Lâm Đồng 10 năm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật

08:04, 12/04/2018

Có thể nói, Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) "về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" đã "thổi" vào đời sống văn học, nghệ thuật (VHNT) cả nước nói chung, ở Lâm Đồng nói riêng một luồng sinh khí mới; thể hiện sự quan tâm lãnh đạo sát thực của Đảng đối với văn hóa và VHNT trong toàn bộ chiến lược phát triển đất nước...

Có thể nói, Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã “thổi” vào đời sống văn học, nghệ thuật (VHNT) cả nước nói chung, ở Lâm Đồng nói riêng một luồng sinh khí mới; thể hiện sự quan tâm lãnh đạo sát thực của Đảng đối với văn hóa và VHNT trong toàn bộ chiến lược phát triển đất nước...
 
Xuôi dòng sương khói. Ảnh: Lý Hoàng Long
Xuôi dòng sương khói. Ảnh: Lý Hoàng Long
Để quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 24/10/2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 69-CTr/TU, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở triển khai học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Chỉ đạo các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền những nội dung, mục tiêu cơ bản và các giải pháp quan trọng của Nghị quyết 23-NQ/TW trong cán bộ, đảng viên, hội viên, các văn nghệ sĩ, trí thức trong tỉnh... 
 
 Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ và văn nghệ sĩ trong tỉnh. Nhiều nội dung của Nghị quyết được thực hiện nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo của Đảng đối với VHNT. Công tác quản lý nhà nước về VHNT được thực hiện nghiêm túc, các văn bản quản lý VHNT được ban hành theo thẩm quyền đã giúp cho công tác quản lý về VHNT thực hiện chặt chẽ và hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động VHNT được tiến hành thường xuyên ở tất cả các đơn vị trong tỉnh, kịp thời ngăn chặn và từng bước đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động VHNT. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã thu hút và huy động được đông đảo các thành phần kinh tế, cơ quan, đơn vị, các lực lượng xã hội tham gia, hầu hết các hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra rất sôi nổi. 
 
Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp ở hầu hết các xã, phường, thị trấn và ở các thôn, buôn, tổ dân phố. Toàn tỉnh hiện có 818 đội văn nghệ quần chúng tham gia các hội thi, hội diễn khá sôi nổi phục vụ nhân dân và khách du lịch; có 16 đội (nhóm) cồng chiêng thường xuyên tổ chức hoạt động biểu diễn phục vụ nhu cầu tìm hiểu, giao lưu văn hóa của du khách tại các địa bàn huyện Lạc Dương, Đạ Huoai, Đức Trọng, Bảo Lộc, Đà Lạt. Có 13 đội thông tin lưu động, 3 đội chiếu bóng lưu động miền núi phục vụ nhân dân địa phương vùng sâu, vùng xa; hoàn thành tốt mục tiêu “Đưa văn hóa - thông tin về cơ sở”.
 
Công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo Hội VHNT chú trọng phát hiện, đào tạo, kết nạp hội viên trẻ, người dân tộc thiểu số và học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông trên địa bàn. 10 năm qua, Hội VHNT đã kết nạp 120 hội viên mới, chiếm đa số là hội viên trẻ và người dân tộc thiểu số. Hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng sáng tác VHNT cho hội viên mới và hội viên trong “Câu Lạc bộ Sáng tác trẻ” nhằm giúp hội viên nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng về VHNT; về kỹ năng sáng tác, tạo cơ hội để hội viên trẻ giao lưu, học tập kinh nghiệm...
 
Các chi hội VHNT địa phương trực thuộc Hội VHNT Lâm Đồng thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu giữa văn nghệ sĩ và học sinh, tạo được sự gần gũi, thúc đẩy tư duy sáng tạo VHNT đối với thế hệ trẻ. Việc dạy và học các môn Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật trong trường phổ thông được quan tâm, đổi mới, coi trọng bồi dưỡng, định hướng cho học sinh có năng khiếu về VHNT, đẩy mạnh hoạt động văn nghệ trong nhà trường. Ngoài ra, các nhà thiếu nhi trên địa bàn tỉnh thường xuyên mở các lớp năng khiếu về VHNT để phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng nghệ thuật trong giới trẻ.
 
Hoạt động của Hội VHNT Lâm Đồng ngày càng được đổi mới, đa dạng các chuyên ngành, mở rộng phạm vi hoạt động. Đến nay, Hội VHNT Lâm Đồng đã xây dựng một đội ngũ văn nghệ sĩ với 273 hội viên, sinh hoạt tại 11 chi hội chuyên ngành và các chi hội địa phương, thành lập 4 câu lạc bộ trực thuộc (Sáng tác Trẻ, Nhiếp ảnh Đà Lạt, Thư pháp và Sân khấu - Điện ảnh) với 62 hội viên. Trong 10 năm qua, Hội VHNT đã tổ chức 71 trại sáng tác, thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, thu hút 1.420 lượt hội viên tham dự; văn nghệ sĩ đã sáng tác hơn 4.000 tác phẩm (văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh...); tổ chức cho văn nghệ sĩ tham gia các cuộc thi, liên hoan, triển lãm trong tỉnh, khu vực, trong nước và quốc tế đoạt nhiều giải thưởng cao. Tạp chí Lang Bian đã xuất bản 110 số (trong đó có 17 số chuyên đề về Sáng tác trẻ, biển đảo, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh và các huyện, thành phố trong tỉnh...). Đã đăng tải trên Lang Bian hơn 6.400 tác phẩm của văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh.
 
Đội ngũ văn nghệ sĩ Lâm Đồng đã thể hiện rõ vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; phát huy vai trò phản biện xã hội, đã có những tác phẩm có giá trị ca ngợi, bảo vệ cái tốt, nhân văn; đồng thời, phê phán, đấu tranh với cái xấu, cái ác, nhất là những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch lợi dụng VHNT để tuyên truyền gây hoang mang trong đời sống xã hội. Định hướng các giá trị thẩm mỹ, nhân văn, cổ vũ, động viên nhân dân thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, hướng nhân dân và xã hội đến với Chân - Thiện - Mỹ, các giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc và hiện đại; tập trung “Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). 
 
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế đó là: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp về vai trò, vị trí, đặc trưng của VHNT còn hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, sơ, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết chưa toàn diện, thiếu chiều sâu nên hiệu quả thấp. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với văn nghệ sĩ chưa thường xuyên, nhất là việc tổ chức học tập quán triệt các Nghị quyết của Trung ương thiếu kịp thời. Lĩnh vực lý luận phê bình VHNT còn nhiều hạn chế, thiếu những bài viết chất lượng đấu tranh, phản bác các quan điểm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch. Thiếu những tác phẩm tiêu biểu, phản ánh sinh động đời sống lao động của nhân dân; chưa kịp thời biểu dương những tác phẩm hay, những văn nghệ sĩ tài năng và phê phán những yếu kém lệch lạc trong đời sống VHNT. Trình độ, năng lực, kinh nghiệm của một số cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ còn thiếu và yếu...
 
Xây dựng và phát triển VHNT là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống lao động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ; nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật phục vụ cuộc sống và hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Trong đó, Hội VHNT tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT; đồng thời mở rộng giao lưu, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng tác giả, tác phẩm. Quan tâm bồi dưỡng, phát triển văn nghệ sĩ trẻ tuổi, những tài năng VHNT của tỉnh, nhất là học sinh, sinh viên trong các nhà trường. Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành và các địa phương tổ chức các trại thực tế sáng tác cho văn nghệ sĩ; vận động văn nghệ sĩ tham gia “Giải thưởng VHNT tỉnh Lâm Đồng“ (5 năm/lần), các giải thưởng VHNT hàng năm, các cuộc thi sáng tác VHNT chuyên ngành, các cuộc thi do Trung ương tổ chức; tạo điều kiện thuận lợi nhất để văn nghệ sĩ tự do sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị phục vụ đất nước, địa phương...
 
KIỀU NINH