Du khách thường xem Hải Vân Quan là điểm dừng chân ngắn trên chặng ra Bắc vào Nam, ít người quan tâm bỏ chút thời gian cho con đường bê tông bên cạnh. Tản bộ chậm rãi, hít thở chút không khí, thoáng đãng, mát lành của thiên nhiên. Gần cuối đường, gò đất nhô ra tạo thành điểm dừng lý tưởng, bù đắp lại năng lượng vừa tiêu hao của bạn là hùng quan bậc nhất thiên hạ.
Du khách thường xem Hải Vân Quan là điểm dừng chân ngắn trên chặng ra Bắc vào Nam, ít người quan tâm bỏ chút thời gian cho con đường bê tông bên cạnh. Tản bộ chậm rãi, hít thở chút không khí, thoáng đãng, mát lành của thiên nhiên. Gần cuối đường, gò đất nhô ra tạo thành điểm dừng lý tưởng, bù đắp lại năng lượng vừa tiêu hao của bạn là hùng quan bậc nhất thiên hạ.
Phía dưới, Làng Cò xuất hiện qua màn sương giăng thoáng ẩn hiện quanh chân núi, con đèo trở nên đỏng đảnh, uốn lượn bước ra từ triền núi thoải rồi lẩn khuất vào đâu đó trong ải mây. Ở đây, gió có lẽ chưa bao giờ ngừng thổi, cành cây ngọn cỏ lúc nghiêng sườn này khi nghiêng sườn kia. Gió hiền, chỉ đi qua chứ không có ý định quay lại, chúng được gom từ thung lũng làng Vân tuyệt đẹp của vịnh Đà Nẵng, Lăng Cô - Thừa Thiên Huế, hòa vào nhau trên Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Sương, núi và gió, thành tố thường trực từ ngàn đời nay. Sương tụ lại tạo thành khối, thành suối đổ xuống từ đỉnh, trườn qua thung lũng, có khi neo lại giữa cheo leo chiếm lĩnh mạn sườn, phút chốc tản đi, tan chảy vào không trung nhường chỗ cho bậc hậu sinh. Khung cảnh này có điểm tương đồng với đoạn cuối của đèo Khánh Vĩnh, khu vực Hòn Giao giáp ranh giữa tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Lâm Đồng. Lên đây, có cảm giác như đang đứng đâu đó của Đà Lạt, nhiệt độ, khí hậu mát mẻ, trong lành và dễ chịu…
Chớm đèo, cung uốn khúc cua luôn là nét lôi cuốn hứng thú cho kẻ ưa xê dịch, mặc sức trình diễn cú bo vỉa điệu nghệ. Càng lên cao, người chinh phục càng thỏa mãn, đoạn góc cong bất ngờ bị bẻ gập, đường sát nhau trong gang tấc, trên cao nhìn xuống, cảnh tượng thật ngoạn mục. Thong dong trời mù sương, lên nửa đèo bắt gặp chàng trai xứ mặt trời mọc, phượt xe đạp ra Huế, ngồi trên mỏm đá nghỉ chân, tự thưởng cho mình phút thư giãn giữa bồng bềnh mây trắng, tựa hồ ngồi cân đẩu vân du ngoạn chốn tiên cảnh. Còn David đến từ nước Đức, hiện đang làm đại diện công ty của tập đoàn điện lực tại nước láng giềng Campuchia, tới Việt Nam bằng xe máy, được người bạn giới thiệu lên đây. Khi hỏi về cảm xúc anh bày tỏ ngắn gọn: “Tuyệt vời, nó không có nơi nào tương tự để tôi so sánh cả”
Khác với David, hai bạn trẻ Lâm và Hoa đến từ Khánh Hòa lên đây như một sự tình cờ. Trên đường ra Nghệ An, đến đây bị kẹt xe, gặp con đường nhỏ đôi bạn quyết định khám phá. “Bọn e sẽ quay lại đây trên đường về, và sẽ giới thiệu bạn bè về địa điểm vừa hùng vĩ vừa lãng mạn này”, Lâm chia sẻ.
Cuối thế kỷ 19, trong một chuyến kinh lý miền Trung, trên đường từ Huế vào Đà Nẵng, Toàn quyền Đông Dương Paul Dumer đã từng thốt lên: “Đà Nẵng xuất hiện, thật đắm say. Không có một cảnh thần tiên nào của Địa Trung Hải vừa đẹp mắt vừa lớn lao như vậy, ta lấy vịnh đẹp nhất của Pháp là Villefranche, thuộc vùng Côte d’ Azur để làm ví dụ: phải lấy diện tích của vịnh đó mà nhân gấp 10, 20 và lấy các vùng đất có cùng độ cao của các dãy núi xung quanh, mà nhân lên cả trăm lần ta mới có được Đà Nẵng. Thật vậy, khung cảnh ở đây đủ khiến những kẻ muốn khám phá phải đi từ Pháp sang Viễn Đông để thưởng thức biết bao sự vật quyến rũ và kỳ thú…” (Trích Xứ Đông Dương, hồi ký của Paul Doumer)
Hải Vân đêm xuống, tĩnh lặng đến lạnh người, thả tầm nhìn theo con gió nhẹ lơ lửng vào không trung, vịnh Đà Nẵng hiện ra sắc màu ánh sáng đỏ, xanh, vàng, tím. Hình hài của thành phố có lịch sử trên dưới 500 năm tuôn từ chân núi một dòng thác ánh sáng diệu kỳ, nở ra từ cầu Rồng, Thuận Phước, chạy theo Hàn giang thơ mộng, lan nhanh lên phía Hòa Vang, Cẩm Lệ như vết dầu loang. Chỉ có về đêm đường cong Nam Ô - Sơn Trà thẳng ra biển mới toát hết vẻ mềm mại uyển chuyển đầy kiêu hãnh của nó, và cũng về đêm, Đà Nẵng rõ ràng, trọn vẹn và lôi cuốn…
LÊ TIẾN SỸ