(LĐ online) - Đó là vấn đề được đặt ra tạị hội thảo "Nghệ thuật nhiếp ảnh với hiện thực cuộc sống" diễn ra tại tại Nhà sáng tác Đà Lạt do Hội VHNT Lâm Đồng tổ chức nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2018).
(LĐ online) - Đó là vấn đề được đặt ra tạị hội thảo “Nghệ thuật nhiếp ảnh với hiện thực cuộc sống” diễn ra tại tại Nhà sáng tác Đà Lạt do Hội VHNT Lâm Đồng tổ chức nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2018). Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Mỵ - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, NSNA Đồng Đức Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật - Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, thành phố Đà Lạt, cùng đông đảo nghệ sĩ nhiếp ảnh và những người đam mê ảnh nghệ thuật tại Đà Lạt. Nhà báo – nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm – Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng và NSNA Dương Quang Tín – Chi hội trưởng Chi hội NSNAVN tại Lâm Đồng đã chủ trì hội thảo.
|
Nhà báo – nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm chủ trì hội thảo và phát biểu đề dẫn |
Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Thanh Đạm đã khẳng định: Hiện thực cuộc sống là khởi nguồn của mọi sáng tạo, trong đó có nhiếp ảnh. Nền nghệ thuật nhiếp ảnh chân chính phải “bám rễ” chặt chẽ vào hiện thực cuộc sống, lấy hiện thực làm nguồn cảm hứng sáng tạo và chủ thể sáng tạo. Cuộc sống luôn vận động phát triển, muôn màu muôn vẻ, nghệ sĩ nhiếp ảnh phải là “thư ký” trung thực của hiện thực, ống kính nhiếp ảnh phải là “cây cọ” đa sắc “vẽ” thực tiễn sống động muôn màu, hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Mỗi cú bấm máy của người nghệ sĩ không đơn thuần chỉ là thao tác mà là rung cảm được dồn nén từ trái tim, vốn sống, niềm đam mê, nhiệt huyết trước hiện thực cuộc sống.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã đóng góp vì một nền nghệ thuật nhiếp ảnh chân chính, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.
* NSNA Đồng Đức Thành – (Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam): Nếu dùng kỹ thuật số can thiệp quá đà, tác phẩm không ăn khớp với hiện thực cuộc sống là có lỗi với người xem.
Trong thời đại kỹ thuật số, chỉ một tích tắc có thể có đến 3.600 bức ảnh được chia sẻ trên mạng. Sức mạnh của nhiếp ảnh chính là khoảnh khắc, nhiệm vụ của nhiếp ảnh là bằng chứng, bằng chứng về những gì đã qua. Hiện thực cuộc sống được khoa học kỹ thuật hỗ trợ, được cái tâm và cái tài của người nghệ sĩ giữ lại. Nếu dùng chỉnh sửa kỹ thuật số với mục đích nào đó sẽ không có gì là sai, nhưng sự can thiệp quá liều, quá đà sai mục đích, đi ngược với thực tiễn, không ăn khớp với hiện thực cuộc sống là có lỗi và có tội với người xem. Vì vậy, người nghệ sĩ cần trả lại cho nhiếp ảnh những khoảnh khắc thật, những rung cảm thật, tôn trọng hiện thực.
* NSNA Dương Quang Tín: Ngày càng ít dần những bức ảnh chân thực, giản dị, mô tả vẻ đẹp của cuộc sống
Những tác phẩm nhiếp ảnh chỉ có thể tồn tại với thời gian khi nó phản ánh cuộc sống hiện thực. Bức ảnh mang khoảnh khắc thật mới ẩn chứa những xung đột, những diễn biến của cuộc sống. Tình trạng hiện nay có hai cách mà nghệ sĩ nhiếp ảnh làm “méo” đi giá trị thật của ảnh, đó là phương pháp dàn dựng và chỉnh sửa. NSNA sử dụng phương pháp dàn dựng có chủ ý, mục đích riêng thì không có gì là sai, nhưng giá trị thực tiễn của ảnh không cao. Nếu cứ lặp đi lặp lại việc dàn dựng sắp đặt để chụp, không kiên trì, không gắn mình với hơi thở cuộc sống, bắt nhịp với thực tiễn thì sớm muộn gì con người sáng tạo sẽ kết thúc. Hoặc nếu người nghệ sĩ thay đổi hình ảnh bằng phương pháp chỉnh sửa, biến hình ảnh theo ý muốn, theo ý tưởng đồ họa của mình như thêm, bớt chi tiết, làm mới bố cục, tạo độ nét, ánh sáng… phương pháp này cũng không có gì sai, nhưng lâu dần tính sáng tạo cũng sẽ mòn đi. Hai phương pháp dàn dựng và chỉnh sửa chỉ có thể cho ra đời những bức ảnh hoàn hảo hơn, bắt mắt hơn, tạo ra những tác phẩm “hàng chợ”, giả nghệ thuật. Điều đáng tiếc là ngày càng thiếu những tác phẩm nhiếp ảnh với hình ảnh chân thực, giản dị, nguyên gốc, mô tả vẻ đẹp của cuộc sống. Trăn trở lớn nhất của nghệ sĩ nhiếp ảnh chân chính là phải lao động nghệ thuật nghiêm túc tạo ra những tác phẩm mang hiện thực cuộc sống, trở thành nhân chứng của thời gian.
* NSNA Bạch Ngọc Anh: Thiên nhiên cũng có tâm hồn, chụp ảnh cỏ cây - hoa - lá phải có tình yêu và niềm đam mê
Hoa lá, cỏ cây cũng có tâm hồn, có chu kỳ sinh trưởng phát triển; mỗi mùa trong năm, mỗi thời khắc trong ngày, các loài thực vật, hoa cỏ đều biến đổi và có vẻ đẹp riêng. Là một nghệ sĩ cầm máy lâu năm, nay tuổi đã cao, khó có những chuyến đi xa đến những miền đất mới, khám phá và chụp những cái mới, tôi chọn cho mình chụp cỏ cây, hoa lá. Chụp ảnh thực vật có nhiều cái lợi như: không di chuyển nhiều, không cần mẫu, không tốn công dàn dựng, ít tốn kém, không cần máy móc quá cầu kỳ hiện đại, chỉ cần óc quan sát, lòng kiên trì, niềm đam mê và tình yêu với thiên nhiên. Trong xu thế “thật giả lẫn lộn”, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh dàn dựng, chỉnh sửa cho giống hiện thực, tạo nên tác phẩm có thể có “thiện”, có “mỹ”, nhưng không có “chân”, không phải là thực; trong khi, bản chất của thực vật dù hoang dã (chưa có bàn tay can thiệp của con người) hay không hoang dã (do con người trồng, chăm sóc, tưới, xén) cũng là hiện thân của chân – thiện – mỹ, phù hợp với nhiếp ảnh chân chính. Thực vật vốn rất phong phú, đa dạng, nhất là với miền đất Đà Lạt – Lâm Đồng có thiên nhiên tươi đẹp, chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần quan sát trong vườn nhà, qua vườn hàng xóm, hay đi trên những con đường, dưới góc nhìn của người nghệ sĩ là có ảnh đẹp. Vẻ đẹp của thực vật luôn làm cho ta thăng hoa; ngắm, cảm nhận và hòa mình vào cỏ cây hoa lá là có thể thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo. Không có gì tuyệt vời hơn khoảnh khắc của một chiếc lá với giọt sương sớm còn ngậm, một nụ hoa chúm chím kiêu sa, một đóa hoa mãn khai có chú ong vờn bên bầu bạn… Để rồi đưa đến cho người xem vẻ đẹp kỳ diệu muôn màu của thiên nhiên, từ đó làm nhân lên tình yêu với thiên nhiên và lòng biết ơn thiên nhiên, có trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên.
QUỲNH UYỂN (thực hiện)