Ngày xuân nhớ mẹ

09:03, 22/03/2018

Tôi nhớ hương vị lá mùi già vào chiều 30 tết. Mẹ thường đun và bảo tôi tắm tất niên. Cái mùi lá thơm gì đâu! Cứ sộc thẳng vào mũi. Lan khắp chốn trong nhà. Chỉ cần đun một nồi lá mùi già thì chả cần phải bôi vào người thứ nước hoa nào khác. Và ngôi nhà cũng chẳng cần phải tẩy rửa gì nhiều cũng đủ thơm lắm rồi!

1.
Hôm trước anh hỏi: - Lịch âm ngày bao nhiêu rồi nhỉ? 
 
Em bóc tờ lịch của cuốn lịch mới, bảo:
 
 - 19 rồi đấy anh!
 
 - Vậy chỉ còn hơn một tháng nữa là tết? 
 
Tự dưng tôi nghe rõ mùi tết đang tràn ắp ứ vào nhà. 
 
2.
Có lẽ bọn trẻ bây giờ chẳng hiểu mùi tết là thế nào?
 
Đối với chúng được ăn bánh piza, mỳ Ý hay những chiếc đùi gà tẩm bột hiệu KFC hay Popeye là thích rồi. Còn tôi, vẫn nhớ như in mỗi năm tết về mẹ lại tất bật bên bếp than đỏ lửa.
 
Mùi tết sực lên từ nồi bánh chưng sôi lục bục, từ nồi măng mẹ đã ngâm và ninh cả tuần. Mùi tết từ những lọ củ kiệu muối lẫn dưa... mà mẹ ngồi cắt từng cái rễ. Mùi tết thơm nức từ những nồi mứt dừa mứt bí... tự tay mẹ làm.
 
Tôi nhớ dáng mẹ lui cui bên bếp lửa, một tay trông nồi măng, tay kia đảo nồi xôi gấc. Tóc mẹ dài lúc nào cũng kiểu tết một, kèm mấy cái kẹp ba lá từ thời xưa cũ. Cái quần đen ống rộng chỉ thay đổi chất liệu từ lụa sang xoa. Chẳng bao giờ thấy mẹ mặc váy xúng xính diện tết. Có lẽ mọi thứ đẹp đẽ mẹ đều dành cho con cháu. 
 
Tôi nhớ hương vị lá mùi già vào chiều 30 tết. Mẹ thường đun và bảo tôi tắm tất niên. Cái mùi lá thơm gì đâu! Cứ sộc thẳng vào mũi. Lan khắp chốn trong nhà. Chỉ cần đun một nồi lá mùi già thì chả cần phải bôi vào người thứ nước hoa nào khác. Và ngôi nhà cũng chẳng cần phải tẩy rửa gì nhiều cũng đủ thơm lắm rồi!
 
Những năm tết xa xưa ngồi giữa sân giá rét, gió thổi ào ạt qua khoảng sân rộng kèm với mưa phùn rát mặt, tôi vẫn ngồi kỳ cọ từng chiếc lá dong. Vẫn hì hụi đãi cho sạch vỏ đỗ. Mặt mũi và chân tay nứt nẻ, đỏ tấy. Đấy là những ngày giáp tết trước khi tôi đi xa. Mẹ còn là hiệu trưởng một trường mẫu giáo. Tôi lúc nào cũng bám theo mẹ như đứa trẻ bện hơi. Những năm đó cả trường mẹ háo hức mổ thịt lợn gắp thăm chia phần. Các nhà quây quần gói bánh chưng và luộc chung ở cái bếp nấu ăn ở trường. Mẹ vẫn dành cho tôi chiếc bánh chưng nhỏ, buộc lạt riêng để đánh dấu. Tôi cũng thao thức bên nồi bánh chưng cùng mẹ và các cô. Hóng hớt nghe đủ chuyện của người lớn. Những năm rét mướt và đói kém chỉ mong tết về để được ăn miếng giò, miếng thịt. Nhà nào cũng phải gói 10 kg gạo trở lên mới đủ ăn. 
 
Sau này khi chúng tôi lớn, đi xa. Lưu lạc xứ người. Mỗi năm tết về tôi lại thèm có được một nắm lá mùi già để tắm chiều 30. Chỉ muốn có để cảm nhận mùi tết đang về. Tôi thèm thấy cái chợ khu nhà 5 tầng tấp nập những ngày tết. Các bà, các cô ngồi chồm hổm bán những bó cây mùi già còn nguyên rễ. Dưới cái cửa sổ phòng tôi từng đoàn người đứng chờ mua gà cúng ngày 30. Tiếng gà, mùi gà sộc lên tận phòng. Quang quác, nháo nhào từ sớm. Chợ hoa tết đủ loại đào, quất ngập phố, chật lối đi. Tôi vẫn thích loài hoa Violet màu tím sẫm. Trông như những cánh bướm rập rờn ẩn hiện. Để rồi đi xa vẫn thương nhớ mãi về cái màu thủy chung ấy.
 
Nhưng đó chỉ là sự khao khát mà không bao giờ có được! Tôi đã đi quá xa vòng tay của mẹ. Để chỉ còn nghe tiếng mẹ nức nở qua điện thoại thoại vì nhớ các con. 
 
Ký ức tưởng đã bị lớp bụi thời gian phủ kín. Nhưng đôi khi vẫn nhoi nhói đau. Trên những bước chân lạc trôi ở phương trời lạ. Tôi nhớ mẹ điên cuồng vào những chiều hanh hao. Không mưa, không nắng. Bầu trời ủ rủ một màu bàng bạc. Chẳng biết nước mắt cứ rớt xuống từ lúc nào...
 
Rồi cái ngày tôi trở về mẹ mừng lắm. Tết năm đó mẹ lại cặm cụi lao vào bếp. Chuẩn bị các món ăn cho ngày tất niên. Nồi măng khô ninh thật kỹ,... món nộm su hào thịt bò khô tôi thích mẹ cũng tỉ mẩn tự làm. Một tay mẹ tất bật nấu cho các con các cháu ăn với một niềm vui không giấu được trên nét mặt. 
 
Cũng may, tết bây giờ gọn nhẹ nhiều. Bánh chưng, giò chả... có thể ăn quanh năm. Nên tết nhà nào cũng chỉ mua ngoài hàng vài ba chiếc để về thắp hương. Mứt tết cũng bán đủ loại. Chúng tôi đã lớn không còn thèm ăn như xưa, phải tranh nhau từng viên mứt trứng chim với quả táo tàu trong hộp mứt lèo tèo vài món. Giờ người thì kiêng ngọt, kẻ kiêng béo. Lũ trẻ ngày nay thích ăn bim bim hơn mấy miếng mứt bí mứt dừa. Thế nên tết nhà nào cũng phải có đầy đủ mứt, bánh kẹo nhưng nhiều khi để mốc chẳng ai ăn.
 
Mẹ rất mừng vì bữa tất niên cả nhà sum vầy. Chỉ trừ chị gái tôi định cư ở nước ngoài không về được. 
 
Đêm 30 mặc chồng con ngủ hết, mẹ vẫn cặm cụi một mình chuẩn bị mâm cỗ giao thừa cúng tổ tiên. 
 
Khi bầu trời bung nổ pháo hoa ở khắp nơi cũng là lúc mẹ đốt vàng mã. Mẹ lầm nhầm khấn nguyện mong những điều may mắn sẽ đến. Mùi khói mù mịt trong sân quyện vào nhau làm cho không gian ấm áp hơn giữa cái lạnh lẽo của mùa đông giá buốt. Rồi mẹ lặng lẽ đi bộ ra chùa gần nhà. Cầu chúc một năm mới mang lại những điều tốt đẹp cho cả gia đình.
 
Mới đó mà đã 5 năm mẹ đi xa...
 
3.
Ừ, mới đó mà đã năm 5 năm tôi rời Hà Nội vào sống ở phố Núi.
 
Tháng trước ông anh cả ghé qua Đà Lạt, bảo: - Tết này anh đưa cả nhà anh vào đây ăn tết. Đang tính mua vé vào ngày 27 tết, ra mồng 2 tết.
 
 - Ông có vào không ạ? 
 
 - Có chứ 
 
 - Vậy thì vui quá! Giá ông ở chơi thêm vài ngày nữa hãy ra thì hay quá nhỉ? 
 
 - Cái đó tùy ông thôi!
 
Ông là bố đẻ tôi. Từ ngày mẹ mất, bố gầy sọp đi. Mắt đã sâu lại càng thăm thẳm. Ngày còn sống, mọi việc trong nhà mẹ đều lo chu toàn. Mẹ nổi danh là người con dâu đảm đang nhất trong họ. Cả đời mẹ sống vì chồng con, vì gia đình nhà chồng. Chả thế mà bà nội tôi không sống được với con dâu nào mà chỉ ở được với mẹ dù mẹ không phải dâu cả. Tính mẹ không ai chê nổi vì biết chiều lòng người. Mẹ sẵn sàng hy sinh cái tôi của mình để mọi người được vui vẻ. Bà mẹ chồng nổi tiếng khó tính mà mẹ cũng chiều được.
 
Lương giáo viên của bố mẹ tôi phải lo cho 9 miệng ăn. Mẹ phải chạy vạy làm thêm, tăng gia nuôi lợn nuôi gà mới đủ tiền lo gia đình. Bố tôi hiền lành, ít va chạm. Mọi việc đều do mẹ quyết. Bố thế nào cũng được. Ngày mẹ còn sống, bố chẳng mấy khi ra khỏi nhà. Mẹ thì bươn chải đủ thứ việc từ trường lớp đến gia đình. Rồi công tác tổ dân phố. Mãi mấy năm gần đây khi mẹ đã đi thật xa, bố mới chịu theo con cháu đi đây đó. Ai cũng mong tuổi già của ông được sống những ngày cuối cùng vui vẻ. Dù không còn mẹ bên cạnh. 
 
Tôi chẳng được nét gì của mẹ. May chỉ giống nét hay đi. Nhưng mẹ đi vì công việc. Còn tôi chỉ thích đi các nơi khám phá. Tích lũy được nhiều vốn sống để mình có thể sống bất cứ ở đâu khi cần thay đổi. 
 
Với tôi, được đi là hạnh phúc mà không phải ai cũng nhận ra. Tôi giống bố, nhất là đôi mắt sâu. Giống bố ở tính không thích bon chen, cạnh tranh. Thế nên tôi sống được ở phố núi. Tôi thích cuộc sống ở đây. Tôi thích sự bình yên bên những con dốc. Mỗi sáng ngắm những luống rau anh chăm bón đang lớn từng ngày, nghe anh bảo “vụ rau này tết ăn vừa đẹp”, lại thấy cuộc sống dễ chịu hơn nhiều ở thủ đô. Nơi mà mỗi ngày cứ phải gồng mình lên với mọi áp lực bủa vây. 
 
4.
Sáng nay ngước mắt nhìn lên cây Anh đào trước cổng, chợt thấy những bông hoa đầu tiên đang bung nở. Những cánh hoa mỏng manh màu hồng nhạt in rõ giữa nền trời xanh thắm. Cả cây chi chít nụ trông như những đốm lửa đang thi nhau thắp sáng. Nắng rạo rực khắp con phố nhỏ. Anh bảo: - Chắc tầm tháng nữa cây Anh đào này sẽ nở đẹp lắm đấy! Ngồi dưới gốc Anh đào nở tung thế kia luộc bánh chưng, ăn thịt nướng và uống rượu dâu tây chắc không còn gì thích bằng! Thứ rượu dâu mà tôi đã tự ngâm cả tháng nay. Chỉ chờ tết đến là uống. Tôi sẽ lại tự gói giò, tự làm đủ thứ mứt. Tết bây giờ bày ra làm cho vui, cho không khí chứ không còn vì miếng ăn như trước. Giờ người ta cần ăn ngon, sạch và vui vẻ.
 
Trời ơi! Hình như chưa có tết nào tôi mong đến thế kể từ ngày mẹ bỏ cõi tạm đi xa. Đôi khi cứ nghĩ sao một người tuyệt vời như mẹ lại bị “gọi đi” sớm thế? Nhưng rồi nghĩ sống ở trần gian mẹ đã vất vả đủ rồi. Một người nhân hậu như mẹ chắc đang ở thiên đường nơi chỉ có những nụ cười và hạnh phúc! 
 
Tự dưng lại thèm ngồi bên bếp củi đỏ rực, gục đầu vào vai bố, rủ rỉ đủ thứ chuyện... Lửa lóng lánh giữa mùa đông cao nguyên xua tan mọi giá lạnh, chỉ còn hơi ấm nồng nàn. Dù gió vào mùa vẫn quật quã thổi. Mùi thịt nướng ngào ngạt bay làm sống dậy mọi giác quan. Thèm nhón tay bốc một miếng cho vào miệng rồi ực một ngụm rượu dâu tây...
 
Trời đất! Ngon gì đâu! Bỗng như thấy mẹ từ đâu đó mang mùi tết đến thật gần. Mùi tết có mẹ, dường như ngọt ngào hơn rất nhiều, bố nhỉ?
 
Tản văn: TRÀ MY