"Thế là không còn kiêng vì đã xong rồi/ Thế là không còn nợ nần vì đã xong rồi" - Lời khấn của sắc tộc J'rai cho con người khi mất đi.
“Thế là không còn kiêng vì đã xong rồi/ Thế là không còn nợ nần vì đã xong rồi” - Lời khấn của sắc tộc J’rai cho con người khi mất đi.
Cánh rừng
Brê Bộch (rừng Ma - tiếng Mạ, M’Nông, S’Tiêng;
Ilàng Keak - tiếng Sê Đăng) nào cũng nằm về phía Tây cả, cách xa các bon, plei, buôn. Và càng xa hơn khi hồn người chết (Ma) ở đây rời hẳn khỏi cái xác dưới đất để về nơi “phía Tây” hơn nữa, “phía bên kia”, “về đằng Tây”. “Phía bên kia”, “đằng Tây” là chỗ nào đó tít tắp, “quê hương” của mặt trời lặn, chốn hư ảo, không rõ ràng, mang tính ý niệm, không gian ước lệ, tưởng tượng. Cũng ở trên mặt đất thân thương cả thôi, nhưng cái “phía bên kia” sao mà xa cách, ly biệt. Nên
Brê Bộch nào mà chẳng vắng, hoang, lạnh, mông lung, ủ ê.
|
Người đàn ông sắc tộc Ê Đê đang tạc tượng người phụ nữ giã gạo. Ảnh: N.H.T |
Vật chất “giọt sương”
Để có hành động nhẹ nhàng, đơn giản trong hành trình kết thúc chuyện sinh - tử ở
Brê Bộch này nhờ vào một nhận thức, quan niệm từ trong nguồn cội của họ. Theo quan niệm của người Banarh, Ê Đê, Jrai, hay tương tự, ở bất cứ sắc dân sơn cước Tây Nguyên nào, thì bà Tung là người cai quản “phía bên kia” - cõi “tử” - đó. Quái thay, bà cũng là người cai quản luôn sự “sinh sôi”, cõi sống. Cái “Tấm vải thế gian” mà bà hàng ngày phải làm cái việc dệt này có những sợi chỉ đan thêm vào và những sợi chỉ rút ra, mà mỗi sợi chỉ này tương đương với từng sinh linh (người) được sinh ra/xuất hiện và chết đi/thôi sống. Họ cho rằng, con người cùng mạng sống của người được hình thành từ giọt sương
(Ia Ngom). Khi linh hồn con người
(M’hoar, M’Ngol, M’Ngắt) về sống ở “đằng Tây” đó, từ từ sẽ được hóa kiếp thành con nhện. “Về đằng Tây”, “phía bên kia” là một cõi mang tính ý niệm, tưởng ước. Và con nhện kia trải qua bảy lần chuyển kiếp nữa để trở thành con nhện tử tế và trở lại được mặt đất/cõi người bằng hình hài của giọt sương sau sự hóa thân của cái chết của nó. Giọt sương là “tế bào” đầu tiên, vật chất cơ bản. giọt sương này sẽ lại phải qua bảy lần biến hóa để thành Giọt sương ban mai tinh túy, hoàn hảo nhất. Trên thế gian này, nhiều dân tộc còn bảo tổ tiên mình là mặt trời, mặt trăng, sói, chim đại bàng, rồng, phượng, khỉ, vượn nọ kia… mà. Quá huyền diệu, mơ mộng, nhưng về cấu tạo, sinh học, hóa lý, giọt sương gần với tính vật chất hơn, thuộc về tạo hóa. Giọt sương mai này sẽ đầu thai vào những người cha người mẹ ở thế hệ tiếp nối ở các bon, plei để được sinh ra lại. Một đứa trẻ sinh ra mới chỉ là một sinh vật bình thường, một giá thể, chưa thành “con người”. Mà để thành người thì sinh vật ấy phải được thổi vào linh hồn. Linh hồn là từ nguồn cội tổ tiên tạo ra, đưa đến. Làm lễ nhập hồn, đặt tên, để thần linh thi hành, trao cuộc sống người, chứng giám. Cụ thể sau khi sinh ra, trong ngày, trọng tâm lễ này là việc bà mụ - người đỡ đẻ - dùng một quả cà chấm vào giọt sương lớn lấy từ trên lá cây ngoài trời kia. Rồi đưa quả cà có giọt sương đó để gần miệng đứa trẻ. Vị thần cao thiêng nhất
Kơđei ủy nhiệm cho bà sự thông thái, khả năng nhớ được tên tổ tiên xưa cũ, đã ra đi trong quá khứ, và đọc lên. Đứa trẻ đưa lưỡi ra để liếm uống ở lúc bà mụ đọc như thế khi tên nào trúng lúc nó liếm đến thì hồn tổ tiên đó nhập vào đứa bé, xem như trở lại cuộc đời mới, và lấy tên đó đặt luôn cho đứa bé. Có nhóm sắc dân khác thì thể hiện sự tái sinh diễn qua lúc thổi tai, đặt tên. Bà mụ nhai nát gừng tươi và củ nén trong miệng, trong khi cầm sẵn cuộn chỉ dệt có ống rỗng trên tay. Bà áp cuộn chỉ ấy vào tai đứa trẻ rồi phun nước gừng cùng nén kia vào cuộn chỉ, cùng lúc nói những lời về ý nghĩa, vai trò và sứ phận của con người trong cuộc đời, và mong thần thánh cho sinh linh này thông tai, mãi mãi khỏe mạnh, tai thính, chăm lao động, yêu cuộc sống. Cả hai tai đều được thổi linh hồn vào. Những lời kia thông qua cuộn chỉ và hơi ấm của gừng nén sẽ đi vào cơ thể đứa bé để nó có linh hồn, “tính” người, phẩm trạng người, thành con người. Con người, đứa trẻ, sẽ lớn lên trong sự màu nhiệm của vũ trụ, bao bọc của thần linh trên trời cao, và tình yêu thương, chăm lo của người thân nơi cộng đồng mặt đất.
Cõi… vui
Khi một người thân chết, dĩ nhiên là ai cũng buồn, thương, tiếc, khóc. Nhưng ấy là lúc vừa tắt thở, nhưng khi đã hóa rừng, thành mộ ở
Brê Bộch thì trạng thái đã khác. Ở
Brê Bộch nào cũng chỉ toàn mộ len trong thảo mộc, phơi ra đây đó, dưới bóng cây nguyên sinh. Thiên nhiên, màu xanh lại che chở, vỗ về cho “cuộc ra đi”, như lúc đương sống vậy. Có những khối mộ mới, cùng những khối mộ đang rệu rã, tàn, không còn hình dáng nữa. Những miếng gỗ đẽo vòm lên hình mai rùa để che trên ngôi mộ. Có mộ được che ở bên trên là vài ba miếng ván xẻ xếp dọc theo chiều nấm mộ. Lại có phần mộ được che bằng nửa chiếc thùng phuy sắt được xẻ ra, hoặc miếng tôn. Những căn nhà nho nhỏ bằng cây dại dựng lên, che xung quanh những phần mộ mới chôn không quên làm những con rối rôm rả thả lủng lẳng, hay những cái chuông gió đong đưa. Quanh các khu mộ mới tạo tượng gỗ được đẽo cứ dựng đứng, dựng ngồi, dựng nằm rôm rả. Những tượng gỗ cao chừng một thước rưỡi đến hai thước, rồi một thước, nửa thước, vài mươi phân. Chủ đề được tạc là từ hình thù con khỉ, con chim công rảo bước, con dê, con chim đang bay, đến người đàn bà đang ưỡn có bầu, đôi trai gái trần truồng đang đứng giao hợp, đứa bé đang nằm co trong bào thai, hay người đàn bà đang giã gạo, đang địu con, hoặc một người đang đánh chiêng, đang làm thợ rèn, người khác nữa thì đang ngồi ôm mặt khóc; người lại đang cười toe toét. Rồi cả tượng những người vác xà gạt, binh lính đội nón, đeo súng… Ấn tượng nhất là những tượng mô tả sự hình thành con người đẽo dựng lên vây quanh mộ, và tư tưởng phồn thực được thổi bùng lên. Phồn thực rõ là cội rễ của sự sống, sinh sôi, là điều cao cả nhất. Thứ nghệ thuật điêu khắc và hội họa dân gian, kỳ công đến độ không thể kỳ công hơn, vì nó được người sống lặn lội lên tận rừng tìm gỗ tốt, hình dáng đẹp, mang về để đẽo. Không gian nghệ thuật đầy sức sống, công sức, và cảm xúc như thế, nhưng chỉ vì một điều duy nhất là làm cho người thân vừa khuất được vui, không bóng dáng nghệ thuật thương mại. Chịu chơi đến thế là cùng. Tình thương yêu đồng loại đến thế là cùng.
Khi chưa làm lễ bỏ mả -
Bơ thi (hoặc Pơ thi), hàng ngày người thân đưa cơm ra mộ cúng cho người mới mất đã chôn ở dưới kia. Nhà có món ngon nào thì mang ra món ngon đó. Những lúc này, ngồi bên mộ người chết để người chết không lẻ loi, và tâm sự với họ. Và một ngày, khi gia đình có đủ điều kiện vật chất, kiếm được trâu, bò, dê, heo, gà… thì làm lễ bỏ mả cho người chết. Lúc này thì còn tưng bừng và hoan hỉ hơn nữa, bao tinh túy của nền văn hóa sơn nguyên hiện ra ở đây cả. Từ những vũ điệu đẹp nhất, mơ mộng, tung hứng, phiêu linh, nhập hồn nhất; nhịp chiêng hay nhất; bài yal yau bốc lửa hay sâu thẳm, chua xót nhất, tiếng đing pút, đing năm ngọt ngào, mông lung, cao vời nhất… đều tung ra để làm cho người đã chết thăng hoa, và làm người sống tràn nhựa, rực lửa. Rượu cần ngon nhất được mang đến, và những món ăn đặc trưng nhất được chế biến và đãi nhau lúc này. Cộng đồng già, trẻ, từ người máu mủ đến hàng bon, hàng buôn uống cho say, cho ngất ngây, cho tưng bừng, cho lịm đi, vỡ xòa cõi lặng, xóa tan tính u hoài, trầm mặc của rừng, vũ trụ. Bên cạnh những lời khấn cầu trời đất cho người chết về đến nơi đến chốn ở thế giới mông lung (nơi mù mờ xa xăm), với tổ tiên, và sống với sự chuyển hóa tái sinh thì những sinh hoạt, thanh âm ấy cùng lúc được thổi vào. Như thế này thì cái cõi chết đã không còn là cõi buồn mà đã thành cõi vui. Vui rộn rã từ cơ thể đến tâm hồn. Nó vui, vì con người kia không mất đi mà đang được tái sinh. Vậy thì chốn mồ mả, nghĩa địa là nơi bắt đầu sự sống.
“Mùa thứ ba”
Chỉ có hai tiết trời/mùa ở Tây Nguyên, chứ không bốn mùa rạch ròi như các chốn xứ khác: xuân, hạ, thu, đông. Mùa khô là mùa hủy diệt so với mùa sinh sôi mưa kia, nhưng lại là mùa khởi đầu của tái sinh. Nên người Tây Nguyên mới xem mùa này là mùa hứng khởi nhất. Lao động quần quật mãi suốt thời gian dài của năm, giờ chỉ có dịp này là để vui, nên trong các (làng) plei, bon, buôn mới có thành ngữ:
“Dua păn bơlan bleia hăo/ Rơnang bulan ktang hoă băng klao bơlan” (Chín tháng lao động mệt nhọc ra mồ hôi/ Ba tháng nhàn rỗi vui hội thỏa mái). Như người Banah, họ gọi là
“khêi ninh nơng” (những tháng ngày nghỉ ngơi). Đỉnh điểm của mùa này là diễn ra việc/nhiệm vụ/trò chơi/lạc thú linh thiêng Bơ thi diễn ra khắp nơi. Nên người J’rai mới gọi kỳ này là:
“Bơlan ning nông thông atâu” (tháng nghỉ ngơi đi chơi lễ bỏ ma). Tôi gọi đây là “Mùa thứ ba” ở Tây Nguyên. Có điều mùa này không mô tả tiết trời cơ học, không thuộc về vũ trụ, mà thuộc về con người, ở bên trong, trong chiều sâu - mùa bên trong con người. Các sắc tộc Banah, J’rai, Giẻ Triêng, Sê Đăng, Rơ Mâm, M’Nông, Ê Đê, S’Tiêng, K’Ho, Mạ… đều phải làm cái việc cần thiết Bơ thi - hội hè bỏ ma, mả, người đã chết, và bỏ luôn cái Brê Bộch này đi. Chết ở thời điểm nào trong năm cũng chỉ đến “mùa thứ ba” này mới làm Bơ thi. “Mùa thứ ba” nằm trong mùa khô của quê xứ, thời tiết, vũ trụ, và nó thường vắt từ tháng 11 năm này sang tháng 1 năm sau. Phải bỏ mả để người thân chết được tái sinh. Và tái sinh, như đã nói ở trên là bắt đầu bằng giọt sương sáng vời trong trời đất.
Giờ thì những vườn nghệ thuật điêu khắc lộng lẫy giữa rừng đó cũng cho luôn vào nắng mưa, gió bụi, côn trùng, cỏ cây phá hủy. Tư tưởng này trùng hợp tự nhiên với tư tưởng căn bản của xứ sở xuất chúng nhất trên địa cầu về nhận thức vũ trụ, qui luật vận động trong tự nhiên là Ấn Độ, rằng mọi thứ trong thế gian luôn tồn tại bằng qui luật hủy diệt - sáng tạo (sinh) - và bảo dưỡng, mà con người là động vật có trí tuệ nhất, nhận ra được điều đó, nên phải yêu cả ba đặc tính đó. Thần Shiva là kết tụ mọi tính trạng đó, thế nên các đền tháp ở Ấn Độ, Nepal, Myanmar, Srilanca, Indonesia, Malaysia, Campuchia, và ngay các tháp Chăm ở miền Trung của Việt Nam xây lên là để thờ điều đó. Dù thế gian, các quốc gia, các cộng đồng có cố tình nghĩ về, nhận thức, thái độ, hành xử, lề thói có khác đi để thỏa mãn cái tâm lý trong chuyện sống-chết thì với tạo hóa điều đó vẫn bất biến.
Khi đã làm
Bơ thi là trả hết cho rừng, rừng nuốt thì nuốt đi, vì xác thân con người chỉ là cái giá thể của linh hồn, chất hữu cơ, và tro xác của họ nữa, chỉ là bụi, một thứ bụi trong muôn vạn thứ bụi vạn vật trong vũ trụ này. Nhà nào cũng bỏ, dòng họ nào cũng bỏ, làng, bon, plei nào cũng bỏ. Không phân biệt ma ấy là ma nhà giàu hay ma nhà nghèo, thân phận này, thân phận nọ, xuất thân kia xuất thân đây, trên dưới, to nhỏ. Bỏ mả là người chết (linh hồn họ) được giải phóng. Người M’nông gọi nó là lễ
“Răt phan” (cắt hồn) là ngắn gọn, chính xác mà sâu sắc.
Biết bao nhiêu là
Brê Bộch tôi đã đi qua trong những hai mùa khô, mưa có
Bơ thi hay không
Bơ thi. Nhưng tôi vẫn nhủ mình phải đi qua nhiều nữa, nhiều nữa những nghĩa địa trong rừng này, để hồi tỉnh, mở lòng, mở mắt, về sự mênh mông của cuộc sống, và những điều vi diệu mà đồng loại chúng tôi ở nơi khác từng để mất. Khi Liên hiệp quốc, UNESCO cố gắng làm, trên phạm vi toàn cầu, cho những giá trị hướng vào thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, mà việc thừa nhận, xếp “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là Di sản văn hóa của nhân loại đã làm tôi tin rằng con người rồi sẽ là sinh vật công bằng, thông minh, và tử tế với tạo hóa.
Đến là giọt sương thì “ra đi” như giọt sương.
NGUYỄN HÀNG TÌNH