Hãng thông tấn Sputnic về các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Nga hiện đại. Theo Sputnic, Joseph Stalin được người dân Nga xướng tên đầu tiên, tiếp đó là Vladimir Putin, tổng thống đương nhiệm. Dù lịch sử trải qua biến động, thể chế đổi thay nhưng người dân Nga thật sự công bằng khi ghi danh công lao to lớn của vị thống soái của Liên bang Xô Viết.
 
Đếm những bước chân trên Quảng trường Đỏ, ngắm những thớ đá trăm năm giữa trung tâm Matxcơva chợt thấy tâm hồn rung lên những xúc cảm khó tả. Phải chăng, mỗi tháp chuông lớn nhỏ mang biểu tượng củ hành, mỗi thước tường thành Điện Kremlin sơn màu hồng đậm và mỗi nhành cây, ngọn cỏ trên đỉnh đồi Borovitski đều đã trở thành chứng nhân của biên niên sử nước Nga. Tôi đã đến, đã cảm nhận và hiểu vì sao đất nước này luôn luôn là một cường quốc trước biến dịch thời gian. Lịch sử nước Nga là một dòng sông mãi cuồn cuộn chảy, sóng sau liền sóng trước. “Không ai bị lãng quên! Không thời nào bị lãng quên!”, câu nói nổi tiếng của Tổng thống Putin trong diễn văn kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít, mà ông dẫn lại lời nữ thi sĩ Olga Becgon như một thông điệp chuyển tải sự trung thành và thủy chung với quá khứ. 
 
Có một nước Nga trong ký ức tôi là niềm mơ ước được có ngày khám phá một nền văn hóa, một quốc gia vĩ đại. Đất nước của Lênin, của Cánh mạng Tháng Mười. Không chỉ là người Việt như tôi, người dân Nga cũng không bao giờ quên công lao của Người và cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới. Một trong những công trình mang dấu ấn của thời đương đại đặt ở trung tâm Quảng trường Đỏ là lăng V.I.Lênin, lãnh tụ vô sản. Dù thời thế đổi thay nhưng nơi quàn thi hài của nhà đại cách mạng vẫn hằng ngày đón ngàn bước chân tưởng niệm. Tinh thần cách mạng và tư tưởng vĩ đại của Lênin vẫn giữ vẹn sức sống trong trái tim những người cần lao trên khắp thế giới. Trước lăng Người, tôi nhớ lại những khẩu hiệu thời đại: Tất cả chính quyền về tay Xô Viết; Hòa bình, hạnh phúc, bánh mỳ… 
 
Tách mình ra khỏi đoàn người, tôi đứng ở góc xa lặng ngắm Quảng trường Đỏ. Cơn mưa từ trưa vẫn kéo qua chiều, bầu trời Matxcơva lóe đôi chút tà dương. Ngày xưa rất xưa rồi, khi Vua Ivan I chiến thắng đội quân viễn chinh Mông Cổ, ngày trở về đã nghĩ đến việc xây dựng quảng trường này, cùng với năm tháng hình thành dần Điện Kremlin và một quần thể thành trì vững bền cho Công quốc Matxcơva, cho đế chế Nga. Tôi lần thêm tư liệu những ngày Lênin trở về Matxcơva để mở đầu cho Liên bang Xô Viết. Biết bao biến cố, biết bao ngày nước Nga và Liên Xô bão nổi, để hôm nay vẫn uy nghi sừng sững một nước Nga cường quốc. Những viên đá quảng trường nơi tôi đang đứng như vẫn còn in những dấu giày chiến binh 76 năm trước. Năm 1941, khi Matxcơva bị phong tỏa trong vòng vây của phát xít Đức, Hồng Quân đã tiến hành một lễ duyệt binh lịch sử dưới sự chỉ huy của J.Stalin. Từ trái tim nước Nga, đoàn hùng binh tiến thẳng ra mặt trận, bắt đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại với biết bao máu và nước mắt, cứu nhân loại khỏi cơn thảm họa. Năm 1945, Quảng trường Đỏ lại chứng kiến lễ duyệt binh mừng chiến thắng với đoàn quân kiêu hãnh từ mặt trận trở về còn vương mùi thuốc súng, máu khô. Sự hy sinh lớn lao của những chiến sỹ Hồng Quân mãi mãi được tôn vinh, vẫn cháy sáng như ngọn lửa Vĩnh cửu trước tượng đài Liệt sĩ Vô danh bên tường thành Kremlin lịch sử… 
 
Bên tượng đài lịch sử ấy, tôi đã gặp bé Lena cùng những người trong gia đình cháu dìu cụ nội, một cựu chiến binh của thời Vệ quốc, đến viếng những đồng đội của mình đã ngã xuống một cánh rừng nào đó trên đất nước Nga. Ở góc kia, cụ nội của Lena đang trầm ngâm ngắm ngọn lửa thiêng. Chắc trong tâm hồn người cựu binh già, quá khứ liệt oanh đang chầm chậm hiện về. Nhìn ông, trong tôi hiện dần giai điệu của bản nhạc Nga hậu chiến Giờ này anh về đâu, cảm xúc của những người lính rời chiến trận nhớ đồng đội cũ. Bài hát ấy, tôi đã từng run lên khi nghe Trọng Tấn biểu cảm: Ánh trăng vàng chiếu khắp thôn làng. Chiến trường không còn tiếng súng xưa hờn oán. Giờ này anh về đâu hỡi người bạn cùng binh đoàn, đã sánh bước cùng nhau trên con đường sáng… Ngân nga giai điệu, tôi lặng nhìn hai người lính trẻ bồng súng nghiêm trang giữa Vọng gác Danh dự số 1. Là những người trực tiếp bảo vệ tượng đài, có lẽ họ cảm nhận sâu sắc rằng mình đang canh giữ những giá trị thiêng liêng mà cha ông xả thân xây đắp. Bé Lena chợt nhìn tôi và nhoẻn miệng cười. Trong khoảnh khắc đó, nước Nga thật bình yên như chưa có chiến chinh qua tâm hồn trẻ thơ… 
 
Không ai muốn Lena phải ám ảnh bởi quá khứ đau thương, nhưng trang sử ở trường cháu học vẫn nhắc lại rằng, có một nước Nga, một Liên Xô đã đổ máu xương để giành chính quyền về tay nhân dân và góp công lớn cùng nhân loại diệt trừ phát xít. Trước trụ sở Nhà Xuất bản Giáo dục, chúng tôi đứng lặng đọc tấm bia ghi danh 22 liệt sĩ, họ từng là cán bộ của cơ quan này xung phong ra mặt trận và hi sinh anh dũng trong Thế chiến thứ 2. Bà Tổng Biên tập nói: “Mỗi buổi sáng, trước khi vào làm việc, tất cả nhân viên của nhà xuất bản đều cúi đầu tưởng niệm”. Hãy ngước nhìn lên khoảng trời xanh trên Quảng trường Chiến thắng, hình ảnh những anh hùng Nga, những chiến sỹ Hồng Quân cao đẹp biết nhường nào!
 
Bảo tàng Chiến tranh Vệ quốc là bảo tàng về chiến tranh lớn nhất thế giới, rộng 135 ha. Đài tưởng niệm cao 141,8 m thể hiện cuộc chiến đấu diễn ra trong 1.418 ngày đêm. Bảo tàng có những gian chính tái hiện các trận chiến lớn, gian Tướng lĩnh và gian Chiến thắng. Nhân loại không thể nào quên, từ năm 1941-1945, Liên Xô đã hy sinh 27 triệu người, 18 triệu dân thường và 9 triệu quân nhân. Trong 900 ngày đêm quân Đức vây hãm Leningrat (St.Peterburg), suất ăn mỗi ngày chỉ được 125 gam; 700 nghìn người chết đói nhưng thành phố vẫn sống dưới bầu trời bị dội bom 12 lần một ngày. Tang tóc vô hạn và phẩm chất anh hùng của người dân Xô Viết cũng là vô hạn. Tinh thần Nga, như thanh gươm cực lớn đặt tại bảo tàng, gươm được rèn ở thành phố Tula, trên đó khắc dòng chữ như một lời thề: “Kẻ nào mang gươm đến đánh đất nước ta, kẻ đó sẽ chết vì gươm!”… 
 
* * *
 
Thật may mắn, tôi đã đến với St.Peterburg, thành phố bên bờ Baltic, chứng nhân mở đầu cơn bão táp cách mạng. Chính nơi này, kinh đô phong kiến, Lênin đã vung tay ra lệnh chiến hạm Rạng Đông đứng sau cầu Nikolaev trên bờ kè Anglais cho nổ phát đại bác làm rung chuyển Cung điện Mùa Đông. Lịch sử Nga từ đây đã chấm dứt sự trị vì của Sa Hoàng, giải phóng dân nghèo thoát nỗi thống khổ. Ai đã từng đến St.Peterburg như tôi hôm nay, chiêm ngưỡng những tòa lâu đài, cung điện, những điền trang xa hoa, tráng lệ, những hiện vật, hiện kim vô tận của các đời Sa Hoàng và giới vương tôn, quý tộc Nga mới thấu hiểu giá trị của Cách mạng Tháng Mười. Những di sản vô giá hôm nay mà chúng tôi thưởng lãm từng là kho tài sản vô tận của giai cấp thống trị, được đắp dựng lên bằng sông máu, núi xương của nông dân và thợ thuyền Nga. Cuộc cách mạng của những người Bolsevik đã đập tan thành trì hàng trăm năm đó, giải phóng giai cấp cần lao khỏi kiếp tôi đòi và dựng nên nhà nước Xô Viết công nông. Bên bờ sông Neva, Chiến hạm Rạng Đông vẫn yên vị ngay chỗ ngày xưa, như một pháo đài tinh thần của dân Nga bất khuất. 
 
Tản bộ qua những con đường St.Peterburg, tôi chạm tay vào những bức tường rêu phong, những viên đá cũ. Nhìn xuống dòng Neva ngàn năm lững lờ soi bóng mà ngẫm chuyện trăm năm dâu bể của xứ sở này. Ngắm những tình nhân trẻ đang hẹn hò trên cây cầu mở Dvortsovyi, tôi thầm đọc bài thơ Không đề của nữ thi sĩ O.Becgon, người con gái Nga quả cảm từng đến đài phát thanh và đọc những trang tin, những bài thơ cổ vũ tinh thần ái quốc trong 900 ngày Leningrat (St.Peterburg) bị phát xít bao vây: Em nhớ lại chuyện ngày quá khứ. Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ. Ngôi sao cháy bùng trên sông Neva. Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà…Tình yêu và tuổi trẻ, nhiều đắm say và lắm đắng cay. Dòng Neva đã dấu lưu điều đó. Có lẽ vậy mà trước tượng đài O.Becgon ở nghĩa trang Piskaryevskoye, người ta khắc câu thơ của bà trên đá, câu thơ mà vị tổng thống đương nhiệm đã nhắc lại như một lời thề thủy chung: Không ai bị lãng quên! Không điều gì bị lãng quên! Trong đêm trắng St.Peterburg, tôi đã gặp con đường rất đẹp mang tên nữ sĩ, cũng đã gặp đại thi hào Puskin trên đường phố trong dáng vóc uy nghi của bức tượng đài… 
 
Đến với nước Nga, tôi cảm nhận rõ thêm tính cách Nga mạnh mẽ nhưng khiêm nhường. Tâm hồn Nga lãng mạn và lạc quan. Lúc nào họ cũng có thể hát ca, có thể nhảy múa, trên gương mặt luôn tươi nở nụ cười. Dù lịch sử lắm khúc quanh co, dù thời cuộc gặp nhiều biến cố nhưng những giá trị Nga vẫn vẹn nguyên dáng vóc qua thời gian. Trong tận cùng khổ đau, người Nga vịn vào tinh thần lạc quan đứng dậy và làm nên chiến thắng. Người Nga biết cách hy sinh, ít nhận sự đáp đền. 
 
Tôi yêu nước Nga! Nước Nga từng dấu lưu trong tâm tưởng và một nước Nga hôm nay tôi gặp.
 
Ghi chép: UÔNG THÁI BIỂU