Thực đơn cho bữa sáng

08:11, 02/11/2017

Khi tỉnh dậy để bắt đầu cho một ngày mới, cái mà chị nhìn thấy ở trước mắt bao giờ cũng là những thước phim quay chậm của ngày hôm qua. Chứ không phải là hình ảnh ông chồng nằm ngủ say như một đứa trẻ ngoan bên cạnh. Không phải là bình hoa sen ngan ngát đặt bên cửa sổ.

Khi tỉnh dậy để bắt đầu cho một ngày mới, cái mà chị nhìn thấy ở trước mắt bao giờ cũng là những thước phim quay chậm của ngày hôm qua. Chứ không phải là hình ảnh ông chồng nằm ngủ say như một đứa trẻ ngoan bên cạnh. Không phải là bình hoa sen ngan ngát đặt bên cửa sổ. Càng không phải tiếng chim sâu mổ lách cách vào ô cửa kính trong veo. Khi lụi cụi chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà chính là lúc chị mang kí ức ra xào nấu. Thỉnh thoảng cũng thêm muối quá tay cho một món nào đó từ nỗi nhớ. Để lúc ngồi vào bàn ăn giữa tiếng cười nói, tiếng nhai thức ăn, tiếng bát đũa va vào nhau và cả tiếng thở dài của một ai đó. Chị chỉ thấy muối mặn trong lòng, ớt cay trong mắt và chút đường ngọt ở đầu môi. Thấy cái người đầu gối tay kề đang ngồi ăn ngon lành bữa sáng kia như không phải người mình từng yêu. Hay là tại nàng không biết cách nêm nếm nên những bữa sáng cứ nuốt dần đi hạnh phúc của mình. Điện thoại luôn trong tình trạng báo đầy tin nhắn. Bạn đi qua tuổi ba mươi mỗi sáng hay nhắn cho chị vài cái tin. Chị nhiều khi không dám đọc, cứ sợ nếu cơi nới lòng mình một chút thì biết đâu mọi thứ sẽ vỡ òa…
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Bạn ở xa quá, ở tận nơi xô bồ ấy, nơi mà chị đã quyết định bỏ lại khi về vùng đất này. Thành phố mà chị đang sống điềm đạm hệt như thể dẫu ngoài kia có ầm ầm nền công nghiệp hóa, có phát triển tít mù thì nơi đây vẫn nhịp nhàng chảy trôi như vậy. Bạn hỏi chị sao lại chọn V? Khi mùa đông đến thành phố này phải hứng trọn gió của ngã ba sông quần quật thổi suốt đêm ngày. Mà chị thì cứ trời chuyển lạnh là các khớp lại lên cơn đau nhức, là cổ lại khặc khừ ho hen như đứa trẻ. Bạn từng giận dỗi khi chị có ý định về V vì biết sẽ chẳng còn nhiều cơ hội để chạy ù qua nhau khi tim đứa này đau, lòng đứa kia liêu xiêu vì số phận. Bạn bè ở lại Hà Nội cả cớ sao chị dứt áo ra đi? Chị cười bảo vì chị thương mình và thương anh. Chị sợ anh sẽ sốc với nhịp sống nơi đây vì nó quá khác xa với tính cách và môi trường bao nhiêu năm anh từng sống. Chị là dân viết, được đi đây đó cũng vui mà phải ở một chỗ lâu ngày cũng vùi đầu vào trang sách nên chẳng lấy làm buồn. Hà Nội không đủ sức níu chân chị lại, có cả trăm nghìn lý do khiến chị muốn ly khai. 
 
Anh là bộ đội hải quân đơn vị trên Hà Bắc nhưng từng ra Trường Sa làm nhiệm vụ nhiều năm. Hồi chị nói mình yêu một anh lính đảo bạn nhất định không tin. Bạn nghĩ người làm nghệ thuật như chị chắc sẽ yêu một gã họa sĩ tài hoa hay một người đàn ông từng trải. Hoặc cùng lắm là yêu một kẻ miệt mài theo đuổi bạn. Bạn tin vào trực giác của mình rằng phụ nữ mỏng manh như chị luôn khao khát được yêu thương chăm sóc thì làm sao có thể gửi gắm trái tim mình vào một tình yêu quá mông lung. Bạn bảo:
 
- Làm gì có cổ tích giữa thời xi măng cốt thép. Nàng mà lại yêu được một người chưa từng một lần gặp mặt ư?
 
- Tớ cũng không biết nữa. Cứ yêu và yêu thôi. Như mỗi ngày đều có lý do để giằng níu nhau. Để nghĩ rằng tình yêu đó thuộc về hai từ “định mệnh”.
 
Bạn nhún vai bảo để rồi xem nhưng nghe trong người cũng nhói lên đâu đó. Cuộc đời là một chuỗi tình cờ ngẫu nhiên. Nhiều lúc chính chị cũng không tin nổi mình đã chờ đợi một người ở đầu sóng chân mây như anh suốt ba năm trời đằng đẵng. Mà gia vị cho tình yêu chỉ là những cuộc điện thoại kéo dài để cùng tô vẽ về một giấc mơ hạnh phúc. Ngay cả thành phố V nơi hai người chuyển đến cũng là một sự lựa chọn mang tính ngẫu nhiên mà không có bất kì dự định sắp đặt nào. Anh từng bảo:
 
- Khi anh trở về, chúng ta sẽ đi khắp nơi trên đất nước mình rồi chọn một chốn dừng chân. Anh sẽ xin chuyển công tác, sẽ làm nhà, trồng hoa cho em. Chúng mình sẽ sinh con và sống thật bình yên như em muốn. 
 
Mọi chuyện suôn sẻ hơn chị tưởng, từ việc chuyển công tác của anh đến việc thích nghi với cuộc sống ở V. Chị nghĩ thành phố ngã ba sông này sẽ là một chân trời đầu đời lý tưởng cho những đứa con. Bạn hỏi cả hai người đều có quê hương sao không về lại tìm một nơi không có gì thân thuộc? Chị cười bảo tại sao không? 
 
* * *
 
Chị vui mừng sắm nắm hạnh phúc cho mình từ chiếc khăn trải bàn, màu cà vạt cho anh đến những bãi cỏ nhỏ ngoài sân cũng phải trồng cho đúng hàng đúng lối. Nhưng trong thế giới bình yên rực rỡ này lại mòn mỏi trông chờ một tiếng khóc trẻ thơ. Lấy nhau được ba năm mà chưa thấy tin vui, đi khám lần nào cũng hệt một kết quả là anh không thể có con dù đã chạy chữa tứ phương. Mỗi sáng chị thấy anh như bước đi bằng đôi chân vay mượn, cười bằng khóe môi rệu rã, nhà chỉ có hai vợ chồng nên ngoảnh phía nào tâm tư cũng chạm nhau. Đã có lúc anh bảo chị:
 
- Em đi lấy chồng khác đi để được làm mẹ. Đàn bà mà không được làm mẹ rồi sẽ héo hắt đi.
 
- Chúng mình sẽ xin con nuôi. Chuyện đó đâu khó khăn gì.
 
Rồi ngay cả những cuộc đối thoại ngắn ngủi ấy cũng hiếm hoi dần. Chỉ còn lại tiếng bát đũa va vào nhau trong những bữa cơm, tiếng giở sách báo trong phòng ngủ, tiếng nước chảy xối xả trong buồng tắm. Những yêu thương cứ vụng về dần rồi thành xa lạ trong nhau lúc nào không biết. Chị càng cố vun vén, vỗ về thì anh càng ôm khư khư nỗi mặc cảm để rồi sống khép lòng mình. Chị từng nhiều lần thốt lên khi thấy căn nhà vắng lặng. Bạn ở chốn xô bồ chắc là thấy xót xa nên vào chùa xin cho vợ chồng chị một đứa con nuôi. Nhà bắt đầu có tiếng khóc trẻ con, chộn rộn lên đôi chút bởi những thương yêu bé bỏng. Nhưng anh hay giật mình nửa đêm, mỗi khi nghe tiếng khóc thét của đứa nhỏ hình như đã đánh thức trong anh một nỗi mất mát hụt hẫng. Như cái hạnh phúc kia chỉ là tạm bợ, là thứ hạnh phúc nhặt nhạnh vay mượn đâu đó vẫn không thể nảy mầm trong lòng anh tươi tốt.
 
Chị đón thêm bố mẹ chồng lên ở cốt để anh vui. Nhà thêm tiếng cười râm ran suốt cả sáng sớm, tối khuya vậy mà anh vẫn hờ hững đi về. Sự mặc cảm biến anh thành con người ích kỉ với chính bản thân. Nhiều lúc đang chơi với con nụ cười rạng rỡ trên môi anh bỗng dưng tắt ngấm, như anh sợ hớ, sợ ai đó nhìn thấy anh cười, sợ nỗi buồn trong anh bỏ đi. Anh cố thủ trong cái thánh địa mang tên “số phận” rồi bỏ mặc chị rã rời vá víu hết ngày này qua ngày khác. Nhiều lúc chị tự hỏi mình miệt mài cố gắng như vậy là vì anh, vì tình yêu của hai người hay đơn giản chỉ vì chị không lỡ buông tay? Những ngón tay thi thoảng cũng cất lời tha thiết xin chị duỗi ra. Nên có nhiều bữa sáng nhìn anh ngồi ăn ngon lành rồi thản nhiên khuất sau cánh cổng mà chị thốt lên tuyệt vọng. Đến bao giờ anh mới thấy mệt mỏi khi cứ sống hoài như thế? Đến bao giờ anh mới thấy chị đang mỗi ngày mỗi tàn lụi vì anh? Đến bao giờ thì những vui buồn trong anh mới như cây thay lá? 
 
Bạn ở rất xa xôi nhưng vẫn nghe thấy đâu đó những tiếng lòng của chị. Nghe thấy những xót xa nén lại trong lòng dù lần nào bạn gọi điện chị cũng cười, môi như lấp lánh những niềm vui. Bạn chỉ bảo:
 
- Sao cứ mải miết chạy theo nỗi buồn của người khác rồi bỏ mặc mình như thế. Sẽ đến lúc chính nàng còn không nhận ra mình thì trách sao được người ta.
 
Chị nghe xong thấy đâu đó trong người điếng lặng. Thấy bao nhiêu buồn tủi bấy lâu vỡ ra như cái bọc ung nhọt cuối kì mưng mủ. Thấy như không còn đủ sức để tựa cửa chờ anh đi làm về, để ngó xem anh ăn có ngon miệng không, để lặng đi trong đêm tránh cựa mình cho anh ngon giấc. Đã bao lâu rồi chị không có nổi một ngày chắp nhặt để vui, không đỗi đãi với bản thân dù một món ăn ngon mà mình thích, không nghe thấy những thao thức trở mình trong lồng ngực. Chị ôm con vào lòng nức nở như một đứa trẻ. Nhưng ngay cả lúc ấy chị vẫn thương anh đến quặn lòng. Dù tim anh nguội lạnh đã lâu nhưng chị vẫn tin trong đống tro tàn vẫn còn than ấm. Ở đầu dây bên kia bạn cười rã rời bảo ừ thì cứ thương đi. 
 
Thực đơn bữa sáng của chị bây giờ có thêm gia vị của ngậm ngùi và hy vọng…
 
* * *
 
Tôi viết đến đây thì tạm dừng vì cơn đói cồn cào và cái nóng bức ở Hà Nội như chà xát ruột gan. Đến lúc này tôi mới nhớ là đối với những người viết quen thức đêm ngủ ngày như tôi thì hình như bữa sáng nào cũng là giấc mơ mộng mị. Khi tỉnh dậy ngơ ngác nhìn đời, cuống cuồng ăn bữa trưa rồi bỏ quên số phận nhân vật của mình đang nằm chờ trên word, hoặc nằm khỏa thân phơi nắng trên các trang cộng đồng mạng để chờ tôi khoác vào một tấm áo dù là nhàu nhĩ. Như câu chuyện dang dở hôm nay, nhiều người hỏi tôi rằng thế cuối cùng anh chồng có giật mình ngoái lại nhìn vợ dù chỉ là một lần hay không? Họ sẽ sống hạnh phúc chứ? Biết đâu sau này họ có thể sinh con? Tôi cá rằng những người này thích xem những bộ phim mà cái kết bao giờ cũng cứ phải có hậu. Dù suốt mấy chục tập phim nam chính, nữ chính có lâm li bi đát thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng cứ phải sum vầy, quấn quýt bên nhau.
 
Nói thật, tôi sợ gặp độc giả kiểu này, đôi khi vì mủi lòng không nỡ để cho mấy tâm hồn tựa thiên thần ấy phải xót xa mà tôi cũng tặc lưỡi cho các nhân vật chính khoác cho nhau tấm áo, nắm được tay của nhau, thù hằn mấy rồi cũng nhủ thôi quên đi. Thậm chí đang tả tơi yêu đương ở phương nào cũng đùng một cái quay về với nhau bỏ quên mấy nhân vật phụ nơi nhà ga, bến tàu đợi mòn con mắt. 
 
Cũng có người hỏi tôi rằng trong truyện ngắn “Thực đơn cho bữa sáng” sao không để cho người vợ ấy nhận ra tấm chân tình của nhân vật “bạn”? Sao phải bắt người ta đợi chờ mòn mỏi một ông chồng vốn chẳng đáng làm chồng? Nếu là chúng ta, chúng ta có đợi chờ đến tàn lụi như thế hay không? Tôi bảo ờ thì ở đời thiếu gì những người phụ nữ tuyệt vời như thế, mà thật ra cũng chẳng thiếu gì cái kết giống như ý bạn. Độc giả kiểu này chắc khoái xem phim Hàn Quốc nên thích đưa đẩy số phận nhân vật một cách chéo ngoe. Nhưng tôi sợ kiểu này lắm, cứ đẩy nhân vật vào các mối quan hệ nhằng nhịt rồi chẳng biết phải làm gì để lôi họ ra khỏi cái mớ bòng bong ấy. Tính tôi lại thiếu kiên nhẫn và rất hay đi lạc. Thế nên nếu để người vợ trong truyện ngắn này vì mỏi mệt mà muốn gục đầu vào nhân vật “bạn” thì quả thật tôi không biết phải làm sao với anh chồng. Hay là cứ để anh ta vác khuôn mặt dửng dưng ấy đi suốt cuộc đời? Không! Ngay từ khi viết truyện ngắn này tôi đã luôn nhìn thấy những cơn đau của anh ta. Nếu bây giờ chị vợ bỏ đi rất có thể bệnh anh ta sẽ trở thành mãn tính. Ừ nhưng mà cuộc đời cũng thiếu gì những cái kết không có hậu như thế chứ?
 
Lại có người hỏi tôi rằng truyện ngắn này có phải là tôi đang viết cho chính mình? Tôi còn chưa kịp trả lời câu hỏi đó thì ngoài trời bỗng nổi giông rồi đổ cơn mưa tầm tã. Mới nắng như đổ lửa, thế mà…
 
Truyện ngắn: VŨ THỊ HUYỀN TRANG