(LĐ online) - Một năm bắt đầu từ mùa Xuân. Đời người khởi đầu từ tuổi trẻ. Từ bao đời nay không chỉ dân tộc Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều coi mùa Xuân là thời điểm khởi đầu sự sinh sôi, nảy nở tốt lành. Mùa Xuân và đêm Rằm tháng Giêng đã tạo nên nguồn cảm hứng dào dạt, tốt đẹp cho bao thi nhân mặc khách tự cổ chí kim.
(LĐ online) - Một năm bắt đầu từ mùa Xuân. Đời người khởi đầu từ tuổi trẻ. Từ bao đời nay không chỉ dân tộc Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều coi mùa Xuân là thời điểm khởi đầu sự sinh sôi, nảy nở tốt lành. Mùa Xuân và đêm Rằm tháng Giêng đã tạo nên nguồn cảm hứng dào dạt, tốt đẹp cho bao thi nhân mặc khách tự cổ chí kim. Điển hình nhất là bài thơ "Nguyên tiêu" (Rằm tháng Giêng) của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam sáng tác vào đúng dịp Rằm tháng Giêng, năm Mậu Tý (1948). Thi phẩm miêu tả cảnh đêm trăng và buổi họp bàn việc quân của Bác bí mật trên sông nước ở chiến khu Việt Bắc, khởi đầu kế hoạch cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lúc đó đang bước sang năm thứ ba:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
(
Nguyên tiêu, Xuân Thủy dịch)
"Nguyên tiêu" là một bài thơ tả cảnh thật sinh động để tả tình - bài thơ của một bậc thi nhân - bài thơ của chiến sĩ cách mạng lỗi lạc Hồ Chí Minh.
Trên thế giới, hầu như nước nào cũng có thơ và nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Anh... có sử thi lâu đời, có nhiều nhà thơ nổi tiếng. Song có lẽ trong lịch sử nhân loại chưa có một dân tộc nào yêu thơ và thơ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống, trong học tập, trong lao động, trong chiến đấu như thơ ở Việt Nam! Cách đây 15 năm trên đất nước ta Ngày Thơ Việt Nam đã được long trọng tổ chức trong đêm Nguyên Tiêu 2002. Ngày Thơ Việt Nam nhằm tôn vinh nền thơ Việt Nam được bồi đắp hun đúc từ mấy ngàn năm và tôn vinh các nhà thơ Việt Nam. Ý nghĩa của Ngày Thơ Việt Nam là thể hiện sự độc đáo đó trong văn hóa Việt Nam. Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI – 2018 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đồng tổ chức vào chiều Rằm tháng Giêng đã mở ra một "chiếu Thơ" lấp lánh nhiều "hạt vàng" quý, bổ ích đối với người làm thơ và công chúng yêu thơ.
Cũng như những người làm thơ khác trên dải đất hình chữ S thân yêu của Tổ quốc, nhân dịp Tết đến Xuân về, những người làm thơ ở Đà Lạt, Lâm Đồng lại rộn ràng, náo nức trải lòng với những tứ thơ, vần thơ đắm say, nồng nàn ca ngợi Đảng và Bác Hồ; thể hiện tình yêu quê hương, đất nước; lạc quan tin tưởng vào công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo và sự nghiệp hội nhập quốc tế.
Cùng với các sân Thơ được tổ chức tại TP. Bảo Lộc và huyện Đạ Tẻh, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI tổ chức tại Đà Lạt đã góp mặt hơn 20 tác phẩm thơ và thơ được phổ nhạc của các tác giả sinh sống, làm việc tại TP. Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Các thi phẩm tham dự đã bám sát chủ đề Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI “Văn học Nghệ thuật đồng hành cùng đất nước”. Từ nhiều góc độ công việc, hoàn cảnh sống khác nhau nhưng điều đáng quý là qua trải nghiệm thực tế tâm hồn các nhà thơ đã cùng hoà điệu ngân lên những vần thơ chan chứa tình đời, tình người giàu mỹ cảm, gieo đọng trong công chúng thi ca những ấn tượng tốt lành…
“Mùa xuân nói với em điều gì/ Mà sao mắt em vui thế”, điều bí ẩn này được lý giải qua các tác phẩm viết về mùa Xuân. Trước hết về chủ đề của khoảng thời gian tươi đẹp nhất trong năm, nhà thơ Nông Quy Quy qua thi phẩm “Đi dọc mùa Xuân" chan chứa cảm xúc tươi mới, trong trẻo tựa câu thơ
"Tiếng chim ngọt, gọi mùa – vui lắm nhé!/ Sớm mai hồng, cây cỏ cũng thành thơ.../ Nghe màu Tết thấm tận cùng Đà Lạt/ Và hương đời, dâng trong những ước mơ". Cũng trong mạch cảm xúc tràn ngập sự lạc quan
“Một chút nắng vàng lên, hơi ấm cả bầu trời/ Một chút mưa xuân, cho cây cối nảy mầm tươi”, thầy giáo Phạm Công Bình công tác tại trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đã nâng lên thành những triết lý sống đáng quý cho cuộc đời qua tác phẩm “Một chút” nhưng đã nói lên bao điều muốn chia sẻ:
"Một chút đắng, cay cho đời người thêm từng trải/ Một chút vui, buồn cho thương nhớ ở trong tôi". Trong bức tranh nhiều màu sắc sinh động, vui tươi của mùa Xuân trên
“Phố hoa đào lộng lẫy/ Nhộn nhịp bước chân người”, qua bài thơ “Bên đồi cỏ hương”, nhà thơ Diệp Vy cảm nhận sâu sắc về những điều an lành sẽ đến với quê hương, đất nước:
"Mùa Xuân vừa gõ cửa/ Ngọt ngào hương trong lành”… Rồi
“Mưa Xuân rắc hạt áo ai...?/ Dẫu ngàn năm vẫn/ Giống hoài Xuân xưa”, Xuân về khiến lòng người xao xuyến, qua bài thơ “Xuân” nhà thơ Phương Liên gửi gắm tâm tình:
"Đợi nhau.../ Đầu bạc/ Tóc thưa.../ Gặp rồi.../ Ngỡ vẫn/ Như vừa.../ Sang/ Xuân".
"Và xuân đến. Và rồi anh sẽ đến/ Hoà vào xuân hương sắc của tình yêu”, đó là cảm xúc ngọt ngào của nhà thơ Nguyễn Vĩnh qua thi phẩm “Mùa xuân và hy vọng”. Trong bài “Cánh hoa Mai muộn", nhà thơ Lê Bá Cảnh tuy đan xen nỗi niềm nhân tình thế thái
“Tháng Giêng nhiều kiểu ăn chơi/ Ta ngồi tỉa lá mong vơi nỗi buồn” nhưng tin tưởng vào sức sống mãnh liệt của mùa Xuân, tác giả đã reo lên trước hiện thực
“Ơ kìa! Én đã liệng sang/ Cánh hoa mai muộn/ Nở vàng trước sân”. Đồng điệu với nhà thơ Lê Bá Cảnh, giảng viên Nguyễn Thị Thu Xuân qua bài “Niềm tin tuyệt vời" đã mộc mạc, chân thành bày tỏ cảm xúc
“Em đang bước vào xuân/ Quê hương đang vào xuân/ Cả nước đón chào xuân/ Với niềm tin tuyệt vời”. Mùa Xuân không chỉ mang đến niềm vui, sức sống mới mà Mùa Xuân còn là mùa của những cung bậc thi ca. Với quan niệm giản dị mà
“Thơ tự nỗi lòng/ thơ lan toả gần xa/ Như nồi bánh Chưng bên góc sân nhà hàng xóm/ Tiếng lửa reo làm ấm khúc Xuân ca”, nhà thơ Nguyễn Tấn On đã rung lên cảm xúc rất đỗi chân thành trước hình ảnh “Cô giáo đọc thơ hôm Nguyên Tiêu”. Thơ là tiếng lòng diệu vợi, là
“Tiếng thánh thót/ Đan cung thương vào nỗi nhớ”, đó là cảm nhận của nhà thơ Hoàng Thị Thanh Thuỷ.
“Mùa Xuân đón trăm ngàn hoa đua nở…/ Thi nhân về mở hội đón trăng mơ”– Mùa Xuân và Nguyên Tiêu thật thiêng liêng và giàu bản sắc văn hoá truyền thống của người phương Đông, đặc biệt là đối với dân tộc có nguồn gốc con Rồng cháu Tiên, mang tấm “hộ chiếu” mấy ngàn năm “làm thơ và đánh giặc”, và hôm nay an nhiên, tự tại bước vào hội nhập toàn cầu. Vì vậy không ngạc nhiên khi nhà thơ Thanh Liễu khái quát
“Rồi sẽ thấy trần gian buồn biết mấy/ Nếu cuộc đời thiếu vắng những đêm thơ” (Nguyệt ca).
Mùa xuân ùa về những thi tứ và cũng mang đến những khát vọng cao cả… Đó là khát vọng làm Người đúng nghĩa viết hoa, đó là khát vọng hoà bình, khát vọng chinh phục tri thức đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với bạn bè năm châu bốn biển:
"Sao cứ nhớ những phương trời chưa đến/ Xứ lạ quê người thấp thoáng trong mơ/ Biển rộng trước ngực trần đón gió/ Cánh buồm xa phấp phới như cờ". Vì vậy nhà thơ Phạm Quốc Ca mùa xuân này có tứ thơ mang tính phát hiện, tính ẩn dụ rất lạ và cũng rất thuyết phục
“Ta ở nơi này/ Hồn nẻo khác/ Nhớ những ngày chưa sống khôn nguôi” (Nhớ).
Mùa Xuân trong thơ ca gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, nhà thơ Dương Gia Lễ qua tác phẩm “Đất nước linh thiêng” đã hào sảng khẳng định:
"Nước nhỏ nhưng lòng dân vĩ đại! Quyết giữ vững nước mãi an - hòa"... Mùa Xuân khiến lòng người thêm dâng cao niềm tự hào về lịch sử dân tộc, điều này được Mila Bui thể hiện qua bài “Nguyên tiêu”:
"Nguyên tiêu trăng dát bạc/ khắp nơi/ Vọng tiếng thơ Thần “Nam quốc”...
Mùa Xuân tràn ngập niềm vui thế nhưng chúng ta cũng không quên nhớ đến những chiến sĩ canh giữ biên cương, hải đảo để giữ vững chủ quyền dân tộc, trong bài “Mùa Xuân gửi chiến sĩ đảo xa”, nhà thơ Lê Thị Mai Thành tâm tình:
"Quê nhà một thoáng heo may/ Đêm nay đan áo đắm say nhớ người/ Anh đi canh giữ biển trời/ Chắc tay súng giữ cho đời nở hoa". Cùng cung bậc ấy, nhà thơ Hồng Chinh không tránh khỏi cảm giác:
“Đón xuân nâng cốc chúc mời/ Môi hồng men rượu hồn chơi vơi buồn”. Bởi vì sao? Tác giả tâm sự:
"Lần tay thầm đếm mấy lần xuân qua/ Người đi gìn giữ sơn hà/ Mãi nơi đầu sóng phong ba biển trời".
“Trên ngưỡng của mùa Xuân vạn vật gần nhau hơn/ Không thể khác tình người thêm đằm thắm” - nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh trong tác phẩm “Ước hẹn ngày Xuân” không chỉ hy vọng vậy mà còn lớn lao hơn là ước nguyện
“Cho tôi mơ ngày mai mặt trời thức dậy/ Lại thấy quê mình nở rộ hoa tươi”.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI - 2018 còn giới thiệu với công chúng những bài thơ trữ tình được phổ nhạc như: Đà Lạt ban mai (Thơ: Thanh Toàn, nhạc: Vi Quốc Hiệp), Phố Xuân (Thơ: Vũ Dậu, nhạc: Xuân Thùy), Khúc hát người K' Ho (Thơ: Trần Ngọc Trác, nhạc: Trần Hoàn), Thôi mà ngủ đi anh (Thơ: Mai Liêng - Vương Tùng Cương, nhạc: Đình Nghĩ)...
Từ ghi nhận qua những vần thơ lấp lánh trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI, hy vọng sang năm 2018, các nhà thơ Lâm Đồng sẽ bước vào một mùa vàng bội thu!
ĐAN THANH