Phát huy hiệu quả di sản "Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" để phát triển văn hóa - du lịch thời kỳ hội nhập

09:03, 08/03/2018

Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống tinh thần, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên. 
 

Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống tinh thần, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên. 
 
Các cấp, các ngành, các đoàn thể trong tỉnh Lâm Đồng tích cực triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2009 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2015” do UBND tỉnh phê duyệt ngày 9/7/2009. Thực hiện Đề án đạt kết quả tích cực, đặc biệt là việc hình thành, duy trì và phát triển các đội, nhóm cồng chiêng ở hầu hết các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Ngoài ra, còn có 16 đội, nhóm cồng chiêng được thành lập tại các khu, điểm, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Đạ Huoai, Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt. Các đội, nhóm thường xuyên tổ chức hoạt động biểu diễn phục vụ nhu cầu tìm hiểu, giao lưu văn hóa của du khách. Qua đó, góp phần nâng cao niềm tự hào về những di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng. 
 
 Tuy đạt một số kết quả tích cực, nhưng việc thực hiện Đề án vẫn gặp một số khó khăn như: Sự mai một về phong tục tập quán, phương thức lao động sản xuất và môi trường sinh hoạt văn hóa bị thay đổi. Nhiều giá trị văn hóa, văn nghệ, làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống mai một theo thời gian. Nhận thức của một số cán bộ, người dân trong giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống còn hời hợt, thiếu chú trọng. Bên cạnh đó, không gian diễn xướng văn hóa cồng chiêng bị thu hẹp, các nghi lễ truyền thống không còn được duy trì thường xuyên. Việc sử dụng giá trị di sản văn hóa cồng chiêng vào các hoạt động lễ hội hoặc phục vụ kết hợp phát triển du lịch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; phát sinh một số đội, nhóm cồng chiêng hoạt động mang tính tự phát, có xu hướng thương mại hóa và thiếu chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống. 
 
Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các cấp chính quyền, cộng đồng và chủ nhân di sản văn hóa trong việc giữ gìn, bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; từng bước khôi phục các giá trị Không gian trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở Lâm Đồng, góp phần phát triển văn hóa - du lịch trong thời kỳ hội nhập,  ngày 22/2/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 296/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020”. 
 
Theo đó, các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh; Tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Không gian; Đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy Không gian; Hoàn thiện cơ chế, chính sách trong công tác bảo tồn và phát triển; trong đó, quan tâm chính sách đãi ngộ cụ thể đối với các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc giữ gìn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực theo hướng kiện toàn nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc từ tỉnh đến cơ sở; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số.  
 
LAN HỒ