Kiều rẽ vào một quán hủ tiếu ven đường, trước mặt là cánh đồng mênh mông, sau lưng là dòng sông gợn sóng. Nước từ sông cái đổ về xô những cụm lục bình tấp vào bờ đất. Bụng đói cồn cào, Kiều gọi chị chủ quán làm cho mình một tô đầy.
Kiều rẽ vào một quán hủ tiếu ven đường, trước mặt là cánh đồng mênh mông, sau lưng là dòng sông gợn sóng. Nước từ sông cái đổ về xô những cụm lục bình tấp vào bờ đất. Bụng đói cồn cào, Kiều gọi chị chủ quán làm cho mình một tô đầy. Chị đon đả bưng tô hủ tiếu nóng hổi đặt trước mặt Kiều rồi ngồi xuống bắt chuyện. Hương thơm thoang thoảng bay lên, ngửi thôi cũng thấy no lòng. Chị phe phẩy chiếc quạt nan trên tay, nói trổng:
- Nóng quá! Ông trời muốn thiêu trụi cái xứ cù lao này hay sao ấy!
Kiều cười cười, đưa tay quệt mồ hôi rồi húp cạn chỗ nước lèo còn lại trong tô, khen ngon. Chị rót thêm cốc trà đá mát lạnh đưa cho Kiều, xởi lởi:
- Uống đi em. Trông em lạ quá! Chắc ở thành phố mới xuống đây lần đầu đúng không? Chứ người cù lao xứ chị chân lấm tay bùn, có được trang nhã, thanh lịch như em đâu.
- Em mới đến đây lần đầu - Kiều thỏ thẻ - Đường sá ở đây trắc trở quá chị ạ! Từ sáng đến giờ không biết em đã đi qua bao nhiêu cây cầu, bao nhiêu khúc quanh, bao nhiêu cánh đồng rồi nữa.
- Thôi em ngồi đây nghỉ cho khỏe hẳn rồi lên đường! - Chị xởi lởi.
Phía bên bờ sông là cù lao Lúa. Nhìn từ xa Kiều chỉ thấy những cụm lục bình lặng lờ trôi, bãi bờ nối nhau dưới những cội cây già lô nhô gie ra mặt sông. Chốc lát lại có chiếc xuồng xé nước chạy qua, tiếng máy vang xa, nổ giòn giã.
- Làm thế nào để về được cù lao hả chị?
- Đi hết con đường này sẽ đến một bến sông, ở đó có ông lão chèo đò, trời nắng hay mưa cũng ngược xuôi đưa khách về cù lao Lúa. Tội lắm!
Chị bán hủ tiếu hồ hởi chỉ đường, Kiều nghe mà mừng rơn trong bụng. Kiều móc tiền gửi lại rồi từ giã chị đi về phía cù lao đầy nắng…
*
Chiếc đò nhỏ neo mình ở bến sông, thoạt nhìn cũng biết nó tồn tại nơi bến nước này khá lâu, vẻ cũ kĩ của từng thớ gỗ lẫn màu đen bóng loáng của mái chèo nghiêng nghiêng mặt nước. Kiều khẽ gọi, ông lão nhìn Kiều, khuôn miệng hóp hép nở nụ cười thân thiện. Ông khéo léo dịch mái chèo cho mũi đò chạm đất. Kiều ngẩn ngơ bước xuống nhờ ông chở mình qua cù lao Lúa. Mái dầm khỏa nước, mặt sông sóng vỗ bềnh bồng.
- Đường vào cù lao còn xa không ông nhỉ?
- Không xa lắm, qua hết khúc này là tới. Cô về cù lao tìm người thân à?
- Dạ không ạ! - Kiều lí nhí - Cháu về dạy học.
Ông lão nhìn Kiều chau mày rồi thở dài thườn thượt. Ông bảo:
- Rồi được bao lâu hả cô? Người ta đến đây mấy hôm, chán xứ cù lao khỉ ho cò gáy này rồi cũng bỏ tụi nhỏ mà đi hết thôi cô giáo ạ!
|
Minh họa: Phan Nhân |
Kiều nghe ông nói mà sững sờ, tự dưng Kiều thấy buồn lòng. Kiều cũng là người thành phố, cũng quen với nhịp sống rộn rã chốn thị thành, Kiều thuộc lòng từng con đường, từng ngã ba đèn đỏ. Ở phố, Kiều gắn bó cả một quãng thời gian dài, thương những trưa hè lá bay, thương cả tiếng còi xe những giờ tan tầm inh ỏi. Giờ thì Kiều bỏ phố về quê, sao không nhớ thương đô thành cho được? Có lần Kiều đọc báo thấy bọn trẻ cù lao sao cơ cực quá. Chúng khát khao được đến trường, được tự tay mình viết nên những ước mơ trên tờ giấy trắng. Qua báo đài Kiều thấu hiểu phần nào nỗi thiếu thốn mà các em phải chịu, bởi cái xứ cù lao nghèo quá, người dân chân lấm tay bùn dẫu có đi hết cuộc đời cũng đếm sao cho xuể những thân phận bể dâu chìm nổi. Tốt nghiệp đại học, Kiều trở thành cô giáo dạy văn ở tuổi 22 đầy mơ mộng. Bạn cũ nói với Kiều nửa đùa, nửa thật:
- Ngốc quá Kiều ạ! Ở phố điều kiện đủ đầy không dạy, lại chọn cái nơi xa lắc xa lơ. Một thân một mình rồi biết sống làm sao?
Kiều cười:
- Có gì đâu mà buồn! Chừng nào nhớ phố, nhớ mọi người thì tôi về đây chơi ít hôm. Ngồi xe đò nửa buổi là tới chứ xa xôi gì đâu?
Nói vậy chứ Kiều đâu biết cù lao Lúa nằm ở đâu, cảnh sống như thế nào, ấm no hay cơ cực? Chỉ là nỗi khát khao trong Kiều quá lớn. Trẻ ở phố thì đủ đầy, đi học có mẹ cha đưa rước tận trường, cặp vở hẳn hoi, nhiều khi còn lười học khiến cha mẹ chúng buồn lòng. Thương lắm bọn trẻ quê, có cuốn tập cũng chia năm sẻ bảy. Ngày còn là sinh viên Kiều tham gia vào đội thiện nguyện hỗ trợ cho trẻ em vùng sâu vùng xa, điều kiện vật chất thiếu thốn. Người ta gom quần áo, sách tập cũ kĩ để tặng các em nhỏ, Kiều dốc hết số tiền tiết kiệm từ khi còn học lớp 12 mua quà tặng các em. Bây giờ Kiều đã ra trường trở thành cô giáo trẻ thì cớ gì mà Kiều không về cái nơi mình từng ước ao đóng góp một phần sức lực. Dẫu phía trước gian khó muôn vàn.
Ông lão tiếp lời:
- Tội nghiệp bọn trẻ lắm cô ạ! Đứa nào cũng muốn viết được chữ, đọc được sách, đứa nào cũng mộng sau này làm kỹ sư, bác sĩ. Đời cha mẹ nó khổ, đời nó khổ nữa thì…
Nói đến đó, ông lặng người mắt nhìn về phía đồng xa hun hút. Có lẽ ông chạnh lòng khi nhớ lại đời mình, đời con mình, cháu mình… suốt đời sống kiếp ruộng đồng lận đận, chưa một lần ngẩng mặt lên nhìn cuộc đời ngoài đó.
Kiều ngồi im lặng, mơ hồ nghĩ về ngày mai. Không biết ngày mai ấy sẽ như thế nào, nhưng chắc hẳn Kiều sẽ thương mảnh đất cù lao này nhiều lắm. Cù lao không giàu như thành phố, đường cù lao trắc trở ngược xuôi, sông nước bao quanh lênh đênh phận lục bình phiêu bạt. Người cù lao nặng nghĩa nặng tình, hiền hòa, chân chất. Như chị bán hủ tiếu bận rộn đến mấy cũng dành ít phút ra ngồi phe phẩy chiếc quạt nan chiều lòng khách lạ. Như ông lão chèo đò, khuôn mặt rám nắng và thân hình gầy guộc mà tấm lòng êm ái như sông. Trên cao cô độc cánh chim trời. Bỗng dưng trong Kiều lóe lên một điều gì đó, vui lắm!
Đò cập bến cù lao, Kiều nói lời cảm ơn rối rít rồi lẳng lặng đi vào trong xóm. Người ta đón cô giáo mới bằng bữa cơm đơn sơ mà thấm tình, canh điên điển nấu cá rô non phảng phất hương đồng gió nội. Ngà ngà say, một cán bộ trạc ngoài ba mươi đứng lên, dõng dạc:
- Từ nay cô giáo sẽ ở đây dạy bọn trẻ cù lao, tụi nhỏ nhất định sẽ biết chữ, nhất định sẽ thành người có ích cho đời. Tôi tin chắc như thế…
Tiếng vỗ tay rôm rả. Kiều đỏ mặt, đứng lên cúi đầu chào một lượt. Cô giáo ngồi ở giữa, bọn trẻ túm tụm lại xung quanh. Cô dạy cho chúng bài học đầu tiên trong cuộc đời, tiếng cô lảnh lót, dịu dàng như nước dòng sông cái.
Ngôi trường mới xây, mùi tường vôi thơm phức. Ngôi trường nhỏ chỉ có hai phòng học, một phòng nghỉ cho Kiều. Lá cờ tung bay trên nền trời biêng biếc. Bọn trẻ nắm tay reo hò, hạnh phúc ngập đầy trong ánh mắt ngây thơ. Trong khung cảnh yên vui, hình như chúng đang mường tượng về ngày mai tươi sáng, về những giấc mơ thanh xuân sẽ theo chúng đến suốt cuộc đời.
Bức thư đầu tiên gửi về thành phố, Kiều viết rất nhiều. Kiều kể về mình, về đất cù lao bình an, người cù lao chân chất, về cuộc sống dẫu thiếu thốn mà nụ cười không ngớt trên môi. Ở đây, Kiều được chở che bởi những vòng tay nhân ái, những con người gồng gánh cuộc đời đi qua bão giông, nghèo khó vẫn có niềm tin vào ngày mai quê hương đổi mới, bọn trẻ có cái nghề trong tay để không phải lam lũ trên đồng như ông bà chúng, cha mẹ chúng.
Có cánh chim chiều thao thức phía trời xa…
Truyện ngắn: HOÀNG KHÁNH DUY