Nguyễn Tấn Hùng với ca khúc "Tổ quốc ơi! Người đẹp đến vô cùng"

08:04, 26/04/2018

Tháng tư, khi cùng các đồng nghiệp ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay hiên ngang nơi cột cờ Lũng Cú, trong tôi nhịp đập rung lên, bay bổng và tràn đầy cảm xúc. Tôi chợt nhớ đến ca khúc "Tổ quốc ơi! Người đẹp đến vô cùng" của nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng: Tổ quốc ơi! Người đẹp đến vô cùng/ Từ tiếng sáo diều vi vu của tuổi thơ/ Từ câu hát ru à ơi của mẹ/ Từ câu thơ xưa "Nam quốc sơn hà Nam đế cư"... 

Tháng tư, khi cùng các đồng nghiệp ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay hiên ngang nơi cột cờ Lũng Cú, trong tôi nhịp đập rung lên, bay bổng và tràn đầy cảm xúc. Tôi chợt nhớ đến ca khúc “Tổ quốc ơi! Người đẹp đến vô cùng” của nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng: Tổ quốc ơi! Người đẹp đến vô cùng/ Từ tiếng sáo diều vi vu của tuổi thơ/ Từ câu hát ru à ơi của mẹ/ Từ câu thơ xưa “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”... 
 
Đó là những ca từ đẹp được ấp ủ, chắt lọc, khắc họa về một Tổ quốc, về một đất nước, con người Việt Nam để mở đầu cho ca khúc “Tổ quốc ơi! Người đẹp đến vô cùng” của nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng.
 
Trong một lần ghi hình ca khúc này do anh Hà Đào Mừng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Di Linh thể hiện ngay tại cột cờ Lũng Cú và Đất mũi Cà Mau, tôi gọi điện hỏi thăm nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng về bối cảnh sáng tác. Anh đã vui vẻ trả lời: Là một cán bộ công tác trong ngành Văn hóa - Thông tin hơn 30 năm, say mê nghiên cứu văn hóa dân gian, thấm đẫm những trang sử, truyền thống hào hùng của dân tộc nên tôi luôn muốn viết về đề tài ca ngợi quê hương, đất nước. Tôi đã đi rất nhiều nơi trên quê hương Việt Nam và đã có nhiều lần đi ra nước ngoài, tôi nhận thấy rằng chúng ta có một Tổ quốc hào hùng, rạng ngời, tươi đẹp với lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đặc biệt, trong những đợt đi thực tế sáng tác do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng tổ chức, tôi có dịp đến cột cờ Lũng Cú tỉnh Hà Giang; Đất Mũi tỉnh Cà Mau, thăm nhiều cột mốc biên giới... Với những gì được chứng kiến đã thôi thúc tôi viết nên ca khúc “Tổ quốc ơi! Người đẹp đến vô cùng”
 
Đã có rất nhiều nhạc sĩ viết về đề tài Tổ quốc, gợi mở cho ta cảm nhận về không gian, thời gian; cảm nhận về quê hương, về con người với những nét đặc trưng trong giai điệu, ca từ. Với Nguyễn Tấn Hùng, anh viết ca khúc “Tổ quốc ơi! Người đẹp đến vô cùng” bằng ngôn ngữ âm nhạc giàu xúc cảm, sắc thái nồng nhiệt, ca từ gần gũi, đơn sơ nhưng chứa đựng biết bao điều, thể hiện những điểm mới lạ trong phong cách của nhạc sĩ.
 
Có những lúc trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Cao Nguyên - Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Âm nhạc tỉnh Lâm Đồng về ca khúc, anh đồng cảm: Có thể nói ca khúc “Tổ quốc ơi! Người đẹp đến vô cùng” của nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng là một tác phẩm hay về đề tài Tổ quốc, vừa diễn tả được hồn cốt của dân tộc Việt Nam, vừa chứa đựng nét rất riêng của tác giả; vừa diễn tả cái rộng lớn, hùng vĩ lại vừa chứa đựng những hình ảnh gần gũi, thân quen một cách tinh tế; ca khúc có sự hòa quyện giữa âm nhạc và ca từ đã tạo nên một tác phẩm khá tròn trịa, dẫn dắt người nghe đến những miền đất xinh đẹp, thi vị của Tổ quốc. 
 
Với cấu trúc 2 đoạn đơn, ca khúc vừa ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu và dễ nhớ. Mở đầu ca khúc là một câu nhạc vút cao với việc nhảy quãng 8 giữa 2 từ “Tổ - Quốc” như vẽ nên một không gian rộng lớn. Câu nhạc mở đầu ca khúc vừa như một câu hỏi, vừa như một câu cảm thán trước một không gian mà tác giả phải thốt lên: “Tổ quốc ơi! Người đẹp đến vô cùng”; Đồng thời cũng là lời giới thiệu chủ đề, toàn cảnh về ca khúc. Ba câu nhạc nối tiếp như những câu trả lời, đã vẽ nên hình ảnh, âm thanh về một miền quê thân quen, ở đó có “tiếng sáo diều.., câu hát ru à ơi...”
 
Bốn câu tiếp theo là một sự mô phỏng bốn câu đầu. Chính việc sử dụng thủ pháp mô phỏng này đã tạo cho người nghe tăng dần cảm xúc và như nhấn mạnh giai điệu của ca khúc để người nghe nhớ nhiều hơn về ca khúc. Cũng như bốn câu đầu, tác giả tự đặt câu hỏi “Tổ quốc ơi! Người đẹp đến vô cùng”, rồi tự trả lời bằng các câu 6, 7, 8: “Là cánh cò chao nghiêng…, hùng vĩ Trường Sơn…”
 
Sang đoạn 2, tác giả đã tạo một sự tương phản bất ngờ khi thay đổi tiết tấu, giai điệu. Và với thủ pháp chuyển điệu, ca khúc đã tạo cho người nghe có cảm nhận về một không gian khác, một góc khác. Ở đó có tình yêu đôi lứa, có “...Nụ cười tươi trên môi em thơ trên khuôn mặt mẹ già/ Giọt mồ hôi trên vai anh công nhân trên công trường/ và Dáng đứng hiên ngang những chàng trai nơi biên cương, nơi hải đảo xa xôi…”. Với sự duyên dáng, uyển chuyển và như chùng xuống của giai điệu đã làm cho ca khúc chạm gần hơn đến trái tim của người nghe. Đoạn 2 như là một sự khẳng định, xác nhận về một Tổ quốc Việt Nam đẹp đến vô cùng của tác giả, nhưng bằng một cách gián tiếp và khách quan thông qua lời mời “em hãy đi cùng anh ngắm nhìn quê hương ta…” để rồi kết thúc ca khúc bằng một lời khẳng định chắc chắn rằng: “Sẽ thấy Tổ quốc mình đẹp đến vô cùng”. Tác giả cũng sử dụng những thủ pháp nghệ thuật khác như nhảy nốt quãng 4, những nốt luyến láy và đảo phách một cách hợp lý đã tạo nên nét duyên dáng cho bản nhạc, vừa thể hiện rõ nét màu sắc âm nhạc Việt Nam.
 
Tốt nghiệp cử nhân Văn hóa niên khóa 1982 - 1987 tại Hà Nội, Nguyễn Tấn Hùng bước đầu tham gia công tác tại Phòng Văn xã Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Từ 1987 - 1991, anh là cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Lâm Hà. Từ 1992 - 2017, anh là Phó Giám đốc rồi Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lâm Hà. Anh đi nhiều, viết nhiều, trong đó có những ca khúc tiêu biểu như Chiếc gùi, Về Lâm Hà nhé em, Cánh én buôn làng, Tổ quốc ơi! Người đẹp đến vô cùng, Hạt nắng mùa đông, Người dưng…
 
 Mặc dù tuổi đã ngoài 60 nhưng Nguyễn Tấn Hùng vẫn thể hiện phong độ của người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Hiện anh là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng khóa VI, nhiệm kỳ 2017-2022; Chi hội trưởng Chi hội VHNT huyện Lâm Hà. Nói về dự định của mình, anh chia sẻ: “Ca ngợi quê hương, đất nước là một đề tài tôi yêu thích. Trong chuyến đi du lịch đến vùng đảo Cô Tô (Hải Phòng), nghe giới thiệu về cây “Phong ba”, một loại cây mọc trên các vùng đảo với sức sống bền bỉ, trong bão gió, khắc nghiệt nhưng vẫn xanh tươi và nở những bông hoa trắng tinh khiết như sự chịu đựng kiên cường của nhân dân và các chiến sĩ nơi hải đảo. Vì vậy, tôi đang ấp ủ dự định viết về đề tài này”.
 
PHẠM VY PHƯƠNG