Sữa đỏ

09:03, 29/03/2018

Giữa khuya, sương đêm rơi bì bõm trên tàu lá. Một giọt sương long lanh khi được ánh trăng tháng sáu rọi vào. Đồng khuya thinh vắng, tiếng cuốc kêu, tiếng gió xô những chiếc lá va vào nhau xào xạc. Chốc lát tiếng dưa nứt làm đôi vang lên giòn giã trong không gian. Mùi dưa ngọt mật ngạt ngào. 

Giữa khuya, sương đêm rơi bì bõm trên tàu lá. Một giọt sương long lanh khi được ánh trăng tháng sáu rọi vào. Đồng khuya thinh vắng, tiếng cuốc kêu, tiếng gió xô những chiếc lá va vào nhau xào xạc. Chốc lát tiếng dưa nứt làm đôi vang lên giòn giã trong không gian. Mùi dưa ngọt mật ngạt ngào. Dường như có một dòng sữa đỏ tươi trào ra trong từng thớ dưa mọng nước, dòng sữa đỏ chảy qua đám cỏ mềm rồi êm đềm trôi xuống bờ lưng trần trụi của Vĩnh. Vĩnh tỉnh dậy thấy mình nằm trên cỏ, sương với đất trộn lẫn vào nhau tạo thành một thứ bùn đặc sệt, ươn ướt. Cổ họng Vĩnh khô khốc, cậu há miệng ra rồi ngậm lại mấy lần mong chờ giọt sương rơi vào nhưng vô vọng. Tay Vĩnh nỗ lực bươn quào nắm chặt chiếc lá trong tay, chiếc lá dập nát, mùi diệp lục ngai ngái bay lên. Cậu cảm giác toàn bộ cơ thể đang quằn quại trong cơn đau, vết thương rỉ máu, vết bầm, vết của gai góc cứa vào da thịt Vĩnh tê tái dưới cái lạnh giá của đêm khuya. 
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Vật vã mãi cuối cùng tay Vĩnh chạm được vào một vật gì tròn vo, bóng lưỡng. Tròn như trái banh Vĩnh tranh với lũ trẻ trong làng thuở còn tấm bé. “Trời ơi, dưa”, Vĩnh reo thầm, sự thèm thuồng tan chảy trong khuôn miệng buôn buốt của cậu. Khát thế này mà có quả dưa nhâm nhi thì còn gì bằng? Vĩnh tự nhủ: Giá mà có mẹ ở đây, chắc chắn mẹ sẽ lấy con dao trong bếp bổ dưa cho cậu ăn, Vĩnh sẽ nhai ngấu nghiến, sẽ húp vòn vọt cái chất ngọt thanh tao màu đỏ cho căng bụng mới thôi. Sực nhớ ra điều gì, Vĩnh thổn thức gọi: “Mẹ, mẹ ơi!...”. Tiếng Vĩnh đứt quãng, Vĩnh cố hít một hơi thật sâu lấy sức rồi gân cổ gọi thêm lần nữa: “… Mẹ…!”. Bốn bề im bặt. Ngọn gió vờn qua lay chiếc lá vật vờ trong màn đêm. Thực tại phũ phàng, mẹ vụt tan vào đêm. Mắt Vĩnh ầng ậng nước. Cổ họng rát buốt, Vĩnh cầm nắm bàn tay dùng hết sức bình sinh của mình bổ mạnh vào quả dưa. Cậu bổ được hai, ba lần bỗng nghe tiếng “bụp” giòn rụm vang lên. Dưa nứt, những mảnh dưa vỡ ra nằm ngổn ngang trên đất bùn. Vĩnh mừng trong bụng. Cậu sờ soạn lẩm bẩm đếm được ba mảnh, nước chảy thành dòng, cậu run run nắm chặt một dòng rồi cho vào trong miệng. Bỗng Vĩnh thấy đầu lưỡi mình mặn chát, bên trong dợn lên một thứ nước dưa đỏ lòm, hương vị kì quái nửa như bùn, nửa như máu. Cậu nôn thốc nôn tháo. Mùi dưa ấy không giống như mùi của những quả dưa ngày xưa Vĩnh ăn trong lần đi ngang qua ruộng dưa xanh tít tắp, thơm nức mũi. Cũng chẳng giống vị dưa Vĩnh thưởng thức trong cái đêm đen đúa kinh hoàng...
 
Nửa đêm, gió thốc. Gió cuối mùa thổi vù vù bên tai, gió như trăm ngàn sợi dây vô hình giăng mắc trong đêm sương, xé toạc những ngọn dưa đang rập rờn nhảy múa. Vĩnh mơ hồ nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc của mẹ, chạy mãi, chạy mãi. Đôi chân Vĩnh đạp nát những quả dưa, nước dưa lành lạnh chạy ngược từ bàn chân lên tận phía sau gáy. Mẹ thở hồng hộc, Vĩnh cũng thở, anh hỏi:
 
“Mình chạy đi đâu, hả mẹ?”.
 
Mẹ Vĩnh lắp bắp:
 
“Mẹ không biết. Cứ chạy đi, con!”.
 
Vậy là Vĩnh chạy theo mẹ, trên trời đen, mặt đất đen, khoảng không ở giữa cũng đen. Đôi lúc mồ hôi túa ra khiến tay Vĩnh trơn tuột khỏi bàn tay của mẹ. Mẹ hốt hoảng chộp vào màn đêm, cậu chới với, trong khoảng khắc tay cậu chạm được vào tay mẹ. Bàn tay mẹ lúc này lạnh cóng, không phải bàn tay ấm áp vẫn thường vỗ lưng Vĩnh ngủ mỗi đêm dài. Vĩnh bật khóc:
 
“Chân con đau quá, con chạy hết nổi rồi mẹ ạ!”.
 
“Trời ơi, chạy đi mà!” - mẹ mếu máo - “Mẹ van. Đừng gục ngã…”.
 
Vĩnh khuỵu xuống rồi đứng lên chạy tiếp, mấy lần như vậy. Được một quãng thì Vĩnh lạc mẹ, một mình bơ vơ giữa đêm tối không người. Và… Vĩnh ngất. Con cuốc ăn đêm kêu thẽ thọt ngoài bờ sông vọng về buồn đứt ruột tan gan. Cậu uốn éo môi miệng định gọi mẹ thêm lần nữa, để mẹ nghe, để mẹ biết được con mẹ đang chơi vơi giữa đồng dưa ma mị. Trước lúc lịm người Vĩnh vẫn còn ngửi thấy mùi dưa thơm cuộn tròn trong đêm đen tịch mịch. Cái mùi dưa ấy, thơm tho gì đâu mà cứ bám riết lấy Vĩnh từ đoạn đời này đến đoạn đời khác, từ phong ba này đến thăng trầm khác rồi trở về ngay trong lúc Vĩnh cô đơn cùng tận. Vĩnh nằm trên đám dưa xanh, giấc mơ chập chờn gọi thức những tháng năm ngọt ngào buồn tủi...
 
Đâu đó ngày cũ, Vĩnh khát khao được một lần nằm giữa đồng dưa để thỏa thuê đón những dòng sữa đỏ ngọt ngào thấm vào gan ruột. Người ta nói ước mơ là điều chưa có trong hiện tại nhưng chắc chắn sẽ có trong tương lai. Và khát khao tận hưởng hương thơm ngạt ngào của dưa mọng đầu mùa đã thật sự đến với cậu trong đêm sương. Anh đón lấy mùi hương, vị ngọt, những dòng sữa đỏ… không bằng niềm vui mà bằng nỗi đau, roi đòn, cô độc. Càng về khuya, thanh âm con cuốc kêu sương càng thắt thẻo vi vút lưng trời, mơ màng gieo vào giấc mộng của anh cung bậc u sầu, lạc lõng.
 
Mùa êm đềm trôi. Những ngày vào mùa, tiết trời thường lạnh. Chiều đến bằng ngọn gió thổi vùn vụt từ ngoài đồng vào trong nhà mang theo hương dưa chín rộ. Người làng í ới gọi nhau mau mau ra đồng hái dưa để kịp cân cho thương lái. Ghe thương hồ vẫn thường lui tới quãng sông này, thong thả neo lại ít hôm rồi nổ máy rời bến. Mùa về không vội vã, tín hiệu báo mùa là chim xanh ríu rít gọi bạn tình trên cây chùm ngây đầu làng. Quả dưa to tròn, đầy đặn, chỉ cần một tác động nhỏ của con chim chào mào vô tư sà xuống đất mổ lấy mổ để lập tức vỡ ra, văng tung tóe. Vẩn vơ tiếc rẻ, người làng đua nhau ra ruộng cắt dưa rồi dùng xe đẩy chuyển về chất trước sân nhà. 
 
... Vĩnh bật người ngồi dậy. Căn nhà vắng tanh, ánh đèn dầu chong ở đầu giường tỏ một quầng chập chờn in hình lên vách lá. Mọi đêm cậu vẫn thường nghe tiếng mẹ ho, nhất là những khi đêm gần về sáng. Cơn ho ấy cứ tái đi tái lại hành hạ mẹ qua từng mùa. Ho thì mẹ ra đồng cắt cỏ trứng vịt, bạch hoa thảo về giã nhuyễn lấy nước mà uống. Mấy lần Vĩnh kêu mẹ ra trạm y tế khám cho mau khỏi, mẹ chần chừ rồi lại thôi. Vĩnh biết mẹ sợ tốn tiền. Vĩnh lớn lên, lưng mẹ dần còng xuống, sức mẹ yếu dần. Mẹ như bóng mây chiều không che nổi hoàng hôn. Nửa đêm, cậu hốt hoảng chạy đi tìm mẹ, tìm khắp nhà rồi theo con đường mòn chạy ra đồng dưa hun hút. Bóng đêm đặc quánh, u huyền. Bóng đêm muôn đời ẩn chứa một ma lực mà bất kì ai, bất kì một nhà khoa học nào cũng không thể lí giải được uy lực muôn đời của nó. Một ngọn đèn lơ thơ giữa đồng. Ánh lửa được bọc kín bốn bên chỉ chừa một lỗ nhỏ phía bên trên khiến gió không thể len vào thổi tắt. Đèn sáng, bóng ai lom khom làm công việc gì mà khuôn mặt gục như tủi, như hờn, như gánh nhục nhã trên đôi vai gầy còm xơ xác. Vĩnh ngớ ngẩn:
 
“Trời, mẹ đang làm gì dưới đó, hả mẹ?”.
 
“Suỵt”. Mẹ ra hiệu, Vĩnh im lặng trong chốc lát, anh ngây người, đứng như chôn chân chân vào đêm. Bỗng dưng cổ họng Vĩnh nghẹn, cậu nấc nấc rồi nói dấp:
 
“Mẹ trộm à? Mẹ đi trộm dưa của người ta hả mẹ?”.
 
“Trộm”, chữ ấy có cay nghiệt chi đâu mà xoáy sâu vào tim mẹ đau điếng. Phải chăng chữ “trộm” vốn dĩ mang nỗi nhục nhã ê chề, trời cho người đôi bàn tay là để làm lụng dẫu vất vả gian lao chứ không phải đi tận hưởng thành quả của người khác trong âm thầm, lén lút? Mẹ nhìn quả dưa trên tay rồi nhìn chăm chăm vào Vĩnh. Trong đêm tối mịt mờ, mắt mẹ đọng hai hạt nước trong ngần, sáng lóa. Hình như khi người ta lạc cảm xúc theo chiều thương đau, bất lực, sức mạnh nội sinh sẽ giảm dần. Quả dưa trên tay mẹ rơi xuống đất, tiếng “bụp” vang lên. Mẹ trố mắt nhìn dưa vỡ tan, dòng nước thấm vào trong đất. Người bà đà giấu nước mắt vào đêm. Kẻ tóc xanh lần thời gian qua từng hạt sương của trời hay của mắt. Thảo nào mấy hôm nay gạo trong khạp vun đầy, chiếc áo sơ mi cũ xì rách tươm của Vĩnh được thay bằng cái áo mới, mùi lần hồ còn vẹn nguyên trên vải. Vĩnh hỏi thì mẹ cười, mẹ bảo dành tiền rồi mua. Mà áo mẹ vẫn rách. Vĩnh thắc mắc. Mẹ lại lặng im. Trong khoảnh khắc mặt đất và bầu trời được bao trùm bởi tối tăm, tịch mịch, khoảng cách giữa mẹ và Vĩnh là khoảng cách giữa hai trái tim, chỉ có mấy bước thôi mà tưởng như vời vợi. Vĩnh cố kìm nén lòng mình, giọng run run như sắp khóc:
 
“Về thôi mẹ!”.
 
Nhưng không kịp nữa rồi...
 
Đoàn người tay đuốc tay dao vung lên sáng loáng đang từ từ tiến tới. Tim Vĩnh như rơi xuống hố sâu không đáy. Vĩnh vọt miệng:
 
“Thổi đèn đi mẹ. Nhanh lên!”.
 
Mẹ thổi “phù” một cái, đèn nhấp nháy ngọn lửa rồi tắt hẳn. Vẫn còn ánh sáng ngọn đuốc rực một vùng đồng soi đường cho người làng tìm ra kẻ đã hái trộm dưa của họ khiến vụ mùa hao hụt. Và họ nhìn thấy mẹ: mái tóc rũ, mặt hốc hác, dáng vẻ tiều tụy, yếu ớt… Ai đó la:
 
“Bắt lấy nó, quân ăn trộm”.
 
Mẹ giật mình nắm lấy đôi bàn tay của Vĩnh, hét:
 
“Chạy con!”.
 
Và họ lao vào màn đêm...
 
Màn đêm như cuộc đời. Mẹ con Vĩnh như thân củi: một tươi rói, một khô ran, đang bềnh bồng ngụp lặn. 
 
Những nhát đánh giáng xuống bờ lưng của người đàn bà tội nghiệp. Phình phịch. Khóc. Van xin. Tiếng chửi… Tất cả hợp thành một thanh âm hỗn loạn, tạp nham. Ở đó không có chỗ cho lòng vị tha. Ở đó, người ta chỉ nghĩ về những tờ giấy xanh đỏ mà bỏ quên điều chân thành nhất trong cuộc đời. Trong đớn đau, cậu nghe được tiếng mẹ:
 
“Vĩnh ơi, có sao không con?”.
 
Vĩnh không đáp. Mẹ hỏi tiếp, gọi để biết con của mẹ có còn tồn tại trên đời này hay không. Để mẹ chở che. Để mẹ gánh chịu. Mẹ choàng người ngang cơ thể Vĩnh. Anh đẩy mẹ ra, choàng ngược lên trên. Trong đớn đau tột cùng, người mẹ vẫn gắng gượng bảo vệ đứa con của mình trước đòn roi uy lực. Tận bến bờ của tủi nhục, đơn côi, đau đớn, thiên chức của người mẹ trở nên mãnh liệt hơn; trái tim người mẹ tỏa sáng hơn bao giờ hết. Mẹ vùng dậy, mẹ xô những người máu lạnh kia ra nhanh tay kéo Vĩnh chạy vùn vụt trong biển đêm đầy gió, vừa chạy vừa nói:
 
“Chạy thôi con, rời khỏi làng, mẹ con mình sẽ làm lại cuộc đời”.
 
Vĩnh trách:
 
“Mẹ trộm chi để mình khổ thế này!”.
 
Mẹ sựng lại, đắng nghẹn. Không chần chừ thêm nữa, mẹ nắm tay Vĩnh chạy tiếp. Vĩnh thấy lòng ân hận vô cùng khi nói ra cái lời trách oán… Có đôi lần người ta lạc mất nhau. Chỉ vì một lời nói…
 
Chạy được một đỗi, Vĩnh cảm nhận bàn tay mình trống hoác. Quay lại không thấy mẹ đâu. Vĩnh bàng hoàng gọi mẹ, tiếng Vĩnh xé nát màn sương phủ mờ, vẫn chưa ra khỏi đồng dưa. Chỗ bị đánh túa máu, gai nhọn đâm vào khiến Vĩnh không thể nào lê chân đi được nữa. Vĩnh khóc:
 
“Mẹ ơi, trời ơi! Mẹ tôi đâu rồi?”.
 
Giá mà trời sáng.
 
Mà trời có bao giờ nuông theo ý người. Thực tại phũ phàng, đêm đen vây kín thời gian. Vĩnh định trở lại tìm mẹ nhưng Vĩnh không tài nào đi nổi nữa. Và gục ngã. Và ngất lặng. Bóng mẹ chập chờn…
 
Buổi sáng hôm ấy, nắng vẫn ngập đầy đồng. Chỗ vần vã đêm qua lá dưa dập nát, bùn đất nhầy nhụa, dưa vỡ tan tành. Không biết nước dưa, máu hay nước mắt mà trộn lẫn vào nhau chảy thành dòng thấm vào trong đất. Vĩnh tỉnh dậy, bây giờ Vĩnh không còn khát khao vị dưa đỏ lòm ấy nữa, thứ mà Vĩnh khát khao là tình mẹ, là chuyến trở về với độ lượng bao dung. Mẹ phải trở về để Vĩnh nói lời xin lỗi, để cậu hôn lên vết thương đêm nào mẹ choàng người nhận đau để Vĩnh được bình an, lành lặn. Vĩnh sẽ sờ vào khuôn mặt lấm tấm nếp nhăn của mẹ, khuôn mặt mà Vĩnh chưa bao giờ chạm bàn tay để đến thời gian chảy xuôi qua cuộc đời của mẹ.
 
Vĩnh trở ngược đồng dưa. Làng xa, người lạ.
 
Người ta đồn đêm hôm trước có người đàn bà ngất xỉu bên đồng dưa mọng nước. Một người đàn ông tốt bụng rộng lòng cứu lấy bà ta rồi đưa vào trạm y tế xã. Tình yêu thương là điều sau cùng tồn tại trong cuộc đời. Vĩnh thấy tim mình se lại. “Một người đàn ông tốt bụng”, một tấm lòng, chở che và bình an. Dẫu Vĩnh chưa gặp lại mẹ, chưa gặp mặt người đàn ông để nói lời cảm ơn, nhưng trong Vĩnh có một cảm giác ấm áp lạ thường. Hình như là ba. Ba đã từng biến mất đột ngột trong cuộc đời mẹ con Vĩnh, lẽ nào ba đã trở về? Lẽ nào?... Cuộc sống vốn dĩ không có đáp án.
 
Lòng Vĩnh nôn nao. Cậu chạy về phía con đường nhỏ, băng ngang bờ mương. Bên kia bờ, ngôi nhà gỗ nằm cạnh dòng sông, dưới bến có chiếc xuồng con con không bao giờ buông bờ đi mãi. Thấp thoáng đâu đó là bóng dáng của những người thân yêu đã từng ra đi và trở về như một lời hẹn ước…
 
Truyện ngắn: HOÀNG KHÁNH DUY