Từ lâu đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành ngày giỗ trọng của cả dân tộc. Vì vậy, cứ vào dịp mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, người Việt Nam ở nước ngoài đã hành hương về miền Ðất Tổ để cúng giỗ và tham gia lễ hội.
Từ lâu đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành ngày giỗ trọng của cả dân tộc. Vì vậy, cứ vào dịp mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, người Việt Nam ở nước ngoài đã hành hương về miền Ðất Tổ để cúng giỗ và tham gia lễ hội. Và không chỉ người Việt Nam tự hào, mà bạn bè quốc tế khi đến thăm Đền Hùng cũng thật sự xúc động và vị nể về ý thức cội nguồn dân tộc của chúng ta.
|
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Âu Lạc - Khu Du lịch thác Prenn. Ảnh: Phan Nhân |
Truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam được bắt nguồn từ Hùng Vương và các vua Hùng, tạo nên thời đại Hùng Vương. Từ đây, người Việt Nam biết cách đốt nương làm rẫy, dẫn nước làm ruộng lúa và lúa gạo trở thành nông sản chính; biết nấu rượu, dệt vải, may quần áo để mặc, dệt chiếu để nằm; biết làm nhà sàn để tránh thú dữ; tục dùng trầu cau trong gả vợ, dựng chồng... Quốc Tổ Hùng Vương đưa nước ta từ thời kỳ “đồ đá” phát triển sang đồ kim khí, biết đúc đồng, đúc sắt không chỉ để làm đồ dùng, dụng cụ sản xuất, mà còn biết làm ra binh khí đánh đuổi giặc ngoại xâm... tạo nên truyền thuyết Thánh Gióng, mở đầu truyền thống đánh giặc giữ nước hào hùng, oanh liệt của dân tộc.
Hình tượng Hùng Vương là sự hun đúc của truyền thống lịch sử - văn hóa, sự kết tinh của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong văn hóa Việt Nam, được gìn giữ suốt mấy nghìn năm lịch sử; thể hiện đầy đủ, nổi bật ý nghĩa triết lý về sự trường tồn, sức mạnh vật chất và văn hóa trong đời sống của dân tộc ta. Đó là một dân tộc có nguồn gốc “cha rồng mẹ tiên”; là sự giao thoa, nơi hội tụ, hòa hợp của trời và đất tạo thành sức mạnh vô biên để vượt qua mọi hiểm nghèo, thử thách; đồng thời đề cao những giá trị tinh thần nhân văn sống nhân nghĩa, tương thân tương ái, quý trọng tình người, yếu tố cốt lõi làm nên ý nghĩa sâu sắc của ngày Giỗ Tổ. Có thể nói, chỉ có một dân tộc hùng tráng như Việt Nam thì cội nguồn dân tộc mới đạt đến giá trị tâm linh và toát lên ý nghĩa triết lý cao đẹp, trở thành chất keo gắn kết 54 dân tộc anh em thành một khối vững bền. Và hiếm có một dân tộc nào trên thế giới có chung một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta.
Xét về phương diện xã hội, Giỗ Tổ Hùng Vương có một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam; vừa thiêng liêng vừa cụ thể, là sợi dây cố kết cộng đồng, tạo nên truyền thống đoàn kết, lòng tự hào và tự tôn dân tộc từ quá khứ đến hiện tại, rồi cùng nhau đi tới tương lai. Đây cũng đồng thời là chỗ dựa tâm linh cho các thế hệ con người Việt Nam, nơi hòa hợp dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước… Vì vậy, từ xa xưa, lễ hội Đền Hùng đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt Nam. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “... Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng ba) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, ngày 18 tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL- CTN cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Bác Hồ kính yêu đã 2 lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây, Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ đều đã về thăm viếng Đền Hùng. Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi ánh mắt đều nhìn về cùng một hướng.
Điều hết sức đặc biệt là trải mấy nghìn năm lịch sử, trước biết bao biến động thăng trầm, nhưng trong tình cảm và nhận thức của mỗi người dân Việt Nam, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu thờ phụng công đức Tổ tiên và gắn kết họ thành một khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc mà không một thế lực nào có thể phá nổi. Vì thế, người Việt dù sống ở nơi đâu cũng luôn nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba; là dịp để con cháu tưởng niệm, ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên và cội nguồn dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng đã có công dựng nước và các thế hệ nối tiếp nhau kiên cường chống giặc ngoại xâm để gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc. Đúng như Quyết định của UNESCO nêu rõ: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc Tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng từ tiềm thức đến hành động; đã trở thành điểm tựa tinh thần, là nguồn sức mạnh, niềm tin của toàn thể con dân đất Việt… Từ đó thôi thúc mọi người con đất Việt phải sống thật xứng đáng với các vua Hùng, với tổ tiên”. Có thể nói, Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương là một sáng tạo mang tầm kiệt tác của nhân loại, mà trên thế giới hiếm thấy có một đất nước nào có chung một biểu tượng cội nguồn dân tộc như Việt Nam chúng ta.
Vua Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng cho ý chí và sức mạnh - bản sắc văn hóa và điểm tựa tinh thần cho muôn triệu trái tim con dân đất Việt hướng về quê hương, đất nước. Để biểu tượng cao đẹp linh thiêng được mãi mãi trường tồn, thiết nghĩ các hoạt động của ngày Giỗ Tổ phải hết sức thiết thực, thực sự trở thành ngày hoạt động truyền thống, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, “Uống nước nhớ nguồn”, hướng về tổ tiên, cội nguồn dân tộc; giáo dục, định hướng sinh hoạt tín ngưỡng theo những chuẩn mực văn hóa, đạo đức truyền thống. Qua đó, tạo nên động lực tinh thần vượt lên mọi khác biệt, cố kết cộng đồng tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để cùng nhau hướng tới tương lai tốt đẹp của đất nước, để mãi mãi xứng đáng là con Lạc cháu Hồng. Đến ngày Giỗ Tổ, đến với Đền Hùng, chúng ta như được tiếp thêm sức mạnh, ý chí, niềm tin để đoàn kết, tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi thử thách, xây dựng đất nước ta ngày càng “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong ước.
VĂN NHÂN