Đã từ lâu, sách là chìa khóa vạn năng mở ra cánh cửa tri thức và tâm hồn con người. Sách còn là người thầy thắp sáng lên những ước mơ, khám phá, đồng thời dạy cho ta cách sống sao cho vẹn toàn, đẹp đẽ. Đó còn là phương tiện, là người bạn tri kỷ rất đỗi thân thiết để cùng ta sẻ chia nỗi buồn, vui trong cuộc sống.
Đã từ lâu, sách là chìa khóa vạn năng mở ra cánh cửa tri thức và tâm hồn con người. Sách còn là người thầy thắp sáng lên những ước mơ, khám phá, đồng thời dạy cho ta cách sống sao cho vẹn toàn, đẹp đẽ. Đó còn là phương tiện, là người bạn tri kỷ rất đỗi thân thiết để cùng ta sẻ chia nỗi buồn, vui trong cuộc sống.
Theo thống kê của Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho biết: “Người Việt Nam chưa đọc đến 1 cuốn sách/năm; trẻ em nông thôn được đọc rất ít sách so với trẻ em thành phố; hệ thống thư viện trong các nhà trường gần như không thu hút được học sinh”. Việc đọc sách hiện nay đang đứng trước một nguy cơ, đó là sự mai một thói quen đọc truyền thống bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn.
Trước thực trạng này, ngày 24/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký và ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của mọi người về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc bổ sung kiến thức, kỹ năng sống và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Ngày 21/4 hàng năm còn là dịp kỷ niệm ngày ra đời cuốn sách “Đường kách mệnh” của Bác Hồ, đây cũng là tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt của Bác được in bởi những người thợ in Việt Nam. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là dịp diễn ra Ngày sách và Bản quyền thế giới 23/4, do tổ chức UNESCO phát động, nhằm tôn vinh văn hóa đọc, đồng thời đề cao, tôn trọng bản quyền tác giả trên toàn thế giới. Chính vì vậy, việc tổ chức Ngày sách Việt Nam vào dịp này còn là sự thể hiện hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa của toàn nhân loại.
Dù ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học và đọc sách là một trong những phương thức để hoàn thiện nhân cách. Cha ông ta đã coi việc đọc sách là một hành động văn hóa đẹp. Từ đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách thư viện là một phần quan trọng của việc hình thành văn hóa đọc. Đó là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững. Vì vậy “Ngày sách Việt Nam” là một trong những hành động thiết thực góp phần tôn vinh sự kiện văn hóa cao đẹp này.
Ở Lâm Đồng, để hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4 và Ngày sách và Bản quyền thế giới 23/4, ngay từ những năm đầu tiên cho đến nay, được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Thư viện tỉnh đều đã tổ chức nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi trước, trong và sau ngày hội. Năm nay, hoạt động “Kể chuyện theo sách cấp tỉnh” với chủ đề Sách hồng tuổi thơ được tổ chức vào ngày 14/4/2018, đã chính thức mở đầu cho nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày hội sách năm 2018, được kéo dài cho đến hết ngày 21/4/2018. Tại Thư viện tỉnh, ngoài việc phục vụ bạn đọc tại chỗ, triển lãm ảnh kỷ niệm 43 năm Đại thắng Mùa xuân 75, thư viện còn phối hợp với Thành đoàn Đà Lạt tổ chức một số trò chơi nhằm hướng dẫn phương pháp đọc sách cho các em, chiếu phim phục vụ thiếu nhi, cấp thẻ thư viện miễn phí và phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo TP Đà Lạt tổ chức nhiều cuộc thi như cuộc thi viết cảm tưởng về “Cuốn sách em yêu”, xếp sách nghệ thuật, vẽ tranh theo sách, an toàn giao thông… Về cơ sở, Thư viện tỉnh cũng đã luân chuyển sách về các tủ sách cơ sở trên địa bàn tỉnh theo phương châm “Sách đi tìm bạn đọc”, tổ chức tuyên truyền giới thiệu sách và phục vụ sách lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hỗ trợ các thư viện huyện, thư viện xã, tủ sách cùng tổ chức Ngày hội sách... Đây là những hoạt động được Thư viện tỉnh tổ chức và duy trì đều từ 4 năm qua và đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng các độc giả yêu sách.
Để duy trì bền vững các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc tại tỉnh Lâm Đồng, Thư viện tỉnh cần đảm bảo các yếu tố về vốn tài liệu phong phú, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi và lòng yêu nghề sâu sắc, đồng thời lại phải có cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dùng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động thư viện... Muốn vậy, Thư viện tỉnh rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành có liên quan cùng với sự nỗ lực của bản thân mình.
Hãy bắt đầu từ “Ngày sách Việt Nam”, và mỗi chúng ta cùng tích cực tham gia với tư cách là những bạn đọc chủ thể của các hoạt động ấy, để góp phần xây dựng, phục hưng và nâng tầm “văn hóa đọc” trong cộng đồng các dân tộc nước ta nói chung và Lâm Đồng nói riêng.
VŨ THỊ HẠNH