Trăm năm cô đơn - giấc mơ nghệ thuật và hòa bình của Gabriel García Márquez

02:11, 14/11/2017

(LĐ online) - Năm 1967, sau 18 tháng lao lực với cây bút và trí tuệ của mình, nhà văn vĩ đại Nam Mỹ Gabriel García Márquez đã cho ra mắt công chúng tiểu thuyết "Trăm năm cô đơn". 50 năm qua đi, nhưng những di sản nghệ thuật trong tác phẩm "Trăm năm cô đơn" luôn là những giá trị lớn lao được bao thế hệ người yêu văn học trên toàn thế giới chiêm nghiệm, nghiên cứu, phân tích, khai thác. 

(LĐ online) - Năm 1967, sau 18 tháng lao lực với cây bút và trí tuệ của mình, nhà văn vĩ đại Nam Mỹ Gabriel García Márquez đã cho ra mắt công chúng tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”. 50 năm qua đi, nhưng những di sản nghệ thuật trong tác phẩm “Trăm năm cô đơn” luôn là những giá trị lớn lao được bao thế hệ người yêu văn học trên toàn thế giới chiêm nghiệm, nghiên cứu, phân tích, khai thác. 

Bà Claudia Liliana Zambrano Narajo, Đại biện, Trưởng Cơ quan ngoại giao Cộng hòa Colombia tại Việt Nam trao tặng ấn phẩm Trăm Năm cô đơn của Nhà văn Gabriel Garcia Marquez cho đ/c Nguyễn Văn Yên, Uỷ viên BTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
Bà Claudia Liliana Zambrano Narajo, Đại diện, Trưởng Cơ quan Ngoại giao Cộng hòa Colombia tại Việt Nam trao tặng ấn phẩm Trăm năm cô đơn của Nhà văn Gabriel García Márquez cho đồng chí Nguyễn Văn Yên,
Ủy viên BTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Gabriel García Márquez sinh ngày 6/3/1927 tại Aracataca, một thị trấn bên bờ biển Caribê, thuộc miền Bắc Colombia, trong một gia đình trung lưu có 11 người con. Trước khi là nhà văn, ông là một nhà báo có tiếng đầy bản lĩnh của khu vực Nam Mỹ. Là bạn thân của nhà cách mạng Cu ba, Fidel Castro, ông cũng chính là nhà văn cực lực phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam.
 
Với 60 nhân vật cùng tính cách khác nhau, “Trăm năm cô đơn” là một bản bi ca về dòng họ Buênđya tồn tại bảy thế hệ, người đầu tiên bị trói vào gốc cây và người cuối cùng đang bị kiến ăn, một dòng họ tự giam cầm trong cõi cô đơn để trốn chạy tội loạn luân như một lời nguyền định mệnh. Tại sao "Trăm năm cô đơn" - một tiểu thuyết được hư cấu theo chủ nghĩa "hiện thực huyền ảo", dày tới hơn 600 trang, chỉ quẩn quanh với câu chuyện loạn luân của một dòng họ ở một ngôi làng "huyền thoại", lại giành được giải thưởng Nobel Văn học năm 1982? Phải chăng tác phẩm đã đạt tới hai tiêu chí cơ bản của giải thưởng. Đó là bút pháp độc đáo, mới mẻ và ý nghĩa nhân văn của thông điệp tác phẩm gửi tới người đọc.
 
Tại Đà Lạt, từ ngày 15 đến ngày 30 tháng 11 năm 2017, Cơ quan đại diện Ngoại giao Cộng hòa Colombia tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức triển lãm ảnh về thân thế và sự nghiệp của Gabriel García Márquez tại Nhà thông tin triển lãm Khu Hòa Bình - Đà Lạt
"Trăm năm cô đơn" được giới phê bình văn học nhận định là tác phẩm tuyệt vời của hư cấu nghệ thuật. Với bút pháp "hiện thực huyền ảo", Gabriel García Márquez đã dựng nên một ngôi làng có tên gọi Macondo. Đó là ngôi làng không một người dân nào sống quá ba mươi tuổi và chưa có nghĩa địa, đã từng xảy ra những chuyện huyền hoặc như cơn mưa hoa trong một đám tang, những con người được hoài thai bởi bướm và bọ cạp, người có đuôi, người có thể bay lên trời không trở lại... Ở ngôi làng đó, những người con trai và con gái cùng dòng tộc đã yêu nhau, lấy nhau, sinh ra những đứa con có cái đuôi lợn. Trong cuộc sống hiện thực của ngôi làng Macondo có những hình ảnh hoàn toàn phản hiện thực nhưng lại được dân chúng xem như hoàn toàn hiện thực. Nhân vật Mauricio Babilonia, đi đâu thì từng bầy bươm bướm bay theo. Hay như nhân vật Aurelian có một cái đuôi lợn, hay nàng Remedios bay lên trời… Những hình ảnh phi hiện thực được mô tả một cách rành mạch và mặc định đến mức nó có dường như thực hơn những hình ảnh có thực cho nên lắng lại rất sâu sau khi đọc xong. Qua đó ta có thể thoáng thấy những bí mật kỳ dị nằm ngay trong bản chất của cuộc sống, những bí mật mà chúng ta không thể tìm thấy trong các tác phẩm văn học hiện thực trước đó.
 
Nhưng ngược lại ở chính ngôi làng Macondo đó rất nhiều điều hoàn toàn hiện thực nhưng dân chúng lại xem như những ảo ảnh. Chẳng hạn như: nước đá, nam châm, xe lửa, phim ảnh rồi điện thoại… họ không thể hiểu nổi vì sao một nhân vật đã chết và đem chôn trong một một bộ phim khiến họ khóc hết nước mắt rồi sau đó chính nhân vật ấy lại có thể xuất hiện trong một cuốn phim khác dưới hình hài của một người Ả rập?
 
Ranh giới giữa hiện thực và ảo ảnh gần như bị xóa nhòa không chỉ trong cái nhìn của người dân Macondo mà còn nằm ngay trong chính cái hiện thực chính trị ở đó nữa. Gabriel García Márquez  miêu tả cuộc đình công trong một đồn điền trồng chuối nhưng ông luật sư của đồn điền này tuyên bố trước công luận là không hề có một cuộc đình công nào cả vì đồn điền không có một tập thể công nhân nào, chỉ mướn những người làm ngắn hạn và trả lương công nhật mà thôi. Và rồi, khi tất cả các công nhân của đồn điền nổi lên biểu tình đình công thì họ bị tử hình không còn một ai. Thi thể của họ được chất lên xe lửa, được chở trong đêm tối một cách bí mật đến một nơi khác để phi tang. Một nhân chứng đã thấy tất cả những sự thật này nhưng nhân chứng ấy chỉ có một mình nên không thể thuyết phục ai tin vào sự thật khủng khiếp ấy. Mọi người đều cho rằng không có cuộc đình công nào cả và cho tới các thế hệ sau, trẻ em được học trong sử ký rằng chẳng hề có cuộc đình công hay thảm sát nào và thậm chí chẳng có cái đồn điền trồng chuối nào ở đó cả!
 
Nỗi ám ảnh về tội loạn luân đã đẩy những con người nơi đây chìm sâu vào nỗi cô đơn. Họ lạc loài trong chính ngôi nhà của mình. Cô đơn giữa những người thân thuộc. Cô đơn trên chiếc giường và cả trong giấc mơ của chính mình... Cuối cùng, sau một trăm năm sống trong cô đơn, làng Macondo bị một trận cuồng phong xóa sạch khỏi thế giới. Rõ ràng là, về phương diện xã hội, Gabriel García Márquez dường như đang muốn viện dẫn một vấn đề có tính quy luật. Đó là, nếu anh đơn độc trong cuộc chiến với thiên nhiên và con người, anh sẽ bại trận. Nếu anh khép mình, đóng kín, quay lưng lại với thế giới, đi ngược lại những quy luật vốn có, chính anh sẽ bị hủy diệt.
 
Có lẽ thông điệp, Gabriel García Márquez muốn nhắn nhủ rất giản đơn nhưng mang tính nhân văn cao cả: Mọi người nên sống đúng bản chất người - Tổng hòa các mối quan hệ xã hội của mình, vượt qua mọi định kiến, thành kiến cá nhân, hãy lấp đầy mọi hố ngăn cách cá nhân bằng sự khoan dung để tự hòa đồng với gia đình, xã hội.   
 
Có một điều kỳ lạ, “Trăm năm cô đơn” được trao giải Nobel văn học sau khi tác phẩm này đã nổi tiếng khắp các châu lục. Chính Gabriel García Márquez đã làm cho cả thế giới biết đến Colombia khác lạ với những hình ảnh lãng mạn, đầy chất người với sự thăng hoa cao cả, xóa nhòa đi những cánh đồng thuốc phiện và băng đảng Mafia mà trước đó ai cũng e sợ. Ngày nay, Colombia là một trong 8 quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới với tầm ảnh hưởng sâu rộng tại khu vực Nam Mỹ và toàn cầu. Như vậy, giấc mơ của văn hào Gabriel García Márquez về thế giới đại đồng, đầy yêu thương đang được hiện thực hóa trên chính quê hương yêu dấu của ông.
 
Năm 2017, kỷ niệm 50 năm lần đầu tác phẩm “Trăm năm cô đơn” của Gabriel García Márquez ra mắt công chúng, Colombia và nhiều quốc gia ở khu vực Nam Mỹ tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa nhằm tưởng nhớ đến một Đại văn hào yêu chuộng hòa bình, người đã mang lại cảm xúc thẩm mỹ sâu lắng và vẻ đẹp huyền diệu của ngôn ngữ cho hàng triệu độc giả trên thế giới. 
 
Trần Thanh Hoài