Từ ánh sáng Tháng Mười…

09:11, 09/11/2017

Có hai cuộc cách mạng mà mỗi người dân Việt Nam ai cũng đều tự hào đánh dấu những cột mốc lịch sử trong mùa thu. Đó là Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam chỉ cách nhau 28 năm ở hai đất nước khác nhau nhưng cùng chung một mục đích lý tưởng...

Có hai cuộc cách mạng mà mỗi người dân Việt Nam ai cũng đều tự hào đánh dấu những cột mốc lịch sử trong mùa thu. Đó là Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam chỉ cách nhau 28 năm ở hai đất nước khác nhau nhưng cùng chung một mục đích lý tưởng. Cách mạng Tháng Mười Nga chưa từng có trong lịch sử loài người, xóa bỏ chế độ người bóc lột người lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, cổ vũ cả nhân loại bị áp bức đứng lên đấu tranh giành tự do. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đã học được bài học trực tiếp từ Cách mạng Tháng Mười, vận dụng đạt kết quả xuất sắc trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền. 
 
Lê-nin với Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh tư liệu
Lê-nin với Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh tư liệu
Mùa thu này ta vẫn còn như nghe âm vang những đoàn người tràn vào Cung điện Mùa Đông với khí thế như nước vỡ bờ, đã tấu lên bản giao hưởng Cách mạng Tháng Mười với bao cung bậc âm thanh, màu cờ mà người nhạc trưởng là lãnh tụ Lê-nin vĩ đại. Giở lại những tấm ảnh tư liệu lịch sử, xem lại những thước phim đen trắng ngày ấy bao giờ cũng hiện lên cận cảnh nổi bật hình ảnh vị lãnh tụ thiên tài với vầng trán rộng đã đi vào ký ức của mỗi người. Nhà thơ Mai-a-cốp-xki viết bản trường ca “ Tốt lắm” (Qua bản dịch của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến) đã diễn tả khí thế Cách mạng Tháng Mười: “Cuồn cuộn những dòng người đông nghịt/ Họ ùa lên/ Và nhịp theo hành khúc/ Sánh bước với công nhân hàng ngũ chỉnh tề/ Ô tô biện chứng phép chiếu năm tháng sáng lòe/ Bằng những ngọn đèn pha hãng Mác/ Tương lai rõ dần/ Bóng đêm tan tác…”. Bản trường ca được đánh giá như tập biên niên sử hùng tráng bằng thơ đầy tự hào trước sự hồi sinh của đất nước Xô viết: “Và tôi/ Ca ngợi Tổ quốc tôi/ Ca ngợi Cộng hòa Xô viết/ Như ca ngợi một mùa xuân nhân loại/ Được sinh ra trong lao động đấu tranh”. Đất nước Nga, tâm hồn Nga, những làn điệu dân ca Nga, thiên nhiên tươi đẹp màu thu vàng Nga qua những tác phẩm văn học một thời để lại bao dấu ấn và ký ức đẹp đẽ trong mỗi tâm hồn Việt. Đó là thi sĩ thần đồng thơ Nga Ê-xê-nhin. Ông được coi là “Cây đại phong cầm do thiên nhiên tạo nên dành riêng cho thơ ca” (M.Goocki). Thơ Ê-xê-nhin hồn nhiên, chân thành, đằm thắm có sức quyến rũ đặc biệt nhất là những bài thơ viết về nông thôn Nga, cái tâm hồn sâu thẳm nhất của dân tộc Nga: “Ôi nước Nga thân thiết của tôi ơi/ Nhà gỗ thông khoác áo choàng tượng Chúa” hay: “Ôi nước Nga cánh đồng màu thắm đỏ/ Và màu xanh ngã xuống giữa lòng sông/ Tôi yêu đến sướng vui và đau khổ/ Nỗi sầu thương hồ nước trải mênh mông” đã thấm đậm một cội nguồn sâu thẳm đau đáu trong cái mạch rễ từ vẻ đẹp bí ẩn mê hoặc của nước Nga… 
 
Cách mạng Tháng Mười như mặt trời chói lọi với vẻ đẹp lý tưởng chiếu rọi cho cả nhân loại như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười Nga chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng trăm triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất”. Nhà thơ Chế Lan Viên với những dòng thơ suy tưởng dạt dào, thăng hoa với nhiều cảm hứng lớn lao: “Khi mặt trời Nga mọc ở phương Đông/ Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt/ Người cay đắng cũng chia phần hạnh phúc/ Sao vàng bay theo liềm búa công nông”. Có hai con người vĩ đại của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của Cách mạng Tháng Mười Nga: Đó là Bác Hồ kính yêu và người thủy thủ trên chiến hạm ở biển Hắc Hải - Bác Tôn Đức Thắng. Ngày đó Bác Hồ trên hành trình gian khổ tìm đường cứu nước. Khi được tin Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Bác đã cảm nhận về một đất nước mà nắm chính quyền là những người lao động. Khi được đọc Báo Nhân Đạo (Pháp) năm 1920 có đăng tác phẩm: Sơ khảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin, Bác rất xúc động mừng đến phát khóc như trong thơ Chế Lan Viên đã viết: “Luận cương đến với Bác Hồ và người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin”. Và trong căn phòng vắng lặng với khóe mắt rưng lệ Bác reo lên như muốn nói cùng dân tộc ta đang bị áp bức: “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”“Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”. Bác Tôn Đức Thắng vốn là thợ máy đóng tàu Sài Gòn phục vụ trên chiến hạm Phờ-răng-xô của Pháp được điều động tiến vào biển Đen bắn phá hải cảng Xê-va-xtô-pôn. Bác đã cùng anh em binh sỹ khác dũng cảm đứng lên phản chiến từ chối thi hành mệnh lệnh tiến công nước Nga Xô viết. Bác Tôn đã xung phong kéo cờ đỏ trên chiến hạm để chào mừng nhà nước vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong trường ca “Bài thơ Hắc Hải” đã viết những dòng thơ xúc động về hình ảnh đẹp đẽ của người thủy thủ Việt Nam Tôn Đức Thắng: “Người lính thủy kéo cờ năm trước/ Tinh thần Hắc Hải vẫn càng tươi/ Từ ánh sáng Tháng Mười soi rọi/ Tổ quốc ta đã có bây giờ…”.
 
Cùng với Cách mạng Tháng Mười Nga, hình ảnh của lãnh tụ Lê-nin luôn là nguồn cảm hứng cho các thi nhân, đặc biệt là bản trường ca “Lê-nin” được sáng tác năm 1924 của nhà thơ Mai-a-cốp-ski. Tình cảm của nhà thơ đối với cách mạng được thể hiện tập trung qua lòng yêu quý vô bờ đối với vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng qua bản trường ca. Đây là tác phẩm lớn đầu tiên trong lịch sử thơ ca Xô viết đã tái hiện thành công hình tượng Lê-nin trong mối quan hệ biện chứng giữa một tính cách giản dị và một nhân cách vĩ đại, một Con Người với mẫu tự viết hoa. Đọc lại trường ca này chúng ta thật xúc động khi nhà thơ viết về Lê-nin từ trần như nghe tin sét đánh: “Hôm qua/ 6 giờ 50 phút/ Đồng chí Lê-nin từ trần/ Năm nay chứng kiến một lần/ Điều bất hạnh trăm năm không thấy nữa/ Ngày này/ muôn thủa/ sẽ là truyền thuyết đau thương…”. Nhà thơ Tố Hữu là một trong những tác giả có nhiều bài thơ thành công viết về Cách mạng Tháng Mười Nga và đặc biệt là hình ảnh Lê-nin hiện lên thật giản dị trong bài thơ “Lều cỏ Lê-nin” lúc Lê-nin từ Phần Lan về nước để chuẩn bị lãnh đạo cách mạng. Nơi ở đại bản doanh của Người là một chiếc lều cỏ đơn giản bên dòng sông với một chú bé liên lạc làm ta nhớ lại chiếc hang Pắc Bó gió lùa của Bác Hồ kính yêu khi mới trở về Cao Bằng lãnh đạo cách mạng. Nhà thơ Tố Hữu viết: “Lịch sử thường đi những lối ngờ/ Một lều cỏ là mũi tên chỉ hướng…/ Mái tóc giả che vầng trán rộng/ Như bóng mây giấu ánh mặt trời”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngay từ tuổi thiếu nhi đã viết bài thơ “Ông Lê-nin ở nước Nga” thật hồn nhiên trong sáng mà lan tỏa một niềm kính yêu sâu sắc: “Ông Lê-nin ở nước Nga/ Mà em lại thấy như là Việt Nam/ Cũng vầng trán rộng thênh thang/ Y như trán Bác mênh mang đất trời/ Cũng đôi mắt đẹp sáng ngời/ Y như mắt Bác đang cười với em”. Vâng, trong mỗi gia đình Việt Nam, trên tường cao nơi trang trọng nhất hầu như ai cũng treo ảnh hai vị lãnh tụ lồng trong khung kính đó là Lê-nin và Bác Hồ.
 
Từ khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đến nay đã là 100 năm. Thời gian một thế kỷ trôi qua mà ta cứ ngỡ như mới hôm qua, bởi qua những trang sách, thước phim, tấm ảnh, bản nhạc còn lưu giữ được ký ức của lịch sử ngày nào. Hào khí cách mạng luôn truyền lại sức mạnh lớn lao niềm tin lý tưởng cao đẹp. Nhà văn Mác-xim Goc-ki đã ví Cách mạng Tháng Mười Nga là bài ca con chim báo bão. Ta vẫn còn như mới gặp đâu đây những con người làm nên Cách mạng Tháng Mười mới hôm qua là những người thợ, người đầy tớ, người làm thuê sống không mục đích tương lai. Nay là những “đồng chí”, họ sáng rực lên từ khí tuệ, từ tâm hồn, từ hội tụ để có một nhân loại mới ngày mai. Họ từ những mầm, những hạt băng qua những thử thách chắt chiu để có một phong trào, thành cây, thành rừng rộng khắp: “Những mắt buồn sắp nhắm/ Bừng dậy thấy tương lai/ Những bàn tay lại nắm/ Cờ đỏ qua đêm dài” (Bài ca Tháng Mười - Tố Hữu). Một cuộc cách mạng vĩ đại bắt đầu từ chiếc lều cỏ, như tổ chim, nơi đây bốn mùa gió lộng. Gió của thiên nhiên và lộng gió của lý tưởng cách mạng sục sôi chín muồi thắp sáng ngọn đuốc. Nơi đây Lê-nin đã viết những chương Nhà nước cách mạng cũng như Bác Hồ đã từng: “Bàn ghế chông chênh dịch sử Đảng”, dịch lịch sử Cách mạng Tháng Mười để truyền đạt định hướng, soi rõ con đường đi của cách mạng Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Mười, bộ mặt mới của lịch sử loài người bắt đầu hình thành những nét của cuộc chiến đấu để giành quyền sống, quyền độc lập tự do và nhân phẩm con người - Con Người nhân ái, cao thượng, chan hòa. Sau Cách mạng Tháng Mười nhân loại thuộc về chúng ta, công bằng, đạo lý. Những sự kiện cách mạng trên khắp trái đất là những bằng chứng hùng hồn chứng minh chân lý đều thuộc về con người: “Từ khi anh đứng dậy/ Trái đất bắt đầu cười/ Và loài người từ đấy/ Ca bài ca Tháng Mười” (Bài ca Tháng Mười - Tố Hữu).
 
Bác Hồ kính yêu đã chỉ rõ: “Kinh nghiệm bản thân của Việt Nam chứng tỏ rằng chính là nhờ Đảng của những người Bôn-sê-vích và cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại mà ở Việt Nam có một Đảng Mac-xít - Lê-nin-nít”. Bác còn chỉ thêm: “Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười là ngôi sao sáng soi đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam”. Với kim chỉ nam tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin chúng ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, lật nhào ách thống trị gần 100 năm của bọn thực dân Pháp, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ đầu tiên của Đông Nam Á. Vận dụng học thuyết cách mạng không ngừng của Mác - Lê-nin chúng ta đã đánh sập chủ nghĩa thực dân cũ bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu. Và hai mươi năm sau đánh sập thực dân mới do đế quốc Mỹ đứng đầu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Và nay Đảng ta ngày càng coi trọng việc tổng kết thực tiễn, bổ sung hoàn thiện đường lối xây dựng xã hội chủ nghĩa trong cương lĩnh xây dựng đất nước. Lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, Đảng ta, nhân dân ta, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trong bất cứ tình huống nào. Đó là sự biểu hiện trung thành và nhất quán với học thuyết Mác - Lê-nin và lý tưởng cao đẹp từ ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại…
 
Tùy bút: NGUYỄN NGỌC PHÚ