Trăng của nội, trăng trong ký ức trẻ thơ

08:04, 12/04/2018

Một nhà thơ nổi tiếng đã nói, chỉ những tâm hồn rất trong mới chơi được với con trẻ. Quả hoàn toàn đúng! Chơi được với con trẻ rất khó, càng khó hơn khi được trẻ đáp lại rồi chơi cùng. 

Một nhà thơ nổi tiếng đã nói, chỉ những tâm hồn rất trong mới chơi được với con trẻ. Quả hoàn toàn đúng! Chơi được với con trẻ rất khó, càng khó hơn khi được trẻ đáp lại rồi chơi cùng. 
 
Nhạc sĩ Thu Hường. Ảnh: T.Chu
Nhạc sĩ Thu Hường. Ảnh: T.Chu
Và cái điều rất khó ấy, chị không những làm được, còn làm rất ngọt, rất êm. Chị là nhạc sĩ Thu Hường, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, kết thân với con trẻ bằng giai điệu.
 
“Trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ”, nhà thơ Xuân Diệu từng viết thế! Song, đấy là trăng của kẻ sáng tạo. Trăng ở đây đồng nghĩa với cái đẹp! Còn trăng của nội, hình hài nó ra làm sao? Thì hãy xem cách nhà báo Nguyễn Lương Hiệu nhìn trong “Trăng của nội” sẽ rõ: “Trăng liềm như một miếng cau/ Nghiêng nghiêng rơi xuống cơi trầu bà em/ Quây quần bên nội đêm đêm/ Bao câu chuyện cổ sáng lên cơi trầu”. Sự ví von đậm chất văn học, vừa cụ thể, vừa mơ màng về trăng của nhà báo Nguyễn Lương Hiệu đã chạm vào thẳm sâu ký ức tuổi thơ Thu Hường để rồi giai điệu dần hình thành trong chị và ca khúc cùng tên đã ra đời như một tất yếu. “Năm 2003, tôi gặp anh Hiệu trong một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật tại TP Bảo Lộc do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Bảo Lộc tổ chức. Ở triển lãm đó, anh Hiệu cũng tham gia giao lưu. Mọi người giới thiệu với anh Hiệu, tôi vẫn phổ thơ thành ca khúc. Thế là anh Hiệu xé một tờ giấy từ cuốn sổ tay rồi chép tặng tôi bài thơ”, nhạc sĩ Thu Hường kể.
 
Một người đi ra từ vùng đất bán sơn địa (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) nổi tiếng nghèo khó lại có cả tuổi thơ bện hơi nổi như chị thật khó lòng cưỡng nỗi hình tượng quá tinh tế trong bài thơ xinh xắn, dễ thương, giàu nhạc điệu của nhà báo Nguyễn Lương Hiệu. Chẳng thế mà Thu Hường đã làm nên một ca khúc tươi tắn, rộn ràng, phảng phất chất liệu dân ca. “Ở phần đầu ca khúc, tôi phổ nhạc nguyên xi 4 câu thơ của anh Hiệu. Tuy nhiên, 4 câu thơ không thể làm nên một ca khúc trọn vẹn và vì thế tôi đã viết thêm 4 câu nữa cho phần cuối”, nhạc sĩ Thu Hường chia sẻ.
 
Ca khúc “Trăng của nội” được chị viết theo hình thức 1 đoạn đơn. Mở đầu là 4 câu nhạc, từ “Trăng liềm...” cho đến “... sáng lên cơi trầu”. Giữa ca khúc chị sử dụng 1 câu nhạc nối “À í à í a a” và “À í à í a a”. Phần cuối ca khúc, Thu Hường cũng dùng 4 câu nhạc, từ “Trăng ơi...” cho đến “... lung linh cơi trầu”. 
 
“Trăng của nội” sau đó được chị cho in trong tập “Vầng trăng cánh võng”, Nhà Xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2009, trước khi đưa cho các ca sĩ nhí hát. Tại giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa qua, ca khúc này đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng giải khuyến khích.
 
Theo Thu Hường, tuy giải chưa cao, nhưng nó là một sự khích lệ. Quan trọng hơn, từ giải thưởng trên, chính là sự được sẻ chia bởi những con người đáng kính trong Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam với công việc mà chị đang làm.
 
 
TRỊNH CHU