“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời,
À, à ơi! Tiếng ru muôn đời…” (Tình Ca – Phạm Duy)
Ai ai trong chúng ta cũng đều lưu giữ lại những ký ức tuổi thơ thật sâu đậm, với những bài hát ru của mẹ, những giọng ca điệu hò dân dã của mỗi vùng miền, và nhất là những bản nhạc thiếu nhi vui vẻ, trong sáng… Chính những yếu tố đó góp phần hình thành nên nhân cách và những giá trị sống cho tâm hồn của mỗi người. Có thể nói âm nhạc – đặc biệt là nhạc thiếu nhi – có tầm ảnh hưởng quan trọng trong việc định hình nhân cách tâm lý và nhất là giáo dục đạo đức cho trẻ em, vì nó tác động mạnh mẽ tới tâm tư, tình cảm và cả tâm hồn của con người. Nhạc thiếu nhi là cách để gieo vào lòng trẻ thơ những hình ảnh sống động kỳ diệu, những ước mơ trong sáng và cao đẹp, vun đắp tình người, tình cảm gia đình và tình yêu thiên nhiên cho tâm hồn trẻ thơ.
Từ thuở nằm nôi, những bài hát ru và các làn điệu dân ca quen thuộc đã đi vào tận giấc ngủ của từng trẻ thơ, với những giai điệu ngọt ngào, nhẹ nhàng, êm ái, chất chứa đầy tình thương yêu. Bài hát ru không chỉ giúp con say giấc mà còn là sợi dây gắn kết tình mẫu tử thiêng liêng giữa con và mẹ. Được nghe giọng hát ngọt ngào của mẹ, với cảm giác an toàn trong hơi ấm thân quen, trẻ thơ sẽ từ từ đi vào giấc ngủ ngon với nhiều giấc mơ đẹp. Dù trẻ thơ chưa hiểu gì nhưng âm hưởng của những bài hát ru vẫn gần gũi thân thiết với tuổi thơ, tạo nên khung cảnh thoải mái nhẹ nhàng, hình thành nhận thức nơi trẻ, giúp tâm hồn trẻ cảm nhận niềm bình an và hạnh phúc:
Con cò, cò bay lả, lả, bay la,
Bay từ từ cửa phủ, bay ra, ra cánh đồng.
Tình tính tang, là tang tính tình… (Bài Cò Lả – Dân ca Quan họ Bắc Ninh)
Hay lời ru Nam bộ:
Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẻo gập gềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học mẹ đi trường đời…
Bằng những vần thơ nhẹ nhàng hoặc xuất phát từ kho tàng Ca dao Tục ngữ của dân tộc, lời ru ngày qua ngày cứ thầm dần vào tâm hồn trẻ, hình thành trong trẻ phong cách ngôn ngữ dân tộc, và làm nên nét bản sắc văn hóa riêng biệt. Nhiều câu hát ru thực chất là những bài học giáo dục đạo đức sâu sắc đối với trẻ, giúp trẻ lớn lên biết trọng nghĩa tình và biết mở lòng giúp đỡ người khác:
“À ơi! Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. (Công cha như núi Thái Sơn (Hát ru) – Dân ca). Hoặc câu:
“Ầu ơ… Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Đến tuổi đi nhà trẻ, các bài hát thiếu nhi dẫn các bé vào khung trời cổ tích với những hình ảnh sinh động về thiên nhiên, hoa lá, các con vật… Những dòng nhạc vui tươi bình dị hình thành nên nhân cách sống của trẻ cùng với tình yêu gia đình, là sự gắn kết với những tình cảm thiêng liêng nhất của con người :
“… Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi. Và mẹ em chỉ có một trên đời…”
(Chỉ có một trên đời – Trương Quang Lục)
Hoặc:
Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba.
Cả nhà ta cùng yêu thương nhau, đi xa là nhớ gần nhau là cười…
( Bài Cả nhà thương nhau – Tác giả: Phan Văn Minh)
Nhạc thiếu nhi cũng góp phần xây dựng nơi trẻ em tình yêu mến thiên nhiên và môi trường xung quanh, dạy cho trẻ em những hiểu biết về đời sống thực tiễn, giúp trẻ nhận thức về những giá trị văn hóa tinh thần của gia đình và xã hội… Các loài vật nhỏ bé, dễ thương, cả chim chóc, côn trùng… đều trở nên gần gũi thân quen với trẻ em qua những ca từ trong sáng và những giai điệu rộn ràng, vẽ nên những hình ảnh thật sống động. Bằng trực giác, trẻ có thể cảm nhận được bao giá trị tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày. Những âm hưởng đó tác động trên tâm hồn trẻ em, giúp hình thành lòng nhân ái và khả năng ngạc nhiên, ưa thích tìm hiểu mọi sự vật của trẻ:
Kìa chú là chú ếch con có hai là hai mắt tròn
Chú ngồi học bài một mình bên hố bom kề vườn xoan…
( Chú Ếch con – Phan Nhân)
Hay
Chị ong nâu nâu nâu, chị bay đi đâu đi đâu?
Bác gà trồng mới gáy, anh mặt trời mới dậy
Mà trên những vườn hoa, em đã thấy chị bay…
( Chị Ong và em bé –Tân Huyền)
Nhiều bài hát thiếu nhi còn giúp chắp cánh ước mơ cho trẻ thơ, giúp các em có những mong muốn cao đẹp, bồi đắp nơi các em tình yêu quê hương đất nước, yêu ông bà, cha mẹ, thương mến thầy cô, mái trường và bạn bè, hướng các em tới những tình cảm trong sáng, cao cả và lành mạnh… Đó sẽ là động lực giúp cho các em có được đời sống tinh thần phong phú và lý tưởng sống tốt đẹp sau này.
Bố là tàu lửa, bố là xe hơi. Bố là con ngựa em cưỡi, em chơi.
Bố là thuyền nan cho em vượt sóng. Bố là sông rộng cho thuyền em bơi.
Bố, bố là bờ đê cho em nằm ngủ. Bố, bố là phi thuyền cho em bay vào không gian.
(Bố là tất cả – Thập Nhất)
Cũng có những ca khúc thiếu nhi rất vui tươi, dí dỏm, ngộ nghĩnh, với những ca từ gợi hình và giai điệu nhóng nhảy, ví dụ như “Bà còng đi chợ trời mưa, cái Tôm cái Tép đi đưa bà còng…” (Bà Còng đi chợ – Phạm Tuyên).
Hoặc
“Ba bà đi bán lợn con bán đi chẳng được lon ton chạy về… (Ba bà đi bán lợn con – Lê Cao Phan)
Hay bài dân ca Bắc kim thang :
“Bắc kim thang cà lang bí rợ. Cột qua kèo là kèo qua cột. Chú bán dầu qua cầu mà té. Chú bán ếch ở lại làm chi. Con le le đánh trống thổi kèn. Con bìm bịp thổi tò tí te tò te”... Những bài này được rất nhiều em nhỏ yêu thích vì nó gợi lên trong các em những hình ảnh bình dị, gần gũi, và khơi gợi những niềm vui đơn sơ. Điều đó sẽ góp phần hình thành một nhân cách tốt với tư duy tích cực, sáng tạo, cũng như trí tưởng tượng phong phú và khả năng hài hước nơi trẻ em.
Trong các dịp Lễ hội dân tộc khác nhau, nhạc thiếu nhi Việt Nam cũng chuyển tải đến trẻ thơ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, luôn trân trọng những giá trị đạo đức “Tiên học Lễ - Hậu học Văn” của con người Việt Nam qua bao thế hệ. Có những bài giúp dạy cho trẻ lòng biết ơn đối với cha mẹ thầy cô, như bài Bông hoa mừng cô – Tác giả: Trần Thị Duyên;
“Mồng tám tháng ba, em ra thăm vườn, chọn một bông hoa xinh tươi tặng cô giáo…”. Có những bài giúp các em không theo những giá trị xấu, không đòi hỏi cho mình, không sống ích kỷ, mà biết chia sẻ cho người khác, biết nghĩ đến công khó của cha mẹ, như bài Bé chúc Tết – Vũ Hoàng:
“Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ. Cành mai vàng bên cạnh đào tươi. Tết năm nay bé thêm một tuổi. Chúc ông bà sức khỏe vui tuổi già. Chúc ba mẹ sức khoẻ nhiều nhiều. Chúc anh chị thương bé nhiều nhiều. Nhưng bé lớn rồi bé không thích lì-xì…”
Hoặc bài Bé chơi Trung thu –Nguyễn Văn Chung:
“Bé hát bé ca với các bạn bè. Ngôi sao sáng trong lồng đèn nhỏ bé. Bé muốn nụ cười đến với mọi người. Ai ai cũng vui bé càng thấy vui”... Như vậy nhạc thiếu nhi làm rộn ràng không khí lễ hội nhưng vẫn có thể đảm nhận nhiệm vụ giáo dục, tạo nên nơi trẻ thơ một tâm hồn vui tươi và một nhân cách lành mạnh, khả năng sống tương giao bạn bè và cộng tác với mọi người.
Nhìn chung, kho tàng âm nhạc thiếu nhi Việt Nam khá phong phú và có giá trị. Ngay trong thời kỳ bùng nổ các phương tiện truyền thông như hiện nay với nhiều chương trình giải trí nước ngoài muôn màu muôn vẻ, ca nhạc thiếu nhi Việt Nam vẫn được yêu thích với nhiều cách trình tấu sống động, có sức hấp dẫn với trẻ em và có chỗ đứng nhất định trong các loại hình hoạt động văn hóa khác nhau. Qua nhiều thời đại, dòng nhạc thiếu nhi vẫn không ngừng góp phần bồi dưỡng tâm hồn và trí tuệ cho những mầm non tương lai của đất nước, hình thành nơi trẻ nhân cách tốt đẹp hướng đến chân - thiện - mỹ, với những ước mơ cao thượng:
Vườn ươm mến yêu ơi, sớm chiều em say sưa.
Những búp non tươi đẹp rực trong nắng mai hồng.
Rồi năm tháng trôi qua, từng đàn chim cất cánh.
Ước muốn xây đời vui giữa bao hồn thơ. (Ước mơ xanh – Lê Giang)
Âm nhạc thiếu nhi có tầm ảnh hưởng rất quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ như thế. Tuy nhiên vẫn còn đó những hiện tượng đáng trăn trở cho những ai quan tâm, vì ngày nay có nhiều sân chơi thiếu lành mạnh, cổ võ trẻ em sử dụng những loại nhạc không phù hợp với lứa tuổi. Nhiều phụ huynh không hề nhắc nhở mà còn cảm thấy tự hào khi con mình còn nhỏ mà hát những bài tình cảm yêu đương và ăn diện, nhảy nhót, biểu cảm như người lớn. Nhiều em nhỏ ưa hát những bài nước ngoài, không phải cho trẻ em, mà là những ca khúc tình yêu mãnh liệt. Ngày nay, chuyện trẻ con chạy theo thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc lệch lạc, lai căng như nghe nhạc chế, nhạc thị trường, thích hát nhạc người lớn không còn là chuyện hiếm.
Vì thế, việc đầu tư phát triển âm nhạc thiếu nhi là điều chính đáng và cần thiết, nhằm giúp cho trẻ được tăng trưởng lành mạnh. Nhưng hiện nay trong các sáng tác âm nhạc, rất khó tìm ra những bài hát hay cho trẻ em. Thực trạng sáng tác ca khúc cho thiếu nhi rất thưa thớt, ít bài mới và thiếu bài hay. Các ban ngành và cơ quan truyền thong; báo, đài cần cổ vũ việc xây dựng nhiều chương trình nhạc thiếu nhi phù hợp với lứa tuổi; những sân chơi âm nhạc lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi, giúp các em sống những năm tháng của tuổi thơ với tất cả sự hồn nhiên, trong sáng.
Ước mong tất cả những người có trách nhiệm biết chung tay góp sức khắc phục những vấn đề hiện nay, và tìm nhiều phương cách cổ vũ những hoạt động nghiêm túc trong sáng tác, nghiên cứu, lý luận, đào tạo, biểu diễn và quảng bá âm nhạc thiếu nhi. Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin hiện đại, cần tổ chức những chương trình ca nhạc thiếu nhi đa dạng phong phú, cũng như những sân chơi lành mạnh bổ ích và phù hợp với trẻ. Như thế mới có thể phát huy tác dụng của âm nhạc thiếu nhi trong việc bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ, làm nên một thế hệ tương lai tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu dân tộc…
Cây có rừng bầy chim làm tổ.
Sông có nguồn từ suối chảy ra,
Tim mỗi người là quê nhà nhỏ,
Tình nồng thắm như mặt trời xa…
(Em là hoa hồng nhỏ – Trịnh Công Sơn).
Nhạc sĩ Nguyễn Cao Nguyên
Phó Trưởng phòng Văn nghệ Giải trí Đài PTTH Lâm Đồng