Ngày 1/4 - Ngày Cá tháng Tư hàng năm cũng là ngày giỗ của cố nhạc sĩ họ Trịnh. Vượt ra biên độ riêng của một hiện tượng văn hóa đặc biệt, từ lúc sinh thời cho tới lúc phiêu du nơi miền miên viễn… âm nhạc Trịnh Công Sơn đã đi vào những hóa thân khác trong đời sống thường nhật của nhiều giai tầng xã hội.
Ngày 1/4 - Ngày Cá tháng Tư hàng năm cũng là ngày giỗ của cố nhạc sĩ họ Trịnh. Vượt ra biên độ riêng của một hiện tượng văn hóa đặc biệt, từ lúc sinh thời cho tới lúc phiêu du nơi miền miên viễn… âm nhạc Trịnh Công Sơn đã đi vào những hóa thân khác trong đời sống thường nhật của nhiều giai tầng xã hội. Âm nhạc Trịnh, gia tài văn hóa của Trịnh rõ ràng đã thuộc về thời gian và công chúng nghệ thuật chứ không phải là sở hữu của một cá nhân nào đó nữa, nó tiếp tục sống những thời đoạn mới và hình hài mới. Giọng ca Phố núi Khánh Tâm, một tín đồ thầm lặng xướng tụng dòng nhạc Trịnh theo cách riêng của mình...
|
Ca sỹ Khánh Tâm tại nhạc quán. Ảnh: M.Lân |
Đà Lạt một đêm hội ngộ bất ngờ sau dịp Tết cổ truyền Mậu Tuất. Đã quá giờ biểu diễn thường nhật mà nhạc quán Hội Ngộ Đà Lạt ở số 22 Trần Hưng Đạo vẫn thinh vắng bóng người... Mà cũng chẳng sao - một nhạc công Piano, một người đàn bà cầm micro tự giãi bày tâm tư của một tín đồ nhạc Trịnh, một người phụ trách âm thanh kiêm phục vụ pha chế và hai vị khách lần đầu tìm đến quán. Ấy thế mà đêm hát cứ chảy trôi và đầy tinh thần giao ngộ. Người đàn bà hát ngót thất thập ấy vẫn cứ thản nhiên, điềm tĩnh; vừa hát vừa dẫn giải chỉ một mình một bóng bằng chất giọng trầm trầm, ấm áp về thế giới ca từ cùng từng nhạc phẩm vang bóng một thời của Trịnh. Quán nhạc chỉ có 5 người, cùng nghe, cùng hát, cùng giao lưu kết nối... dù bên ngoài trời đêm đã chuyển dần về khuya; dù chắc hẳn đêm nay chẳng có gì thu nhận khác hơn ngoài một vùng thanh âm giao cảm dành cho một dòng nhạc đã trở thành di sản của ký ức thời gian mang tên NHẠC TRỊNH...
Bước vào lứa ngót 70 mà vẫn giữ được vẻ thanh xuân trong giọng hát và tạo lập phong thái riêng như trường hợp Khánh Tâm quả thật không dễ. Thời gian trước tháng 6 năm 2017, Khánh Tâm tình cờ nhận được một lời mời ra tận Hà Nội để hát nhạc Trịnh trong suốt 5 đêm liền. Toàn bộ thù lao nhận được đã giúp vợ chồng chị có điều kiện để mở nhạc quán Hội Ngộ Đà Lạt để rồi đêm đêm được sống với chính nỗi đam mê của mình cùng mưa nắng cao nguyên và từng vui buồn tri ngộ với bạn bè - với du khách gần xa... Âu đó cũng là “ Một cõi đi về” mà chẳng hề “ Phôi pha “ vậy - dẫu lắm lúc thâu đêm hay về sáng có ai đó đã phải tự mình “Ru ta ngậm ngùi”cùng với “Cát bụi ” thời gian... |
Ca sĩ phòng trà Khánh Tâm hồi tưởng lại: Từ Bắc Ninh, mình cùng gia đình di cư vào Đà Lạt sau sự kiện kí kết Hiệp định Geneve. Tuổi tác của mình trong giấy tờ khai sinh cũng không chính xác nữa, thôi thì bao nhiêu cũng không quan trọng, vì mình đã là bà nội của 6 đứa cháu và là mẹ của 3 con trai. Ông xã - anh Ngô Vi Dân là người hiền lành, yêu văn nghệ, luôn ủng hộ mình để mở nhạc quán này, trước đây, anh là một người làm du lịch tự do trong đội ngũ Easy driver Đà Lạt. Nhạc quán cũng chỉ đủ đắp đổi tiền thuê mặt bằng, chủ yếu là thỏa chí đam mê, được hát được trải lòng hàng đêm và vui với những người tri ngộ, thế thôi. Trước đây, trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng của khu biệt thự cổ Trần Hưng Đạo, quán nhạc này cũng đã thay đổi chủ nhiều lần vì kinh doanh ế ẩm phải sang nhượng lại. Vợ chồng chị phải tự làm lấy mọi việc, mang lời ca tiếng hát, sự chân tình của mình làm điểm tựa để phục vụ khách. Còn lý do lựa chọn dòng nhạc Trịnh ư - đó là yêu thích, là sự trân trọng, đơn giản thế thôi! Nhạc quán về đêm ở Đà Lạt không nhiều cũng không thiếu, nhưng sau một thời gian cộng tác với quán Văn Nghệ - Dương Tùng - Diễm Xưa… Khánh Tâm quyết định thành lập cho mình một cõi độc lập, bằng phong cách phục vụ riêng và cách ứng xử riêng cùng gia tài nhạc Trịnh. Giọng Alto với âm vực trầm nhưng lạ; vừa trong trẻo mà dịu nhẹ; vừa ủ ấm pha chút luyến nuối phân ưu của Khánh Tâm - tự thân nó đã là một mãnh lực cuốn hút, một lan truyền khác lạ đối với nhiều người yêu nhạc Trịnh gần xa…
Đam mê ca hát từ nhỏ, đặc biệt yêu thích hai danh ca Lệ Thu - Khánh Ly, nhưng do hoàn cảnh gia đình nên con đường văn nghệ của Khánh Tâm cũng nhiều trắc trở… Không được học hành - đào tạo trường lớp bài bản, mặc dù đã từng góp mặt trong nhiều sinh hoạt ca đoàn của nhà thờ, giáo xứ; sau đó có tham gia hát trên Đài Phát thanh Lâm Đồng trong chương trình Tiếng hát quê ta do nhạc sĩ Mạnh Đạt phụ trách. Đi hát hằng đêm ở nhiều phòng trà nhưng vẫn chưa thỏa được nỗi đam mê luôn cháy bỏng trong tim mình. Ngoài công việc chính từng trải qua đó là: điều dưỡng và giữ trẻ, có lẽ đam mê lớn nhất đối với chị chính là ca hát và được thỏa lòng cùng hát ca... Hát bằng bản năng là chính, không ngại ngần khi tự nhận mình là một tín đồ tự nguyện của Trịnh, nhưng khi hát là phải nghiền ngẫm kĩ nội dung, hát hết lòng hết sức, trân trọng người sáng tác lẫn người đang nghe… Có lẽ đó cũng là một phần nguyên do khiến Khánh Tâm dù không cố tình nhưng lại định vị một chỗ đứng riêng trong giới ca sĩ phòng trà Phố núi; cứ lặng lẽ âm thầm hằng đêm vui buồn thức trở với thế giới đa đoan của đời nghệ sĩ, bởi kiếp tằm chưa dứt nhả tơ...
MINH LÂN