Nền văn học nghệ thuật Xô viết hướng thượng đã góp phần xây dựng nhân cách cho lớp người chúng tôi vẫn không mất đi mà còn truyền lại cho con cháu bây giờ.
Nền văn học nghệ thuật Xô viết hướng thượng đã góp phần xây dựng nhân cách cho lớp người chúng tôi vẫn không mất đi mà còn truyền lại cho con cháu bây giờ.
|
Ông Phạm Bá Phong (bên trái) và tác giả. Ảnh: Trịnh Chu |
Những cuốn tiểu thuyết bìa cứng dày cộp thuộc loại sách gối đầu giường của tôi trên giá vẫn được con cháu hào hứng lôi ra đọc: “Chiến tranh và hòa bình” của Liev Tolxtoi , “Con đường đau khổ” của Leon Tolxtoi, “Chiến bại” của Phadeep, “Thép đã tôi thế đấy” của Oxtơrôpxki, “Sông Đông êm đềm”, “Đất vỡ hoang” của Solokhôp và thơ Puskin, Lecmantop... Đặc biệt là sức quyến rũ của những giai điệu du dương cùng lời ca sâu lắng mượt mà của các bài hát “Chiều Maxcơva”, “Đôi bờ”, “Cây thùy dương”... khiến tâm hồn bay bổng.
Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, chúng tôi, những người có một thời học tập ở Liên Xô, không ai bảo ai, tụ tập lại nhắc những kỷ niệm riêng và hát những bài ca quen thuộc. Ca từ sao mà đẹp, mà thân thương thế, nhưng chẳng biết ai đã dịch. Cái thời hay thật, thích thì làm, vô tư, cố gắng dịch, chuyển tải cảm xúc rung động của mình đến cho người khác, không nhất thiết nó phải mang tên mình. Chẳng ai nghĩ đến nhuận bút, đến bản quyền sở hữu trí tuệ như bây giờ. Đương nhiên, phải là người biết tiếng Nga mới dịch được. Lắm khi là “công trình tập thể”. Ở ký túc xá sinh viên, lưu học sinh, một ai cất lên, người này thêm một câu, kẻ kia bổ sung thêm một chữ rồi cứ thế lan truyền. Cũng có khi chỉ một người dịch, được mọi người hưởng ứng hát theo thì thích thú chứ không nhận là của mình. Thí dụ bài “Chiều Maxcơva”, lời dịch của Vương Thịnh khi ông chưa là Vụ trưởng Vụ Đối ngoại của Bộ Văn hóa, chỉ được báo chí nhắc đến khi ông qua đời. Còn lời Việt của Quốc ca Liên Xô thì chẳng biết của ai. Tác giả bài báo này rất mong người dịch lên tiếng nếu còn sống hoặc con cháu có thông tin gì chăng. Ngay người hát mà tôi may mắn gặp được đây cũng là điều kỳ thú.
Gần đến lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, lang bang tìm đến nhà một vài đối tượng hy vọng có được bài hồi ký cho Tạp chí Lang Bian của Hội Văn học Nghê thuật Lâm Đồng. Tôi nghĩ đến ông Phạm Bá Phong, PGS - TS Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin Đà Lạt mới về nghỉ, có nhiều năm học đại học và bảo vệ PTS ở Liên Xô.
Tuổi 80, ông chống nạng lê chân ra cửa đón tôi với ánh mắt tinh anh và nụ cười thân thiện. Theo thói quen, tôi vào đề thẳng, mời ông viết cho vài trang tạp chí, viết cái gì cũng được về Cách mạng Tháng Mười Nga. Mắt ông sáng lên, hài hước và độ lượng:
- Thôi, mình kể cho cậu nghe rồi viết thế nào thì viết.
Giống như nhiều “ông già tai biến” khác, cứ nhắc đến một “thời oanh” của mình là mắt sáng lên rạng rỡ, trẻ hẳn ra:
- Mình không ngờ qua được tai biến, sống đến ngày kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Đêm qua mất ngủ lên mạng xem bài chào cờ Liên Xô nhưng chỉ có nhạc không có lời.
Tôi nghĩ, cái ông này buồn cười, nhớ cái gì không nhớ lại đi tìm cái bài chào cờ. Tôi nhìn bà Phong còn nhanh nhẹn đang súc ấm pha trà:
- Xin lỗi chị nhá! - Rồi quay sang ông - Thôi, thời sinh viên ở Đại học Tổng hợp Odexa có yêu cô nào thì khai ra!
- Cái thằng này… - Ông trách yêu - cứ từ từ đã.
Sau ngụm trà, ông kể:
Từ 1960 - 1965, ông học Khoa Sinh Đại học Tổng hợp Odexa (Cộng hòa Ucraina). Tiếng tăm chưa thạo, nhà trường phân công cô Mai ngồi cạnh giúp đỡ. Chữ nào không biết thì hỏi, nhìn vở của nó mà chép.
- Cô ta có đẹp không? - Tôi xen vào.
- Gái Ucren mà… Còn phải nói.
Thế mà có lần cãi nhau đấy. Tiếng Nga ú ớ mà cãi nhau được mới tài. Bà giáo già gõ vào đầu hai đứa, mở tung cửa sổ đón gió, nhìn những tán lá bạch dương, anh đào lấp lánh, cất tiếng hát đánh nhịp cho họ: “… Nhìn mấy cánh hoa trắng rơi/ Lòng ngập ngừng nghe trái tim bồi hồi/ Này, cành thùy dương yêu mến/ Biết chăng em vì cớ sao buồn?”. Rồi bà xua đôi bạn ra vườn, đẩy vai giục đi đi.
- Rồi sao nữa? - Tôi sốt ruột.
- Cô này ở nông thôn lên thủ đô học. Sang năm thứ 2 thì gia đình gọi về gả chồng. Nó bảo: “Tao yêu mày mà mày không yêu thì phải thuận theo gia đình thôi!”.
Ngày đó đúng là kỷ luật sắt, có chuyện gì lôi thôi là Đại sứ quán cho về liền. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Odexa ông ở lại làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án PTS ở đấy. Sau đó, ông có dịp đến thăm trường Lômônôxốp, chính cái trường mà ông được nhìn trong ảnh in trên trang nhất báo “Nhân dân Liên khu 5” với dòng chữ: “Trường đại học lớn nhất thế giới”. Lúc ấy là vào năm 1953, Liên khu 5 thuộc vùng tự do, có báo Nhân dân riêng. Ông đang học lớp 7 phổ thông 9 năm (sau này mới là 10 rồi 12 năm) ở Phù Mỹ, Bình Định quê nhà. Tháng nào không nhớ nữa, nhưng tin Xtalin từ trần lan truyền, thầy giáo chủ nhiệm đưa ông bài Quốc ca Liên Xô bảo tập đi để hát trong lễ tưởng niệm nay mai. Ông biết nhạc và phụ trách đội văn nghệ nhà trường. Bản nhạc chép tay lời Việt. Sau này, ở Liên Xô, mỗi khi chào cờ, ông hát lời Việt khiến các bạn Liên Xô và cả Việt Nam nữa rất ngạc nhiên. Họ hỏi lời dịch của ai, ông chịu, chỉ lắc đầu.
Năm 1967, kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, ông tham gia cuộc thi viết “Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Max - Lê-nin” dành cho sinh viên và lưu học sinh Việt Nam ở Liên Xô, đoạt giải nhất. Phần thưởng là cái máy cạo râu và bức tượng Lênin. Dao cạo râu thì tất nhiên không giữ được, còn pho tượng vẫn trên giá sách bây giờ. Ông cho tôi xem, tượng bằng kim loại màu trắng bạc rất nặng. Tay trái Lênin tỳ mép bàn sau lưng, đầu đội mũ lưỡi trai, tay phải giơ lên phía trước đầy phấn khích.
- Về sau anh có dịp nào trở lại Liên Xô không?
- Có. 1986, mình là phiên dịch, dẫn đoàn ông Huỳnh Minh Nhật, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và ông Hoàng Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng sang thăm Moldavi. Bay từ Hà Nội sang Kisinhốp. À, năm 1989, mình cũng có sang học quản lý bốn tháng nữa.
Ông Phong đưa tôi bản nhạc Quốc ca Liên Xô vừa chép đêm qua cùng lời Việt còn nhớ đến giờ. Liên Xô đã cho ông rất nhiều, cả học vấn lẫn nghĩa tình, làm sao ông quên được.
CHU BÁ NAM