Tôi là con gái thứ ba trong gia đình, lấy chồng xa xứ nên ít có dịp về thăm quê ngoại, nơi mảnh đất chôn nhau, cắt rốn. Nơi đã nuôi dưỡng, dạy dỗ tôi khôn lớn và cũng là nơi chấp cánh cho những ước mơ thời con gái lúc còn đang đi học.
Tôi là con gái thứ ba trong gia đình, lấy chồng xa xứ nên ít có dịp về thăm quê ngoại, nơi mảnh đất chôn nhau, cắt rốn. Nơi đã nuôi dưỡng, dạy dỗ tôi khôn lớn và cũng là nơi chấp cánh cho những ước mơ thời con gái lúc còn đang đi học.
|
Ảnh: Internet |
Hôm giỗ 10 năm của mẹ tôi, tôi về nhà ngoại để mời các dì, các cậu và các em dự đám giỗ. Vừa bước chân vào nhà ngoại, tôi linh cảm như vừa thấy bóng dáng ngoại đâu đây. Ngoại đã đi xa, về với cậu và dì là hai người con liệt sĩ của ngoại đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Trước bàn thờ ngoại tôi thắp nén hương tưởng nhớ đến người, lòng bùi ngùi cảm xúc nhớ về những năm tháng đau thương của gia đình bên ngoại. Đây cũng là những năm tháng đau thương chung của cả dân tộc.
Hình ảnh thời thơ ấu hiện về trước mắt tôi. Ngôi nhà gỗ thông đã mục nát vẫn còn giữ lại, bên cạnh đó là căn nhà tình nghĩa mới xây sau ngày giải phóng. Căn nhà gỗ này là nơi ngoại đã nuôi ba anh em chúng tôi từ khi mới lọt lòng cho đến lúc chúng tôi đi học trường Dòng Domaine De Marie ở Cây số 4 thành phố Đà Lạt.
Sau năm 1954, đất nước tạm chia cắt làm hai miền. Cha mẹ tôi lấy nhau, không đi tập kết, về ở với bà ngoại một thời gian rồi ra riêng. Nhà tôi lúc bấy giờ ở Cây số 10 nằm ven Trục lộ 11 (nay là Quốc lộ 20). Thời ấy vùng này (Khu 5 Đa Lộc, xã Xuân Thọ) chỉ có Sở Cinchona của chủ đồn điền người Pháp và một xưởng cưa gỗ là có số ít công nhân. Không gian nơi đây là một rừng thông nguyên sinh bạt ngàn, núi đồi nhấp nhô. Những rừng thông trải dài từ trên đỉnh cao xuống đến các thung lũng không một khoảng rừng trống. Trên Đường 11 họa hoằn lắm mới có một vài chiếc xe đò chạy hướng Phan Rang - Đà Lạt.
Năm 1956, lúc đó tôi chưa sinh ra, ba má tôi về đây mở đất khai hoang. Cùng làm có chú Tư Hiến, Mười Châu, Ba Dư, Lê Văn Phận (sau ngày giải phóng là Bí thư Thành ủy Đà Lạt). Ngoại tôi cũng từ Đà Lạt xuống để giúp đỡ ba má tôi làm căn nhà mới. Trong nhà từ bàn tủ ghế giường đến nồi niêu bát đĩa, lu đựng nước đều do ngoại mua sắm trang bị cho gia đình tôi (má tôi kể lại). Thời gian này, các chú cán bộ cách mạng với danh nghĩa người đi làm thuê, người đi vỡ đất dừng chân trên địa bàn này để móc nối cơ sở từ thời chống Pháp hoạt động trở lại, đồng thời xây dựng và phát triển cơ sở mới ở vùng Trại Mát, Xuân Thọ, Túy Sơn, Đa Quý. Ngoại tôi về sau cũng xuống mở đất làm vườn ở cạnh nhà tôi, tạo ra một vỏ bọc hợp pháp, để các chú tiện bề liên lạc, giao công việc cho ngoại đi móc nối xây dựng cơ sở bên trong nội đô thành phố Đà Lạt.
Ngoại không sinh ra má tôi, mà là em ruột của bà ngoại. Ông ngoại cũng là em con chú của ông ngoại tôi. Bà ngoại ruột tôi chết sớm, ngoại đưa má tôi từ miền quê xứ Quảng vào đất Đà Lạt từ những năm 1930 -1940 xem má tôi như là con gái của bà. Má tôi được bà hướng dẫn từ công ăn việc làm cũng như việc tiếp tay cho ngoại tôi tham gia hoạt động. Về sau bị lộ, bà cho má tôi thoát ly ra rừng ở chiến khu Suối Tía, là lính của ông Mai Xuân Ngọc (nguyên Chủ tịch quân quản Đà Lạt sau 1975, nguyên Chủ tịch tỉnh Thuận Hải cũ).
Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, ngoại không dưới 10 lần vào tù ra khám, nào là Công an Trần Bình Trọng, Trung tâm thẩm vấn, Lao xá Đà Lạt và xa hơn là Khám lớn Sài Gòn, Bót Catina, Trại giam Chí Hòa... nhưng ra tòa vẫn trắng án. Người luật sư biện hộ cho ngoại ở tòa án Sài Gòn không ai khác là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, sau này là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam - Việt Nam. Qua bao nhiêu năm bị tù đày, tra tấn mắt ngoại cũng mờ đi với thời gian. Ngoại khóc nhiều, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, hằn sâu năm tháng. Bà nhớ thương cậu Út, vì cậu ốm yếu ở trong rừng núi không biết có chịu nổi không. Cậu Út tham gia phong trào học sinh, sinh viên xuống đường đòi dân sinh dân chủ, đốt Đài Phát thanh chế độ cũ. Bị lộ cậu đã thoát ly ra rừng tham gia kháng chiến. Mùa xuân năm Mậu Thân 1968, mùa xuân Tổng tiến công và nổi dậy, nhà ngoại biến thành điểm hẹn ở Cây số 4, nơi đi về, hội họp của các chú cán bộ, quân giải phóng. Cũng vào năm ấy, ngoại ngậm ngùi trong nước mắt tiễn đưa hai người con còn lại là anh, chị của cậu Út vào rừng, vì nếu ở lại địch sẽ bắt. Gia đình ngoại cũng đùm túm, dắt dìu nhau chuyển vùng hoạt động. Ngoại đâu ngờ mùa xuân ấy là lần gặp mặt cuối cùng và những giọt nước mắt tiễn đưa hai con đi kháng chiến lại là những giọt nước mắt khóc thầm vì cậu Tư và dì Bảy của tôi vĩnh viễn nằm lại giữa rừng đại ngàn Trường Sơn.
Ngoại là một nông dân chưa thuộc hết mặt chữ nhưng có tấm lòng yêu nước nồng nàn, kiên trung, son sắt, trước mặt kẻ thù không hề nao núng. Có lần ngoại kể cho tôi nghe: “Đêm ấy địch bao vây, lùng sục nhà ngoại. Trong nhà đang có hai cán bộ. Địch gõ cửa đòi khám xét. Ngoại bình tĩnh, giấu hai cán bộ dưới chiếc đi văng và bà ngồi trên đi văng ấy ung dung ngoáy trầu với một nét mặt bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Dì tôi mở cửa, địch vào khám xét chỉ thấy một bà già ngồi nhai trầu bỏm bẻm. Lại thêm một câu nói như đùa, ban đêm khuya khoắt, trời giá rét các chú đi làm nhiệm vụ khổ cực quá, già thấy thương hại, tội nghiệp”. Còn nhiều chuyện về ngoại nhằm qua mắt địch, qua mắt bọn mật thám, bọn phòng nhì sở hiến binh Pháp, bọn công an mật vụ thời Mỹ - Diệm trong những năm có Luật 10/1959 lê máy chém đi khắp miền Nam.
Bây giờ ngoại đã đi xa. Gần đây với những việc làm tham gia cách mạng trong hai cuộc kháng chiến và hai người con của ngoại là liệt sĩ, ngoại được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đã mấy chục năm trôi qua, tôi vẫn nhớ những buổi chiều tan trường, trời Đà Lạt mưa dầm, ngoại đến tận cổng trường đón anh em chúng tôi trong vòng tay yêu thương giữa cái giá lạnh chiều đông rét buốt trên cao nguyên.
VÕ TRẦN PHÚ
(Ghi theo lời kể của cô Trần Thị Bích hiện ở Long Khánh - Đồng Nai)