Ngẫm về phong cách người Đà Lạt

05:03, 23/03/2018

(LĐ online) - Theo nhóm nghiên cứu Nguyễn Văn Uông, Nguyễn Hữu Tranh, Nguyễn Văn Cam, người Đà Lạt có 3 đặc điểm phong cách, đó là: Hiền hòa; thanh lịch; mến khách. 

Chuyện hôm qua
 
(LĐ online) - Theo nhóm nghiên cứu Nguyễn Văn Uông, Nguyễn Hữu Tranh, Nguyễn Văn Cam, người Đà Lạt có 3 đặc điểm phong cách, đó là: Hiền hòa; thanh lịch; mến khách. 
 
Lý giải rằng: Mỗi người Việt Nam đều mang trong mình truyền thống chung của dân tộc. Dù ở bất cứ đâu, các phẩm chất ấy luôn được giữ gìn. Với Đà Lạt, trải qua quá trình hình thành, phát triển cùng sự tác động của môi trường tự nhiên, xã hội, tạo cho phong cách người Đà Lạt có những nét đặc trưng từ dáng vẻ bên ngoài đến chiều sâu tâm hồn. Hay nói cách khác, phong cách đặc trưng của người Đà Lạt là sự hội tụ cái hay, cái đẹp của một số vùng miền. Đó là vẻ đẹp hiền hòa, thanh lịch, mến khách.  
 
Nói về sự hiền hòa: Trước hết khẳng định rằng đây không phải là đặc trưng riêng có của người Đà Lạt, mà đó chính là bản chất, là cốt cách của dân tộc Việt Nam. Nó được sinh ra từ nền văn minh lúa nước, nuôi dưỡng từ dòng sông quê, từ lũy tre làng; từ cây đa, bến nước, sân đình. Nó được cố kết vững bền bởi cái nôi văn hóa cộng đồng làng, xã. Trải qua hơn 1.200 năm chống giặc ngoại xâm, minh chứng rằng người Việt Nam hiền hòa nhưng không nhu nhược; gan dạ nhưng không hung dữ; dũng mãnh nhưng không ác độc. Nguyễn Trãi từng nói: Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. 
 
Thiếu nữ Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu
Thiếu nữ Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu

Người Đà Lạt, trước hết cũng là người Việt nên cốt cách ấy là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, cái hiền hòa của người Đà Lạt không đơn thuần là cái đức, cái tính mà là phong cách. Phong cách ấy toát ra bên ngoài mà bất cứ ai cũng đều cảm nhận được dáng vẻ hiền hòa, vừa chứa đựng nét chất phác, đôn hậu của người nông dân; sự thật thà của người dân tộc thiểu số, lại vừa mang dáng dấp hiện đại của xứ sở văn minh. Đó là sự khác lạ của người Đà Lạt, sự khác lạ đó có được là bởi: Từ thuở khai sinh, lập địa ở vùng đất này, người Đà Lạt đã quyện mình vào thiên nhiên trầm mặc, hoang vu; nhỏ bé trong cái mênh mông bất tận núi đồi; tâm hồn người Đà Lạt thấm đẫm cái đẹp của cỏ, cây, hoa, lá; hòa lẫn trong không gian thơ mộng của trời, mây, non nước. 
 
80 năm trước, Hàn Mặc Tử đã phải thốt lên trước cái đẹp đến ngỡ ngàng của Đà Lạt: Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu/ Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ/ Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/ Như đón từ xa một ý thơ. Thiên nhiên đẹp tựa tiên bồng, thì làm sao con người không trải lòng thi vị, chính điều đó đã làm nên phong cách người Đà Lạt: Hiền hòa nhưng không mộc mạc; chất phác nhưng không cục mịch; thật thà nhưng không quê mùa; bán không nói thách, mua không trả giá; sống không gian dối, lọc lừa; không thủ đoạn; không giành giật; nói năng nhỏ nhẹ…
 
Về thanh lịch: Thanh có nghĩa là “thanh cao trong tư tưởng, tình cảm, cao thượng tâm hồn”. Thanh liêm với của cải xã hội và của người khác; Thanh đạm, thanh bạch trong cuộc sống đời thường; Thanh nhã trong cử chỉ, hành vi, lời nói... Đã có một thời, ở Đà Lạt, nhà không cần khóa cửa; xe để ngoài đường không sợ mất. Người Đà Lạt không tham của người khác... Điều tốt đẹp đó đã vang danh và người Đà Lạt đã rất tự hào.
 
Còn chữ lịch được hiểu là sự lịch lãm (có nghĩa là xem nhiều, quan sát nhiều); lịch duyệt (hiểu biết rộng); lịch thiệp (là người từng đi nhiều, thành thạo trong giao tiếp); lịch sự (cách ứng xử văn hóa, văn minh thân thiện). 
 
Như vậy: Thanh lịch là lịch sự, thanh tao; phong thái đĩnh đạc, ăn mặc tươm tất, hiểu sâu, biết rộng, nói năng nhẹ nhàng, nhã nhặn, biết cư xử. 
 
Điều đặc trưng là: Sự thanh lịch của Người Đà Lạt được hội tụ từ những gì tinh túy nhất của một số vùng miền để tạo thành cái riêng cho Đà Lạt. Trong sự thanh lịch của người Đà Lạt có cái cốt cách của người Hà Nội. Người Đà Lạt nói lời hay, ý đẹp mà không khách sáo; nhẹ nhàng mà không giả tạo; tài hoa mà không khoe khoang, khoác lác; hiểu biết mà không ngạo mạn; giản dị mà không luộm thuộm; tôn kính mà không cúi luồn. Sự thanh lịch của người Đà Lạt còn có cả sự lịch thiệp, hào hoa, thân thiện từ phong thái của người Pháp.
 
Người xưa có câu: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Vì hòa mình trong thiên nhiên, 6 tháng mưa, 6 tháng khô lạnh; sương mù giăng lối suốt cả năm; sống xa thương trường tấp nập, không bị lôi cuốn bởi vòng xoáy của đồng tiền, đã làm cho người Đà Lạt có phong thái ung dung, nhàn nhã, không vội vàng, hối hả, lo lắng. Đây chính là đặc trưng phong thái người Đà Lạt, khác biệt so với nhiều vùng quê hay đô thị khác...
 
Ảnh: Văn Báu
Ảnh: Văn Báu

Đà Lạt là xứ sở thơ mộng, khí hậu trong lành, mát lạnh quanh năm, vì vậy trang phục người Đà Lạt cũng khá đặc biệt, đó là sự kín đáo. Nam thanh, nữ tú; phụ nữ, đàn ông; người lớn, người nhỏ; mùa mưa, mùa khô, đều khoác trên mình chiếc áo lạnh. Mùa lạnh nhiều thì trang phục là chiếc Măng tô, một chiếc khăn len choàng cổ. Vẻ kín đáo đó tạo thêm cho phong cách người Đà Lạt nét trầm tư, thanh lịch. Nếu nam giới Đà Lạt hào hoa và lịch thiệp đáng yêu, thì khí hậu ôn đới đã ban cho thiếu nữ Đà Lạt nét đẹp tinh khiết, kín đáo, bốn mùa má ửng hồng không son phấn.
 
Mến khách: Tục ngữ Việt Nam có câu: “Khách đến nhà chẳng gà thì vịt”; dù cuộc sống có đói khổ đến mấy thì bản chất hiếu khách của người Việt cũng không hề thay đổi, bởi vậy mới có câu: “Nhịn miệng đãi khách”.
 
Hơn 100 năm trước khi những công dân từ mọi miền đất nước về đây lập nghiệp, vùng đất này còn rất hoang sơ, xung quanh chỉ có núi tiếp núi; đồi tiếp đồi, bốn bề sương phủ. Ngày đó, phương tiện giao thông vô cùng khó khăn, Đà Lạt gần như trở thành khu biệt lập, người đến cũng khó mà người đi cũng chẳng dễ gì. 
 
Đà Lạt thời ấy buồn. Cũng bởi vì buồn, nên ngày đó, nếu có ai đến Đà Lạt dù không quen biết, người Đà Lạt cũng coi như người thân của mình, dành cho khách những tình cảm nồng ấm nhất. Đó là yếu tố cơ bản, lâu ngày hình thành nên phong cách gần gũi, mến khách với nụ cười luôn nở trên môi.
 
Chuyện hôm nay
 
Chuyện ngày hôm nay là câu chuyện không vui. Bây giờ, nếu ai hỏi phong cách người Đà Lạt là gì thì rất khó tìm câu trả lời chính xác. 
 
- Đà Lạt hôm nay tuy cũng đồi núi chập chùng nhưng rừng đã không còn nhiều như trước; màu xanh đã loãng dần; 
 
- Đà Lạt hôm nay, đường sá vẫn quanh co, uốn lượn nhưng đã to rộng hơn; hiện đại hơn không còn mềm mại như thơ xưa; 
 
- Đà Lạt hôm nay không còn “người lưa thưa chìm dưới sương mù”, người đã đông đúc, xe cộ dập dìu, ồn ào, sôi động;  
 
- Đà Lạt đã nóng dần lên, sương mù cũng đã bớt giăng mờ khắp lối; 
 
- Môi trường Đà Lạt cũng đã giảm đi sự trong lành; 
 
- Đà Lạt đã bớt đi thơ mộng; 
 
- Người Đà Lạt bây giờ không còn thong dong, chậm bước; nhịp sống đã hối hả hơn, thực dụng hơn;
 
- Báo chí đã nói rất nhiều về một Đà Lạt rác thải; một Đà Lạt lừa lọc, chèo kéo, “chặt chém” du khách; một Đà Lạt với hạ tầng giao thông thiếu sự an toàn;
 
- Đà Lạt bây giờ đã giảm đi chút hiền hòa; mai một đi chút thanh lịch; thiếu vắng những nụ cười. Dù không phải là tất cả nhưng có những “con sâu đã làm rầu nồi canh”... sự thật đó không thể phủ nhận.
 
Thực trạng trên khiến chúng ta đều rất nuối tiếc và du khách buông lời oán trách vì Đà Lạt không của riêng ai! Có người cho rằng thực trạng Đà Lạt hôm nay là sự hiển nhiên bởi quy luật nghiệt ngã của sự vận động và phát triển. 
 
- Không thể có một Đà Lạt thưa thớt bóng người khi mà đây là nơi “đất lành chim đậu”, nơi đáng để sống; 
 
- Không thể có một Đà Lạt luôn trầm mặc, người Đà Lạt ung dung, tự tại khi mà nhịp sống hối hả khắp nơi; 
 
- Cũng đừng bắt Đà Lạt cứ mãi đường xưa lối cũ, người Đà Lạt cứ phải bộ hành trên con đường uốn lượn quanh co, khi bản chất con người luôn khát khao cầu tiến; 
 
- Đà Lạt đã phát triển rất nhiều so với trước và sẽ còn tiếp tục phát triển thì dĩ nhiên Đà Lạt phải chấp nhận những “lực hút” thường tình của vòng xoáy phát triển.
 
Chúng ta đều biết rằng: Con người là tổng hòa các mối quan hệ tự nhiên và xã hội, vậy nên yếu tố thiên nhiên và sự phát triển của xã hội là tác nhân quan trọng hình thành phong cách của con người. Đà Lạt với khí hậu ôn hòa, cảnh quan tươi đẹp là môi trường lý tưởng cho sự phát triển một phong cách lành mạnh, hài hòa. Xã hội phát triển, môi trường thay đổi, thì đừng nghĩ rằng phong cách người Đà Lạt không thay đổi...Cần phải biết chấp nhận để có góc nhìn phù hợp cho ngày mai...
 
Góc nhìn cho ngày mai
 
- Không ít người nói rằng phải làm sao để phong cách người Đà Lạt trở lại như xưa. Đây là điều không thể!
 
- Đà Lạt đang trong thời kỳ hội nhập, nhiều cơ hội giao lưu, tiếp xúc với người nước ngoài. Cùng đó, các phương tiện truyền thông và giải trí hiện đại đã hiện hữu trong từng gia đình, từng con người. Nó tác động vào nhận thức của mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Mặt khác, không ít con em chúng ta qua bao thế hệ được đi học, làm việc ở các thành phố lớn trong nước và nước ngoài. Sự thẩm thấu nhịp sống sôi động, hối hả ở những nơi đó, đã dần làm thay đổi phong cách nơi mà các em từng sinh sống trong quãng đời niên thiếu, kéo theo đó là sự thay đổi nhận thức về phong cách của người thân, người nhà. 
 
Thế nên, góc nhìn ngày mai về phong cách người Đà Lạt là một góc nhìn dung hòa giữa quá khứ và hiện tại. Đừng quá hoài niệm, để rồi hão huyền về chuyện tái lập hoàn toàn phong cách người Đà Lạt xưa, nhưng cũng không thể quay lưng với những hình ảnh xấu xí trong hiện tại. Nghĩa là Đà Lạt không thể mất đi sự hiền hòa mà cốt lõi là sự chân tình trong phong cách ứng xử, phải giữ cho được hình ảnh đáng yêu của nụ cười Đà Lạt; bán không nói thách, mua không trả giá; không lừa lọc, dối trá (chỉ cần thế thôi là đã khác biệt với các nơi rồi). 
 
Ảnh: Văn Báu
Ảnh: Văn Báu

Phải giữ cho được nét thanh lịch của người Đà Lạt mà cốt lõi là sự lịch thiệp, phong nhã, thân thiện; dù không thong dong, chậm bước như xưa nhưng cũng đừng hối hả, vội vàng đến mức “chen lấn”, giựt giành. Dẫu cho đồng tiền chi phối quá nhiều vào đời sống thường nhật thì cũng đừng quên rằng còn có thứ quý giá hơn, đó là tình người. Nên nhớ rằng, Đà Lạt là thành phố du lịch mà đã là thành phố du lịch thì đời sống, sự phát triển phụ thuộc khá nhiều vào hiệu quả du lịch. Nhớ lại câu: “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, người Đà Lạt cần giữ cho được thái độ vui vẻ, lời nói nhẹ nhàng trong giao tiếp, trung thực khi bán buôn; tận tình trong hướng dẫn. 
 
Sẽ không quá lời khi nói rằng: Phong cách người Đà Lạt cũng là sản phẩm du lịch Đà Lạt, một loại sản phẩm không thể mua bằng tiền, không thể đánh đổi bằng vật chất. Đã là sản phẩm du lịch thì nhất thiết phải được trau chuốt, làm đẹp và phải được “trưng bày” trong ứng xử, giao tiếp hàng ngày. 
 
Sự thật, phong cách người Đà Lạt ít nhiều đã bị xói mòn, tiếng xấu về con người Đà Lạt sẽ còn tiếp tục, nếu ngay từ bây giờ chúng ta không cùng nhau chấn chỉnh. Đã đến lúc tỉnh, thành phố Đà Lạt, cùng với các cơ quan đoàn thể phải làm điều gì đó để giữ cho được “hồn cốt” về phong cách của người Đà Lạt... Có thể đó là sự nghiêm túc trong thực hiện bộ quy tắc ứng xử ở một thành phố đặc thù; có thể đó là những quy định mang tính bắt buộc mà mọi công dân phải thực hiện ở thành phố du lịch; có thể đó là quy ước, cam kết từ các tổ dân phố, khu phố văn hóa...
 
Hy vọng “hồn cốt” trong phong cách đáng yêu mà đã một thời vang vọng tiếng thơm của người Đà Lạt sẽ sớm khôi phục và phát huy trong thời hội nhập.
 
Văn Tòa