Hội nghị lần thứ 9 BCHTW Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Lâm Đồng là một tỉnh Nam Tây Nguyên, nằm trong Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; do vậy, UBND tỉnh vừa có Quyết định 296/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án "Bảo tồn và phát triển Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020".
Hội nghị lần thứ 9 BCHTW Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Lâm Đồng là một tỉnh Nam Tây Nguyên, nằm trong Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; do vậy, UBND tỉnh vừa có Quyết định 296/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020”.
Đề án trên nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các cấp chính quyền, cộng đồng và chủ nhân di sản văn hóa trong việc giữ gìn, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” theo cam kết của nước ta với UNESCO. Từng bước khôi phục các giá trị của Không gian trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở Lâm Đồng, góp phần phát triển văn hóa - du lịch trong thời kỳ hội nhập. Bảo tồn, phát huy những giá trị tích cực của Không gian Văn hóa cồng chiêng; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, củng cố niềm tin, phấn khởi trong nhân dân, tạo dựng cơ sở vững chắc góp phần xây dựng con người, văn hóa Việt Nam trên địa bàn phát triển bền vững. Đồng thời, xây dựng thế hệ nghệ nhân trẻ, nòng cốt làm lực lượng kế cận trong bảo tồn và phát huy di sản Không gian; khôi phục các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa với môi trường văn hóa hiện đại để các nghệ nhân và thanh, thiếu niên người dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi hoạt động, thực hành, hòa nhập với xu thế phát triển chung của toàn xã hội nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mỗi dân tộc.
Theo đó, phải đẩy mạnh tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng. Các cấp, các ngành và các địa phương phải hình thành và hỗ trợ hoạt động cho các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống để tạo nơi sinh hoạt và duy trì, bảo tồn giữ gìn văn hóa bản sắc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ cộng đồng trong công tác bảo tồn không gian văn hóa truyền thống liên quan đến môi trường sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Lựa chọn, hỗ trợ bảo tồn, phát triển không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống gắn với môi trường diễn xướng văn hóa cồng chiêng của một số buôn, làng. Tổ chức kiểm kê số lượng, chất lượng, nguồn gốc, chủ chiêng; lập hồ sơ từng bộ chiêng để có phương án quản lý; điều tra tên các bài chiêng có nguy cơ mai một; thống kê danh sách nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng; số lượng đội hoạt động văn nghệ quần chúng có sử dụng cồng chiêng. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác quản lý hoạt động văn hóa cồng chiêng cho cán bộ văn hóa ở cơ sở, cán bộ phụ trách nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Hỗ trợ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, truyền dạy về kỹ năng xướng âm, chỉnh chiêng, kỹ thuật diễn tấu chiêng, phong cách trình diễn... nhằm chuyển giao kỹ năng sử dụng chiêng giữa các thế hệ và truyền dạy các kỹ năng chủ yếu trong bảo tồn văn hóa cồng chiêng (chế tác và sử dụng nhạc cụ, cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ). Tổ chức giao lưu giữa các nghệ nhân cồng chiêng để ghi chép, lưu giữ và hướng dẫn các nghệ nhân trẻ tuổi thực hành di sản văn hóa. Tiếp tục duy trì tổ chức có hiệu quả “Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số Lâm Đồng” ở cấp tỉnh (luân phiên mỗi huyện, thành phố đăng cai tổ chức hằng năm) và cấp huyện cho các dân tộc thiểu số tại chỗ. Tổ chức đưa đoàn nghệ nhân Mạ, K’Ho, Churu tham gia các hoạt động do Bộ VH-TT-DL và các địa phương ngoài tỉnh tổ chức.
Một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng là phải huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ các chương trình, dự án phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát triển Không gian Văn hóa cồng chiêng. Phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đưa hoạt động truyền dạy cồng chiêng vào chương trình ngoại khóa ở các trường dân tộc nội trú.
LAN HỒ