Phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số

09:11, 02/11/2017

Vùng dân tộc thiểu số và cuộc sống của đồng bào các dân tộc bản địa Mạ, K'Ho, Churu ở Lâm Ðồng luôn là "mảnh đất" màu mỡ chứa đựng cả kho tàng văn hóa độc đáo, giàu bản sắc. Ðó là chất liệu, là nguồn cảm hứng cho sáng tạo văn học nghệ thuật. 

Vùng dân tộc thiểu số và cuộc sống của đồng bào các dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu ở Lâm Ðồng luôn là “mảnh đất” màu mỡ chứa đựng cả kho tàng văn hóa độc đáo, giàu bản sắc. Ðó là chất liệu, là nguồn cảm hứng cho sáng tạo văn học nghệ thuật. Việc khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ để các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số đóng góp cho nền văn học nghệ thuật, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh là một việc cần làm ngay.
 
Nhận định trên được đặt ra tại Đại hội lần thứ III Chi hội VHNT các DTTS (thuộc Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng) vừa diễn ra cuối tháng 10 mới đây. 
 
Đại hội Chi hội VHNT các DTTS Lâm Đồng đã đặt ra nhiều vấn đề vì sự phát triển. Ảnh: Q.U
Đại hội Chi hội VHNT các DTTS Lâm Đồng đã đặt ra nhiều vấn đề vì sự phát triển. Ảnh: Q.U

Là tỉnh miền núi, với dân số 1.289.236 người, Lâm Đồng là nơi quần tụ của 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó khoảng 24,1% là đồng bào DTTS, các dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu chiếm 17%. Thế nhưng, Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số chỉ có 9 hội viên, 6 hội viên là người dân tộc thiểu số (2 hội viên người K’Ho, không có hội viên người Mạ, Churu, 4 hội viên người Tày) trong tổng số 159 văn nghệ sĩ của toàn Hội. Đã trải qua 2 nhiệm kỳ trong lịch sử 30 năm hình thành và phát triển Hội VHNT Lâm Đồng, thời điểm chi hội nhiều hội viên nhất là 13 hội viên; trong suốt 5 năm một nhiệm nhiệm kỳ vừa qua chi hội không có thêm hội viên nào, số hội viên còn giảm đi 4 người do không tiếp tục sinh hoạt hội, chỉ còn 3 nhạc sĩ, 1 họa sĩ, 5 nhà văn, nhà thơ sinh hoạt ở nhiều chuyên ngành khác nhau. Mặc dù số hội viên quá ít, nhưng hầu hết hội viên đã có quá trình hoạt động văn học nghệ thuật lâu năm, nhiều hội viên làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và tác nghiệp trên nhiều lĩnh vực thuộc nhiều chuyên ngành, chuyên môn nghệ thuật có bề sâu và rộng tại địa phương như: KraJan Dick, Vi Quốc Hiệp, Dương Toàn Thiên, Trần Ngọc Trác, Diệp Vy...
 
Tuy nhiên, những hoạt động, những sự kiện và những con số biết nói đã thể hiện tất cả những đóng góp lớn của số văn nghệ sĩ ít ỏi chỉ tính được trên đầu ngón tay của chi hội. Trong 5 năm qua, các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số đã tích cực sáng tác được 215 tác phẩm, đã công bố 155 tác phẩm đến công chúng, in riêng phát hành đầu sách, đĩa nhạc, in chung 6 đầu sách, đĩa nhạc. Đã đoạt 22 giải thưởng TW và địa phương gồm: 5 giải nhất, 7 giải nhì, 7 giải ba và 3 giải khuyến khích. Đặc biệt, nhiều hội viên có tác phẩm tham gia các dự án âm nhạc, sưu tầm văn hóa dân gian được TW Hội hỗ trợ sáng tạo. Nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi của các nhà thơ, nhà văn: Trần Ngọc Trác, Nguyễn Thánh Ngã, Nông Quy Quy, Vũ Nguyên, Diệp Vy viết về đồng bào dân tộc thiểu số. Các nhạc sĩ Dương Toàn Thiên, Dương Toàn Thắng đã có nhiều ca khúc, phát hành nhiều đĩa CD và DVD đưa đến công chúng. Đặc biệt, hai nhạc sĩ dân tộc bản địa KraJan Dick, KraJan Plin tham gia một cách thiết thực, hiệu quả và đóng góp lớn cho các hoạt động văn nghệ quần chúng tại nơi cư trú. Đã thực hiện DVD sưu tầm nghệ thuật tấu chiêng của tộc người Lạch, 2 DVD ca khúc cộng đồng ngôn ngữ Lạch, đã xuất bản tác phẩm “Luật tục K’Ho Lạch” và các ấn phẩm thơ, nhạc, nghiên cứu văn hóa dân gian. Hoàn thành 2 CD cho các em khiếm thị Lâm Đồng và phục dựng các tác phẩm đồng dao tiếng Lạch. Bên cạnh đó, nhiều công trình chuẩn bị xuất bản như: Tự điển tiếng Lạch, ca dao, tục ngữ, câu nói có vần của người Lạch, giáo án truyền dạy chiêng Lạch - K’Ho, tuyển tập trên 150 ca khúc nghi thức âm hưởng dân gian Nam Tây Nguyên. Các nỗ lực nghiên cứu sưu tầm văn hóa vật thể và phi vật thể được thành viên UNESCO công nhận là “Địa chỉ nhân văn” của tác giả KraJan Dick... 
 
Nhiều giải thưởng lớn được TW và địa phương trao tặng cho các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số đã khẳng định chất lượng của tác phẩm, có thể kể: Gọi gió (KraJan Dick) giải A Hội VHNT các DTTS Việt Nam trao tặng 2016, Chư Yang Sin (KraJan Dick) giải A Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Sắc hoa Đà Lạt (KraJan Dick) giải xuất sắc Liên hoan âm nhạc miền Trung - Tây Nguyên 2013, K’Bing ơi em hãy về (KraJan Plin) giải nhất bài hát hay trong tháng; các tác phẩm đoạt giải B: Chào Lang Biang xuân, Lang Biang gió (Dương Toàn Thiên), Tìm, Chào Mimosa (KraJan Dick)... Ngoài ra, các hội viên của chi hội tham gia vào nhiều sự kiện như: tham gia biểu diễn Ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội; làm giám khảo thẩm định trong các liên hoan, hội diễn, hoạt động nghệ thuật dân gian, các lễ hội hàng năm của tỉnh; tham gia hội thảo cấp quốc gia về đề tài “Giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Nguyên” do Ban Tuyên giáo TW tổ chức; thực hiện các đề tài nghiên cứu sưu tầm văn hóa vật thể và phi vật thể; tham gia sưu tầm, biên soạn giáo án các lớp truyền dạy cồng chiêng của Đà Lạt và Lạc Dương từ những năm 2012 - 2017... 
 
Sáng tác văn học nghệ thuật là trách nhiệm tự thân trong mỗi công dân nghệ sĩ, có thể nói, trong suốt 5 năm, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Cả nhiệm kỳ, chi hội chỉ tổ chức 1 đợt thực tế sáng tác với 4 lượt hội viên tham gia; đa số các hội viên dân tộc thiểu số đã tự thân sáng tạo, đặc biệt là 2 văn nghệ sĩ người K’Ho (KraJan Dick, KraJan Plin) đã sáng tạo văn nghệ bằng cả trách nhiệm của những người con đối với buôn làng nơi mình sinh ra, khai thác những nét đẹp văn hóa có trong chính dân tộc mình, ăn vào máu thịt trong chính con người mình. Để thúc đẩy sáng tạo, đưa văn học nghệ thuật trở thành “món ăn tinh thần” của đồng bào, nhân tố con người là quan trọng hàng đầu, vấn đề tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số đã được đặt ra. Trước mắt, các hội viên dân tộc thiểu số vừa kết nạp sinh hoạt ở các chi hội văn học, âm nhạc sẽ được giới thiệu tham gia vào chi hội VNHT các DTTS: Ma Nhung (1984 - Churu), Cilpame Raby (1978 - K’Ho)... Bên cạnh đó, Hội VHNT Lâm Đồng sẽ thường xuyên tổ chức giao lưu văn học nghệ thuật, đưa hoạt động VHNT vào các trường dân tộc nội trú, tổ chức giao lưu văn học nghệ thuật với các buôn làng để phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, tạo nguồn để kết nạp hội viên - nhà văn Nguyễn Chí Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Lâm Đồng gợi mở.
 
Vùng dân tộc thiểu số và cuộc sống của đồng bào các dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu ở Lâm Đồng luôn là “mảnh đất” màu mỡ chứa đựng nhiều tiềm năng cho công việc sáng tạo văn học nghệ thuật. Việc khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ để các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số đóng góp xứng đáng cho nền văn học nghệ thuật và cho đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh là một việc cần làm ngay. Đó cũng nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa nghệ thuật dân gian các dân tộc bản địa theo đúng tinh thần “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
 
QUỲNH UYỂN